Sự tham gia của yếu tố tự truyện

Một phần của tài liệu truyện đường rừng của lý văn sâm (Trang 93 - 95)

6. Kết cấu của luận văn:

3.4. Sự tham gia của yếu tố tự truyện

Đúng như nhà nghiên cứu Trần Hữu Tá đã viết trong Từ điển văn học (bộ mới) “Khác với các nhà văn viết loại truyện này trước năm 1945, Lý Văn Sâm dựng lại những cảnh mà ông rất quen thuộc, những con người mà ông từng gắn bó” (35,929). Truyện của Lý Văn Sâm, trong nhiều trường hợp, có chứa yếu tố tự truyện. Ông đưa những chi tiết trong cuộc sống thường nhật của mình vào tác phẩm hư cấu.

Trong các truyện đường rừng, khi kể về những cảnh, những ngươi quen thuộc, Lý Văn Sâm thường chọn cách kể từ ngôi thứ nhất. Sáu trong chín truyện của tập Kòn Trô được kể từ ngôi “tôi”. Truyện vừa Vợ tôi -người dân tộc thiểu số cũng được kể từ ngôi “tôi” và nhân vật thầy Hai trong truyện quả là có mang nhiều nét tự truyện của cuộc đời Lý Văn Sâm. Cách kể này tạo cho người đọc cảm giác chân thực như nhà văn là nhân vật tham dự trong truyện. Đồng thời, cách kể này tạo điều kiện cho nhà văn có thể khai thác tối đa sự miêu tả về cảnh và người đường rừng mà ông quen thuộc vì miêu tả từ cái nhìn của người trong cuộc. Trong mảng truyện đường rừng, ông đã sử dụng thủ pháp này trong khá nhiều tác phẩm như Mũi Tổ, Rồng bay trên núi Gia Nhang, Thâm u và cao cả. Hiệu quả của cách kể này rất đáng kể. Nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy nhận xét “Rõ ràng, với lối “nhập thân” này, tác phẩm Lý Văn Sâm đã gây cảm xúc đáng tin cậy hơn ở người đọc, vì “người kể không ai đó xa lạ, đứng ở tận đâu đâu, trên cao, ngoài xa phóng tầm con mắt quan sát mọi chuyện” Nhà văn không cần phải đưa ra những lời thuyết phục, đại loại: “chuyện này chính mắt tôi đã trông thấy”, "Ông nọ đã kể chuyện riêng của mình với tôi” “Chuyện có vẻ hoang đường, nhưng là sự thật “v. v. “(41,197)

Đặc biệt, không chỉ đứng ở ngôi xưng là “tôi”, nhiều truyện ngắn, truyện vừa trong mảng truyện đường rừng của Lý Văn Sâm còn có yếu tố tự truyện. Do hoàn cảnh đặc biệt (sống trong rừng nhiều năm), có quan hệ thân thuộc với nhiều người dân và bạn bè sống ở vùng rừng núi, thậm chí lấy vợ cũng là người dân tộc thiểu số, cho nên Lý Văn Sâm hay đưa các yếu tố có tính tự truyện vào trong tác phẩm của mình. Mức độ sử dụng yếu tố tự truyện

94

này có khác nhau trong các tác phẩm đường rừng của ông. Có khi, đó là những tên đất, tên núi, tên sông có thật ở vùng rừng núi mà nhà văn sống như sóc Thanh Sơn, núi Mu Mi, núi Võ Đắc, núi Bạch Hổ Sơn, ấp Võ Dõng... Có khi, đó là những chi tiết trong cuộc đời nhà văn (cuộc gặp gỡ bất ngờ với một cô gái trong rừng, gặp gỡ với một cụ già kể lại truyện Thần Ngư Động), thấy đàn dơi bay ra từ đỉnh núi trông xa như rồng bay... Cũng có lúc, cả tác phẩm gần như tái hiện mối tình đầu tiên của nhà văn với nhiều chi tiết thật (Vợ tôi- người dân tộc thiểu số). Đây là điểm đặc biệt trong nghệ thuật viết truyện đường rừng của

