Tiếp tục phát triển GDPT

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 62 - 67)

Bằng quyết tâm bất kể trong tình huống nào sự nghiệp giáo dục cũng phải tiếp tục phát triển mạnh mẽ, con em nhân dân Thanh Hoá vẫn phải được học hành tiến bộ, nên mặc dù điều kiện học tập thời kỳ này gặp rắt nhiều khó khăn, nhưng số học sinh phổ thông ở toàn tỉnh sụt không đáng kể. Năm học 1966-1967, ngay ở khu vực thị xã, Hàm Rồng và một số nơi khác, hằng ngày vẫn phải trực tiếp chiến đấu với kẻ thù nhưng vẫn đảm bảo học tập đều đặn. Trong số 2 ngàn học sinh cấp II ở thị xã chỉ sụt có 7 em {14, tr.4}. Đó là một hiện tượng rất đáng mừng trong

việc phát triển kế hoạch giáo dục và chính cũng là tác dụng của kinh nghiệm vận động học sinh của các giáo viên trường Hải Nhân mà các nơi đã tích cực vận dụng một cách sáng tạo.

Trong 2 năm chống chiến tranh phá hoại, các cấp phổ thông đều được tập trung phát triển. Chỉ tính riêng huyện Hoằng Hoá, đã có 47 trường cấp 1, 34 trường cấp II và 2 trường cấp III. Huyện Thạch Thành với dân số 54.000 mà đã có tới 10.000 học sinh phổ thông. Nếu so với trước khi có phong trào Hải Nhân thì cấp I tăng gấp đôi, cấp II tăng gấp ba lần và cấp III tăng gấp 7 lần {95, tr.23}.

Tại các vùng miền biển, các trường phổ thông Thuỷ sản cấp II ở miền biển

được giữ vững và củng cố. Các trường này chiêu sinh con em ngư dân trong độ tuổi có thể lấy tới 14-15, thực sự là trường vừa học, vừa làm. Để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp địa phương và phát triển nghề cá, Ban Cán sự Giáo dục cùng với Thị uỷ chuyển trường Lam Sơn thành trường phổ thông công nghiệp cấp III và tổ chức thí điểm một số trường phổ thông Thuỷ sản cấp III tại Hậu Lộc. Các Ty Công nghiệp và Thuỷ sản tại các huyện vùng biển đã cùng với ngành Giáo dục cùng xây dựng 2 trường này, cung cấp phương tiện, cử cán bộ chuyên môn sang dạy kỹ thuật, bố trí cơ sở thực hành cho học sinh…

Tại miền núi và vùng dân tộc ít người, sự nghiệp GDPT được phát triển

không ngừng. Hệ thống trường lớp ngày càng được mở rộng. Việc vận động phương châm “Thầy tìm trò, trường gần dân, quy mô nhỏ, Nhà trường và nhân dân

phối hợp” đã có kết quả bước đầu. Hầu hết các chòm bản có từ 30 hộ trở lên đều đã

có các lớp phổ thông cấp I. Xã nào cũng có trường cấp I hoàn chỉnh. Trong số 149 xã của 8 huyện miền núi đã có 125 xã có trường cấp 2 và trong số 8 huyện đã có 6 huyện có trường cấp 3. {126, tr.14}.

Từ năm 1968, các hình thức trường lớp thích hợp được phát triển rộng rãi như hình thức lớp 1 đặc biệt; hình thức nội trú theo thời vụ; hình thức các lớp ghép...Nhờ đó mà từng bước giải quyết được tình trạng bỏ học nhất là ở các lớp

dưới, tạo điều kiện cho các em học tập đều đặn. Dân tộc Tính cứ 4,8 người dân có 1 học sinh; dân tộc Thổ cứ 3,5 người dân có 1 học sinh phổ thông {126, tr.16}.

Sau chiến tranh, các trường lớp trong toàn tỉnh đã nhanh chóng được di chuyển từ nơi sơ tán về địa phương. Việc khôi phục trường lớp, ổn định cơ sở vật chất, tổ chức việc dạy-học được tiến hành nhanh chóng. Các trường tổ chức khai giảng năm học mới. Năm học 1973-1974, học sinh cấp I tăng 6,2%, cấp II tăng 15%; cấp III tăng 27% (so với năm học 1972-1973). Hầu hết học sinh mãn khoá lớp 4, lớp 5, trên 30% học sinh mãn khoá lớp 7 vào học lớp 8 {27, tr.8}.

