I. Nội dung/ quan niệm của cha mẹ về giáo dục con cái trong các gia đình
1. Nội dung giáo dục:
2.2. Quan niệm về giáp dục tri thức
Trong xã hội dù ở thời đại nào thì những người có tài có trí cũng đều được mọi người coi trọng, đề cao. Sau phẩm chất đạo đức và đồng thời với đạo đức là “tài, trí”. Sự kết hợp giữa đức và tài tạo nên sự hoàn hảo trong nhân cách con người và cũng là mục tiêu của mọi nền giáo dục mà con người hướng tới. Bác Hồ của chúng ta đã dạy: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”.
Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường, đất nước có nhiều chuyển biến trong sự nghiệp đổi mới. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu đãi, bồi dưỡng và phát triển nhân tài phục vụ cho đất nước. Mục tiêu của nền giáo dục đào tạo là xây dựng con người mới “vừa hồng vừa chuyên”. Nhờ thế mà nền giáo dục nước nhà trong thời gian qua đã đạt được kết quả khả quan. Đội ngũ tri thức với trình độ chuyên môn cao ngày càng tăng.
Trong mỗi thời đại và dù ở thời đại nào tri thức đều đóng vai trò rất quan trọng, đều được xem như một mục tiêu giáo dục con người cần đạt đến. Nếu không có tri thức thì cũng đồng nghĩa với việc con người tồn tại một cách thụ động, phụ thuộc hoàn toàn vào thế giới tự nhiên. Vậy tri thức là gì? Có nhiều cách hiểu nhưng chúng ta có thể hiểu theo nghĩa rộng nhất là hệ thống kiến thức tổng hợp về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học kỹ thuật và văn hoá. Vậy để có được tri thức chúng ta phải làm gì? Không cách nào khác chúng ta phải “học”. Khái niệm học ở đây phải hiểu theo nghĩa đầy đủ nhất. “Học” bằng con đường chính thức, phi chính thức…Có thể nói cách khác “học” thông qua quá trình xã hội hoá và cá thể hoá. Trong quá trình ấy giáo dục gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành nhân cách gốc của mỗi người. Lĩnh hội hệ thống tri thức cho phép trẻ có một khả năng suy xét về hiện tại, quá khứ và tương lai để khi trưởng thành có khă năng tự chủ độc lập trong cuộc sống, để không chỉ thích nghi, tồn tại và phát triển, mà còn có khả năng sống vững vàng, tự tin trong sự biến đổi không ngừng của xã hội.
Song không phải nền giáo dục ở đâu cũng có điều kiện phát triển thuận lợi, nền giáo dục tri thức ở nông thôn nói chung và ở địa bàn nghiên cứu của đề tài nói riêng còn gặp khá nhiều khó khăn, do ở đây còn chưa đủ điều kiện phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Mặt khác từ phía gia đình thì trình độ của bố mẹ còn hạn chế, điều kiện kinh tế của các gia đình ở nông thôn còn nhiều bất cập.
Các gia đình thuộc địa bàn xã Vĩnh An, cụ thể là những gia đình thuộc diện nghiên cứu, khi chúng tôi tìm hiểu thì họ đều có mong muốn và nguyện vọng là con cái họ được học hành và thành đạt. Tỷ lệ cha mẹ mong muốn con cái được học cao chiếm 75% trong tổng số mẫu nghiên cứu (theo kết quả thu được từ phiếu điều tra). Từ mong muốn như vậy mà các bậc cha mẹ đã tạo nhiều điều kiện cho con cái mình học tập, lĩnh hội tri thức, dành thời gian giúp con học, cho con học thêm, cố gắng về kinh tế, nâng cao thu nhập để sắm đồ dùng học tập và cho con học thêm…