7. Kết cấu của luận văn
1.3.3. Giai đoạn từ năm 2003 đến nay
Giai đoạn này pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam được đánh dấu một bước ngoặt lớn bằng sự ra đời của BLTTDS năm 2004. BLTTDS được Quốc hội thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2004, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2005
là mốc quan trọng của pháp luật tố tụng dân sự nói chung cũng như các quy định về giám đốc thẩm dân sự nói riêng. Đây là lần đầu tiên thủ tục tố tụng dân sự được quy định trong một văn bản pháp luật có giá trị pháp lý và tính pháp điển hóa cao là Bộ luật. Điểm mới cơ bản của văn bản pháp luật này là toàn bộ các loại vụ, việc dân sự, kinh tế và lao động cùng là đối tượng điều chỉnh trong BLTTDS năm 2004 (Những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án từ Điều 25 đến Điều 32), thủ tục giám đốc thẩm được quy định tại BLTTDS năm 2004 cũng có những sự thay đổi lớn so với các văn bản pháp luật tố tụng dân sự trước đó, trong đó phải kể đến các căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Đối với thủ tục giám đốc thẩm, trước đây quy định về thủ tục giám đốc thẩm trong PLTTGQCAVDS gồm có 7 điều thì nay vẫn đề này được bổ sung và cụ thể hóa tại 22 điều của BLTTDS bao gồm các vấn đề như: tính chất của giám đốc thẩm, căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;
phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm; quyết định kháng nghị giám đốc thẩm; hoãn, tạm đình chỉ thi hành án bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật; thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; thay đổi, bổ sung, rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm; thẩm quyền giám đốc thẩm; những người tham gia phiên tòa giám đốc thẩm; thời hạn mở phiên tòa giám đốc thẩm; chuẩn bị mở phiên tòa giám đốc thẩm; chuẩn bị phiên tòa giám đốc thâm; quyết định giám đốc thẩm; hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm. Với hàng loạt các quy định chi tiết trên làm cho thủ tục giám đốc thẩm thực hiện chặt chẽ hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của hoạt động giám đốc thẩm dân sự.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế và sự phức tạp của các tranh chấp dân sự, kinh tế, lao động trong những năm gần đây, việc thực hiện BLTTDS năm 2004 bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập đòi hỏi sự thay đổi phù hợp hơn trong công tác lập pháp nên tại Nghị quyết số 49-NQ/TW
ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã đề ra nhiệm vụ cải cách tư pháp trong đó đề cập đến việc hoàn thiện thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là một trong những nhiệm vụ quan trong của công cuộc cải cách tư pháp.
Trên cơ sở Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và trước yêu cầu của thực tế, Quốc hội đã tiến hành sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2004, trong đó phần thủ tục giám đốc thẩm được sửa đổi, bổ sung tương đối nhiều.
Tại Điều 284 và 288 của BLTTDS năm 2004 đã được sửa đổi bổ sung năm 2011 (sau đây gọi tắt là BLTTDS năm 2011) quy định về thời hạn mà đương sự có quyền đề nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm của người có thẩm quyền kháng nghị ở hai điều luật khác nhau. Trước đây, BLTTDS năm 2004 không phân định rõ ràng về thời hạn đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm và thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, mà chỉ quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là trong ba năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Việc quy định về thời hạn chung chung như vậy dẫn đến việc trong thực tế sắp hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thậm chí có những bản án, quyết định đã được thi hành án xong thì đương sự mới có đơn khiếu nại gửi đến người có thẩm quyền kháng nghị, gây khó khăn trong việc thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại.
Mặc dù BLTTDS năm 2011 có sự khống chế về thời hạn có quyền đề nghị xem xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật tại Điều 284 nhưng lại có sự mở rộng và nới lỏng về thời hạn xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tại Điều 288. Theo Điều 288 thì người có thẩm quyền kháng nghị được quyền kháng nghị trong thời hạn là ba năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, hoặc đã hết thời hạn kháng nghị nhưng
có thể được kéo dài thêm 2 năm kể từ ngày hết kháng nghị nếu đảm bảo được các điều kiện như: Đương sự đã có đơn đề nghị theo quy định tại Khoản 1 Điều 284 BLTTDS và sau khi đã hết thời hạn kháng nghị quy định tại Khoản 1 Điều 288 đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị; hoặc bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có vi phạm pháp luật theo quy định tại Điều 283 BLTTDS, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba, xâm phạm lợi ích của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
Điểm mới cơ bản trong BLTTDS năm 2011 là việc bổ sung Chương XIXa với tên gọi "Thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao" nhằm khắc phục những sai sót của HĐTP TANDTC và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 310a BLTTDS năm 2011 thì khi có căn cứ xác định quyết định của HĐTP TANDTC có vi phạm nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà HĐTP TANDTC, đương sự không biết được khi ra quyết định đó thì HĐTP TANDTC xem xét lại nếu có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) hoặc đề nghị của Chánh án TANDTC. Như vậy, theo quy định của BLTTDS năm 2011 thì việc xem xét lại quyết định của HĐTP TANDTC theo thủ tục đặc biệt được dựa trên yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, kiến nghị của Viện trưởng VKSNDTC hoặc đề nghị của Chánh án TANDTC chứ không phải dựa trên kháng nghị của Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC như thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm thông thường được quy định từ tại Chương XVIII của BLTTDS.
Như vậy, để xây dựng được chế định về giám đốc thẩm trong pháp luật tố tụng dân sự như hiện nay, pháp luật tố tụng dân sự nước ta đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn, nhằm mục đích để ngày càng
phù hợp hơn với thực tế giải quyết khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa và bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
1.4. GIÁM ĐỐC THẨM THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI