• Hạn chế
Giá cả hàng hóa không ổn định
Mặc dù giá cả giày dép Việt Nam có sức cạnh tranh tương đối so với các nước khác trên thị trường Hoa Kỳ nhưng do bị lệ thuộc vào nguồn nguyên nhiên liệu nhập khẩu và đơn hàng nên giá cả thường bị biến động không ổn định.
Mẫu mã nghèo nàn
Một trong những điểm yếu lớn nhất lâu nay của ngành giày da Việt Nam vẫn là sự nghèo nàn về mẫu mã chứ không phong phú như sản phẩm giày dép của Đài Loan, Trung Quốc. Mẫu giày Việt Nam hầu như na ná nhau, giá lại cao hơn của Trung Quốc 20-30%. Màu sắc giày dép của Đài Loan, Trung Quốc cũng phong phú hơn với những gam màu tươi sáng, nhất là giày nữ đã bắt kịp với thời trang của những đồ dùng khác như quần áo, túi xách. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thành công trên thị trường xuất khẩu các sản phẩm giày dép của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào những nhà thiết kế có khả năng luôn tạo ra các mẫu mã giày dép hợp thời trang với khách hàng quốc tế. Trong khi giày trong nước chỉ mãi loay hoay với ba màu da chủ đạo là nâu, đen hoặc nửa nâu nửa đen thì Trung Quốc màu sắc hết sức đa dạng. Một màu giày trong nước thường chỉ có 3 - 4 màu, kiểu dáng chừng năm kiểu là hết. Nhưng với giày Trung Quốc màu sắc không dưới mười và kiểu thì phải trên số chục.Với người tiêu dùng Hoa Kỳ với
mức tiêu dùng 7,3 đôi giày một năm, yếu tố giá cả và mẫu mã được đặt lên trên so với chất lượng. Sản phẩm này không đòi hỏi quá bền và sử dụng lâu dài.
Thương hiệu và uy tín sản phẩm còn yếu kém
Do da giày Việt Nam chủ yếu là hàng gia công lại cho các hãng khác của nước ngoài, nên phải lấy tên hiệu của các hãng. Trên thị trường Hoa Kỳ, các sản phẩm giày dép của Việt Nam đều có ghi "made in Vietnam" nhưng dòng chữ đó không tạo được ấn tượng với người tiêu dùng, bởi người tiêu dùng chỉ quan tâm đến tính cách nhãn hiệu mà họ yêu thích. Một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng Hoa Kỳ không biết đến thương hiệu giày dép Việt Nam là do các doanh nghiệp không chú trọng đến công tác xây dựng thương hiệu và chưa có chiến lược quảng bá mang tính quốc gia tại các thị trường nước ngoài. Chỉ có một số ít doanh nghiệp như Vina giày, Bitis bước đầu có sự quan tâm đến công tác xây dựng thương hiệu.
• Khó khăn
Các nước sản xuất có chi phí thấp khác (Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan...) có thể vượt lên Việt Nam tại các thị trường mới nổi do có sự hỗ trợ mạnh của nhà nước và thành phần tư nhân mà lớn nhất là sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm của Trung Quốc có nhiều lợi thế rất lớn về vốn, công nghệ, nguồn nguyên liệu, nhân công, ngành công nghiệp hỗ trợ… Bên cạnh đó, giày dép Việt Nam còn phải cạnh tranh về nhiều phương diện với giày dép của các nước Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... do họ có ưu thế hơn về vốn, công nghệ, đặc biệt là chủ động về nguồn nguyên liệu. Tuy Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã và đang phát huy hiệu quả, song giày dép Việt Nam vẫn đang đứng trước một số bất lợi về thâm nhập thị trường. Mặc dù Việt Nam đã được hưởng mức thuế MFN, song mặt hàng giày dép của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ vẫn phải chịu mức thuế cao hơn so với hàng cùng loại nhập từ một số nước khác do những nguyên nhân sau:
- Việt Nam vẫn chưa được hưởng mức thuế ưu đãi GSP của Hoa Kỳ dành
cho các nước đang phát triển. Hiện nay, có khoảng 140 nước và vùng lãnh thổ được hưởng GSP của Hoa Kỳ - tức là được xuất khẩu giày dép (trừ những mặt hàng chịu sự điều tiết của Hiệp định dệt may) miễn thuế hoặc thuế suất thấp vào Hoa Kỳ, trong đó, có
nhiều nước có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam như Thái lan, Malaysia, Philippin, Indonesia ...
