Nghệ An có diện tích tự nhiên 1.649.368,62 ha, là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, địa hình phong phú, đa dạng, có biển, đồng bằng, trung du và miền núi. Nghệ An có diện tích đất tự nhiên chiếm 5,1% diện tích tự nhiên cả nước.
Theo số liệu thống kê quỹ đất năm 2013, tổng diện tích đất nông nghiệp là 1.238.315,48 ha, chiếm 75,09%, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp: 256.843,9 ha, chiếm 15,57%; đất lâm nghiệp có rừng: 972.910,52 ha, chiếm 58,99%; đất nuôi trồng thủy sản: 7.457,50 ha, chiếm 0,45%; đất làm muối: 837,98 ha, chiếm 0,05%; đất nông nghiệp khác: 256,58%; đất phi nông nghiệp: 124.653,12 ha, chiếm 7,56% và đất chưa sử dụng: 286.056,4 ha, chiếm 17,35%. Với quỹ đất khá lớn, Nghệ An có điều kiện để phát triển trang trại quy mô lớn với nhiều loại sản phẩm đa dạng. Bờ biển dài và nhiều cửa lạch với 3.500 ha nước lợ, có khả năng phát triển các trang trại nuôi trồng thuỷ sản.
Diện tích đất chưa sử dụng của tỉnh còn khá nhiều, chủ yếu là đất đồi núi (chiếm 16,1% tổng diện tích đất tự nhiên), nếu được khai thác và đầu tư hợp lý thì đây là nguồn đất lớn bổ sung cho các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong số diện tích đất chưa sử dụng, đất có khả năng phát triển các trang trại trồng cây công nghiệp ngắn ngày (lạc, vừng), cây công nghiệp dài ngày (cà phê, chè…) và cây ăn quả (dứa, cam…).
Nghệ An có hai loại đất chính: đất phù sa ở vùng đồng bằng và đất feralit ở vùng đồi núi. Đất phù sa chủ yếu do sông Cả và các phụ lưu bồi đắp, phù hợp với việc trồng cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Đất feralit tập trung chủ yếu ở vùng trung du miền núi, gồm nhiều loại: đất feralit trên đá vôi, đá phiến sét, đất đỏ bazan phù hợp với trồng cây công nghiệp, cây
ăn quả và trồng rừng. Đất đai tạo điều kiện trồng một số cây có giá trị hàng hóa như: chè, cà phê, sắn, mía, cây ăn quả: cam, dứa, vải…
Đất đai lớn là tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm, thuỷ sản trên quy mô lớn, tập trung, tạo vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến các loại sản phẩm từ cây công nghiệp dài ngày, ngắn ngày, cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm v.v.. . Ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ,
Nghệ An có điều kiện tự nhiên khá thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại.