1 Phát triển mạng lưới GDPT

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 38 - 41)

Việc phát triển theo quy mô lớn các trường phổ thông trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất được xác định: mỗi xã có 1 trường cấp I, hai, ba xã có một trường cấp II; mỗi huyện có 1 trường cấp III. ở miền núi, tạo điều kiện cho con em các dân tộc khắp các vùng đều được học tập. Theo đó, phương hướng mới trong phát triển hình thức trường lớp là song song với những trường phổ thông, nghiên cứu mở những trường vừa học văn hoá phổ thông, vừa học kỹ thuật sản xuất, nhất là kỹ thuật sản xuất nông nghiệp...

Bắt đầu từ năm học 1960-1961, thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, ngành Giáo dục Thanh Hoá đã nêu nhiệm vụ trọng tâm thời kỳ này gồm:

1. Củng cố chấn chỉnh cấp I. Chỉ phát triển ở một số xã miền núi 2. Tập trung các trường cấp II thành trường lớn.

3. Phát triển lớp cấp III {103, tr.21}.

Vì vậy, các trường cấp I đã được phát triển mạnh qua 5 năm (1954-1959) vẫn tiếp tục phát triển, tuy không nhiều. Các trường cấp II, cấp III có bước phát triển quan trọng hơn. Nhiều nơi chưa mở được cấp II hoàn chỉnh thì mở lớp 5 rồi leo dần lên lớp 6, lớp 7. Năm học 1960-1961, các trường cấp II quốc lập và dân lập đã được tu sửa lại. Đối với cấp III, thời kỳ này, Bộ Giáo dục Đào tạo cho thành lập ở tất cả các tỉnh chưa có trường cấp III. Tỉnh nào đã có trường cấp III, được mở thêm trường thứ hai, thứ ba, nếu có nhu cầu. Nhờ đó, cuối năm học 1962-1963 quy mô học sinh ở Thanh Hoá ngày càng được mở rộng: Cấp I: 200.869 học sinh; Cấp II: 36.798 học sinh; Cấp III: 2.957 học sinh {50, tr.9}.

Trước sự mở rộng quy mô giáo dục, ngành Giáo dục Thanh Hoá đã thực hiện chủ trương phân cấp quản lý trường lớp của Tỉnh uỷ, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ cho giáo dục phổ thông. Huyện, thị quản lý các trường cấp II, cấp III; các xã, khu phố quản lý các lớp vỡ lòng, mẫu giáo, trường cấp I, cấp II. Nhờ vậy, việc lãnh đạo của các cấp uỷ đảng-chính quyền địa phương càng thêm chặt chẽ, sát sao hơn. Sau khi phân cấp, Ban thi đua xây dựng trường lớp được thành lập ở từng địa phương. Nhờ đó, cuối năm học 1962-1963, tình hình trường lớp phổ thông đã có nhiều biến chuyển biến tích cực.

Đối với giáo dục miền núi thời kỳ này đã nhận được quan tâm sâu sắc của Đảng bộ Thanh Hoá, chính quyền và đặc biệt là sự quan tâm của Hồ Chủ tịch. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, nhiệm vụ của ngành GDPT được Đảng bộ Thanh Hoá xác định:

Phát triển mạng lưới các trường phổ thông cấp I và cấp II một cách thích hợp nhằm tích cực tạo mọi điều kiện cho con em các dân tộc, nhất là dân tộc ít người vào học đồng thời phát triển cấp III một cách có kế hoạch. Tìm mọi cách phổ cập vỡ lòng và cấp I trước hết là vùng thấp theo phương châm “thầy tìm trò, trường gần dân, quy mô nhỏ. Nhà nước và nhân dân phối hợp”. Khuyến khích học sinh lên lớp trên đặc biệt là chính sách nâng đỡ, dìu dắt học sinh miền núi và dân tộc ít người. Nội dung chương trình cần sửa đổi để phản ánh được thực tiễn của các dân tộc, của từng vùng kinh tế. Phải đưa vào những kiến thức về nông, lâm nghiệp vào chương trình học của trường phổ thông {20, tr.19}.

Năm 1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thăm Thanh Hoá lần thứ 3. Nói chuyện với cán bộ nhân dân trong tỉnh, Bác nhắc nhở: “Về giáo dục, trong 160 người dân đã có 20 học sinh, nhưng cần giúp cho miền núi có nhiều người học cấp II, cấp III hơn nữa”.{30, tr.121}.

Trên tinh thần đó, nếu như kết thúc kháng chiến chống Pháp, miền núi mới chỉ có 5 trường cấp II, hơn 20 trường cấp I thì ngay trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, gần như tất cả các xã đều có trường lớp từ mẫu giáo đến cấp I. Mỗi huyện có từ 2 đến 3 trường cấp II. Năm học 1961-1962, trường cấp III Ngọc Lặc ra đời. Trường là nơi tập trung học tập của học sinh các huyện miền núi phía Tây Thanh Hoá. Số lượng học sinh đi học ngày càng tăng và tương đối ổn định.

Trước sự phát triển ồ ạt của hệ thống trường lớp phổ thông, tháng 12/1963, ngành Giáo dục đã khẩn trương thực hiện kế hoạch dồn lớp. Đối với các huyện miền núi, việc dồn lớp được thực hiện thông qua công tác nghiên cứu ghép các lớp thành các lớp ghép 1+2, 1+3, 2+3. Sĩ số bình quân ở miền núi vùng cao từ 10 - 15 em/lớp; vùng giữa từ 20-25 em/lớp và vùng thấp từ 30-35 em/lớp. ở vùng thấp, những nơi trường lớp tập trung sĩ số được nâng lên 45-50 em/lớp hoặc nhiều hơn nếu có điều kiện đảm bảo chủ trương chung {111, tr.3}. Với các lớp phổ thông cấp

II và phổ thông nông nghiệp, việc dồn lớp được thực hiện nếu sĩ số ít nhưng đảm bảo nguyên tắc là không chuyển học sinh phổ thông nông nghiệp sang học phổ thông. Đối với giáo viên, do chủ trương dồn lớp nên với số lượng giáo viên dư thừa, ngành Giáo dục đã vận động giáo viên trở về sản xuất, hoặc chuyển sang phục vụ công tác các ngành khác thích hợp với khả năng chuyên môn, trình độ văn hoá, phù hợp với yêu cầu cách mạng...

Thực hiện công tác dồn lớp, ngành giáo dục đã điều hoà, sắp xếp được đội ngũ giáo viên, đảm bảo đời sống giáo viên dân lập, nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo sĩ số... Tiến hành dồn lớp kết hợp với công tác kiện toàn một bước tổ chức đội ngũ giáo viên, đảm bảo mọi mặt công tác giáo dục. Đồng thời, đảm bảo việc sắp xếp lại lực lượng lao động giữa ngành Giáo dục và các ngành khác theo yêu cầu của cách mạng.

Có thể nói, việc quy hoạch hệ thống giáo dục và mạng lưới trường lớp các cấp đã từng bước tạo sự cân đối giữa các trường học, cấp học với những hình thức giáo dục phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển vững chắc. Đồng thời, tạo điều kiện đảm bảo phát triển cho việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 38 - 41)