CHƯƠNG 2: NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG TIỂU THUYẾT LỊCH SỬ CỦA NGUYỄN XUÂN KHÁNH
2.1.1. Bão táp lịch sử và con đường đi của nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Quý Ly
Nhà Trần trong những triều đại đầu đã làm nên những chiến công đầy oanh liệt trong lịch sử dân tộc: ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Nhưng sau những chiến công đó, vua quan đã bắt đầu có tư tưởng hưởng thụ, không chăm lo cho nhân dân. Vua Trần Thánh Tông thỏa thuê vì: “Bốn bể đã yên, nhơ đã sạch. Năm nay chơi thú quá năm xưa”
[56, 175]. Vị tướng Trần Khánh Dư khẳng định: “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt, lấy vịt mà nuôi chim ưng thì có gì là lạ” [56, 175].Càng về sau tình hình đất nước càng rối ren, khủng hoảng. Quan lại tham nhũng, lo vơ vét đầy túi, không quan tâm đến cuộc sống của nhân dân. Mất mùa, lũ lụt xảy ra thường xuyên đẩy nhân dân vào cảnh bần cùng, khốn khổ. Sử cũ đã chép rằng: “nông dân nghèo khổ bán ruộng đất, bán con cái làm nô tì cho các thế gia với giá một quan một người (đương thời ba thăng gạo cũng giá một quan tiền, nghĩa là
bán một đứa con làm nô tì, người nông dân chỉ mua được ba thăng gạo)” [56, 175]. Lời
giáo huấn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn: “khoan thư sức dân để làm kế sâu
gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”[41, 502] đã bị đi vào quên lãng. Đại Việt đang rơi
vào một cuộc khủng hoảng cực kì sâu sắc đòi hỏi phải có những thay đổi để chấn hưng lại đất nước.
Cuộc sống cùng cực đã đẩy người nông dân nghèo vào con đường “làm loạn”, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân đã nổ ra, tiêu biểu là tám phong trào lớn:
1) Khởi nghĩa do Ngô Bệ lãnh đạo ở vùng Hải Dương ngày nay (1344 – 1360)
2) Cuộc khởi nghĩa do Tề phát động (không rõ họ) ở vùng Lạng Sơn ngày nay (1354) 3) Cuộc nổi dậy do Nguyễn Bồ chỉ huy ở vùng Bắc Giang ngày nay (1378)
4) Cuộc nổi dậy của Hồ Vệ ở vùng Nghệ An ngày nay (1381)
5) Cuộc nổi dậy của Nguyễn Thanh ở vùng Thanh Hóa ngày nay (1389)
7) Cuộc nổi dậy do Phạm Sư Ôn phát động ở vùng Hà Tây ngày nay (1389) 8) Cuộc nổi dậy do Nguyễn Nhữ Cái tổ chức ở vùng Hòa Bình ngày nay (1389)
Trong đó, cuộc nổi dậy do Thiên Nhiên tăng Phạm Sư Ôn cầm đầu đã thu hút được nhiều nông nô, nô tì, nông dân nghèo tham gia. Nghĩa quân đã làm chủ lộ Quốc Oai, tiến vào Thăng Long chiếm đóng trong ba ngày. Vua quan nhà Trần phải bỏ chạy sang Bắc Giang.
Bên ngoài, phía Nam giặc Chiêm Thành do Chế Bồng Nga cầm đầu thường xuyên cướp phá, cướp người đòi đất. Trong vòng hai mươi năm, từ 1370 đến 1390, quân Chiêm đã xâm nhập, đốt phá Thăng Long bốn lần. Giặc Chiêm vào Thăng Long như chốn không người, vua quan nhà Trần chỉ còn cách bỏ chạy, cất giấu vàng bạc của cải trong núi đá. Nhà Trần cũng đã tám lần xuất quân đánh Chiêm nhưng phần nhiều đều thất bại. Cuộc chiến tranh với quân Chiêm đã làm hao người, tốn của, đẩy đất nước vào tình trạng kiệt quệ. Phía Bắc, nhà Minh đang lớn mạnh và chuẩn bị cho cuộc xâm lược Đại Việt. Phương Bắc là cái họa muôn đời, còn phương Nam đang là nỗi lo trước mắt. Trong tình trạng đất nước rối ren, ngổn ngang trăm mối cần có một người lãnh đạo tài giỏi để vực dậy đất nước. Tiếc thay nhà Trần khi đó không có nổi một “nhân tài tầm cỡ”. Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của Hồ Quý Ly với những chính sách táo bạo, mới mẻ là một tất yếu của lịch sử.
Nguyễn Xuân Khánh chọn bối cảnh lịch sử là những năm cuối của triều đại nhà Trần để viết về Hồ Quý Ly, một nhân vật khá phức tạp trong lịch sử. Xưa nay, viết về những anh hùng nổi tiếng tài năng, đức độ như: Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Huệ… được khá nhiều nhà văn quan tâm thể hiện nhưng có lẽ viết về Hồ Quý Ly thì Nguyễn Xuân Khánh là người đầu tiên. Các nhà sử học phong kiến đã gay gắt lên án Hồ Quý Ly và triều đại nhà Hồ, quy trách nhiệm cho ông về việc mất nước vào tay giặc Minh. Ngày nay, lịch sử đã nhìn nhận công bằng hơn, đánh giá khách quan, toàn diện về công cuộc cải cách do ông đề xướng. Với tư cách là một nhà văn, Nguyễn Xuân Khánh không làm nhiệm vụ phê phán, lên án hay ca ngợi nhân vật mà soi chiếu nhân vật từ nhiều góc độ, đi sâu vào nội tâm nhân vật, khám phá những uẩn khuất bên trong, phân tích những động lực thúc đẩy hành động của nhân vật. Người đọc có quyền đưa ra những nhìn nhận, đánh giá riêng của mình về nhân vật. Thông qua Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh muốn nêu lên vấn đề: đổi mới và bảo thủ, số phận của cá nhân trong cơn bão táp của lịch sử và đặt ra những vấn đề cho cuộc sống hôm nay.
Trong cơn bão của lịch sử cuối TK XIV, thời mà Sư Hiền cho là “thời thiên túy”
(trời đất cũng quay cuồng trong cơn say), trắng – đen khó phân biệt. Nó đặt ra cho mỗi nhân vật câu hỏi: vẫn tiếp tục trung thành với triều đại nhà Trần đã mục ruỗng hay phải đi tìm
một “phương thuốc mới”. Sự lựa chọn của mỗi cá nhân đã đẩy họ vào những tuyến đối lập
nhau: một bên trung thành với nhà Trần, cố níu giữ triều đại chỉ còn thoi thóp – một bên đi theo con đường cải cách, đổi mới, củng cố lại đất nước.
Phe bảo thủ gồm có tôn thất nhà Trần, những người được hưởng đặc quyền, đặc lợi của triều đình, những kẻ sĩ theo quan niệm trung quân một cách cứng nhắc… Đứng đầu phe này là: thượng tướng Trần Khát Chân, quan Thái bảo Trần Nguyên Hàng; dưới đó là Trần Nguyên Uyên, Trần Nguyên Dận, Phạm Ngưu Tất, Phạm Tổ Thu… và thấp thoáng bóng dáng của hai vị vua áp đời Trần: Trần Nghệ Tông, Trần Thuận Tông.
Cùng chống lại Hồ Quý Ly, mỗi người lại có cách làm khác nhau, có kẻ lộ liễu, có người cơ mưu. Nguyên Uyên, Nguyên Dận là những người chống lại Hồ Quý Ly một cách công khai. Hàng đêm, họ vẫn kết đèn, thả thuyền trôi sông nhưng bên trong là tìm cách tiêu diệt kẻ thù. Họ không ngại oang oang: “Thượng hoàng chết là lúc thái sư sẽ lộng hành
nhất” và “Thượng hoàng chết là lúc thái sư sẽ cướp ngôi” [35, 176]. Mặc cho những lời
khuyên răn của người cha (cụ Trần Sư Hiền), Nguyên Dận vẫn cứ gạt đi, nhăm nhăm thực hiện ý đồ của mình. Họ còn tìm cách liên hệ với giặc Minh để tiêu diệt Hồ Quý Ly, bất chất những hậu họa sau đó. Tất nhiên, những người như Nguyên Uyên, Nguyên Dận không thể là mối lo cho Hồ Quý Ly, họ làm việc bất cẩn lại ngông nghênh. Cuối cùng đã bị Hồ Quý Ly giết bằng nhục hình, hình phạt cho những kẻ bán nước.
Quan thái bảo Trần Nguyên Hàng nổi tiếng là một người khẳng khái, trung thực. Bất cứ chính sách nào của Hồ Quý Ly, ông đều phản đối. Dùng tiền giấy thay tiền đồng ư?
“Không phải mới mẻ. Đời nhà Đường, ở phương Bắc người ta đã làm, nhưng lại phải bỏ. Vì sao? Giấy là một vật vô giá trị đem đổi lấy tài vật có giá trị, khác nào ăn cướp của người ta?”[35, 59]. Đối với chính sách hạn điền, hạn nô? “Không thể tùy tiện thay đổi chính sách của các bậc tiên đế. Chính sách lập điền trang, thu góp kẻ lưu tán đã làm cho nước Đại Việt
hùng mạnh, ba lần đánh tan giặc Nguyên tàn bạo” [35, 60]. Ông không đồng ý với những
việc làm gây phiền hà của Hồ Quý Ly, muốn những nguyên tắc, quy định của tổ tiên vẫn được giữ nguyên. Việc quan Thái bảo chấp nhận cho Quỳnh Hoa, con gái ông, làm dâu thái sư là nhằm mục đích chính trị. Ông muốn Quỳnh Hoa sẽ là một nội gián trong hàng ngũ kẻ thù. Vậy nên, sau mỗi lần Quỳnh Hoa về thăm bố mẹ, Nguyên Trừng lại thấy nàng u sầu
hơn, dần dần nàng không về thăm nhà nữa. Sau những cái chết của những người cùng phe, Trần Nguyên Hàng hiểu rằng cần phải khéo léo và kín đáo bởi quyền lực của Thái sư đã rất lớn, ngay Thượng hoàng Trần Nghệ Tông cũng phải kiêng dè. Ông cùng Trần Khát Chân đã bí mật bàn kế hoạch hành động: bên ngoài ủng hộ, giúp đỡ những việc làm của Hồ Quý Ly nhưng đang ngấm ngầm thực hiện một việc lớn, có sự sắp xếp kĩ lưỡng. Ông tuyên bố: “Kẻ phản nghịch là loài cáo, thì chúng ta phải như loài rắn độc”[35, 154]. Từ đấy, họ ít liên lạc trực tiếp với nhau mà thông qua những người dưới quyền: Phạm Tổ Thu, Phạm Ngưu Tất…
Tổ Thu và Ngưu Tất là hai thuộc hạ của phái bảo thủ, họ sẵn sàng xả thân vì nhà Trần, cùng căm ghét Hồ Quý Ly đến xương tủy, đã cắt máu ăn thề, nguyện xả thân vì đại nghiệp, trả thù cho sư huynh Nguyễn Đa Phương (người đã bị Quý Ly giết). Ngưu Tất vạch tội Hồ Quý Ly: “Quý Ly chẳng khác loài chó lợn. Đối với vua thì lăm le tiếm ngôi, đó là tội bất trung. Đối với thầy, cụ sư Tề chẳng khác gì cha thế mà cũng tìm cách săn đuổi, đó là tội bất hiếu. Đối với Đa Phương đã nhận làm em mà cũng đang tâm giết chết, đó là tội bất
nghĩa. Tàn tặc nào bằng! Trời đất cũng phải nghiến răng căm thù” [35, 582]. Họ cố gắng
truyền lòng căm thù đó vào Phạm Sinh, lôi kéo Sinh về phe cánh của mình. Tổ Thu và Ngưu Tất cũng chính là hai người thiết khách trong kế hoạch ám sát Hồ Quý Ly ở hội thề Đốn Sơn.
Thượng tướng Trần Khát Chân, người anh hùng dân tộc đã có công đánh dẹp quân Chiêm, mang lại bình yên cho đất nước, kết thúc nỗi lo sợ giặc Phương Nam của quân dân Đại Việt. Sau chiến thắng, Nghệ Hoàng rất vui mừng, đón đoàn quân chiến thắng trở về trong tiếng nhạc, đèn hoa rực rỡ. Sau chiến công đó, Trần Khát Chân được cấp đất ở phía nam kinh thành, lập nên thái ấp là Trại Mai. Hàng năm, thượng tướng vẫn mở tiệc “Đại Mai” để mời mọi người tới dự. Hồ Quý Ly là người có công tiến cử Trần Khát Chân, khi đó mới chỉ là một viên tướng nhỏ lại rất trẻ tuổi. Sau chiến thắng, Hồ Quý Ly ra sức lôi kéo Trần Khát Chân về phe mình, trong khi đó phe đối lập cũng lôi kéo ông không kém. Trong một thời gian dài, người ta thấy thượng tướng ít xuất hiện trong triều đình, sau đó trở lại với vẻ trầm tư, ít nói. Có lẽ, Trần Khát Chân đã phải suy nghĩ rất nhiều, không biết nên theo phe nào. Theo Hồ Quý Ly, ông sẽ phản bội lại dòng tộc và phạm vào điều “bất trung”; theo phe bảo thủ để cố duy trì một triều đại đã không còn sinh khí là đẩy đất nước vào hỗn loạn, nghèo đói. Thực tình, ban đầu ông cũng có nhiều thiện cảm với Hồ Quý Ly, biết Quý Ly là một người “mưu lược, quyết đoán” và công cuộc cải cách là cần thiết đối với đất nước. Trần Khát Chân cũng hiểu rõ nhà Trần đã hèn yếu lắm rồi, nhiều kẻ tôn thất lại phản bội, chạy
sang cầu cứu quân giặc để giày xéo đất nước. Tuy nhiên, ông mang trong mình dòng máu nhà Trần, chịu ơn lộc vua, ông phải sống chết cho cơ nghiệp nhà Trần, không còn con đường nào khác. Là con người cơ mưu, Trần Khát Chân đã có kế hoạch lâu dài cho việc lớn. Ông ra sức giúp Quý Ly xây dựng Tây Đô, trong một thời gian dài triều đình yên bình, không có một sự chống đối nào xảy ra. Cuối cùng, kế hoạch bị bại lộ, Trần Khát Chân cùng 370 người có liên quan đã chết dưới tay thái sư họ Hồ. Trước khi chết, Trần Khát Chân vẫn điềm tĩnh, tự tin nói: “Biết làm sao được! Tôi không bao giờ thay đổi được. Hai người
chúng ta hoàn toàn khác nhau” [35, 788]. Ông lường trước kết cục bi thảm sẽ xảy ra nhưng
tất yếu ông “phải chết cho cơ nghiệp nhà Trần”.
Kết thúc tác phẩm, phe bảo thủ bị tiêu diệt và sự thắng thế của phe cách tân. Lịch sử như một bánh xe quay mãi, chuyển vần từ triều đại này đến triều đại khác. Trong vòng quay ấy, người nào đi ngược lại với lịch sử sẽ bị bánh xe nghiền nát. Trần Khát Chân, Trần Nguyên Hàng… là những con người khẳng khái, trung thành, có tài nhưng họ lại đi ngược với xu thế tất yếu của lịch sử nên bị tiêu diệt. Mặc dù, Hồ Quý Ly là người tiêu diệt họ nhưng ông vẫn trọng, vẫn tiếc những con người như vậy.
