Thực hiện nhiệm vụ hậu phương trên mặt trận giáo dục

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 29 - 33)

Sau khi hoà bình lập lại, nhiều con em cán bộ miền Nam tập kết ra miền Bắc, một số học sinh khác bị Mỹ-Diệm khủng bố đã vượt tuyến ra Bắc. Bộ Giáo dục đã mở trường học sinh miền Nam để đón nhận các em vào học. Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước được Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm. Việc tổ chức các trường nội trú cho học sinh miền Nam là một nhiệm vụ lịch sử kéo dài cho đến sau chiến thắng 30/4/1975 mới kết thúc. Thời kỳ đón tiếp nhiều nhất là khoảng 1955-1959. Thực hiện chủ trương của Bộ là đưa các em vào 27 trường trải rộng trên 10 tỉnh thành ở miền Bắc, ngành Giáo dục Thanh Hoá từ 30/4 đến 15/5/1955 đã vừa tổ chức đón tiếp, trung chuyển, vừa tổ chức ổn định cho số học sinh của cả 2 vùng (Nam Bộ và khu V) ở miền Nam {101, tr.7}.

Từ ngày 20/9/1954, Ty Giáo dục đã chuẩn bị bộ máy đón tiếp tại 2 địa điểm: Sầm Sơn (từ 5-7 ngày) sau đó đưa các em về trường. Theo đó, Ban Liên hiệu được khẩn trương thành lập. Tiếp nhận chủ trương di chuyển ra Bắc của học sinh miền Nam, Ban Liên hiệu phối hợp với các trường để đặt kế hoạch cụ thể như chuẩn bị cấp phát đầy đủ quần áo, chăn màn, giày dép, sắp xếp cán bộ đi theo phục vụ, tổ chức học tập chủ trương di chuyển ra Bắc cho các em và cán bộ; liên lạc chặt chẽ với cán bộ phụ trách di chuyển của Bộ để biết rõ số xe để sắp xếp, liên lạc với ban y tế, bố trí y tá hộ tống các em ra Bắc.

Tính từ ngày 3/10/1954 đến 30/4/1955, Ty Giáo dục Thanh Hoá đã đón tiếp và bố trí học tập tại Thanh Hoá cho 5.735 em {101, tr.11}.Các trường tiếp nhận và tổ chức học tập cho các em dựa trên 3 tiêu chuẩn: Nhà dân, chính quyền và đoàn thể khác.

Nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho học sinh, con em ở miền Nam ra ăn học, UBHC tỉnh Thanh Hoá đã Quyết định cho thành lập 2 trường: Trường Phổ

thông cấp 1 Thống Nhất I và Trường Phổ thông cấp 1 Thống Nhất II. Cả hai trường này đều có ký túc xã để học sinh ở miền Nam ra ăn học. Các khoản kinh phí đều do ngân sách Trung ương đài thọ. Về tổ chức, hiệu trưởng, giáo viên cũng như nhân viên phục vụ đều do Ty Giáo dục lựa cử đề nghị lên UB tỉnh ra quyết nghị điều động.

Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, ngay sau khi tổ chức tiếp nhận, bố trí, sắp xếp học tập cho con em học sinh miền Nam, UBHC tỉnh cùng với Ty Giáo dục Thanh Hoá đã cho thành lập 2 trường cấp 1 có ký túc xá nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, ăn ở cho các em. Đó thực sự là một cố gắng không nhỏ của ngành Giáo dục Thanh Hoá trong thời kỳ này.

Bên cạnh đó, UBHC quan tâm hướng dẫn các trường phân loại học sinh để có chính sách cụ thể và phù hợp. Đối với những học sinh trước đây ở vùng tự do, học ở trường ta, được sắp xếp ngay vào với học sinh các trường vùng tự do. Đối với những học sinh trước đây học ở vùng do Pháp chiếm đóng, có những điểm khác biệt về trình độ, tư tưởng, chính trị, kiến thức, văn hoá, những lo âu, thắc mắc. Do chương trình và phương pháp học tập của học sinh vùng tự do và vùng địch chiếm đóng có sự khác nhau nên việc chuyển lớp cần có thời gian để chuyển tiếp. Đó là những lớp bổ túc về chính trị và văn hoá để giúp các em hiểu rõ chính sách giáo dục của ta, quan điểm học tập, quan điểm lao động, lập trường phục vụ, để các em có khả năng thu nhận những chương trình mới, làm quen với phương pháp học tập mới, các cơ quan giáo dục tuỳ trình độ và số lượng học sinh, tuỳ hoàn cảnh địa lý mà bố trí những tổ học tập, những lớp bổ túc cho các em. Đối với con em bộ đội, cán bộ được ưu tiên hơn, đặc biệt là con em bộ đội, cán bộ không có gia đình ở vùng tự do để cha mẹ các em thực sự an tâm phục vụ.

