Cách miêu tả vẻ ngoài của nhân vật

Một phần của tài liệu truyện đường rừng của lý văn sâm (Trang 78 - 79)

6. Kết cấu của luận văn:

3.2.1. Cách miêu tả vẻ ngoài của nhân vật

Khi mới tiếp xúc với tác phẩm của Lý Văn Sâm, người ta thường có cái cảm giác rằng ông miêu tả nhân vật của mình hơi đơn giản. Như đa số các nhà văn miền Nam khác, thiên về trọng kể hơn trọng tả, Lý Văn Sâm gần như không thực sự chú ý miêu tả vẻ ngoài của nhân vật trong các truyện đường rừng của mình. Các nữ nhân vật thì thường được hình dung qua cảm tưởng những nhân vật khác rằng họ là người rất xinh đẹp. “Người ta chỉ biết trong sóc Mọi Thanh Sơn có một người con gái rất đẹp tên là Sương, phục sức theo lối thổ dân, cỡi ngưạ rất giỏi và thường theo “ông chủ trại” dự những cuộc đón đường cướp xe lương của quân Nhật” (41,343). Khi họ được trực tiếp miêu tả thì cũng chỉ có một bức chân dung khá khái quát “Người cầm lái là một thiếu nữ Việt Nam, phục sức theo lối nhà binh, hớt tóc ngắn và uốn quăn như đàn bà Tây phương”. Còn các nhân vật nam, nếu được miêu tả thì có nét gì lại hao hao nhau. Như nhân vật Kòn Trô thì “Gã còn trẻ lắm . Mặt tròn, mắt sáng, đôi môi lúc nào cũng dành sẵn một nụ cười. Màu da ngâm ngâm đen, láng như đồng, tỏ rằng gã có rất nhiều sức mạnh. Gã mặc theo kiểu người đi săn: đầu đội nón vành lớn,chân đi ủng da đen. Trông gã oai nghi, hùng dũng lắm.” (Kòn Trô) (41,212).

Còn đây là hình dáng của Châu Phiên, viên thủ lĩnh trẻ tuổi của sóc Mỹ Trà: “Sau này, tôi có dịp được quen và thân Châu Phiên, tôi không thấy ở con người ấy một nét gì thần thánh cả. Nước da hung hung đỏ. Miệng nhỏ và đỏ như thoa son. Hai mắt đục như hai mắt mèo. Cách phục sức rất giản dị: một cái nón vành rộng trên đầu và một đôi giày đi ngựa lúc nào cũng thấy mang ở chân; là vì Châu Phiên rất thích dong ngựa từ ấp này qua ấp khác. Thêm vào, một bộ đồ gai màu cỏ sậm, lúc nào trông cũng sạch sẽ...” (Rồng bay trên núi Gia Nhang) (41,330)

Trong một truyện khác (Sương gió biên thùy), nhân vật Phong cũng có kiểu ăn mặc gần giống như thế: “Người đàn ông mặc theo lối đi săn, đầu đội nón vành rộng,chân đi ủng da đen.” (41,340)

Cách miêu tả này tạo cảm giác cứ như thể là nhân vật của ông bước từ câu chuyện này sang câu chuyện khác. Có thể nói, đây không phải là thế mạnh của Lý Văn Sâm. Theo chúng tôi, điều này một phần bắt nguồn từ truyền thống văn hóa mà nhà văn tiếp thu cũng như từ tâm lý tiếp nhận của người đọc. Người Nam Bộ vốn yêu mến các câu chuyện kể theo lối cổ điển. Cho đến đầu thế kỷ 20, văn chương phiá Bắc bắt đầu bị ảnh hưởng mạnh bởi các tác phẩm văn học phương Tây vốn rất chú trọng đến việc miêu tả thế giới hiện thực, trong

79

đó có chân dung, hình dáng con người một cách cá biệt hóa. Chưa nói đến các chân dung nhân vật được miêu tả rất sắc nét trong các tiểu thuyết của Tự lực văn đoàn, ngay cả một nhà văn hiện thực phê phán vốn xuất thân từ truyền thống khoa bảng của Nho gia như Ngô Tất Tố vẫn miêu tả được một chị Dậu ngoài đôi môi cắn chỉ, đôi má đỏ au ... còn có “mấy sợi tốc mai phơ phất như làn khối thuốc lá”. Trong khi đó, do nhiều lý do về tâm lý tiếp nhận, người dân Nam Bộ vẫn còn rất thích thú với các câu chuyện diễn nghĩa, các câu chuyện kể theo kiểu nói thơ, trong đó, chân dung nhân vật vẫn còn được miêu tả theo kiểu anh hùng thì “mày tằm, mắt phụng, môi son, / Mười phân cốt cách vuông tròn mười phân”,

mỹ nhân thì “má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng”, các nam thanh nữ tú thì “mặt như giồi phấn, môi tợ thoa son”. Mặc dù chịu ảnh hưởng Tây học, là con người của truyền thống ấy, Lý Văn Sâm chưa ra khỏi được cách miêu tả truyền thống. Ông chỉ mới dựng lên vài nét phác họa về nhân vật hơn là cá biệt hóa nó như ta đã thấy qua việc miêu tả các nhân vật kể trên. Tuy nhiên, nếu tách riêng từng câu chuyện, thì cách miêu tả của ông vẫn đáp ứng được đặc trưng thể loại của truyện đường rừng là rất cần đến yếu tố “lạ”. Những nhân vật ấy tuy vẫn phảng phất dáng đáp những nhân vật cổ điển, nhưng từ kiểu ăn mặc “trông Châu Phiên giống một gã Tây phương hiệp sĩ trên các màn ảnh Mỹ” (41,330), những nhân vật mà nhà văn miêu tả vẫn mang một nét riêng nào đó của người miền rừng Nam Bộ vốn bị Âu hóa sớm hơn vùng Bắc Bộ do quá trình thực dân Pháp lập đồn điền và khai khẩn ở đây. Và do đó, cách miêu tả này vẫn mang đến một nét mới cho truyện đường rừng của Lý Văn Sâm.

Một phần của tài liệu truyện đường rừng của lý văn sâm (Trang 78 - 79)