Chủ trương phát triển GDPT của Đảng bộ ThanhHoá

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 33 - 38)

Sau khi đã thực hiện kế hoạch 3 năm (1958-1960), Đảng chủ trương đưa miền Bắc chuyển sang giai đoạn mới-giai đoạn tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên CHXN, làm cho nước ta có một nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, có một nền văn hoá và khoa học tiên tiến. Miền Bắc giàu mạnh là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Tháng 9 năm 1960, Đại hội lần thứ III đã định ra đường lối cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. “Đại hội lần này là Đại hội xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất đất nước” {43, tr.132}. Cách mạng XHCN là một quá trình bao gồm 3 cuộc cách mạng: cách mạng về QHSX nhằm xoá bỏ chế độ người bóc lột người, cuộc cách mạng về kỹ thuật nhằm chủ yếu phát triển lực lượng sản xuất, biến nền sản xuất nhỏ thủ công nghiệp thành nền sản xuất lớn XHCN đưa nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, cuộc cách mạng tư tưởng-văn hoá nhằm làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin chiếm ưu thế tuyệt đối trong đời sống tinh thần của nhân dân và xây dựng một nền văn hóa khoa học tiên tiến. Ba cuộc cách mạng này liên quan khăng khít với nhau trong đó cuộc cách mạng tư tưởng-văn hoá có một vị trí quan trọng. Không có cách mạng tư tưởng-văn hoá thì cuộc cách mạng kỹ thuật không thể thành công và cũng không thể củng cố, kiện toàn quan hệ sản xuất mới đã được xác lập.

Đối với giáo dục, Đại hội xác định:

Công tác giáo dục văn hoá phải được phát triển theo quy mô lớn và phải phục vụ đường lối và nhiệm vụ cách mạng của Đảng. Sự nghiệp giáo dục

của chúng ta phải nhằm bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người lao động làm chủ đất nước, có giác ngộ XHCN có văn hoá và kỹ thuật, có sức khoẻ, những người phát triển toàn diện để xây dựng xã hội mới, phục vụ đắc lực cho việc đào tạo cán bộ xây dựng kinh tế và văn hoá XHCN và việc nâng cao không ngừng trình độ văn hoá của nhân dân lao động… phải nắm vững nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất và các phương châm: lý luận gắn liền với thực tế, học đi đôi với hành, giáo dục của nhà trường kết hợp với giáo dục của xã hội {43, tr.251}.

Quan điểm của Đảng về giáo dục được xác định tại Đại hội đã cho thấy rằng giáo dục thế hệ trẻ ở trường phổ thông các cấp vô cùng quan trọng nhằm xây dựng cơ sở bước đầu, nhưng rất trọng yếu-của việc đào tạo một lớp người để xây dựng CNXH, những người kế tục xứng đáng và vẻ vang sự nghiệp cách mạng. ý nghĩa đó được thể hiện cụ thể:

Thứ nhất, muốn đẩy mạnh 3 cuộc cách mạng ở miền Bắc, muốn đẩy mạnh phong trào hợp tác hoá, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, điều cấp thiết có tính chất quyết định là phải bồi dưỡng đào tạo một lớp người mới, một thế hệ trẻ có giác ngộ xã hội chủ nghĩa, có trình độ văn hoá khoa học kỹ thuật, có sức khoẻ tốt. Con người mới đó là mục tiêu phấn đấu của nhà trường phổ thông.

Thứ hai,sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đòi hỏi phải có những con người có tinh thần anh dũng, trí thông minh, tài sáng tạo, có khả năng nắm vững và vận dụng tốt chiến lược, chiến thuật và kỹ thuật, quân sự hiện đại. Nhà trường phổ thông có khả năng cung cấp đào tạo cho dân tộc những thanh niên như vậy.

Thứ ba, công cuộc xây dựng CHXH ở nước ta đòi hỏi nhân dân, đội ngũ đông đảo cán bộ khoa học kỹ thuật phải có trình độ văn hoá cao. Chuẩn bị cho lớp người này, nhà trường phổ thông có một vị trí quan trọng, một khả năng to lớn.