Lý Văn Sâm. Vì những chi tiết ấy chỉ điểm xuyết qua, nhưng nó lại có tác dụng tạo cho người đọc cái cảm giác rất chân thực về một không gian cuộc sống có thực chứ không phải là không gian giả tưởng. Còn trong truyện Vợ tôi - người dân tộc thiểu số, yếu tố tự truyện tạo tính chân thực cho tính cách và tình cảm nhân vật. Nếu có mội vài chi tiết hư cấu thì là do dụng ý của nhà văn muốn làm nổi bật chủ đề câu chuyện. Nhà nghiên cứu Bùi Quang Huy nhận xét: “Những chỗ “chênh” đều xuất phát từ dụng ý của nhà văn muốn làm nổi bật chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Chẳng hạn, Vợ tôi - người dân tộc thiểu số gần như là phiên

bản mối tình đầu của nhà văn trước năm 1945. Để kết tội “cái xã hội văn minh với những tình cảm bội bạc”, tác giả không ngại ngần biến một chàng trai rất mực thủy chung thành “một thằng con trai sớm thương chiều ghét” do chính “xã hội đó đã đề ra””(41,198). Chính cách xử lý yếu tố tự truyện hợp lý như vậy đã giúp nhà văn xây dựng được một chân dung người phụ nữ dân tộc thiểu số vùng rừng núi Nam Bộ chịu thương chiụ khó, hiền lành, yêu thương chồng hết mực mà cũng rất mực dữ dội khi lòng tự trọng bị xúc phạm, tình cảm bị lừa dối. Đây là một trong những chân dung người phụ nữ miền núi khá trọn vẹn được xây dựng thuộc loại sớm nhất trong văn học Việt Nam.

Cũng cần nói thêm là việc các nhà văn sử dụng yếu tố tự truyện không phải là hiếm, vì văn học là cuộc đời, nhà văn đem những chiêm nghiệm, những điều từng trải của mình từ cuộc sống vào tác phẩm là chuyện tất nhiên. Song, cách xử lý yếu tố tự truyện trong truyện đường rừng Lý văn Sâm có nét nào đó như là sự chịu ảnh hưởng hoặc tiếp nối cái cách mà nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã đưa những sự kiện của cuộc đời mình vào trong tác phẩm Lục Vân Tiên . Trong truyện thơ nôm Lục Vân Tiên, rõ ràng là Nguyễn Đình Chiểu đã đưa nhiều chi tiết của cuộc đời mình vào hành trình cuộc đời Lục Vân Tiên: trên đường đi thi nghe tin mẹ mất, bị bệnh mù mắt, bị gia đình người thương đã hứa hôn phụ bạc. Song , cuộc đời của Lục Vân Tiên trong truyện cũng có những độ chênh so với cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu trong đời thực: Lục Vân Tiên được tiên ông cho thuốc sáng mắt, đánh thắng

95

giặc Ô Qua, gặp lại người thương Kiều Nguyệt Nga. Những yếu tố hư cấu đó chính là ước mơ của nhà thơ mù. Truyện của Lý Văn Sâm cũng vậy, từ một cuộc gặp gỡ tình cờ với một người con gái trong rừng, ông đã viết Kòn Trô, câu chuyện cũng xoay quanh một cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa một cô gái lạc rừng với một tướng cướp, và cuối cùng, chàng trai đã chết vì giữ lời hưá với người yêu. Đã có lần, Lý Văn Sâm nói rằng “Tôi lấy tôi làm hình mẫu cho Kòn Trô”(40,441). Đó là một giấc mơ lãng mạn của nhà văn. Trong Vợ tôi- người dân tộc thiểu số, nàng Tchô Phay ngoài đời thực (vợ nhà văn) thất lạc vì chiến tranh binh lửa, còn

nhân vật Tchô Phay trong tác phẩm lại bỏ vào rừng sâu mà chết vì ghê sợ sự bội bạc của người đời. Nói cách khác, sự thực cuộc sống được khúc xạ ở đây một cách rất nghệ thuật, yếu tố tự truyện được sử dụng không phải chỉ để thỏa mãn sự giãi bày cái “tôi” nội tâm của nhà văn mà còn để thể hiện những ý đồ sáng tạo nghệ thuật có hiệu quả. về mặt tâm lý tiếp nhận, người đọc được đọc những tác phẩm vừa mang hình ảnh cuộc đời thực, vừa mang ước mơ của nhà văn như thế là rất thú vị. Trong các nhà văn viết truyện đường rừng, đặc điểm này có lẽ chỉ có ở Lý Văn Sâm.

Một phần của tài liệu truyện đường rừng của lý văn sâm (Trang 93 - 95)