- Hiện tại, có 24 nước trong khu vực Lòng chảo Caribê được hưởng ưu đãi thương mại theo Luật Sáng kiến Khu vực Lòng chảo Caribê; 4 nước thuộc khu vực Asean được hưởng ưu đãi thương mại theo Luật ưu đãi thương mại Asean; gần 40 nước Châu Phi được hưởng ưu đãi thương mại theo Luật Cơ hội cho Phát triển Châu Phi. Giày dép nhập khẩu từ những nước này vào Hoa Kỳ được miễn thuế hoặc được hưởng mức thuê thấp hơn mức thuế MFN rất nhiều. Những nước nói trên cũng là những nước đang phát triển (như Việt Nam) hoặc kém phát triển.
- Hoa Kỳ đã ký hiệp định thương mại tự do khu vực NAFTA (Hoa Kỳ, Canada và Mexico) và hiệp định thương mại tự do song phương với các nước: Israel, Jordan, Singapore, Chi lê, Australia, .... Ngoài ra, Hoa Kỳ đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương khác. Giày dép nhập khẩu từ các nước này đều có những ưu đãi về thuế so với Việt Nam.
- Cước phí và thời gian vận tải hàng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ thường cao
hơn và lâu hơn so với từ các nước khác đến Hoa Kỳ (kể cả từ các nước xung quanh Việt Nam) do khoảng cách địa lý xa và chưa có tuyến vận tải biển hoặc hàng không trực tiếp giữa hai nước. Ví dụ, hiện nay, cước phí vận tải biển từ Việt Nam sang Hoa Kỳ cao hơn từ Trung Quốc sang Hoa Kỳ khoảng 15 - 20%. Thời gian vận tải từ Việt Nam sang bờ Tây Hoa Kỳ trung bình khoảng 30 - 45 ngày so với từ Trung Quốc khoảng 12 - 18 ngày. Cước phí cao và thời gian vận tải dài là bất lợi cho việc cạnh tranh xuất khẩu giày dép sang Hoa Kỳ so với các nước khác.
- Hệ thống pháp luật thương mại của Hoa Kỳ rất phức tạp và chồng chéo. Giày dép nhập khẩu vào Hoa Kỳ chịu sự điều tiết của nhiều luật khác nhau: cả luật liên bang lẫn luật bang. Trong khi đó sự hiểu biết của các doanh nghiệp giày dép Việt Nam về pháp luật Hoa Kỳ liên quan đến thương mại nói chung và nhập khẩu vào Hoa Kỳ nói riêng còn rất hạn hẹp. Quan hệ chính trị giữa hai nước, tuy đang được cải thiện, xong vẫn còn nhiều nhạy cảm. Nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ chưa thực sự quan tâm phát triển quan hệ thương mại và đầu tư với Việt Nam. Do còn có sự chống đối quan hệ với Việt Nam của một bộ phận người Việt tại Hoa Kỳ, nên nhiều Việt kiều ở Hoa Kỳ muốn phát
triển quan hệ buôn bán và đầu tư với Việt Nam còn e ngại và chưa mạnh dạn làm ăn với trong nước. Việt Nam vẫn bị Hoa Kỳ coi là nước có nền kinh tế phi thị trường; do vậy, phải chịu nhiều bất lợi trong các vụ tranh chấp thương mại tại thị trường này.
- Bên cạnh đó là khó khăn trong thanh toán. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thường yêu cầu thanh toán theo phương thức L/C at sight không hủy ngang. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ hoặc do không quen với phương thức thanh toán này hoặc do muốn các phương thức thanh toán khác (D/A, D/P...) thuận tiện, đỡ tốn kém, và ít rủi ro hơn cho họ. Ví dụ, theo phương thức L/C at sight, người nhập khẩu thường phải thanh toán tiền hàng trước khi hàng đến, trong khi đó nếu giày dép không đạt tiêu chuẩn quy định (vi phạm luật cải thiện an toàn tiêu dùng chẳng hạn) có thể bị hủy ngay tại cảng. Do vậy, người nhập hàng rất ngại thanh toán bằng L/C at sight vì sợ không đòi lại được tiền hàng trong trường hợp hàng không được cho phép nhập khẩu.
- Hàng năm, toàn ngành phải nhập khẩu nguyên phụ liệu với số lượng lớn do công nghiệp nguyên phụ liệu chưa phát triển. Mỗi lần nguyên liệu tăng giá là một lần toàn ngành giày dép rơi vào khốn khó. Vấn đề nguồn nhân lực cũng là vấn đề bức xúc với ngành da giày thể hiện ở 2 điểm:
+ Một là đội ngũ lao động hiện tại có trình độ chưa cao, không được đào tạo bài
bản.
