3. Nhân khẩu nông nghiệp 558,6 464,1 400,6 1,32 3,64 2,
3.3.5. Tăng cường xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động ra nước ngoài vừa có ý nghĩa trong việc tăng thu nhập cho người dân, vừa có ý nghĩa trong việc giải quyết việc làm chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành. Về cơ bản, đối tượng tham gia xuất khẩu lao động chủ yếu là người lao động hoạt động trong khu vực nông nghiệp. Vì vậy, xuất khẩu lao động trực tiếp tác động đến lao động của ngành nông nghiệp mà cụ thể là rút bớt lao động của ngành này từ đó có tác dụng làm giảm tỷ trọng lao động của ngành này trong nền kinh tế. Hơn nữa, với nguồn ngoại tệ thu được, xuất khẩu lao động còn tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương, từ đó tác động đến quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành ở các địa phương.
Để đẩy mạnh xuất khẩu lao động ở các địa phương cần phải giải quyết những vấn đề sau:
Trước hết, phải tạo được nhận thức đúng đắn trong các cấp chính quyền về vai trò, ý nghĩa của xuất khẩu lao động. Trên cơ sở đó thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền, đoàn thể, người lao động và các doanh nghiệp
xuất khẩu lao động.
Nâng cao nhận thức của người dân đối với xuất khẩu lao động, cho họ thấy được những lợi ích mà xuất khẩu lao động đem lại. Tuyên truyền cho họ hiểu biết về hoạt động xuất khẩu lao động, quy trình xuất khẩu lao động để tránh bị các đổi tượng xấu lợi dụng khi họ muốn tham gia xuất khẩu lao động Chú trọng khâu giáo dục định hướng cho người lao động trước khi tham gia xuất khẩu: pháp luật, ngoại ngữ, văn hoá, phong tục của nước mà người lao động sẽ đến. Một vấn đề bức xúc đặt ra hiện nay là tình trạng bỏ chốn, phá hợp đồng lao động khi xuất khẩu lao động. Vấn đề này đã tác động xấu và làm giảm khả năng khai thác các thị trường xuất khẩu lao động. Do vậy, vấn đề giáo dục pháp luật xuất khẩu lao động cho người lao động phải được nhận thức là một trong những vấn đề được đặt lên hàng đầu. Đây là một yếu tố quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu lao động.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động khai thác thị trường của tỉnh. Để làm được điều này các cấp chính quyền, các đoàn thể phải tích cực tham gia phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động.
Có cơ chế, chính sách khuyến khích người lao động tham gia xuất khẩu. Hỗ trợ tài chính cho các đối tượng tham gia xuất khẩu đặc biệt là các đối tượng thuộc diện ưu tiên và mở rộng hỗ trợ thêm các đối tượng khác.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu lao động. Tăng cường phối hợp giữa các ngành các cấp, và người dân trong việc phòng, chống các hành vi tiêu cực trong xuất khẩu lao động, vi phạm pháp luật xuất khẩu lao động.
KẾT LUẬN
Chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành kinh tế là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua, đảng bộ và chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành. Mặc dù đã gặt hái được những thành công nhất định, song quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành vẫn còn nhiều bất cập, tác động không tốt đến quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh. Với nghiên cứu “Định hướng và giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 “, luận văn đã góp phần làm rõ một số vấn đề sau:
Với những nội dung trình bày ở Chương 1, Luận văn đã hệ thống hoá những vấn đề có tính chất lý luận và phương pháp luận về chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành: các khái niệm, mối quan hệ biện chứng giữa chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành và chuyển dịch cơ cấu ngành; các nhân tố tác động, xu hướng và phương pháp luận đánh giá quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành. Mặt khác, Luận văn cũng minh chứng về sự cần thiết phải chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành tại các địa phương thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, đồng thời rút ra bài học kinh nghiệm từ nghiên cứu quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Bằng việc sử dụng các tư liệu, số liệu đáng tin cậy kết hợp với các công cụ phân tích thống kê, trên cơ sở vận dụng hệ thống lý luận ở Chương 1, Luận văn đã phân tích thực trạng, tổng kết các thành tựu và hạn chế, đồng thời chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành ở Bắc Ninh giai đoạn 1997 – 2006.
Từ việc phân tích thực trạng, Luận văn đã đưa ra những kết luận quan trọng về quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 1997 – 2006:
Thứ nhất, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành khá phù hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành. Thứ hai, với mức GDP bình quân đầu người như hiện nay thì cơ cấu lao động theo ngành còn có điểm bất hợp lý. Thứ ba,
quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành diễn ra tương đối nhanh, sự thay đổi tỷ trọng lao động của các ngành tương đối lớn nhưng tỷ trọng lao động ngành nông nghiệp vẫn chiếm quá lớn chứng tỏ cơ cấu lao động theo ngành của Bắc Ninh vẫn ở trình độ thấp và lạc hậu.
Đồng thời, Luận văn cũng chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành của Bắc Ninh những năm qua đó là: Quá trình phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế; tốc độ phát triển ngành dịch vụ còn chậm và không ổn định; công tác đào tạo nghề còn rất nhiều bất cập; năng lực của các trung tâm giới thiệu việc làm còn nhiều hạn chế.
Cuối cùng, xuất phát từ những căn cứ mang tính thực tiễn kết hợp với các nội dung đã được làm rõ trong Chương 1 và Chương 2, Luận văn đã đưa ra những định hướng, mục tiêu và các giải pháp cụ thể góp phần đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động theo ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020.