• Quy mô sản xuất
Việt Nam là một trong năm nhà sản xuất giày dép hàng đầu thế giới với công suất 920triệu đôi/năm với 90% sản phẩm là cho xuất khẩu. Việt Nam hiện có 4 phương thức sản xuất giày dép.
+ Một là, gia công thuần túy, nghĩa là, nhà máy chỉ nhận vật tư, nguyên liệu được cung cấp từ đối tác nước ngoài, không phải thanh toán tiền vật tư, nguyên liệu và sau khi dùng vật tư, nguyên liệu đó theo quy trình công nghệ đã được chọn sẵn phía nước ngoài, làm ra sản phẩm, rồi xuất giao lại cho phía đối tác nước ngoài và nhận tiền công.
+ Hai là, mua nguyên liệu bán thành phẩm, cũng gần giống phương thức thứ nhất
nhưng nhà máy phải tự mua vật tư và thanh toán tiền vật tư.
+ Ba là, sản xuất theo doanh nghiệp gọi hiện nay là hàng FOB, có 2 phương thức khác nhau, thứ nhất là xuất hàng FOB, sản xuất cho các thương hiệu nước ngoài, tiêu thụ ở thị trường xuất khẩu và thứ hai là sản phẩm mang thương hiệu cửa chính doanh nghiệp đó. Những phương thức này hiện nay thực hiện được rất ít vì thương hiệu của ta chưa đủ mạnh. Với khoảng gần 1000 doanh nghiệp giày dép hoạt động, thu hút hơn một triệu lao động trực tiếp và gián tiếp, 80% là phụ nữ, ngành giày dép Việt Nam có tầm quan trọng đối với việc thu hút lao động và chịu sự chi phối của các công ty nước ngoài. Năng lực sản xuất toàn ngành da giày năm 2019 đạt 1899 triệu đôi giày dép các loại với mức sử dụng da thuộc thành phẩm 450 triệu feet vuông, năm 2020 tuy ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc xuất khẩu hàng hóa đi nước ngoài trì trệ nhưng vẫn đạt 1672 triệu đôi với mức sử dụng da thành phẩm 360 triệu feet vuông.
Năng lực sản xuất của ngành chủ yếu tại các cơ sở ngoài quốc doanh và có yếu tố nước ngoài, chiếm trên 90% năng lực của ngành. Điều này cho thấy năng lực ngành da giày Việt Nam phụ thuộc nhiều vào làn sóng đầu tư của tư bản tư nhân trong nước và quốc tế. Theo thống kê của LEFASO thì hiện tại có 213 hội viên kinh doanh các mặt hàng về da giày trong nước, trong đó có 124 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 50 công ty cổ phần, 23 công ty 100% vốn nước ngoài, 9 công ty liên doanh, 3 doanh nghiệp nhà nước và 3 công ty TNHH nhà nước một thành viên. Sự tham gia của các doanh nghiệp
ngoài quốc doanh và các công ty 100% vốn nước ngoài đã thực sự giúp cho ngành giày dép nước ta biến chuyển.
• Cơ cấu doanh nghiệp sản xuất
Theo khảo sát của hiệp hội da giày Việt Nam (LEFASO), tới năm 2020 có khoảng gần 1000 doanh nghiệp giày dép với hơn 2 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Đa số các doanh nghiệp trong ngành tập trung ở Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam có sự tham gia của các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty tư nhân, các doanh nghiệp sản xuất thủ công. Trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp nhà nước có nhiều lợi thế so với các doanh nghiệp khác về vốn, cơ sở kỹ thuật và nguyên liệu, kinh nghiệm và các mối quan hệ giao thương để có thể chủ động tìm kiếm và mở rộng thị trường, học hỏi các mô hình thương mại cũng như các phương thức giao dịch quốc tế. Bên cạnh đó là các lợi thế về chất lượng được đảm bảo, giá cả, điều kiện giao hàng và nâng cao uy tín, hiệu quả xuất khẩu.
Hiện thời các doanh nghiệp tư nhân cũng góp phần lớn trong xuất khẩu giày dép. Với lợi thế là sự tổ chức lao động một cách linh hoạt và năng động và sự thay đổi để đáp ứng nhu cầu thị trường cùng với sự thích ứng nhanh chóng với quá trình thay đổi của cơ chế thị trường, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả hơn các doanh nghiệp nhà nước. Sản phẩm giày dép của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được chất lượng cao ở thị trường xuất khẩu quốc tế bởi thiết bị và công nghệ của họ hiện đại hơn các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nguồn cung cấp nguyên liệu và các hợp đồng xuất khẩu ổn định. Các sản phẩm liên doanh có khuynh hướng chiếm lĩnh thị trường nội địa. Các nước và khu vực đầu tư sản xuất giày dép ở Việt Nam chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Đức, Singapore, ... So sánh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam yếu hơn về sự đầu tư và có ít cơ hội hơn khi tham gia thị trường quốc tế. Hầu như tất cả các doanh nghiệp này không tiếp cận được thị trường nước ngoài và có mối quan hệ trực tiếp với các đối tác nước ngoài. Họ phải thông qua các đối tác trung gian nước ngoài và không có đủ sức cạnh tranh, đặc biệt trong trung và dài hạn. Bên
cạnh đó, họ không có hệ thống phân phối trực tiếp tại thị trường nước ngoài. Các doanh nghiệp này thường phải bán sản phẩm qua các công ty trung gian với giá thấp. Hơn nữa, thiếu thông tin thị trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam cũng có vị trí bất lợi hơn các đối tác nước ngoài khi gia công hay xuất khẩu và quá trình đàm phán.