Thứ tư, do miền Bắc tiến lên CNXH không qua giai đoạn tư bản chủ nghĩa nên nhìn chung cơ sở vật chất về khoa học, kỹ thuật còn nghèo nàn, trình độ văn hoá, nếp sống văn minh còn hạn chế... Do đó, nhà trường phổ thông, bên cạnh nhiệm vụ trung tâm là đào tạo con người mới, còn có nhiệm vụ phát huy tác dụng là trung tâm văn hoá, khoa học kỹ thuật ở địa phương. Trong việc thực hiện phương thức giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, bên cạnh mục đích chủ yếu là giáo dục, còn có mục đích sản xuất của cải vật chất, góp phần làm tăng thêm của cải cho xã hội.

Ngành GDPT là cấp học vô cùng quan trọng, chiếm khối lượng to lớn trong toàn bộ sự nghiệp giáo dục nhằm đào tạo một lớp người mới, một thế hệ trẻ để hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng.

Đại hội Đảng lần thứ III đã mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển giáo dục. Đào tạo thế hệ trẻ là sự nghiệp của Đảng, là trách nhiệm của nhân dân. Nhưng nhà trường đóng vai trò chính yếu nhất. Ngành giáo dục được xác định là chuyên lo đào tạo thế hệ mới, đào tạo những con người sống trong xã hội ngày mai, có tư tưởng và tác phong XHCN. Vì vậy, chỉ trên cơ sở ngành giáo dục được phát triển mạnh mẽ thì mới tạo ra một thế hệ mới có khả năng để thực hiện tốt sự nghiệp cách mạng XHCN.

Quán triệt quan điểm giáo dục của Đảng, Hội nghị của Ban Thường vụ tỉnh uỷ bàn về công tác giáo dục (10/2/1961) đã xác định vấn đề quan trọng trước hết trong xây dựng nền giáo dục thời kỳ này là phải làm cho tư tưởng của cán bộ, công nhân viên chức, giáo viên, học sinh, nhân dân chuyển biến một cách sâu sắc, thấm nhuần quan điểm giáo dục của chế độ ta. Từ đó, hình thành tư tưởng, thái độ đi học đúng đắn, trở thành người lao động sản xuất có kiến thức chính trị và khoa học kỹ thuật để xây dựng đất nước. “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy giáo là chăm lo dạy dỗ học sinh thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà” {70, tr.131}.

Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ Thanh Hoá lần thứ V (1961) chỉ rõ nhiệm vụ của ngành học phổ thông:

Phải kết hợp chặt chẽ việc học văn hoá và kiến thức phục vụ sản xuất… Tích cực chấn chỉnh, củng cố hệ giáo dục phổ thông, đẩy mạnh phong trào thi đua Hai tốt, thực hiện tốt việc giáo dục toàn diện, tăng cường việc giáo dục chính trị tư tưởng cho giáo viên. Cần làm cho cán bộ, nhân dân và học sinh có nhận thức đúng đắn về mục đích học tập, khắc phục tư tưởng “Đi học để mưu cầu danh lợi, để thoát ly sản xuất, thoát ly nông thôn” trong học sinh, thanh niên. Kết hợp giữa nhà trường và nhân dân mà phát triển mạnh mẽ các lớp mẫu giáo {21, tr.13}.

Nghị quyết của Đại hội cũng nhấn mạnh tới việc tăng cường giáo dục ý thức lao động, công tác lao động sản xuất cho học sinh; xem công tác đào tạo, bồi dưỡng toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn xây dựng học sinh thành con người mới, thầy giáo phải tự rèn luyện mình thành con người mới của chế độ XHCN.

Trên tinh thần đó, Chỉ thị 39 về công tác giáo dục của Tỉnh uỷ cũng chỉ rõ phương hướng, nhiệm vụ của giáo dục trong những năm tới. Riêng đối với GDPT:

Một là tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục phổ thông, kiên quyết thực hiện việc phổ cập vỡ lòng và cấp I vào cuối năm 1965 ở miền xuôi và vùng thấp của miền núi; đảm bảo cho trẻ em dưới 16 tuổi được học hết cấp II bằng nhiều hình thức; củng cố các trường cấp III và phát triển cấp III một cách hợp lý, vững chắc.

