Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hậu phương trên mặt trận giáo dục

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 72 - 85)

Trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng ác liệt, Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đã có chủ trương chuyển các cháu học sinh ở Vĩnh Linh, Quảng Bình sơ tán ra các địa phương ở Bắc khu IV để nuôi dạy, học tập. Đây là công tác có tầm quan trọng đặc biệt và có ý nghĩa chính trị rất lớn.

Thanh Hoá được Trung ương giao nhiệm vụ trung chuyển các cháu học sinh miền trong sơ tán ra các tỉnh miền ngoài và nhận một số cháu để nuôi dạy học tập. Việc đón tiếp và nuôi dạy học sinh miền trong ra sơ tán được lãnh đạo tỉnh coi đó là kế hoạch đột xuất đặc biệt mà các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh có liên quan phải quan tâm đúng mức và ưu tiên đặc biệt. Ban Đón tiếp đã tổ chức trung chuyển học sinh ra các tỉnh miền Bắc, đến các huyện, xã trong tỉnh và tổ chức cấp phát quần áo, đồ dùng... cho các cháu do nhân dân Thanh Hoá nuôi dưỡng.

Tính đến tháng 3/1968, Thanh Hoá đã tổ chức đón tiếp 7.040 người, trong đó có 6.635 học sinh. Riêng 10 ngày, từ ngày 1-10/3/1968, đã đón tiếp 6.185 học sinh. Mặc dù địch thường xuyên đánh phá ác liệt nhưng công tác trung chuyển luôn đảm bảo an toàn tuyệt đối. Hơn 18 tháng thực hiện kế hoạch, Ban Đón tiếp Kế hoạch 8 Thanh Hoá đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho 34.223 người di chuyển trên các tuyến đường dài hơn 500 km {127, tr.9}. Tổ chức tốt việc cấp phát tư trang cho các cháu thuộc diện nhân dân Thanh Hoá nuôi dưỡng.

Tại Thanh Hoá, số học sinh từ miền trong ra học tập từ đầu kế hoạch đến 13/1/1968 gồm: 3.572 học sinh cấp I; 724 học sinh cấp II; 19 học sinh cấp III và 998 cháu học mẫu giáo vỡ lòng. 3.766 học sinh đợt I được học tập tại Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hoá đã tổ chức và khai giảng ngay từ đầu kỳ I niên khoá 1967- 1968. Số học sinh ra đợt 2, đợt 3 cũng được tổ chức học tập ngay học kỳ II tại huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân...{127, tr.13}. Cũng trong năm đó, Ban lãnh đạo nuôi dạy các cháu ở tỉnh được thành lập với nhiệm vụ đẩy mạnh tiếp đón nuôi dạy các cháu từ huyện xuống. Các trường có học sinh miền trong sơ tán ra đến học không những quan tâm dạy học các cháu mà còn chú ý đến việc giáo dục toàn diện, kết hợp giữa gia đình, học đường và đoàn thể để giáo dục. Đồng thời, phân công giáo viên về các hợp tác xã tìm hiểu tình hình của các cháu; hàng tháng tổ chức sinh hoạt cho các cháu... Nhìn chung, vấn đề ăn ở học tập và sức khoẻ của học sinh dần được đi vào ổn định và nề nếp. Nó thể hiện ý nghĩa chính trị và tình cảm giữa các địa phương, giữa gia đình và các cháu...

Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo chặt chẽ các trường có học sinh K8 để bố trí công tác hợp lý, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, giải quyết lương bổng và các chế khác kịp thời cho giáo viên. ở nhiều trường, giáo viên đã quan tâm, chăm sóc, luôn gần gũi, động viên các cháu. Nhà trường cung cấp đủ sách giáo khoa, bố trí các cháu có khả năng làm cán bộ học sinh, cán bộ đội thiếu niên tiền phong, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu...

Sau 18 tháng thực hiện kế hoạch, lãnh đạo tỉnh đã bước đầu rút ra một số kinh nghiệm, học tập kinh nghiệm của các địa phương trong việc nuôi dạy học sinh từ miền trong ra như: công tác chính trị tư tưởng phải đặt lên hàng đầu, tiến hành thường xuyên; công tác chính trị tư tưởng phải lấy việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm, động viên cổ vũ người tốt việc tốt, phải nghiêm khắc phê phán quan điểm phong kiến và tư tưởng tư lợi; vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành là quyết định.

