Các quy định về quyết định giám đốc thẩm

Một phần của tài liệu Giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 66 - 69)

7. Kết cấu của luận văn

2.2.6. Các quy định về quyết định giám đốc thẩm

Quyết định giám đốc thẩm là văn bản do Hội đồng giám đốc thẩm ban hành, thể hiện quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm về việc giải quyết vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị.

Quyết định giám đốc thẩm có hình thức gần giống như bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm nhưng nội dung khác với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm trực tiếp quyết định về quyền và nghĩa vụ của đương sự, còn quyết định giám đốc thẩm không quyết định trực tiếp quyền và nghĩa vụ của đương sự mà quyết định về quyền và nghĩa vụ của họ thông qua việc phán quyết tính phù hợp với pháp luật của bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

Theo quy định tại Điều 301 BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 thì Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quyết định giám đốc thẩm phải có các nội dung sau đây:

Ngày, tháng, năm và địa điểm mở phiên tòa; họ, tên các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm. Trường hợp Hội đồng giám đốc thẩm là Ủy ban thẩm phán TAND cấp tỉnh hoặc HĐTP TANDTC thì ghi họ, tên, chức vụ của chủ tọa phiên tòa và số lượng thành viên tham gia xét xử; họ, tên thư ký tòa án, kiểm sát viên

tham gia phiên tòa; tên vụ án; tên, địa chỉ của các đương sự trong vụ án; tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; quyết định kháng nghị, lý do kháng nghị; nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm trong đó phải phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng nghị; điểm, khoản, điều của BLTTDS mà Hội đồng giám đốc thẩm căn cứ để ra quyết định; Quyết định của Hội đồng giám đốc thẩm.

Theo quy định tại Điều 302 BLTTDS thì quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định.

Trong thời hạn năm ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Hội đồng giám đốc thẩm phải gửi quyết định giám đốc thẩm cho: đương sự và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quyết định giám đốc thẩm;

Tòa án ra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; VKS cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Điều 302 BLTTDS chỉ quy định về thời gian bắt đầu có hiệu lực của quyết định giám đốc thẩm. Tuy nhiên, tại đề tài "Giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam - Một số vấn đề về lý luận và thực tiễn", tác giả Mai Ngọc Dương cho rằng:

Hiệu lực pháp lý của Quyết định giám đốc thẩm chỉ thực sự có giá trị khi được Tòa án cấp dưới được giao xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm tôn trọng. Nhiều trường hợp khi được giao xét xử lại thì Tòa án cấp dưới chưa thực sự tôn trọng các nhận định, đánh giá, phán quyết của Quyết định giám đốc thẩm mà vẫn tiến hành xét xử như một vụ án bình thường. Thậm chí có vụ án xảy ra tình trạng bản án sơ thẩm hoặc bản án phúc thẩm lần hai tuyên trái ngược với nhận định, đánh giá của Quyết định giám đốc thẩm dẫn đến tình trạng lại phải xử lại để sửa sai... [5, tr. 116].

Quan điểm trên của tác giả Mai Ngọc Dương cũng có phần đúng trong thực tế. Tuy nhiên, hiện nay không có bất kỳ điều luật nào của BLTTDS quy

định Tòa án cấp dưới khi xét xử lại vụ án buộc phải tuân theo các nhận định, đánh giá của Hội đồng giám đốc thẩm. Do đó, việc nghiên cứu và đưa các Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng giám đốc thẩm trở thành án lệ đang được các nhà nghiên cứu về pháp luật tố tụng dân sự hết sức quan tâm trong thời gian gần đây.

KẾT LUẬN CHƯƠNG 2

Qua phân tích các quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành về thủ tục giám đốc thẩm dân sự, trên cơ sở đối chiếu, so sánh với các quy định trong các PLTTGQCVADS và BLTTDS năm 2004 có thể nhận xét về các quy định của BLTTDS về vấn đề giám đốc thẩm như sau:

Bộ luật tố tụng dân sự hiện nay quy định tương đối chi tiết về các vấn đề của giám đốc thẩm như: phát hiện bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật cần xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm; hình thức và nội dung đơn đề nghị, thủ tục nhận và xem xét đơn đề nghị; người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, những vấn đề về phiên tòa giám đốc thẩm. Nhìn chung, BLTTDS đã quy định khá chặt chẽ về thủ tục giám đốc thẩm, đã khắc phục được phần nào những hạn chế trong PLTTGQCVADS và BLTTDS năm 2004.

Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu tác giả của luận văn còn thấy có một số vấn đề chưa thực sự phù hợp như: Thời hạn mà đương sự có quyền đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; Hội đồng giám đốc thẩm, phạm vi giám đốc thẩm; hiệu lực của Quyết định giám đốc thẩm.

Để việc thi hành các quy định của BLTTDS về thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm có hiệu quả hơn thì cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn nhằm giải thích rõ một số quy định về giám đốc thẩm như: căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, thời hạn giám đốc thẩm.

Chương 3

THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIÁM ĐỐC THẨM VÀ KIẾN NGHỊ

3.1. THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ GIÁM ĐỐC THẨM

Một phần của tài liệu Giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự việt nam (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)