Với những học sinh miền Nam vượt tuyến khó khăn, thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục, Ty Giáo dục Thanh Hoá đã tiến hành tạm ứng sinh hoạt phí hay học bổng, tổ chức ăn ở tập thể, tạm ứng tiền may mặc... Đặc biệt vào các dịp hè,

đông…học sinh miền Nam cũng thường được UBHC tỉnh cấp phát trang phục theo đề nghị của Ty Giáo dục. Năm 1958, đã có 2 đợt cấp phát trang phục mùa hè cho học sinh miền Nam:

Đợt 1: có 67 em trong đó có 55 em nam và 12 em nữ Đợt 2: có 28 em trong đó có 14 em nam và 14 em nữ

Mỗi em được cấp phát 1 bộ quần áo, 2 áo cổ vuông, 2 quần đùi theo tiêu chuẩn quy định.{144, tr.1}.

Chủ trương tạm ứng là một cố gắng rất lớn của ngân sách quốc gia trong thời gian này để đảm bảo học tập cho học sinh vượt tuyến thực sự không có khả năng tự túc. Việc làm này cũng thể hiện sự quan tâm, săn sóc của Đảng, Chính phủ đến việc ăn học của các em, động viên tinh thần, tạo sự phấn khởi, nỗ lực trong học tập của học sinh vượt tuyến.

Như vậy, suốt từ năm 1954, Ngành Giáo dục Thanh Hoá đã tổ chức chăm lo, đào tạo cho học sinh miền Nam tập kết hoặc vượt tuyến ra Bắc nhằm thực hiện chiến lược cách mạng của 2 miền và mối quan hệ giữa 2 nhiệm vụ chiến lược đó do Đảng đề ra. Các trường học sinh miền Nam nội trú được thành lập với sự chăm sóc, dạy dỗ của các thầy, cô và sự đùm bọc yêu thương của đồng bào Thanh Hoá, sự quan tâm chăm sóc của Đảng bộ Thanh Hoá. Ngành giáo dục Thanh Hoá đã phát huy được sức mạnh to lớn, góp phần xây dựng Thanh Hoá trở thành hậu phương vững chắc, đáp ứng nhu cầu của cách mạng.

* * *

Nhìn chung, ngay sau khi hoà bình, Thanh Hoá đã có được một phong trào học tập sôi nổi, liên tục và ngày càng phát triển mạnh mẽ trong ngành học phổ thông. Ngành GDPT Thanh Hoá đã thực hiện tốt chủ trương phát triển tận lực và giải quyết yêu cầu, nguyện vọng học tập của đông đảo con em nhân dân trong tỉnh. Phần ổn định tổ chức, thu nhận học sinh, sắp xếp giáo viên thời kỳ này đã căn bản

hoàn thành. Nhiệm vụ tiếp theo của ngành GDPT trong giai đoạn mới là đi sâu vào việc đề cao chất lượng, để đảm bảo tốt yêu cầu giáo dục, tư tưởng chính trị, giáo dục kiến thức và giáo dục lao động cho học sinh.

Hạn chế lớn nhất trong thời kỳ này là những thiếu sót trong việc thực hiện “chủ trương tận lực phát triển” giáo dục. Chủ trương này cũng làm phát sinh những lệch lạc, thiếu sót mà nhiều năm sau này phải khắc phục “một thói quen khó sửa”. Đó là việc phát triển “vô điều kiện”, “đơn giản hoá” nhà trường và sự nghiệp giáo dục như mở trường lớp ồ ạt, không tính đến những điều kiện cần thiết: giáo viên, cơ sở vật chất... Hạn chế này gây nhiều khó khăn cho công tác chỉ đạo trong những năm sau và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng GDPT. Số lượng học sinh tăng nhanh nhưng chất lượng giáo dục nhiều mặt giảm sút.

Đối với giáo dục miền núi và vùng các dân tộc ít người, sự chênh lệch giữa các vùng dân tộc còn khá rõ nét. ở vùng cao, nhiều học sinh bỏ học sau khi học xong lớp 2. Số giáo viên dân tộc còn ít nên phải điều động nhiều giáo viên miền xuôi lên dạy ở miền núi. Việc đó làm cho tình hình giáo viên ở miền núi, hàng năm có nhiều biến động. Do vậy, sự nghiệp giáo dục ở miền núi đòi hỏi Đảng bộ Thanh Hoá phải có quan tâm rất lớn để đưa miền núi tiến nhanh hơn nữa, rút bớt khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi...

Tuy nhiên, những thành tựu mà GDPT Thanh Hoá đạt được cũng như những định hướng phát triển giáo dục của Đảng bộ Thanh Hoá trong thời kỳ này là cơ sở, nền tảng cho việc phát triển một nền giáo dục XHCN trong giai đoạn tiếp theo.

Chương 2

Đảng bộ Thanh Hoá lãnh đạo phát triển GDPT trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965)

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 29 - 33)