* Kinh nghiệm của Lâm Đồng
Lâm Đồng là một trong những địa phương có kinh tế trang trại phát triển mạnh nhất cả nước với số lượng lớn các trang trại trồng trọt lớn được áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và mang hiệu quả kinh tế cao cho địa phương này. Sự phát triển nhanh và có hiệu quả của kinh tế trang trại đã góp phần quan trọng vào sự phát triển tương đối nhanh và bền vững của nền kinh tế Lâm Đồng, đặc biệt là trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Năm 2005, tuy chỉ chiếm 3,06% số hộ làm nông nghiệp với diện tích chỉ bằng 7,84% diện tích nông nghiệp toàn tỉnh nhưng giá trị thu nhập của các trang trại ở Lâm Đồng đã chiếm tới 13,8% giá trị GDP của toàn ngành nông nghiệp với 99% sản phẩm dành cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Nói chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh trên 1 ha đất canh tác của các trang trại cao gấp 1,76 lần so với kinh tế hộ và các hình thức tổ chức sản xuất khác trong nông nghiệp, góp phần khai thác có hiệu quả nhiều vùng đất trống, đồi núi trọc, vùng sâu, vùng xa, góp phần hình thành nhanh và vững chắc các vùng chuyên canh cây công nghiệp, cây đặc sản tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp chế biến phát triển. Kinh tế trang trại phát triển cũng tạo điều kiện huy động nguồn lực sẵn có trong dân, trước hết là vốn đầu tư cho phát triển sản xuất. Đến năm 2005, đã có gần 700 tỷ đồng đầu tư cho trang trại, trong đó gần 93% là nguồn vốn trong dân, chỉ có 7,4% là nguồn vốn
tín dụng của ngân hàng. Trang trại phát triển cũng đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giải quyết lao động thiếu việc làm ở cả thành thị và nông thôn từng bước nâng cao dân trí và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhiều cộng đồng dân cư, nhất là vùng đồng bào đân tộc, vùng kinh tế mới. Hàng năm, các trang trại ở Lâm Đồng đã giải quyết được việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Có thể nói, trang trại phát triển đã góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao trình độ văn hóa và tay nghề cho bà con nông dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về thu nhập và trình độ nhận thức giữa nông thôn và thành phố. Kinh tế trang trại đã tự khẳng định là hình thức tổ chức sản xuất và quản lý sản xuất tiên tiến trong nông nghiệp, là bước đột phá để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Lâm Đồng.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI TỈNH NGHỆ AN