Về hoạt động đảm bảo các điều kiện dạy và học

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 67 - 72)

Sau hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, sau trận bão lụt năm 1973, hầu hết các trường lớp bị tàn phá. Chỉ tính riêng các trường phổ thông và sư phạm đã bị thiệt hại trên 4.000 phòng học, trên 4.000 bộ bàn ghế, hàng vạn cuốn sách giáo khoa và nhiều dụng cụ, thiết bị khác {25, tr.4}. Trước tình hình đó, Hội nghị Thường vụ Tỉnh uỷ (tháng 10/1973) bàn về tình hình phát triển cấp III phổ

thông đã được tổ chức. Hội nghị thảo luận và chủ trương mở rộng quy mô trường cấp III Lam Sơn, chia trường Lam Sơn thành 3 trường:

- Trường cấp III phổ thông Lam Sơn: 15 lớp - Trường phổ thông cấp III thị xã 2: 15 lớp

- Trường Phổ thông cấp III năng khiếu về văn và toán của tỉnh: 6 lớp.

Mặc dù giáo dục phổ thông Thanh Hoá lúc này gặp rất nhiều khó khăn về xây dựng cơ sở vật chất trường học, mở rộng quy mô phát triển giáo dục nhưng đây là một thực tế đòi hỏi cần phải giải quyết cấp bách. Vì vậy, tháng 11/1973, UBHC tỉnh đã quyết định:

- Thành lập và xây dựng trường phổ thông cấp III thị xã

- Các lớp học cấp III năng khiếu về văn toán (học tại trường cấp III Lam Sơn) khi có điều kiện sẽ tách thành trường riêng.

- Trường cấp III Lam Sơn được mở thêm 2 lớp 8 phổ thông với 100 học sinh ngay trong năm học 1973-1974.

Do vậy, đến năm học 1974 - 1975, mạng lưới trường lớp đã được tổ chức ở khắp nơi trong tỉnh. Trước sự phát triển với quy mô lớn, tốc độ nhanh của ngành giáo dục, UBHC tỉnh đã có chủ trương huy động mọi khả năng để tu bổ, mở rộng, xây dựng mới trường sở, mua sắm thiết bị cho việc giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh.

Thực hiện chủ trương này, Ban vận động kiến thiết trường sở của xã, huyện, tỉnh được thành lập với nhiệm vụ lập quy hoạch xây dựng trường sở, mua sắm thiết bị, vận động nhân dân đóng góp tiền, vật liệu...để xây dựng trường sở. Đồng thời, có nhiệm vụ xin vốn, vật liệu từ các ngành; tổ chức thi công hoặc giao thầu cho các đơn vị khác thi công...

Bên cạnh việc xây dựng trường sở, các nhiệm vụ giải quyết trang thiết bị cần thiết cho nhà trường

nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh cũng được đề cập tới. Năm 1975, Ty Giáo dục Thanh Hoá có chủ trương phấn đấu xây dựng mỗi trường một tủ sách ba ngăn, trong đó: ngăn sách giáo khoa dùng chung cho học sinh bảo đảm từng bước cung cấp đủ sách cho học sinh không phải trả tiền hoặc chỉ phải trả một số tiền lộ phí rất nhỏ. Phấn đấu đảm bảo cung cấp học sinh của các cấp học đủ sách giáo khoa, sách đọc thêm; cho giáo viên đủ sách hướng dẫn, sách nghiệp vụ, sách bồi dưỡng và sách tham khảo.