Đặc biệt, trong thời kỳ này, nhiều học sinh quá tuổi vỡ lòng được thu nhận vào lớp 1 đặc biệt. Đây cũng là một biện pháp quan trọng nhằm tạo điều kiện để nhanh chóng thực hiện chủ trương phổ cập cấp I. Tính đến năm học 1974-1975, toàn tỉnh đã có trên 66 vạn người đi học, trong đó có gần 3,3 vạn học sinh mẫu giáo bé, trên 9,4 vạn học sinh vỡ lòng, 30,5 vạn học sinh cấp I với 601 trường, trên 16,4 vạn học sinh cấp II với 540 trường, gần 2,2 vạn học sinh cấp III với 29 trường. Trung bình cứ mỗi xã có 7 lớp vỡ lòng và mẫu giáo, 1-2 trường cấp I (có 50 xã có trường cấp I) với quy mô bình quân mỗi trường miền xuôi 15 lớp, miền núi 14 lớp. 93% số xã và khu phố có trường cấp II (522 trường/560 xã) với quy mô bình quân mỗi trường miền xuôi 8 lớp, miền núi 5 lớp. Toàn tỉnh có 29 trường cấp III với quy mô bình quân mỗi trường miền xuôi 17 lớp, miền núi 8 lớp {125, tr.14}.

Tóm lại, sự nghiệp GDPT Thanh Hoá thời kỳ này đã phát triển với tốc độ nhanh, quy mô lớn. Mạng lưới trường lớp đã được tổ chức ở khắp nơi trong tỉnh. Nhờ đó, đáp ứng được nguyện vọng sâu xa của nhân dân là được học hành, ai đến tuổi đi học đều có chỗ học, tạo cơ sở để thực hiện sự công bằng giữa mọi người, mọi gia đình trong xã hội, sự bình đẳng giữa các dân tộc, từng bước xoá bỏ sự cách biệt giữa miền núi và miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị, giữa lao động trí óc và lao động chân tay.

Bên cạnh những tiến bộ về phát triển số lượng, công tác GDPT đã có những chuyển biến trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, “Trường lớp là trận địa, giáo viên là chiến sĩ, quyết tâm dạy thật tốt, học thật tốt, xây dựng nhà trường chống Mỹ cứu nước”. Các đợt thi đua nhân kỷ niệm các ngày lịch sử với nội dung phong phú được phát động liên tục trong năm học. Đặc biệt là phong trào thi đua “Hai tốt” do Hồ Chủ tịch phát động, sau gần 10 năm thực hiện đã có nhiều điển hình xuất sắc được hình thành. Ngay từ ngày khai giảng năm học 1964-1965, phong trào “thi đua Hai tốt “Làm theo Hải Nhân, học tập, đuổi kịp và tiến vượt Hải Nhân” đã trở thành khẩu hiệu hành động của các trường học, giáo viên và học sinh Thanh Hoá.

Phong trào thi đua Hải Nhân do Tỉnh uỷ phát động chính là biểu hiện cụ thể và sinh động của phong trào thi đua “Dạy thật tốt, học thật tốt phục vụ sản xuất, phục vụ quốc phòng”. Phong trào được phát động sâu rộng trong các nhà trường ở tỉnh nhằm đưa sinh hoạt nhà trường vào nền nếp đồng thời từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ hiểu biết, phẩm chất, đạo đức của học sinh.

Thực hiện phong trào thi đua Hai tốt, học tập và làm theo các điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục (1971-1975), ngành Giáo dục Thanh Hoá tổ chức cuộc vận động ở các địa phương với phương châm “Tích cực, kiên trì, vững chắc, sáng tạo”. Cuộc vận động được tiến hành trong 3 năm 1971-1974 đã tạo được sự chuyển biến về tư tưởng theo mục tiêu, nguyên lý phương châm giáo dục của Đảng ở các cấp bộ Đảng, chính quyền, ngành giáo dục và quần chúng nhân dân.

Hội nghị sơ kết tình hình 4 năm thực hiện cuộc vận động thi đua Hai tốt, học tập và làm theo các điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục (1971-1975) đã tuyên dương các điển hình tiên tiến xuất sắc như: Trường cấp I Hải Nhân 10 năm giữ vững ngọn cờ đầu trong giáo dục phổ thông cấp I toàn miền Bắc; Trường cấp I Phù Nhi (Quan Hoá) “Điển hình đặc sắc của sự thực hiện phương châm phát triển giáo dục miền núi-Thầy tìm trò, trường gần dân, quy mô nhỏ, nhà nước cùng nhân dân

phối hợp”; Hoằng Trinh, huyện Hoằng Hoá-đơn vị tiên tiến liên tục đã kiên trì giáo dục toàn diện.