Việc tổ chức, quản lý và bảo vệ, nuôi dưỡng các cháu từ trong ra là một nhiệm vụ quan trọng của nhà trường và có một ý nghĩa chính trị to lớn. Ngành Giáo dục Thanh Hoá thời kỳ này đã nỗ lực hết mình nhằm xứng đáng với trách nhiệm của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Bên cạnh công tác nuôi dạy học sinh từ miền trong sơ tán ra, ngành Giáo dục Thanh Hoá thời kỳ này tiếp tục xây dựng các trường học sinh miền Nam nội trú. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc nuôi dạy học sinh miền Nam, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Ninh Bình, Hà Tây, Vĩnh Phú, Hà Bắc... đã xây dựng thêm các khu trường nội trú mới bảo đảm đủ chỗ ăn, ở học tập cho 10.000 học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ trong 2 năm 1974- 1975. Riêng Thanh Hoá xây dựng trường học sinh nội trú cho 2.000 học sinh.{46, tr.23}. Năm 1974, hai trường học sinh miền Nam đặt tại huyện Hà Trung, Thanh Hoá được thành lập là Trường Học sinh miền Nam số 16 và Trường Học sinh miền Nam số 17 với nhiệm vụ tổ chức tốt việc nuôi, dạy học sinh miền Nam theo đúng đường lối, chính sách, quy chế, thông tư, chỉ thị của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Uỷ ban Hành chính tỉnh Thanh Hoá...

Chủ trương xây dựng trường học sinh miền Nam nội trú đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, địa phương đối với con em học sinh miền Nam. Từ năm 1954, giáo dục Thanh Hoá đã tiếp nhận và tổ chức tốt việc học tập cho con em

miền Nam và nhiều cán bộ miền Nam. Đó là những hạt giống quý của cách mạng miền Nam sau này.

Việc nuôi dưỡng và đào tạo học sinh Lào cũng được xác định là một trong những công tác rất khẩn trương, phức tạp và quan trọng. Theo sự thoả thuận giữa Đảng ta và Đảng Nhân dân Lào, ta đồng ý nhận đào tạo 4.000 học sinh Lào gửi sang Việt Nam trong 2 năm 1969 và 1970, từ lớp vỡ lòng trở lên. Học sinh gồm con em cán bộ, bộ đội, thương binh, tử sĩ và gia đình có công với cách mạng.

Thanh Hoá là tỉnh được phân công nhận đào tạo và nuôi dưỡng học sinh Lào nhiều nhất trong các tỉnh được phân bố. Số học sinh Lào được chia về 2 trường: Trường Phổ thông miền núi 3 và 4 đặt tại Huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân. Đội ngũ học sinh này không những là một lực lượng nòng cốt kế tục sự nghiệp của cách mạng Lào mà còn là lớp người củng cố, giữ vững và phát triển mối quan hệ hữu nghị lâu dài giữa 2 Đảng, 2 dân tộc. Các trường đã có cố gắng bước đầu bố trí sắp xếp các em có nơi ăn, nơi ở, học tập... nhằm đào tạo cho các cháu Lào có sức khoẻ, có văn hoá, có tinh thần yêu nước, yêu lao động, yêu nhân dân để sau này trở về nước sẵn sàng tham gia chiến đấu và xây dựng nước Lào hoà bình, độc lập, trung lập, thống nhất dân chủ và thịnh vượng.

Năm 1973, thực hiện chủ trương của Chính phủ, UBHC tỉnh đã có chỉ thị yêu cầu:

- Ty Giáo dục chủ trì, với sự tham gia của các ngành Tài chính, Lương thực, Thương nghiệp, Công an, Y tế tổ chức kiểm tra toàn bộ công tác nuôi, dạy, quản lý, xây dựng của 2 trường.

- Ty Giáo dục cùng với Ban Giám hiệu 2 trường tiến hành đợt giáo dục tư tưởng, chính trị trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau trong công tác.

Đồng thời với việc chấn chỉnh đó, UBHC tỉnh đã quyết định giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp và toàn diện 2 trường nội trú học sinh Lào số 3 và 4 cho Ty Giáo

dục. Theo đó, Ty Giáo dục Thanh Hoá đã phát động cho các trường đã có kế hoạch đẩy mạnh tăng gia sản xuất, một số trường có thể tự đảm đương công tác phục vụ học sinh. Các em tham gia làm vệ sinh công cộng, đào hầm phòng không, rất tích cực... Các tiêu chuẩn lương thực chủ yếu cho các cháu được Ty Giáo dục đảm bảo tương đối. Các chế độ trang cấp, chăn màn, quần áo, dày dép...đã được thực hiện bảo đảm và chu đáo.