+ Hai là lao động đang trong tình trạng bị thiếu: Da giày là ngành xuất khẩu lớn, tạo nhiều việc làm cho lao động (gần 2 triệu lao động, 80% là nữ công nhân) nhưng thực tế là lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, chưa có đội ngũ thiết kế giày dép và thiếu lao
động quản lý có trình độ cao, thu nhập bình quân thấp. Trong khi giá cả biến động, mức lương bình quân trong ngành da giày là 4,5 triệu VNĐ/tháng chưa đủ hấp dẫn với người lao động. Bên cạnh đó, nguồn lao động cung ứng cho các doanh nghiệp nói chung và ngành giày dép nói riêng chủ yếu ở các vùng nông thôn. Trong những năm gần đây, doanh nghiệp ở nông thôn thành lập nhiều đã khiến số lao động nông thôn đổ vào khu vực này khá đông. Cùng với đó, tình trạng đổ xô đi hợp tác lao động nước ngoài cũng làm giảm nguồn lao động đáng kể. Nguồn lao động chất lượng chưa cao và không ổn định như vậy sẽ khiến ngành giày dép gặp khó khăn khi nhận những đơn đặt hàng lớn từ Hoa Kỳ.
• Nguyên nhân
Về phương thức sản xuất
Đặc điểm nổi bật của ngành công nghiệp da giày Việt Nam là phương thức sản xuất chủ yếu vẫn là gia công cho đối tác nước ngoài, sản xuất phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu trực tiếp còn tương đối hạn chế. Trên 80% các doanh nghiệp Việt Nam là người gia công, nhà thầu phụ cho các hãng lớn. Tuy kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng nhanh nhưng chủ yếu xuất khẩu theo hình thức gia công (chiếm trên 70% kim ngạch) nên hiệu quả thực tế rất nhỏ (25% - 30% tổng doanh thu xuất khẩu). Từ mẫu mã cho đến giá bán hoàn toàn do phía đối tác quyết định, còn thu nhập của doanh nghiệp chủ yếu tốn phí gia công sản phẩm. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không được và không có khả năng quyết định giá bán một đôi giày trên thị trường, không tham gia vào quá trình thương mại, không quyết định đầu vào và đầu ra cho một sản phẩm. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất làm gia công ở tầng thứ 2, thứ 3. Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, hiện nay mỗi doanh nghiệp muốn đáp ứng nhu cầu thị trường thì phải có nhà máy lớn từ 12000 đến 15000 lao động và chỉ với quy mô như thế mới có thể bù đắp được chi phí quản lý, cùng một số kinh phí khác đáp ứng nhu cầu các đơn hàng lớn từ các nước nhất là thị trường Hoa Kỳ.
Nguyên liệu và máy móc
Việt Nam còn thiếu hụt sự kiểm soát về nguồn nguyên vật liệu, không tự chủ được nguồn nguyên liệu trong nước, phụ thuộc nhiều vào vật liệu đầu vào nhập khẩu, phần lớn nguồn nguyên liệu đầu vào lại do phía đối tác liên doanh cung cấp. Máy móc thiết bị phục vụ sản xuất giày dép chủ yếu vẫn phải nhập khẩu từ các nước như Ý, Hàn quốc, Đài Loan và Trung Quốc. Như vậy, cái gọi là sức cạnh tranh, tiềm lực mạnh của ngành da giày thực ra đều thuộc về các công ty lớn của Đài Loan, Hàn Quốc đặt tại Việt Nam. Chính họ đã khai thác các lợi thế về lao động, môi trường xã hội ổn định, giá nhân công rẻ...vv của Việt Nam.
Thương hiệu và hệ thống phân phối
Về hệ thống phân phối, đa số các sản phẩm giày dép Việt Nam là gia công cho phía đối tác Hoa Kỳ dưới hình thức làm theo đơn đặt hàng nên các doanh nghiệp Việt
Nam chỉ giao hàng đến các nhà buôn mà không xuất khẩu trực tiếp đến các nhà phân phối chính. Đây là điểm rất yếu của ngành giày dép Việt Nam vì bị phụ thuộc vào hệ thống phân phối kinh doanh của Hoa Kỳ, điều đó đồng nghĩa với việc bị chi phối về sản xuất. Do da giày Việt Nam chủ yếu là hàng gia công lại cho các hãng khác của nước ngoài, nên phải lấy tên hiệu của các hãng này. Tiềm năng của ngành da giày Việt Nam không kém các nước mạnh về ngành công nghiệp này, nhưng bài toán quan trọng về phân công, cơ cấu sản xuất và lao động lại chưa giải quyết được. Da giày Việt Nam trên thế giới chưa có tên, thương hiệu cũng là một khó khăn lớn trong cạnh tranh. Trong những năm tới, cạnh tranh trên thị trường giày dép Hoa Kỳ sẽ rất khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam muốn gia nhập sân chơi thương mại lớn phải xây dựng được thương hiệu cho mình.
