hợp giữa truyền thống và hiện đại, khẳng định được thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế du lịch của tỉnh thì mục tiêu đến năm 2020 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn, có đẳng cấp trong khu vực; ngành Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính chuyên nghiệp, hiện đại, sản phẩm du lịch có chất lượng và thương hiệu cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa của tỉnh, văn hóa Việt Nam và thân thiện môi trường. Để thực hiện quan điểm này cần thực hiện tốt các yêu cầu sau:
Một là, để xây dựng tính chuyên nghiệp, vừa truyền thống vừa hiện đại, kinh tế du lịch tỉnh Thanh Hóa cần phát triển theo chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch và các
nguồn lực. Phát triển không chỉ dừng ở các chỉ tiêu số lượng, quy mô, loại hình, tốc độ, thu nhập, tăng trưởng cho điểm đến mà xa hơn nữa, phát triển chiều sâu thể hiện cuối cùng ở giá trị trải nghiệm, chất lượng thụ hưởng du lịch, mức độ hài lòng và thỏa mãn nhu cầu của du khách. Chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế du lịch được thể hiện là không ngừng nâng cao giá trị thụ hưởng du lịch cho du khách thông qua việc thu hút ngày càng nhiều khách du lịch thuần túy, khách quay trở lại lần sau, khách có khả năng chi trả cao, thời gian lưu trú dài và đặc biệt là khách nước ngoài...
Hai là, phát triển theo chiều sâu hệ thống sản phẩm du lịch, có chất lượng, giá trị cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian tới du lịch tỉnh Thanh Hóa cần xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, đặc sắc, có chất lượng, giá trị cao, trở thành những thương hiệu du lịch nổi tiếng và tạo nên sự khác biệt, mang đặc trưng riêng theo từng không gian ưu tiên phát triển kinh tế du lịch ở các khu vực trọng điểm tập trung vào các loại hình du lịch chủ yếu như: Du lịch nghỉ dưỡng biển, vui chơi giải trí, du lịch thăm quan nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học du lịch thăm quan, nghiên cứu các giá trị văn hoá Việt Nam, du lịch hành hương lễ hội. Sản phẩm du lịch cần được xây dựng trên cơ sở khai thác chiều sâu văn hóa và giá trị thiên nhiên hấp dẫn của tỉnh, trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch văn hóa dựa trên các di sản văn hoá của tỉnh; lấy du lịch văn hóa làm cơ sở để góp phần phát huy các tinh hoa văn hóa tỉnh và làm nền tảng cho việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
Khuyến khích việc đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều loại hình vui chơi, giải trí ở các điểm như trung tâm thành phố Thanh Hoá, Sầm Sơn… và xây dựng thêm các điểm vui chơi giải trí mới của tỉnh; ở mỗi điểm vui chơi giải trí cần nghiên cứu để tạo ra sản phẩm độc đáo có bản sắc riêng, tránh sự trùng lập trong thiết kế và hình thức tổ chức. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề này
cần thiết phải có sự hợp tác chỉ đạo chung giữa các doanh nghiệp. Từ đó, có thể tạo ra được một bức tranh đa dạng của những sản phẩm độc đáo có tính hấp dẫn lớn trên phạm vi toàn tỉnh. Đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để kéo dài ngày lưu trú của du khách trên địa bàn Thanh Hoá.
Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch của tỉnh Thanh Hóa. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch là yếu tố quyết định đến kết quả hoạt động của ngành du lịch. Điều đó đặt ra cho Tỉnh phải đào tạo được đội ngũ lao động trình độ cao và chuyên nghiệp ở tất cả các lĩnh vực: Lữ hành, khách sạn, nhà hàng, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, vận chuyển, khu điểm du lịch, cán bộ quản lý Nhà nước ở các cấp (huyện, xã). Mục đích để nâng cao chất lượng phục vụ, văn hóa ứng xử, tạo dấu ấn sâu đậm cho du khách về Thanh Hóa, làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Tính hiện đại thể hiện trong quy hoạch phát triển du lịch, không nhất thiết là những công trình vĩ đại mà thể hiện trong quan điểm sử dụng dịch vụ, tính tiện nghi với chức năng thông minh được hỗ trợ bởi công nghệ cập nhật, hiện đại trong phong cách dịch vụ và được thể hiện trong các chi tiết của sản phẩm và kỹ năng của người phục vụ. Tính truyền thống dân tộc thể hiện trong phát triển sản phẩm du lịch khai thác các tinh hoa của văn hóa xứ Thanh nói riêng và của vùng miền nói chung.