Cơ sở vật chất trường học giữ một vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển giáo dục. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nhà trường không những không thực hiện được nhiệm vụ rèn luyện, đào tạo con người lao động mới theo yêu cầu của công cuộc xây dựng CNXH và đấu tranh thống nhất đất nước mà còn làm ảnh hưởng đến cả sức khoẻ của người học và người dạy lâu dài về sau. Nếu không có cơ sở vật chất và thiết bị, nếu dạy và học không có thí nghiệm và thực hành thì việc dạy và học chỉ là sách vở, trừu tượng. Cùng với nguồn vốn từ Nhà nước, nhờ huy động sự đóng góp tích cực của nhân dân, ngành Giáo dục đã bước đầu đảm bảo được số lượng trường lớp, thiết bị cơ sở vật chất cho trường học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của học sinh trong tỉnh.

Để phát triển giáo dục một cách vững chắc, nâng cao chất lượng giáo dục một cách toàn diện, một trong những biện pháp cơ bản là tiến hành phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội cán bộ quản lý và giáo viên các cấp.

Nhiệm vụ trung tâm của giáo dục là bồi dưỡng nâng cao chất lượng giáo viên. Nó xuất phát từ vai trò của người thầy giáo là nhân tố quyết định của nhà trường XHCN. Nhận rõ tầm quan trọng của người thầy giáo, Ty Giáo dục đã tổ chức hội nghị hiệu trưởng cấp I, cấp II để học tập chỉ thị 16CT/BD của Bộ Giáo dục về công tác bồi dưỡng văn hoá và nhiệm vụ cho giáo viên. Bên cạnh đó, hàng nghìn giáo viên cấp I đã tham gia học trung học hoàn chỉnh. Hàng nghìn giáo viên cấp II chưa toàn cấp được cử đi bồi dưỡng tập trung tại trường. Hầu hết cán bộ

quản lý các huyện miền núi được bồi dưỡng về nghiệp vụ. Hàng nghìn cán bộ quản lý các trường cấp I, II miền xuôi được bồi dưỡng ngắn hạn. Đặc biệt một số huyện đã phát động được phong trào tự học và bước đầu đạt được kết quả đáng khả quan như Nông Cống, Thạch Thành, Hậu Lộc… Ngoài việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, giáo viên còn thường xuyên được bồi dưỡng về tình hình nhiệm vụ, đường lối chính sách của Đảng, của ngành.

Bên cạnh đó, các chế độ chính sách đối với giáo viên và những người làm công tác giáo dục cũng được thực hiện đầy đủ, đặc biệt là đối với GDPT ở miền núi:

Cán bộ, giáo viên công tác ở miền núi sau 3 năm được phụ cấp thâm niên bằng 3% lương chính. Sau đó, mỗi năm được thêm 1% cho đến nhiều nhất không quá 25% lương chính.

Cán bộ, giáo viên công tác liên tục ở miền núi cứ 3 năm được cộng thêm 1 năm để tính tuổi công tác khi xét hưu trí.

Giáo viên dạy trường nội trú sẽ được hưởng 5% so với lương chính

Giáo viên cấp I nếu được Phòng Giáo dục giao trách nhiệm dạy lớp trên vì thiếu giáo viên hoặc dạy lớp ghép... thì được hưởng tiền phụ cấp. Tất cả các khoản phụ cấp khu vực, chuyển vùng được thực hiện theo chế độ đã được quy định.

Đối với giáo viên ở miền xuôi lên công tác ở miền núi được nghỉ hè 1 tháng 15 ngày nguyên lương theo quy định. Nếu quá xa được cộng thêm ngày đi về. Giáo viên người dân tộc ít người được nghỉ tết của dân tộc mình. Thời gian nghỉ bằng thời gian nghỉ tết nguyên đán{135, tr.29}. Nhằm đẩy mạnh nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hơn nữa, đội ngũ hướng dẫn viên đã được xây dựng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng. Ban bồi dưỡng do UBHC Thanh Hoá phụ trách cũng được thành lập. Kết quả qua đợt bồi dưỡng hè 1969, giáo viên đã tiếp thu những kiến thức, phương pháp, kỹ năng cơ

bản về chính trị, văn hoá và nghiệp vụ. Bên cạnh đó, nhiều hình thức hoạt động đã diễn ra như xây dựng mạng lưới chuyên môn liên trường, tổ chức nhiều lớp chuyên đề để nâng cao năng lực giáo viên. Cải tiến nội dung và phương pháp với phong trào 3 kỹ (soạn kỹ, giảng kỹ, chấm kỹ).

