Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Thanh Hóa

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ KINH tế CHÍNH TRỊ PHÁT TRIỂN KINH tế DU LỊCH ở TỈNH THANH hóa (Trang 73 - 76)

Đây là giải pháp giữ vị trí then chốt. Vì để du lịch phát triển thì nâng cao nguồn nhân lực là yếu tố hàng đầu. Chương trình phát triển nguồn nhân lực là định hướng chiến lược, căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các cơ sở đào tạo thực hiện, đáp ứng đúng, đủ nhu cầu mà ngành Du lịch cần.

Để thực hiện tốt giải pháp này, cần phải thực hiện tốt các biện pháp cơ bản sau đây:

Một là, xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Đối với tỉnh Thanh Hóa hiện nay, chương trình phát triển nguồn nhân lực du lịch cần xác định rõ cơ cấu đào tạo lao động hợp lý, đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ trong ngành đồng thời đảm bảo tiết kiệm lao động. Đề xuất các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong bộ máy quản lý du lịch của Tỉnh. Xây dựng cơ chế hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chú ý việc đào tạo mới và đào tạo lại lực lượng lao động hiện có phù hợp với bước phát triển của ngành. Xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nguồn nhân lực, phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế tạo để điều kiện cho hội nhập quốc tế về lao động trong du lịch...

Hai là, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng vừa và cao cho ngành Du lịch phù hợp với tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn nhân lực du lịch tỉnh Thanh Hóa đang trong tình trạng thừa mà thiếu (chủ yếu vẫn là nhân lực ở trình độ phổ thông), việc ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng vừa và cao được coi là điểm mấu chốt để giải bài toán thiếu lao động của các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu “nóng” của các doanh nghiệp cả trước mắt cũng như lâu dài.

Có chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao (đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ) về công tác tại các khu du lịch; gửi cán bộ, nhân viên ngành Du lịch đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong nước; tổ chức tham quan học tập mô hình, kinh nghiệm trong và

ngoài nước về phát triển kinh tế du lịch bền vững. Lựa chọn các cán bộ trẻ, có năng lực để đào tạo tại nước ngoài để tạo cán bộ nguồn cho bộ máy quản lý du lịch. Kết hợp với các cơ sở đào tạo trong nước mở các lớp đào tạo theo những hình thức phù hợp để bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong các doanh nghiệp du lịch.

Thực hiện việc tự đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch trong các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề, đa dạng hoá các loại hình trường, lớp, trung tâm và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng du lịch. Khuyến khích mở các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch ở các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội…ngành Du lịch kết hợp với các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp mở những lớp tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng ngắn ngày, ngoài giờ ngay tại cơ sở du lịch để nâng cao tay nghề cho người lao động mà không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thu hút các nhà quản lý, các nhà khoa học có trình độ, các doanh nhân, nghệ nhân, chuyên gia, công nhân kỹ thuật tay nghề bậc cao tham gia đào tạo nguồn nhân lực.

Ba là, thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục cộng đồng trong phát triển kinh tế du lịch.

Quán triệt tới các cấp, các ngành, các đơn vị, các tầng lớp nhân dân về vai trò, nhiệm vụ phát triển kinh tế du lịch ở tỉnh Thanh Hóa, tác động, đóng góp tích cực của ngành Du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư thực hiện cuộc vận động “Người dân xứ Thanh Văn minh - Thanh lịch”; giáo dục bồi dưỡng những kiến thức về văn minh thương mại, văn minh du lịch, xây dựng văn hóa giao tiếp, thái độ ân cần, niềm nở để cộng đồng có những hành vi ứng xử phù hợp với các hoạt động du lịch, tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách; ra sức khắc phục những mặt yếu kém trong giao tiếp với khách du lịch, gìn giữ môi trường văn hóa du lịch, giáo dục cho cộng đồng về lịch sử truyền

thống lâu đời của của người xứ Thanh thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn đối với khách tham quan du lịch.

Chú trọng công tác đào tạo nghề cho cư dân địa phương liên quan đến hoạt động du lịch; triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng như cấp nước sạch, giáo dục, y tế… để nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện để cộng đồng cư dân tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển kinh tế du lịch. Ưu tiên phát triển tại chỗ, sử dụng nhân lực, lao động giản đơn là đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực có cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi Quan Hóa, Bá Thước… tiến tới xã hội hóa công tác phát triển nguồn nhân lực tại các khu, điểm du lịch. Tỉnh Thanh Hóa cần chủ động giao các ngành phối hợp và định hướng cho các doanh nghiệp du lịch tham gia trực tiếp vào việc triển khai các dự án hỗ trợ cộng đồng mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đóng vai trò là cơ quan đầu mối thực hiện các chương trình giáo dục cộng đồng.

Một phần của tài liệu LUẬN văn THẠC sĩ KINH tế CHÍNH TRỊ PHÁT TRIỂN KINH tế DU LỊCH ở TỈNH THANH hóa (Trang 73 - 76)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(104 trang)
w