III. KHẢO SÁT TRUYỀN THUYẾT PHI BỒNG NGUYÊN SOÁI Ở XÃ LÊ LỢI HUYỆN CHÍ LINH TỈNH HẢI DƢƠNG.
2. Truyền thuyết về thời gian xuất hiện của Phi Bồng Nguyên soái.
Như trên đã nói quá trình xuất hiện của Phi Bồng Nguyên soái về thời gian còn có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Chúng tôi dựa trên những thư tịch cổ nhất ghi lại truyền thuyết về sự ra đời của ngài và cũng là có sự đồng thuận nhiều nhất của các cấp quản lý, các cụ cao tuổi ở làng Yên Mô.
Về sự xuất hiện sớm nhất trong truyền thuyết dân gian đã ghi lại, Phi Bồng Nguyên soái xuất hiện thời Tiền Lý (thế kỷ thứ VI), vào ngày 8/5 âm lịch. Khi mà dân tộc ta đang trong vòng đô hộ của giặc phương Bắc. Khi ngài giáng hạ, do bị trẻ chăn trâu phát hiện nên đã hoá về trời.
Trong tấm bia đặt tại đền Hoá thì Phi Bồng Nguyên soái là một vị tướng võ cai quản toàn bộ thiên binh, thiên tướng của Ngọc hoàng có thể đi mây về gió. Nên Ngọc hoàng đã sai ngài xuống trần thế giúp nước Nam thoát khỏi đại nạn nhưng vì bị phát hiện nên chưa giúp gì được. Khi trẻ chăn trâu thấy hòn đá bị mài mòn khoảng hơn một thước, kể lại toàn bộ câu chuyện cho người dân trong làng nên đã lập hai ngôi đền (Nơi ngài sinh ra và nơi ngài hoá về trời) để phụng thờ. Từ đó anh linh hưởng ứng bảo hộ cho nhân dân được khoẻ mạnh, giàu có vậy.
Trong Truyền thuyết về Phi Bồng Nguyên soái thì dấu ấn âm phù dương trợ đặc biệt rõ nét. Tổng hợp tất cả những truyền thuyết xoay quanh Phi Bồng Nguyên soái thì ngài đã giúp ba vị vua và một vị tướng: Giúp vua Lý Nam Đế chống ách đô hộ của nhà Lương thế kỷ VI, giúp vua Lê Đại Hành đánh bại quân Tống xâm lược thế kỷ thứ X, giúp vua Trần Nhân Tông đánh thắng quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ nhất, giúp Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đánh thắng lần 2 và 3 giặc Nguyên Mông xâm lược thế kỷ XIII. Chính vì điều đó mà Truyền thuyết Phi Bồng Nguyên soái và hai ngôi đền Sinh, đền Hoá được coi là lâu đời nhất trên địa bàn huyện Chí Linh. Hai ngôi đền này còn có dấu ấn của tín ngưỡng tôn giáo (Phật, Nho, Đạo giáo) tạo nên dấu ấn thời đại và hấp thụ có chọn lọc của cha ông ta trước những tư tưởng tôn giáo du nhập để phù hợp với văn hoá tốt đẹp của dân tộc.