Chăm lo phát triển Giáo dục phổ thông vùng Công giáo

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 45 - 47)

Đối với vùng Công giáo, trong những năm đầu xây dựng nền giáo dục XHCN, ảnh hưởng của nhà thờ còn khá sâu sắc trong tư tưởng cũng như trong phong tục tập quán của nhân dân. ý thức lao động, tinh thần tham gia xây dựng trường lớp của phụ huynh và học sinh chưa cao. Vì vậy, “Phạm vi của vấn đề giáo dục ở nơi có đồng bào Thiên chúa giáo không chỉ đóng khung trong ngành giáo dục, mà là của toàn Đảng, toàn dân… Trách nhiệm giải quyết vấn đề này là của cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương”{10, tr.6}.

Trên tinh thần đó, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã phát huy mọi khả năng để tăng cường công tác giáo dục trong vùng Thiên chúa giáo, chủ trương tuyên truyền giáo dục quần chúng hiểu rõ bản chất ưu việt của nền giáo dục mới, làm cho giáo dân hiểu rõ mục đích của Đảng, chính phủ là đảm bảo sự tiến bộ của con em, học sinh, cũng là vì lợi ích lâu dài của nhân dân; tích cực “mở lớp vỡ lòng trong vùng Thiên Chúa giáo, mở trường dân lập ở những nơi có điều kiện, mở trường quốc lập ở những nơi cần thiết, hoặc dời trường cho gần vùng giáo những nơi có điều kiện trung độ” {12, tr.2}. Ty Giáo dục đã nghiên cứu sắp xếp giáo viên quốc lập ở vùng Thiên chúa giáo, lựa chọn những giáo viên có ít nhiều khả năng chính trị và công tác quần chúng để làm cơ sở, có tác dụng thu hút học sinh.

Vì vậy, năm 1958, bên cạnh tình trạng phong trào giáo dục chưa được đẩy mạnh, có nơi chưa có trường lớp, các con em chưa dám đến học trường công thì nhiều nơi đã vận động được số đông con em Công giáo đi học, có nơi trên 1.000 em (huyện Nga Sơn) {12, tr.3}. Đó thực sự là những tiến bộ khởi đầu đáng khích lệ.

Năm học 1958-1959, Ngành Giáo dục đã huy động được đông đảo con em đồng bào Thiên chúa giáo ra lớp, hầu hết các vùng có đồng bào thiên chúa giáo, các thôn xóm hẻo lánh đều có trường hoặc lớp phổ thông và vỡ lòng cho con em theo học. Cũng có nơi vì không tìm được giáo viên, trường phổ thông đã cử người sang phụ trách giảng dạy ở các lớp này. Có nơi các giáo viên phổ thông phải đến từng xóm, từng nhà để kiểm tra trình độ và huy động các em ra lớp như Thọ Xương... Trong kỳ khai giảng đầu năm, nhiều nơi đã động viên được đông đảo phụ huynh tham dự buổi lễ. Riêng trường Nga Thái (Huyện Nga Sơn) đã có trên 60 phụ huynh tới dự. Nhờ đó mà nhà trường đã có dịp để tuyên truyền với giáo dân về mục đích và nhiệm vụ của nhà trường, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Thanh Hoá cũng đã mở thêm 1 trường cấp II giữa vùng công giáo toàn Tổng Nga Liên để thu hút số em học lên lớp 5 của vùng; trên 60 trường cấp 1 trong tỉnh

đóng rải rác ở các huyện, nhiều nhất là ở vùng ven biển các huyện: Nga Sơn, Tĩnh Gia, Hậu Lộc, một số xã ở huyện Đông Sơn, Thọ Xương, Thọ Xuân, Hoàng Hoá, Nông Cống, Hà Trung... Năm học 1958-1959, số trẻ em đi học đã tăng hơn năm trước trên 61%. Nhiều nhất là ở các lớp 1, 2. Riêng tại Hà Trung, toàn huyện có 182 học sinh thuộc gia đình công giáo thì đã có tới 151 em học lớp 1, 2. Tại Vĩnh Lộc, trong số 190 học sinh của toàn huyện thì đã có 177 em. Nếu tính riêng trong 10 xã ở các huyện trên thì đã có tới 1480 học sinh cấp 1; 133 em học sinh cấp II. Nếu tính tỷ lệ so với giáo dân thì năm 1955-1956 cứ 8,7 giáo dân mới có 1 học sinh. Nhưng đến năm học 1959-1960, cứ 5,3 người đã có 1 học sinh. Nếu so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh là 4, 9 người thì có 1 học sinh {97, tr.7}.

Như vậy, tỷ lệ con em đồng bào Thiên chúa giáo đi học gần ngang bằng tỷ lệ chung. Điều đó cũng cho thấy rằng, thực hiện chính sách của Đảng và Chính phủ mở mang văn hoá cho đồng bào các vùng Thiên chúa giáo, ngành Giáo dục Thanh Hoá đã chấp hành một cách nghiêm túc và đã thu được những thành tích đáng tự hào.

Quán triệt tinh thần “không để học sinh thất học”, tất cả học sinh, con em nhân dân trong toàn tỉnh đến tuổi đều được vận động đi học. Điều đó thể hiện quan điểm giáo dục của Đảng về nhà trường phổ thông trong chế độ ta là nhà trường nhận con em nhân dân và con em các thành phần khác vào học và nhà trường có trách nhiệm dạy cho tốt các em trở thành những người tốt.

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(147 trang)