• Nguyên liệu sản xuất nội địa -Da
Ngành công nghiệp thuộc da ở nước ta có từ năm 1912. Tuy nhiên, công nghệ thuộc da ở nước ta hiện nay so với thế giới vẫn còn ở mức trung bình và lạc hậu. Trình độ công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước có khoảng cách lớn, kiến thức công nghệ rời rạc, thiếu cơ bản và tổng thể, đa số chưa được đào tạo chuyên sâu. Do đó, các doanh nghiệp rất thiếu kinh nghiệm và khó tiếp cận với trình độ công nghệ của các nước tiên tiến trên thế giới.
Theo LEFASO, tính đến nay, đã có hơn 20 nước ở ba châu lục (châu Âu, châu Á và châu Mỹ) trên thế giới xuất khẩu da thuộc vào Việt Nam. Số lượng nhập khẩu sản phẩm da thuộc vào Việt Nam trong năm 2020 cho thấy Đài Loan chiếm thị phần lớn nhất (26,44%), tiếp đến là Trung Quốc (12,7%), Hàn Quốc (12,33%), Thái Lan (9,22%), Hồng Kông (8,73%), Ý (6,39%), Ấn Độ (3,1%), Anh (2,98%) ... Thị phần các sản phẩm da thuộc nhập khẩu từ Nga vào Việt Nam rất nhỏ, chỉ chiếm 0,16%. Nguyên vật liệu sản xuất của ngành giày dép chiếm đến 80% giá trị của sản phẩm, trong đó ngành sản xuất da đóng giày chiếm vai trò quan trọng nhất. Đối với nguồn nguyên liệu da, nhu cầu da thuộc trong nước khoảng 200 triệu sqft/năm, gồm ba loại da trâu, da bò và da lợn. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu da giày, với đàn trâu bò khoảng trên 12 triệu con và mức tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 3,5%, mỗi năm có thể thu mua được khoảng 2 triệu con da, tương đương 1,5 triệu tấn/năm, có thể đáp ứng nhu cầu da thuộc hiện nay. Tuy nhiên, nguồn da trong nước chất lượng lại kém (hầu hết các con da đều nhỏ, bề mặt da có nhiều vết sẹo, ghẻ xước làm cho da có nhiều vết rách, lỗ thủng) do người dân không quan tâm tới vấn đề này ngoài mục đích sử dụng lấy thịt, sữa và làm sức kéo. Vì vậy, tuy lượng da nhiều nhưng không đạt chất lượng. Theo LEFASO, nhu cầu da thuộc năm 2020 của toàn ngành khoảng 360 triệu feet vuông trong khi đó các nhà máy thuộc da của Việt Nam và nước ngoài đầu tư tại Việt Nam mới chỉ sản xuất và đáp ứng được
khoảng 20% nhu cầu da thuộc cả nước 80% còn lại phải nhập khẩu. Hầu hết da thuộc thị trường nội địa chỉ sử dụng để sản xuất giày cấp thấp.
- Vải
Ngành dệt Việt Nam hiện nay vẫn chưa đủ khả năng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho ngành giày, mặc dù năng lực của ngành dệt trong nước là rất lớn (2500 triệu mét vải thoi, không kể khoảng 1200 triệu mét do công ty nước ngoài sản xuất, 150 triệu tấn sản phẩm dệt kim). Việt Nam có thể sản xuất các loại vải bạc 100 % cotton, vải colico làm phần trên đôi giày vải, giày thể thao thấp cổ, vải lót, ... Tuy nhiên chưa dệt được các loại vải giày đặc trưng, chưa đa dạng về chủng loại. Vì vậy, vải nội địa cũng chỉ dùng trong sản xuất giày bảo vệ lao động, không đủ tiêu chuẩn để sản xuất loại giày vải cao cấp. Nếu sản xuất giày cao cấp hơn một chút vẫn phải nhập vải ở nước ngoài
- Nhựa
Ngành nhựa Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 15-20% suốt hơn
10năm qua nhưng giá trị thặng dư của ngành nhựa nói chung và của việc sản xuất giày dép nhựa nói riêng hầu hết rơi vào túi các doanh nghiệp nước ngoài do không chủ động được vấn đề nguyên liệu và phải nhập khẩu, chủ yếu từ các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Hiện cả nước mới chỉ có 3 nhà máy sản xuất nguyên liệu cho ngành nhựa với tổng công suất mỗi năm khoảng 150 nghìn tấn PVC và
500 nghìn tấn nguyên liệu DOP, đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu. Ngoài ra, những loại nguyên liệu cung cấp bởi những nhà sản xuất nội địa cho ngành giày dép nhựa không phong phú và đa dạng. Phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào luôn là thách thức đối với những nhà sản xuất giày dép nhựa
- Cao su
Cao su là loại nguyên liệu được dùng trong ngành giày để sản xuất các chi tiết đế giày, keo dán,... Cao su tự nhiên được sản xuất từ mủ cây cao su, cao su tổng hợp được sản xuất từ các chế phẩm của dầu mỏ qua các quá trình trùng hợp. Việt Nam là một trong những nước sản xuất nhiều cao su tự nhiên ở khu vực Đông Nam Á nên tất cả các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đều tận dụng nguồn cao su tự nhiên của Việt Nam. Cao
su tổng hợp thường dùng SBR, BR, Neoprene (dùng trong keo dán)... và các latex tổng hợp, keo PVAc dùng để cán đúp vải Việt Nam phải nhập khẩu hoàn toàn.