Công tác học tập cũng có nhiều thành tích đáng kể. ở cả 2 trường Phổ thông miền núi 3 và 4, có 58 lớp từ lớp 1 đến lớp 5. Qua năm học 1970-1971, các cháu đều được lên lớp. Riêng học kỳ I của năm học 1971-1972, thi kiểm tra, nói chung đều đạt yêu cầu từ 90% trở lên, có lớp đạt 100% {109, tr.12}.

Có thể nói, nhiệm vụ tiếp nhận, đào tạo học sinh Lào là một công tác rất quan trọng và cấp thiết cho việc xây dựng đất nước Lào sau này. Và đây cũng là biểu hiện của tình hữu nghị, thân thiết giữa hai dân tộc anh em Lào-Việt. Việc hợp tác giúp đỡ xây dựng ngành giáo dục cho nước bạn Lào đã trở thành nhiệm vụ quốc tế thường xuyên, liên tục với quy mô ngày càng lớn về nhiều mặt, cả ở nước bạn và ở nước ta.

* * *

Nhìn chung, trong 10 năm vừa chiến đấu vừa sản xuất, giáo dục của Thanh Hoá cùng với giáo dục miền Bắc đã phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng, những người làm công tác giáo dục thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận giáo dục, thế hệ học trò được rèn luyện trong hoàn cảnh chiến tranh đã trở thành những người kế tục xứng đáng sự nghiệp cách mạng.

Chủ trương chuyển hướng giáo dục với quy mô rộng lớn trong toàn tỉnh đã được Đảng bộ Thanh Hoá chỉ đạo sát sao, kịp thời. Từng bước xây dựng được hệ thống trường lớp tương đối hoàn chỉnh ở khắp các nơi trong tỉnh. Nhờ vậy, sự nghiệp GDPT ở Thanh Hoá không những được duy trì mà còn tiếp tục phát triển

mạnh ở tất cả các cấp, các vùng khác nhau, từ miền xuôi lên miền ngược, vùng đồng bằng đến vùng biển... đáp ứng được yêu cầu học tập của đại bộ phận thanh, thiếu niên. Công tác GDPT đã góp phần đắc lực vào thắng lợi của công cuộc cách mạng xây dựng CNXH của địa phương và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.

Tuy nhiên, đối với những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới, bên cạnh những thành tựu đó, ngành giáo dục phổ thông Thanh Hoá cũng bộc lộ những tồn tại.

Một là chất lượng đào tạo con người mới về mọi mặt, việc chuẩn bị cho thế hệ trẻ đi vào cuộc sống, đi vào xã hội, lao động sản xuất và hoạt động cách mạng còn thấp.

Hai là công tác giáo dục có giai đoạn ở trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng vì vậy đã hạn chế tác dụng của giáo dục phục vụ ba cuộc cách mạng và nhiệm vụ công nghiệp hoá XHCN. Phổ cập cấp I tiến hành chậm chạp và đứng trước nhiều khó khăn. Công tác giáo dục ở vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh của miền núi, ở miền biển, vùng đồng bào theo Thiên chúa giáo chưa được quan tâm đúng mức, nên tốc độ phát triển còn chậm so với các địa bàn khác trong tỉnh. Theo điều tra của Ty Giáo dục, trí dục của học sinh vùng thấp chỉ đạt từ 85-90%, vùng giữa chỉ đạt 70-80%; vùng cao chỉ đạt từ 40-50% so với học sinh miền xuôi.

Ba là cơ sở vật chất thiết bị của các nhà trường còn nghèo nàn và thiếu thốn nhiều, đặc biệt là ở các trường miền núi, vùng dân tộc ít người... Trải qua chiến tranh kéo dài và ác liệt, thiên tai, bão lụt làm cho nhiều phòng học, nhà ở, bàn ghế, đồ dùng dạy học bị phá hoại và hư hỏng. Số lượng trường sở do nhân dân mới xây dựng trong năm 1962 so với năm 1961 tăng gấp 2 lần; phòng học bằng 2,1 lần; số lượng bàn ghế tăng 12,3%. Tuy vậy, so với tốc độ phát triển trường lớp và học sinh vẫn chưa đáp ứng kịp yêu cầu về số lượng cũng như nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Bốn là trình độ về mọi mặt của đội ngũ giáo viên còn thấp. Đời sống của đa số cán bộ giáo viên còn gặp nhiều khó khăn. Vị trí của giáo dục và người thầy về nhận thức có được xác định rõ hơn, nhưng trong thực tế đời sống xã hội và chính sách đầu tư cho giáo dục và người thầy giáo chưa thể hiện rõ.

