Lịch sử phát triển kinh tế - xã hội đã chứng tỏ rằng: Trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào, phương thức sản xuất nào, nhà nước luôn giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong mỗi giai đoạn khác nhau, vai trò của nhà nước được thể hiện khác nhau thông qua việc can thiệp của nhà nước vào các vấn đề kinh tế – xã hội. Bằng các chính sách cụ thể, nhà
nước đã can thiệp trực tiếp và gián tiếp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động. Mặc dù, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động có tính khách quan và tuân theo những xu hướng nhất định. Nhưng sự can thiệp của nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành.
Nhà nước tác động vào quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động ngành thông qua hệ thống các chính sách: chính sách phát triển khoa học công nghệ; chính sách đầu tư mà đặc biệt là cơ cấu đầu tư; chính sách phát triển các ngành, chính sách phát triển nguồn nhân lực… Hệ thống các chính sách này đã tác động toàn diện đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành, vừa trực tiếp vừa gián tiếp. Nó thúc đẩy quá trình phân công lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng thời đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu ngành, cơ cấu nội bộ ngành. Những tác động này không những làm thay đổi sự phân bố lao động giữa các ngành và nội bộ ngành mà còn nâng cao chất lượng lao động, một yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành.