CHƯƠNG 3: ĐẶC ĐIỂM NGHỆ THUẬT TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH
3.2.3.1. Kết cấu tương phản, đối lập
Tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Xuân Khánh chủ yếu kết cấu theo kiểu tương phản, đối lập. Hồ Quý Lylà sự đấu tranh quyết liệt giữa hai phe: phe bảo thủ và canh tân. Phe bảo thủ gồm các tôn thất nhà Trần muốn duy trì, bảo vệ vương triều nhà Trần, duy trì những luật lệ đã có từ trước. Phe canh tân muốn thực hiện những chính sách cải cách, thay đổi đất nước. Mỗi phe đều nhăm nhăm thực hiện mục đích của mình, họ không cùng đi một con đường nên tìm mọi cách để tiêu diệt nhau. Kết thúc tác phẩm là sự thắng thế của phe canh tân. Trong Mẫu Thượng Ngàn là sự đối lập giữa hai nền văn hóa: văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây. Để cụ thể sự đấu tranh giữa hai nên hai nền văn hóa, tác giả đã xây dựng hình ảnh biểu tượng: làng Cổ Đình và đồn điền Messmer. Làng Cổ Đình tiêu biểu cho dân tộc Việt, văn hóa Việt. Ở đó vẫn giữ nguyên những nét văn hóa nguyên sơ, bản địa: tín ngưỡng thờ Mẫu, lễ hội dân gian, phong tục tập quán có từ lâu đời… Đồn điền Messmer tiêu biểu cho những kẻ đi xâm lược, những nhà thực dân. Chúng chiếm đất, lập đồn điền, bóc lột lao động rẻ mạt, đàn áp các phong trào đấu tranh của nhân dân… Trong đồn điền còn có ngôi nhà thờ khang trang, bề thế là biểu tượng của văn hóa phương Tây. Hình ảnh
“đình làng” và “ngôi nhà thờ” là hình ảnh tiêu biểu cho hai nền văn hóa hoàn toàn khác
nhau: “Cái đình thì bám chặt mảnh đất tổ tiên, còn ngôi nhà thờ lại đưa họ bay vút lên tận
trời xanh” [36, 327]. Nền văn hóa phương Đông thiên về cái âm tính, chậm chạp, lối sống
ân tình, đặt nặng tình nghĩa hơn lí lẽ. Còn văn hóa phương Tây lại thiên về dương tính, tốc độ, lối sống kỉ luật. Vì vậy, tác giả đã xây dựng hình ảnh những người phụ nữ là biểu tượng cho văn hóa phương Đông, còn những người đàn ông Pháp là biểu tượng của văn hóa phương Tây (Những người Pháp đến đây đều là đàn ông: Pilippe, Pierre, Julien, nhà dân tộc học René, cha Colombert… chỉ có một người phụ nữ Pháp là Hélène (vợ Philippe) nhưng cô không thể sống được nơi đây và trở về Pháp, không bao giờ trở lại). Đây là một cuộc
đụng độ giữa hai nền văn hóa hoàn toàn khác nhau về bản chất. Ban đầu, cái sức mạnh cương cường bao giờ cũng chiến thắng cái âm tính mềm mại. Những người phụ nữ làng Cổ Đình trở thành nô lệ, phục vụ người đàn ông phương Tây. Có người phát triển điều này thành lí thuyết: “Sự đi chinh phục xứ lạ chẳng qua là những con đực mạnh đến chiếm đoạt
những con cái của xứ sở bị đánh chiếm” [36, 347]. Tiêu biểu cho điều này là cô Mùi bị
Philippe chiếm đoạt, tìm mọi cách lấy làm vợ; Nhụ bị Julien cưỡng hiếp trước khi thành thân với chồng. Thế nhưng, sau đó cái âm tính mềm dẻo, uyển chuyển có sức sống lâu bền, dẻo dai sẽ tấn công lại và làm cho cái dương tính mất đi sức mạnh và bị tê liệt. Cuộc chiến trên giường ngủ của cô Mùi và Philippe không chỉ có ý nghĩa là sự vật lộn giữa người đàn bà – người đàn ông mà còn là cuộc vật lộn giữa hai nền văn hóa. Ban đầu, cô Mùi thụ động, chịu đựng nhưng sau đó cô chủ động đòi hỏi và làm cùng kiệt sức lực của Philippe. Cũng như vậy, văn hóa phương Tây sang Việt Nam ồ ạt, có tính chất cưỡng chế bằng sức mạnh nhưng nó cũng không thể tiêu diệt, làm mất đi nền văn hóa phương Đông. Nền văn hóa dân tộc vẫn trường tồn dù qua bao thăng trầm, biến đổi.