Dẫu còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung, giáo dục phổ thông Thanh Hoá đã phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ chính trị: chống Mỹ cứu nước và xây dựng địa phương trong thời chiến, đồng thời chuẩn bị tiềm lực đáng kể về dân trí, về lực lượng lao động và cán bộ cho công cuộc xây dựng đất nước.

10 năm vừa sản xuất vừa chiến đấu, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hoá đã nghiêm túc thực hiện chủ trương đường lối giáo dục của Đảng, kiên trì làm công tác chính trị, tư tưởng nhất là những khi có chuyển biến lớn về tình hình và nhiệm vụ cách mạng. Rõ ràng là việc học ở nhà trường đã có sắc thái mới. Một điều rất đáng nói là không những tự bản thân các đơn vị của ngành giáo dục đã làm một cuộc hoà đồng, hội nhập vào phong trào xã hội rộng lớn mà chính phong trào ấy cũng đã vang dội, làm nên sinh khí hoạt động của Ngành. GDPT bám sát từng biến chuyển, sự kiện của đất nước, dân tộc, quê hương để vận động và tham gia.

Những thành tựu của GDPT Thanh Hoá trong 10 vừa sản xuất và chiến đấu đã tạo nên nguồn lực lớn lao, tạo cơ sở vững chắc để giáo dục Thanh Hoá bước tiếp sang một thời kỳ mới-thời kỳ cùng cả nước đi lên xây dựng CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong điều kiện đất nước hoà bình và thống nhất.

Kết luận

Trong hai thập kỷ (1954-1975), sự nghiệp GDPT của Thanh Hoá đã có những bước phát triển mạnh mẽ, những biến đổi sâu sắc nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, yêu cầu của cách mạng.

Nhiệm vụ lâu dài, xuyên suốt của ngành giáo dục-đào tạo nói chung, ngành GDPT nói riêng được Đảng ta xác định là bồi dưỡng thế hệ trẻ thành những người lao động làm chủ đất nước, có giác ngộ XHCN có văn hoá và kỹ thuật, có sức khoẻ, những người phát triển toàn diện để xây dựng xã hội mới. Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng đó, Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá đã quán triệt vận dụng sáng tạo những quan điểm chỉ đạo của Trung ương vào điều kiện cụ thể của địa phương, đề ra những quyết sách đúng đắn phù hợp với sự phát triển qua hai thời kỳ cụ thể (1954 - 1965) và (1965-1975). Đó cũng chính là quá trình vận động lâu dài và đầy khó khăn của ngành giáo dục Thanh Hoá từ những ngày đầu tuyên truyền mục đích về việc học tập dưới chế độ mới, đến khi đào tạo nên những con người mới.

Những thành tựu mà giáo dục Thanh Hoá đạt được là do sự vận động của truyền thống hiếu học lưu truyền từ ngàn xưa trên mảnh đất này được tổ chức phát huy, kết tinh bởi đường lối, cơ chế do dân, vì dân của chế độ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của chính quyền nhân dân.

GDPT Thanh Hoá trong hơn hai mươi năm (1954-1975) đã vượt lên nhiều hoàn cảnh khó khăn để phục hồi và phát triển, có ý nghĩa quan trọng góp phần thúc đẩy sự nghiệp cách mạng trong từng thời kỳ. Trong quá trình xây dựng, GDPT Thanh Hoá có những địa bàn vô cùng khó khăn. Đó là cả một miền núi rộng lớn, với vùng cao chiếm một tỷ lệ đáng kể. Có những vùng chậm phát triển ở nông thôn và ven biển. Có những vùng ảnh hưởng của nhà thờ còn khá sâu sắc trong tư tưởng cũng như trong phong tục tập quán của nhân dân... Trải qua bao lần thiên tai, địch

hoạ, cứ mỗi lần như thế các trường học phổ thông lại đứng trước những thử thách vô cùng khắc nghiệt. Số học sinh có những năm giảm nhiều, đội ngũ giáo viên chao đảo nhất là không thể dồn tâm sức vào công việc, sự nghiệp của mình. Tuy

Một phần của tài liệu đảng bộ tỉnh thanh hóa lãnh đạo sự nghiệp giáo dục phổ thông thời kỳ 1954 1975 (Trang 72 - 85)