Trong 2 năm học học (1972-1973 và 1973-1974) đã có nhiều điển hình đã nổi lên như Trường cấp II Tố Như - mặt mạnh truyền thống và nhiều kinh nghiệm trong hoạt động dạy và học... Trường cấp III Như Xuân thể hiện tinh thần và khí thế thi đua học tập và làm theo tiên tiến khá sôi nổi; Trường cấp I Hoằng Lộc, Hoằng Trinh (Hoằng Hoá), Đông Hoà (Đông Sơn), Thọ Hải (Thọ Xuân), Yên Quý (Yên Định), Cẩm Tân (Cẩm Thuỷ), Hoà Lộc (Hậu Lộc), Quảng Đức (Quảng Xương)…cấp III Lam Sơn, Thọ Xuân I… Một điều kỳ diệu là trong khó khăn-gian khổ, trong đạn bom khói lửa, chất lượng giáo dục vẫn không ngừng phát triển. Điển hình là các trường huyện Hoằng Hoá-Huyện có phong trào giáo dục khá nhất tỉnh {28, tr.12}.

Hội nghị cũng khẳng định GDPT Thanh Hoá đã hình thành được một mạng lưới các đơn vị tiên tiến khá vững chắc ở tất cả các bậc học, ở cả miền xuôi và miền núi. Các điển hình tiên tiến là những thực tế chứng minh cho tinh thần cách mạng của cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường…Nếu năm học 1971-1972, cấp I: 42 đơn vị tiên tiến; cấp II: 40; cấp III: 5 thì đến năm học 1974-1975, số lượng đơn vị tiên tiến các cấp đã tăng tương ứng là: 171(cấp I); 170 (cấp II); 5 (cấp III) {125, tr.7}. Đó cũng là những điển hình sinh động thực hiện những nguyên lý giáo dục mà Đảng ta đề ra: Sự nghiệp giáo dục phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất và hoạt động xã hội; công tác giáo dục là sự nghiệp cách mạng của quần chúng do Đảng lãnh đạo.

Trong thời chiến, ngành giáo dục Thanh Hoá không chỉ đảm bảo phát triển giáo dục địa phương mà còn có những đóng góp xã hội tích cực. Đó là sự tham gia của một bộ phận giáo viên, học sinh vào lực lượng vũ trang nhân dân, chiến đấu trực tiếp chống đế quốc Mỹ. Là huyện dẫn đầu toàn tỉnh trong việc chi viện cho miền Nam, Hoằng Hoá đã có 100 giáo viên lên đường nhập ngũ, 30 giáo viên làm

công tác giáo dục, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đắp đê, làm thuỷ lợi, giao thông…Mỗi năm, có hàng ngàn lượt giáo viên, học sinh tham gia các công tác xã hội trên. Trường cấp III huyện Hậu Lộc trong khoảng 10 năm (1964-1965), từ ngày thành lập đến ngày kết thúc kháng chiến chống Mỹ có 6.866 học sinh đã có gần một ngàn người lên đường đánh giặc; 133 người trong số này là liệt sĩ...

Đáng ghi nhận và cần phải nhắc đến là nhiều tấm gương của học sinh, giáo viên của tỉnh đã được tuyên dương. Đặc biệt là những tấm gương quên mình cứu bạn của em Trần Thị Vệ, Nguyễn Bá Ngọc (học sinh cấp I); ý chí của thế hệ trẻ đối với đất nước trước sự xâm lược của kẻ thù, coi “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận

tuyến chống quân thù” của Lê Mã Lương-học sinh cấp II nhập ngũ khi vừa 17

tuổi…Hình ảnh của các em vừa có tác dụng giáo dục tinh thần dũng cảm, giáo dục lòng tự hào về truyền thóng anh hùng của dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần ba sẵn sàng, xả thân vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước vừa có tác dụng nhen lên trong tâm hồn non trẻ của các em khí phách anh hùng, bồi dưỡng cho học sinh thái độ học tập đúng đắn.

Có thể nói, qua những năm tháng rèn luyện, nhà trường thực sự trở thành pháo đài của CNXH. Nhà trường đã tích cực vận dụng chức năng, lực lượng của mình để phát huy tác dụng đối với địa phương, góp phần đắc lực vào việc đẩy mạnh công cuộc cách mạng tư tưởng-văn hoá cách mạng, vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 62 - 67)