CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH
3.2.3.2. Kết cấu đan kết, hòa trộn các dạng thời gian nghệ thuật
Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh kết cấu không theo thời gian tuyến tính mà thời gian luôn bị xáo trộn, quá khứ - hiện tại đan xen, soi chiếu lẫn nhau. Nhà văn không đi theo một đường thẳng diễn biến các sự kiện mà khai thác thời gian đa chiều. Nhà phê bình Nguyễn Văn Dân đã nhận xét: “Bằng cách đó, vấn đề cần luận giải được nhìn nhận từ nhiều góc độ và cung bậc khác nhau. Từ đó, tác phẩm của nhà văn diễn ra không giống như một bộ phim như tiểu thuyết Hoàng Quốc Hải mà nó mở ra như một bản giao hưởng với một chủ đề quán xuyến lặp đi lặp lại” [11, 13].
Trong tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh, mọi nhân vật đều được tác giả trình bày không theo một trật tự thời gian tuyến tính mà cắt ngang cuộc đời nhân vật sau đó dùng những yếu tố hồi tưởng, làm nhân vật hiện lên đầy đủ, toàn vẹn. Hiện thực, quá khứ luôn đan xen, soi sáng nhau. Ở mỗi chương truyện, nhiều câu chuyện ở hiện tại, quá khứ luôn đan xen, lồng kết nhau. Giới thiệu về Trần Khát Chân, nhà văn bắt đầu giới thiệu Trại Mai, trang ấp của thượng tướng, với bữa tiệc “Đại Mai” đầu xuân, tình bạn thâm giao với Hồ Nguyên Trừng. Sau đó mới nói về cuộc chiến chống quân Chiêm và chiến công của thượng tướng khi giết được Chế Bồng Nga, xóa bỏ được nỗi sợ quân Chiêm của cả nước.
Ở Mẫu Thượng Ngàn, kết cấu xáo trộn, đan cài thời gian quá khứ, hiện tại cũng được sử dụng hiệu quả. Nhà văn không giới thiệu nhân vật hai Phác theo trình tự: lúc sinh ra lớn lên, lưu lạc trở về quê hương với tên Trịnh Huyền, cuối cùng bị treo cổ ở cây đa đầu làng. Nguyễn Xuân Khánh cắt ngang cuộc đời nhân vật khi anh trở lại quê hương. Nhân vật bà ba Váy xuất hiện một cách tình cờ khi đi hái nấm ở núi ông Đùng gặp Trịnh Huyền. Khi đó bà ba đã là vợ của Lý Cỏn. Dần dần ở các chương sau, nhân vật mới hiện lên đầy đủ và toàn vẹn. Xâu chuỗi tất cả các sự kiện trong tác phẩm ta mới biết đầy đủ về nhân vật. Cô Váy là bạn thời chăn trâu cắt cỏ với Trịnh Huyền, được Trịnh Huyền (hai Phác) bảo vệ trước sự bắt nạt của lũ trẻ mục đồng. Suốt ngày cô đi theo Phác và lớn lên hai người phải lòng nhau. Bố cô Váy là một người đi rừng rất giỏi, được gọi là “Thần Rừng”. Ông cũng rất yêu quý anh Phác và truyền cho anh nghề bẫy chim. Họ đã tính đến chuyện lấy nhau. Mùa hội năm đó, mùa “trải ổ”, họ đã trao cho nhau mối tình đầu đầy hoan lạc, cuồng dại. Rồi hai Phác đi theo ông Đề đánh Tây, sau đó bỏ đi biệt tích, cha cô mất, mấy mẹ con nheo nhóc, nghèo đói. Cô Váy phải về làm nàng hầu cho Lí Cỏn để trừ nợ. Cô lấy ông Lí khi đã có mang với hai Phác sinh ra thằng Cò (Vũ Xuân), sau đó cô sinh cho chồng một đàn con. Sau hai mươi năm biệt tích, hai Phác giờ đây là Trịnh Huyền trở về làng với bộ dạng khác hẳn: “bộ mặt nửa thực
nửa hư, nửa hiền nửa ác, nửa đẹp nửa đáng ghê sợ” [36, 547], mang theo một đứa con gái,
có tài đánh đàn rất hay. Ông đồ Tiết bảo với cả làng là đứa cháu họ dưới nam lên. Nhưng cô Váy đã nhận ra người yêu năm nào ngay từ lần gặp đầu tiên. Họ lao vào cuộc tình vụng trộm đầy nguy hiểm nhưng không cưỡng lại được. Làng có dịch bệnh, Lí Cỏn bị bệnh, cô săn sóc chồng rất tận tụy, dùng bầu sữa của mình để cứu chồng về từ tay thần chết. Trong hội ông Đùng bà Đà, cô Váy và anh Trịnh Huyền gặp lại nhau trong mỏ nấm sau mấy tháng xa cách nhưng không ngờ bị đứa con cả phát hiện. Cò tưởng đó là tình nhân của mẹ nên đã bắn Trịnh Huyền, may là mũi tên chỉ trúng vai. Biết được sự thật là con trai đẻ của Trịnh Huyền, Cò đau đớn đi lang thang, tránh gặp mặt mẹ. Bà ba Váy suy sụp ngã bệnh. Bệnh cô càng nặng hơn khi Trịnh Huyền bị giết, bị treo đầu ở cây đa.
Các nhân vật, sự kiện không theo một trình tự nhất định mà nó xuất hiện ở những thời điểm khác nhau. Người đọc luôn bị lôi cuốn vào tác phẩm bởi những nghi vấn, khó hiểu. Càng đọc, từng nút thắt mới dần dần được tháo gỡ. Với cách kết cấu này, nhà văn làm người đọc luôn bị cuốn hút vào tác phẩm, chăm chú đọc từ đầu đến cuối.