- Giả da
Tất cả simili có bán trên thị trường vật tư giày da phần lớn là nhập từ Đài Loan. Simili làm ở Việt Nam thường cứng và ít chịu nhiệt nên không dùng cho công nghệ lưu hoa. Việt Nam cũng sản xuất được simili mỏng, mềm có thể dùng may lót vòng cổ hay trang trí giày thể thao nhưng lượng sử dụng ít, thay đổi mẫu mã liên tục nên các nhà máy giày thường nhập theo đơn hàng.
- Đế giày
Đang phải nhập gần như toàn bộ nguyên liệu đầu, vật liệu thô hoặc phôi để tạo ra đế giữa, đế ngoài, đế mặt, lót gót và đệm mũi cho mũ giày. Nhiều chi tiết định hình để lắp ghép vào giày thể thao và giày nữ cũng đang phải nhập. Các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất giày thể thao đa số đều có các dây chuyền sản xuất các loại đế ngoài, đế giữa, đế mặt... từ các nguyên liệu thuần cao su, TPR, EVA và các loại cao su biến tính khác. Nói chung họ đã tự túc được các loại đế cần thiết cả cho giày cao cấp. Các doanh nghiệp trong nước chỉ tự cung cấp được các loại đế thuần cao su, thuần TPR, một phần tấm EVA nở xốp cho giày thể thao, một phần phôi nhựa nhiệt dẻo (chủ yếu là PVC) cho gót, đế ngoài, đế giữa giày nữ. Còn hầu hết các loại đế từ TPU, thuần da, đế ép phun từ EVA và từ cao su EVA, các tăng cường gót, các loại đệm không khí, các chi tiết trang trí... đang phải nhập hoặc đang né tránh sản xuất các loại giày có sử dụng đến các chi tiết định hình này. Nói chung, đế cao su, đế mouse xốp cao su hay EVA để làm đế hài, mouse xốp làm bằng latex, gót đế giày bằng nhựa ... đều có thể làm tại Việt Nam nhưng trong đó chỉ có cao su tự nhiên và CaC03 là nguyên liệu trong nước còn toàn bộ phải nhập. Hầu như đệm ngoài của giày nữ (gót sau, đế trước, đế liền) đều sản xuất tại Việt Nam thường bằng PVC, TPR, ABS, PS, PWR, PU. Các nguyên liệu này thường nhập dưới hình thức gia công, tuy nhiên cũng có các công ty thương mại nhập bán tại Việt Nam. Đế giày thể thao đều sản xuất tại Việt Nam (trừ một số đế đặc biệt, số lượng ít chủ hàng phải nhập) thường bằng cao su, TPR, EVA. Riêng khách hàng Adidas nhập đế nhiều hơn các khách hàng khác do đó không được hưởng GSP.
• Nguyên liệu nhập khẩu
Với tốc độ phát triển chậm của ngành thuộc da nội địa, các nguyên phụ liệu luôn phải đặt mua từ các nước khác trên thế giới. Hiện nay, 75% thuộc da phục vụ nhu cầu của toàn ngành giày dép lại phụ thuộc vào nhập khẩu. Giả da được sử dụng trong sản xuất giày thể thao, mặc dù với tỷ trọng xuất khẩu là 50% trị giá giày dép xuất khẩu nói chung, sử dụng lên tới 80% nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, 70 - 80% nguyên liệu chính trong sản xuất giày da và giả da, nguyên phụ liệu (keo dán, nhãn,...) đều được nhập khẩu.
Bảng 2.3: Trị giá nhập khẩu nguyên liệu sản xuất giày dép Việt Nam giai đoạn 2015 – 2020 Đơn vị: Tỷ USD Năm Trị giá nhập khẩu Nguồn: Tổng cục thống kế Việt Nam
Thị trường cung cấp nguyên liệu cho sản phẩm giày dép của Việt Nam là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, ... Trong năm 2020 và những năm trước, Việt Nam nhập khẩu hầu hết nguyên liệu để sản xuất giày dép từ những nước này. Nguyên nhân chính là các thị trường này không chỉ phong phú và đa dạng về nguồn nguyên liệu mà còn có sự đầu tư trực tiếp vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực sản phẩm, gia công giày dép ở quy mô lớn. Nguồn cung cấp từ thị trường này đặc biệt có sự ổn định.