4 Về hoạt động đảm bảo các điều kiện dạy và học

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 47 - 51)

Góp phần vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục, việc cải tiến giảng dạy, học tập đã đưa lại kết quả khả quan. Chuyển biến rõ rệt nhất là phong trào cải tiến giảng dạy theo phương châm gắn liền bài giảng với cuộc sống và sản xuất. Cuộc vận động “ra sức thi đua dạy thật giỏi, học thật chăm để giành phần thưởng của Bác” đã tiếp thêm khí thế cải tiến học tập, cải tiến giảng dạy một cách mạnh mẽ. Để gắn liền giảng dạy với đời sống và sản xuất ở địa phương, các trường đã tổ

chức cho giáo viên đi sâu vào thực tế địa phương tham gia các cuộc vận động cải tiến quản lý HTX, tăng tính thực tế cho nội dung giảng dạy.

Bên cạnh đó, các trường tổ chức cho giáo viên học tập nguyên lý giáo dục và vận dụng vào giảng dạy, tổ chức thực tập mẫu liên trường, từng khu vực, phong trào kết nghĩa giữa các trường để trao đổi kinh nghiệm, tài liệu, giáo án. Cũng trong năm 1960, ngành giáo dục Thanh Hoá đã tổ chức huấn luyện đào tạo cho 1057 giáo viên dân lập cấp II cho miền xuôi và quốc lập cho miền núi. Bồi dưỡng chương trình lớp 7 cho 417 giáo viên cấp I; 100 giáo viên cấp I miền núi học chương trình lớp 5; tổ chức 4 lớp theo chương trình trung cấp sư phạm năm thứ nhất ngoài giờ cho 195 giáo viên cấp I {86, tr.117}. Năm 1963, Thanh Hoá thành lập Trường Sư phạm cấp I. Năm 1964 thành lập Trường Sư phạm cấp II miền núi. Năm 1969, mở thêm 2 trường sư phạm cấp I và một trường sư phạm 4+3 cho vùng cao nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên, góp phần vào công cuộc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Tính riêng năm học 1962-1963, số lượng giáo viên phổ thông đã tăng đáng kể so với năm 1961-1962. Giáo viên cấp I: 110,78%; Giáo viên cấp II: 154,86%; Giáo viên cấp III: 154,0% {49, tr.11}.

Một sự kiện quan trọng đối với giáo dục Thanh Hoá là việc thành lập các phòng giáo dục tại các huyện, thị nhằm đẩy mạnh công tác giáo dục, tạo điều kiện cho việc chỉ đạo được sát sao hơn. Nhờ đó, giữa các ngành học đã phối hợp ngày càng nhịp nhàng và chặt chẽ. Cụ thể giáo viên, học sinh phổ thông tham gia giảng dạy các lớp BTVH, các lớp mẫu giáo kết nghĩa với các lớp phổ thông, giáo viên vỡ lòng kết nghĩa với giáo viên phổ thông để trao đổi, truyền đạt kinh nghiệm giảng dạy, chuẩn bị cho lớp vỡ lòng chuyển lên cấp I.

Một nhân tố góp phần không nhỏ vào sự phát triển giáo dục phổ thông Thanh Hoá từ sau cách mạng là vai trò của Liên đoàn giáo giới (1946-1951) sau này là Công đoàn giáo dục. Thông qua tổ chức này, Đảng bộ Thanh Hoá đã lãnh đạo công tác giáo dục một cách chặt chẽ.

Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Công đoàn đã tập trung động viên phong trào thi đua Hai tốt, tiến hành xây dựng các điển hình tiên tiến với nhiệm vụ là nâng cao nhận thức cho quần chúng, làm cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên trong ngành thấm nhuần thêm đường lối, phương châm nguyên lý giáo dục của Đảng, nhận thức cho được mục tiêu phương thức đào tạo của nhà trường XHCN, xây dựng được phong trào cách mạng sôi nổi trong quần chúng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, quyết tâm cải tiến công tác quản lý và chỉ đạo giáo dục.

Trên tinh thần đó, từ 1961-1963 công đoàn giáo dục Thanh hoá đã góp phần tích cực trong việc xây dựng điển hình Hải Nhân. Công đoàn đã thực hiện các cuộc vận động lớn theo yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng như phong trào “Đã là giáo viên phải là người tiên tiến”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”... Các cuộc vận động thực hiện nề nếp, thâm nhập vào thực tế sản xuất ở địa phương, đi sát học sinh để tự rèn luyện mình và để tạo thêm điều kiện làm cho nhà trường gắn liền với đời sống, tự học tập tích luỹ thường xuyên về vốn sống, về kiến thức, về lý luận và phương pháp bộ môn, học tập áp dụng và đúc kết kinh nghiệm... đã có tác dụng nhất định góp phần nâng cao chất lượng của cuộc vận động thi đua Hai tốt...

Qua mỗi cuộc vận động như thế, với sự hướng dẫn, tác động tích cực của các tổ chức Công đoàn, cán bộ giáo viên trong ngành lại vững vàng hơn trong chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nghề, và cao nhất là trưởng thành về mặt nhân cách. Không chỉ chỉ đạo phong trào chung toàn tỉnh, Công đoàn còn tập trung chỉ đạo theo điểm và diện, theo từng chủ đề với nhiều hình thức phong phú đa dạng.

* * *

10 năm chỉ đạo sự nghiệp giáo dục Thanh Hoá trong tình hình miền Bắc đi vào cải tạo XHCN và bước đầu xây dựng CNXH, làm cơ sở cho đấu tranh thống nhất nước nhà, GDPT Thanh Hoá đã đạt được những thành tựu đáng tự hào. Đó là thực hiện việc xây dựng hệ thống trường phổ thông 10 năm, đặt cơ sở ban đầu cho nhà trường XHCN ở địa phương. Cải tạo và cải cách căn bản nền giáo dục cũ, xây dựng hệ thống giáo dục mới: dân tộc, dân chủ và tiến bộ, chuyển mạnh vào quỹ đạo của nền giáo dục XHCN.

Các cấp học đều được xây dựng và phát triển cả về số lượng-chất lượng. Mặc dù, sự phát triển và mức độ hoàn chỉnh giữa các ngành học, bậc học còn khác nhau, nhưng lần đầu tiên có sự phát triển cân đối, đồng bộ và nhịp nhàng trong hệ thống giáo dục phổ thông của tỉnh; tạo được tiền đề, điều kiện đưa sự nghiệp giáo dục tiến lên một bước mới.

Nhìn chung, từ sau kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, cơ sở của nền giáo dục XHCN đã được xây dựng và phát triển ở Thanh Hoá. Hay nói cách khác, nền GDPT Thanh Hoá đã chuyển mạnh vào quỹ đạo của nền giáo dục XHCN. Điều đó chứng tỏ đường lối giáo dục của Đảng đã được xác lập; đấu tranh thắng lợi, khắc phục những tư tưởng quan điểm giáo dục lạc hậu. Bước đầu đã thiết lập một nền giáo dục mới XHCN, tạo cơ sở vững chắc cho việc đẩy mạnh phát triển giáo dục XHCN phục vụ tích cực sự nghiệp đào tạo con người XHCN-nguồn nhân lực quý báu cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Chương 3

Đảng bộ Thanh Hoá tiếp tục lãnh đạo phát triển GDpt Từ năm 1965 đến 1975

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 47 - 51)