Mẫu mã sản phẩm
Theo nhận xét của LEFASO, đội ngũ thiết kế tạo mẫu giày hiện nay ở ta còn rất thiếu và yếu. Gọi là các "nhà tạo mẫu", nhưng phần lớn xuất thân công nhân, sau thời gian làm các dây chuyền sản xuất, được lựa chọn bồi dưỡng tại chỗ để làm ở bộ phận ra mẫu và phát triển sản phẩm. Những nhân viên này không được đào tạo các bài bản chuyên về thiết kế tạo mẫu giày, một số khác chỉ được tiếp thu trực tiếp qua các chuyên gia, các khóa ngắn hạn do doanh nghiệp cử đi học. Hiện nay, Việt Nam có quá ít những cán bộ thiết kế lành nghề, hoặc nếu có thì họ cũng chưa được đào tạo một cách chuyên nghiệp, bài bản. Bên cạnh việc có một chiến lược đào tạo nguồn cán bộ thiết kế thời trang, ngành công nghiệp giày dép Việt Nam phải củng cố các đơn vị xúc tiến hỗ trợ và kỹ năng bán hàng của các nhà sản xuất. Có như vậy, chúng ta mới đột phá được những thị trường mới giàu tiềm năng. Hiện tại, nhu cầu về đội ngũ này ở các doanh nghiệp rất lớn. Các doanh nghiệp khác có quy mô lớn cần có số lượng tương tự. Mặc dù thiếu thốn đội ngũ như vậy, nhưng đây cũng là ngành duy nhất không có trường lớp đào tạo kỹ thuật hay cử nhân thiết kế tạo mẫu. Hiện nay ngành giày thiếu vắng hẳn một lực lượng là những kỹ sư phác họa, mỹ thuật công nghiệp. Thiếu đội ngũ này thì không thể nào nói đến có được các mẫu mã sáng tạo, thời trang, không thể cạnh tranh với hàng các nước, càng không thể nói đèn các thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas... Hiện tại, chỉ có một số rất ít nhân viên học mỹ thuật công nghiệp ra và làm việc tại các phòng kỹ thuật
của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp tiềm năng đã đầu tư hoàn chỉnh hệ thống tự động hóa thiết kế, các dây chuyền sản xuất thử nghiệm phục vụ công tác ra mẫu chào hàng đáp ứng kịp thời yêu cầu của khách hàng, các nhà nhập khẩu.
Chương 3: GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU MẶT HÀNG GIÀY DÉP TỪ VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG HOA KỲ 3.1 Cơ hội và thách thức đối với xuất khẩu mặt hàng giày dép của Việt Nam
3.1.1 Cơ hội
Ngành công nghiệp sản xuất da giầy tại Hoa Kỳ suy giảm mạnh
Sản xuất da giày tại Mỹ giảm mạnh trong nhiều năm qua: do chi phí lao động cao không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, hàng loạt công ty giày tại Mỹ phải đóng cửa nhà máy và chuyển sang nhập khẩu. Hiện chỉ còn khoảng 250 - 300 công ty sản xuất với khoảng 12000 công nhân, sản xuất trong nước chỉ đáp ứng gần 1,5% nhu cầu tiêu dùng, hơn 98% nhu cầu tiêu dùng về giày dép phải nhập khẩu.
Sản xuất không tập trung: đa số là các công ty sản xuất giày tại Mỹ là các xưởng nhỏ. Bốn công ty lớn nhất cũng chỉ chiếm dưới 10% tổng doanh thu, còn lại hầu hết là các công ty nhỏ dưới 100 lao động. Các nhà máy tại Mỹ thường chỉ làm một số sản phẩm đặc chủng, hoặc chất lượng cao mà hàng nhập khẩu không đáp ứng được.
Xu hướng đầu tư, đặt hàng gia công ở nước ngoài
Phần lớn các công ty Hoa Kỳ đã dịch chuyển sản xuất da giày sang các nước có chi phí lao động thấp ở châu Á, Mỹ La tinh và nhập khẩu trở lại Hoa Kỳ với giá rẻ hơn