Sự đối lập tương phản còn diễn ra ở cấp độ nhỏ hơn. Trong Hồ Quý Ly, sự đối lập còn thể hiện ở từng nhân vật. Công chúa Huy Ninh là một nhân vật nội tâm, mang nhiều tâm sự, mâu thuẫn. Bà thuộc dòng dõi nhà Trần, tất nhiên bà luôn mong muốn cho cơ nghiệp ông cha trường tồn, bền vững nhưng bà lại là vợ của Hồ Quý Ly, một người đang nắm trong tay nhiều quyền hành và từng bước lật đổ nhà Trần. Bà đau lòng khi nhìn thấy cảnh đầu rơi, máu chảy, nhiều tôn thất nhà Trần bị giết hại bởi tay chồng mình nhưng bà cũng luôn lặng lẽ, tận tụy ở cạnh chồng, sám hối cho chồng, mong ông hoàn thành cơ nghiệp. Bà không bao giờ trách móc, can thiệp vào công việc của chồng. Có lẽ vì vậy mà bà luôn chất chứa một nỗi buồn, một sự u sầu hiện rõ trên gương mặt, trong ánh mắt. Trần Khát Chân cũng là một nhân vật có nhiều mâu thuẫn, ông hiểu rất rõ vận nhà Trần đã đến lúc suy tàn, ông cũng thấy được sự mưu lược, quyết đoán của Hồ Quý Ly. Ông rất phân vân không biết nên theo phe nào, theo phe bảo thủ chống lại Hồ Quý Ly, ông sẽ đi ngược lại bánh xe lịch sử nhưng theo Hồ Quý Ly chống lại phe bảo thủ, ông sẽ chống lại chính dòng họ mình. Sau nhiều trăn trở, dằn vặt, ông đã chọn con đường sống chết cho cơ nghiệp nhà Trần. Trong Mẫu Thượng Ngàncó sự đối lập trong tư tưởng, cách tiếp cận nền văn hóa bản địa của các nhà thuộc địa; sự đối lập giữa các thế hệ trong nội bộ những người dân mất nước. Cùng là ông chủ của đồn điền Messmer, lại là anh em ruột nhưng Pierre hoàn toàn khác với Philippe và Julien. Philippe và Julien là những nhà thuộc địa trứ danh còn Pierre là
một họa sĩ, có tâm hồn nhạy cảm, biết rung động trước cái đẹp. Pierre đến xứ sở này chủ yếu là do tò mò, bị hấp dẫn bởi thiên nhiên xứ sở này qua những bức thư anh trai gửi. Khi đến đây, anh đã bị thu hút bởi bức tranh đầy màu sắc của thiên nhiên và vẻ đẹp đằm thắm của người dân xứ thuộc địa. Nếu như Philippe và Julien coi nền văn hóa bản địa là nền văn hóa rừng rú, phù thủy thì Pierre lại tôn trọng văn hóa bản địa, có ý thức tìm hiểu và mong muốn sự “hòa trộn” về văn hóa. Sự đối lập diễn ra giữa các tầng lớp của những người dân mất nước: những bậc sĩ phu đạo cao đức trọng như cụ phủ Khiêm, cụ đồ Tiết, cụ Tú Cao… tiêu biểu cho thế hệ oanh liệt, chói lọi nhưng đã qua. Họ thuộc về quá khứ còn hiện tại họ không còn sứ mệnh trong sự nghiệp đánh giặc cứu nước. Ngược lại, những thế hệ thanh niên như Huy, Tuấn, Quế, Điều... là những con người mới, thế hệ sẽ đảm đương sứ mệnh lịch sử của dân tộc. Tuy con đường họ đi còn lắm chông gai mò mẫm, vấp ngã nhưng tất yếu họ sẽ tìm được đường đi.
Kết cấu tương phản, đối lập được sử dụng ở nhiều mặt, nhiều cấp độ, làm nổi bật, sáng rõ từng đối tượng. Sự vật, hiện tượng không nằm trong thế đơn phân mà ở thế lưỡng phân, nó được nhìn nhận đa chiều, trong nhiều mối quan hệ.