Song song với công tác đào tạo, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên đã và đang được đẩy mạnh, bằng các hình thức bồi dưỡng tập trung, bồi dưỡng tại chức và phát động phong trào tự học tập bồi dưỡng trong các trường.

Về phát triển giáo viên, số giáo viên cũng tăng lên nhanh chóng qua từng năm. Năm 1972-1973 từ 17.000 giáo viên đã tăng lên gần 20.000 (năm học 1973-1974). Trong đó, số giáo viên trẻ chiếm gần 80% {28, tr.8}. ở miền núi, số lượng giáo viên cũng ngày càng tăng qua các năm.Riêng giáo viên thuộc các dân tộc thiểu số cũng có những bước phát triển đáng khích lệ. Như vậy, số giáo viên miền xuôi lên công tác chiếm tỷ lệ khá cao. Do hoàn cảnh thực tế của miền núi, và do yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mà miền núi, miền xuôi ngày càng được củng cố mối quan hệ khăng khít và hỗ trợ nhau về mọi mặt. Để tiến hành ổn định đội ngũ giáo viên miền núi, Ty Giáo dục đã tăng cường đào tạo giáo viên địa phương, đồng thời có chủ trương thuyên chuyển giáo viên miền xuôi. Năm 1970, ngành Giáo dục đã bàn tới vấn đề kết nghĩa giữa các huyện miền núi, miền xuôi với nội dung không những chỉ nhằm giải quyết theo hướng ổn định đội ngũ giáo viên miền núi mà còn nhằm tương trợ nhau một cách thường xuyên về mặt kinh nghiệm giảng dạy, tài liệu giáo khoa, xây dựng cơ sở vật chất và phương pháp chỉ đạo của phòng, hoạt động của tổ nghiệp vụ...

Có thể nói, sự nghiệp giáo dục ở miền núi phát triển đã phục vụ ngày càng tốt hơn đối với 3 cuộc cách mạng ở 8 huyện vùng này. Trước hết đó là vấn đề đào tạo lớp người mới cho các dân tộc ở miền núi. Công tác giáo dục đã làm cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên và quần chúng nhân dân thuộc các dân tộc biết chữ tạo cơ sở để nâng cao trình độ giác ngộ về tư tưởng, tiếp thu văn hoá, khoa

học kỹ thuật. Để đào tạo đội ngũ giáo viên nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, đồng thời thực hiện khẩu hiệu “Dân tộc nào có giáo viên của dân tộc ấy”, trong 10 năm thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Tỉnh uỷ Thanh Hoá đã quyết định cho mở các trường sư phạm ở miền núi, nhằm đào tạo con em các dân tộc trở thành giáo viên-“lực lượng cốt cán cho ngành” của các dân tộc.

Trong suốt chặng đường phát triển, ngành Giáo dục Thanh Hoá đào tạo xây dựng được một đội ngũ giáo viên đông đảo, đáp ứng kịp thời yêu cầu sự nghiệp giáo dục của tỉnh và yêu cầu chi viện tiền tuyến cũng như yêu cầu của giáo dục vùng giải phóng miền Nam. Với việc mạnh dạn phát triển các trường sư phạm, ngành giáo dục Thanh Hoá đã chấm dứt được việc đào tạo cấp tốc và có điều kiện để nâng cao yêu cầu đào tạo lên trình độ 10+3 đối với giáo viên cấp II ở miền xuôi; 7+3 đối với giáo viên cấp II ở miền núi; 10+2 đối với giáo viên cấp I ở miền xuôi; 7+2 đối với giáo viên cấp I miền núi.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 67 - 72)