Về phía doanh nghiệp
Đối với các doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu, phụ liệu, cần nâng cấp chất lượng sản phẩm hướng tới sản xuất những nguyên phụ liệu có chất liệu phù hợp với thời trang của Hoa Kỳ hoặc những mặt hàng đặc thù Việt Nam để tạo nét riêng cho sản phẩm sản xuất. Chẳng hạn như, hiện nay có nhiều nông trường nuôi bò theo hình thức chăn thả, khiến da bò hay có những vết trầy xước. Thay vào đó, nên chuyển sang hình thức chăn nuôi trang trại, như thế chất lượng da sẽ đảm bảo hơn, có thể sử dụng để sản xuất các loại giày dép cao cấp, đáp ứng nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ. Những chi tiết nhỏ của sản phẩm như dây giày hay họa tiết trên giày nên có nét nào đó mang phong cách Việt Nam (ví dụ như in biểu tượng nào đó của Việt Nam trên đó) sẽ thu hút được sự chú ý hơn. Mặt khác, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực kinh doanh như khả năng cung ứng hàng hóa kịp thời, phương thức thanh toán linh hoạt, cải thiện cơ sở vật chất và môi trường làm việc của người lao động và các cam kết khác nhằm tăng khả năng tiếp cận được với các tập đoàn lớn để cung ứng nguyên liệu phụ liệu cho các đơn vị gia công tại Việt Nam.
Về phía Nhà nước
Chính phủ cần tạo sự liên kết và hợp tác với các vùng, các tỉnh trong sản xuất nguyên liệu: hỗ trợ, khuyến khích phát triển mạnh chăn nuôi đàn gia súc theo mô hình trang trại. Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho các vùng chăn nuôi trâu bò. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền để người chăn nuôi nhận thức được giá trị của da nguyên liệu phục vụ cho ngành da giày để nâng cao chất lượng da phục vụ cho sản xuất. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với các cơ quan nghiên cầu để nhanh chóng đưa những giống mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi. Trước mắt, đối với những mặt hàng chưa sản xuất được như hóa chất, các nguyên phụ liệu khác, chính phủ nên có những ưu đãi về thuế, tài chính...
cho những sản phẩm nhập khẩu phục vụ cho sản xuất sản phẩm. Chính phủ cần quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu tập trung, vừa tránh tình trạng manh mún, đảm bảo vệ sinh môi trường vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao dịch thuận lợi hơn. Cần có chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào sản xuất và kinh doanh nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất giày dép. Việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này có thể vấp phải một số khó khăn sau: Thống nhất, môi trường đầu tư của Việt Nam chưa thực sự có sức cạnh tranh với nước bạn Trung Quốc khi họ có giá nhân công của họ rẻ hơn và cơ sở hạ tầng tốt hơn.
Thứ hai, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu theo hình thức gia công cho nước ngoài. Đối tác là người quyết định về vấn đề nguyên phụ liệu. Họ thường nhập nguyên phụ liệu từ những nguồn hàng quen biết từ trước và ổn định với sự hài hòa giữa các yếu tố về giá cả, chất lượng và khả năng cung theo yêu cầu. Do đó, những nhà đầu tư có thể quan ngại về vấn đề đầu ra của sản phẩm khi đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu. Một khi các nhà đầu tư nước ngoài đã liên kết chặt chẽ thì khó lòng có thể xen vào để bán hàng cho họ.
Thứ ba, đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi chi phí cao. Bởi vậy, để có thể thực hiện được giải pháp này, Nhà nước cần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, ngành da giày chuyển dần từ phương thức gia công sang hình thức FOB và chủ động sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước. Nhà nước cũng cần có những hỗ trợ ban đầu để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này như thuế, cơ sở hạ tầng...