Chống lại Hồ Quý Ly không chỉ có tôn thất nhà Trần mà hầu hết các tầng lớp xã hội: tăng ni phật tử, kẻ sĩ, nhân dân. Bởi lẽ những chính sách của Hồ Quý Ly ảnh hưởng đến toàn bộ tầng lớp trong xã hội. Một trong những tầng lớp có ảnh hưởng lớn trong thời đại bấy giờ là: tăng ni phật tử. Ở nước ta, Phật giáo rất được coi trọng trong thời nhà Lí, nhà Trần. Phật giáo được coi là quốc giáo, rất nhiều chùa chiền, thiền viện được xây dựng, số lượng sư sãi rất đông, ruộng đất nhà chùa cũng không phải ít. Các thiền sư đạo cao đức trọng có tiếng nói lớn trong triều đình: thiền sư Vạn Hạnh, Không Lộ thiền sư… Đến thời Trần Nhân Tông, Phật giáo phát triển cực thịnh. Trần Nhân Tông vừa là một bậc minh quân, một nhà quân sự lỗi lạc, lại là một triết gia nổi tiếng, người đã lập nên Thiền phái Trúc Lâm. Các vua Trần sau đó đều rất mộ Phật, dành cho nhà chùa những ưu ái đặc biệt. Tuy nhiên, khi quyền lực rơi vào tay thái sư họ Hồ, giới tăng lữ bị mất nhiều quyền lợi. Hồ Quý Ly không coi trọng Phật giáo, ghét những kẻ lười biếng, cạo đầu đi tu nên đã ra lệnh bắt tất cả những nhà sư còn trẻ phải hoàn tục và sung vào quân đội. Nhà chùa chỉ được hưởng một số lượng ruộng đất theo quy định tùy vào xếp hạng là đại danh lam, trung danh lam hay tiểu danh lam. Tất nhiên, giới tăng ni phật tử sẽ chống đối, gây cản trở cho công cuộc cải cách. Sự chống đối của họ không phải bằng con đường chính trị mà tác động đến lòng những người dân quê. Từ trước đến nay, Phật giáo đã thấm sâu vào tâm linh, tín ngưỡng của người Việt.
Ngôi chùa làng là nơi cư ngụ, an ủi và xoa dịu nỗi đau của nhân dân. Trong hoàn cảnh loạn lạc, nhân dân đói khổ, cơ cực, họ lại rất cần sự che chở của Phật tổ.
Nhân dân chỉ muốn ăn no, ngủ yên nhưng hôm nay cải cách này, ngày mai cải cách khác, cuộc sống của họ bị xáo trộn. Thêm vào đó, Hồ Quý Ly lại dùng những biện pháp bạo lực, cưỡng chế nên hoàn toàn không được lòng dân. Khi Thiên Nhiên tăng Phạm Sư Ôn nổi dậy, nhân dân đặc biệt là nông nô, nô tì, dân nghèo đã hưởng ứng rất đông. Lực lượng của quân nổi dậy ngày càng lớn mạnh. Họ tiến vào làm chủ Thăng Long một cách dễ dàng. Phạm Sư Ôn lại xuất thân từ cửa chùa, lấy tấm lòng nhân từ để đối đãi với nhân dân, chỉ đốt phá cung vàng điện ngọc của vua quan mà không động đến một sợi tóc của người dân nên được mọi người yêu quý. Nhân dân phản đối công cuộc cải cách của Hồ Quý Ly nhưng họ có ủng hộ nhà Trần. Chắc chắn là không, bởi nhà Trần đã quá mục ruỗng, thối nát không thể đem đến cho họ cuộc sống ấm no, đầy đủ. Chỉ khi nào quyền lợi của vương triều thống nhất với quyền lợi của dân chúng thì mới được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Cuộc cải cách của Hồ Quý Ly cũng không được lòng kẻ sĩ. Tô Đông Pha đã nói rằng:
“Từ thời cổ đại, sĩ phu là người nhiều ưu tư nhất”. Tiếng nói của họ có sức ảnh hưởng lớn
trong nhân dân. Từ xưa đến nay, triều đại nào cường thịnh chính là lúc tập hợp được những kẻ sĩ ưu tú nhất của thời đại; triều đại nào thiếu vắng người tài chính là dấu hiệu của sự suy