Tổng hợp ý kiến của các cán bộ quản lý trong công tác chuyển QSDĐ

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Chi Lăng giai đoạn 2006 đến 2010 (Trang 70 - 72)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

3.4.1.Tổng hợp ý kiến của các cán bộ quản lý trong công tác chuyển QSDĐ

Trong công tác chuyển QSDĐ, đối với huyện Chi Lăng, là một huyện thuộc khu vực miền núi phía Bắc, người dân ở đây, đặc biệt là đối với người dân thuộc các xã vùng sâu vùng xa thì họ còn mang tư tưởng lạc hậu, những suy nghĩ nhất quán, rất khó giải thích cho họ hiểu về pháp luật đất đai và yêu cầu họ làm theo đúng trình tự thủ tục. Trình độ dân trí còn chưa cao, nhiều người còn không biết chữ nên khó khăn trong việc viết văn bản và làm các thủ tục liên quan.

Nhận thức của người dân ở huyện còn mang nhiều tính chất phong tục, tập quán khó tác động nên khó khăn trong việc vận dụng luật, nhiều trường hợp còn gây khó dễ cho cán bộ chuyên môn thực hiện công việc.

Trong việc công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển QSDĐ, một số cán bộ tư pháp không có chuyên môn về lĩnh vực đất đai nên không thể tránh khỏi sai sót, làm chậm tiến độ giải quyết.

Từ luật đất đai năm 2003 ra đời, đối với tỉnh Lạng Sơn là một tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc, còn khó khăn về mọi mặt so với các tỉnh đồng bằng, nên việc cập nhật và áp dụng các văn bản luật, các quy định mới còn chậm, và có nhiều sai sót tại thời điểm mới khi luật mới ra đời, nên hiện tại còn có nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện tiếp và giải quyết.

Hệ thống các phần mềm, công cụ tích hợp bản đồ còn chưa chuẩn nên đôi khi việc thực hiện thao tác trên bản đồ còn nhiều khó khăn.

Trong công tác chuyển QSDĐ nói riêng và công tác quản lý đất đai nói chung, hệ thống văn bản pháp Luật đất đai nhiều và phức tạp, nhiều khi nghiên cứu các văn bản luật nhiều cán bộ còn có những ý hiểu khác nhau. Hệ thống văn bản liên quan đến lĩnh vực đất đai còn nhiều điểm chưa thống nhất, chưa nhất quán với các bộ luật khác, một số quy định phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần, thậm chí nhiều văn bản vừa có hiệu lực đã lạc hậu so với thực tiễn... Chính sách đất đai bất cập dẫn đến nhiều khó khăn phức tạp trong giải các trình tự thủ tục về đất đai. Vì vậy các cơ quan ban ngành cần tạo điều kiện hơn nữa trong công tác tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn cho các cán bộ quản lý, đặc biệt là đối với cán bộ thuộc Văn phòng đăng ký QSDĐ và cán bộ địa chính các xã.

Cần phải có hệ thống văn bản Pháp luật chặt chẽ hơn nữa về công tác quản lý đất đai, hiện nay nhiều văn bản luật cùng ngành và trái ngành còn khác nhau, rất khó trong việc thực hiện trình tự thủ tục liên quan đa ngành.

Công tác quản lý hồ sơ lưu trữ còn thiếu và yếu nên gặp khó khăn trong quá trình rà soát, kiểm tra hồ sơ, gây mất thời gian trong quá trình thực hiện.

Cần được đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý đất đai, đặc biệt là đối với các phần mềm dùng để quản lý đất đai cần được thống nhất theo hệ thống từ trên xuống, và cần những phiên bản chất lượng tốt để thực hiện các công việc được tốt hơn.

Một phần của tài liệu Đánh giá công tác chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện Chi Lăng giai đoạn 2006 đến 2010 (Trang 70 - 72)