- Đối với phổ cập vỡ lòng và cấp I: những em đến tuổi học cấp I mà chưa học vỡ lòng thì sẽ bố trí cho vào học “lớp 1 đặc biệt”. Ty Giáo dục cử giáo viên bồi dưỡng cho các em này để cuối năm có trình độ lớp 1. Đảng uỷ, UBHC xã vận động nhân dân xây dựng thêm trường lớp, bàn ghế... Coi trọng chất lượng đồng thời đề phòng tư tưởng sợ khó khăn trong xây dựng trường lớp, trong việc thu học phí hay

trong việc vận động các nhà trường mà không tích cực mở thêm lớp, ảnh hưởng đến việc phổ cập.

- Đối với phổ thông cấp II, III: đảm bảo cho trẻ em dưới 16 tuổi đều được học hết cấp II bằng nhiều hình thức để bồi dưỡng các em thành người lao động tốt. Tổ chức cho học sinh mãn khoá lớp 4 quá tuổi 14 vào học các trường bổ túc văn hoá thiếu niên; vừa làm vừa học. ở miền núi, chú trọng mở trường thiếu niên dân tộc.

- Đối với cấp III, tiếp tục đi sâu vào việc nâng cao chất lượng toàn diện, gắn nhà trường với đời sống và sản xuất. Đồng thời, phát triển thêm trường một cách vững chắc.

Hai là nắm vững mục đích, phương châm giáo dục, ra sức nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt là giáo dục tư tưởng đạo đức, chuẩn bị đầy đủ cho học sinh tham gia sản xuất và sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của cách mạng.

Ba là tăng cường công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, sử dụng tốt lực lượng giáo viên hiện có, thực hiện tốt chế độ đãi ngộ đối với giáo viên. Quan tâm đúng mức hơn nữa đến việc bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng coi đó là công tác trung tâm, tiến tới tất cả giáo viên đều đảm bảo tiêu chuẩn quy định. Đồng thời, quan tâm đến đời sống của giáo viên dân lập, cải tiến việc thu nạp học phí, vận động nhân dân đóng học phí kịp thời, đầy đủ để giải quyết tốt lương cho giáo viên dân lập.

Bốn là coi trọng việc xây dựng cơ sở vật chất và thiết bị, phân cấp xây dựng, quản lý nhà trường. Kết hợp chặt chẽ sự hỗ trợ một phần của Nhà nước với việc phát huy tinh thần tự lực cánh sinh xây dựng trường sở, thiết bị của nhân dân và thầy trò, tránh ỷ lại vào Nhà nước.

Theo đó, các đảng uỷ và UBHC xã, chi uỷ và chính quyền các tiểu khu trong thị xã, thị trấn Sầm Sơn chịu trách nhiệm quản lý trường cấp I ở địa phương mình

và có trách nhiệm xây dựng trường cấp II thuộc khu vực mình do huyện, thị quy định.

Các đảng uỷ và chính quyền nơi có trường cấp II chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý trường cấp II dưới sự giúp đỡ của huyện uỷ và UBHC huyện.

Các huyện uỷ, thị uỷ và UBHC huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý trường cấp III trong huyện, thị xã dưới sự chỉ đạo của UBHC tỉnh và Ty Giáo dục.

Rõ ràng, Đảng bộ Thanh Hoá đã sớm thấy được vai trò to lớn của giáo dục đối với công cuộc xây dựng CNXH ở địa phương nên đã sớm có những định hướng, biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao trình độ văn hoá cho nhân dân, đào tạo thế hệ trẻ trở thành những con người mới, con người XHCN, làm cho sự nghiệp giáo dục trở thành một mặt trận cách mạng.. Nhờ vậy, giáo dục của Thanh Hoá đã đạt được những thành tựu to lớn phục vụ cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 33 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)