Phần kết luận

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 68 - 71)

1. Nguyễn Công Hoan (1903 – 1977) là nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam. “Sự nghiệp của ông được tạo dựng trong chiều sâu bằng hàng trăm tuyện ngắn và hàng chục pho tiểu thuyết,… có nhiều giá trị mang tính chất mở đường cho một dòng văn học” (Tô Hoài). “Nhiều tác phẩm của ông đã trở thành những tác phẩm văn học “cổ điển”… gây được một ảnh hưởng sâu đậm với những thế hệ văn xuôi về sau” (GS. Phan Cự Đệ).

2. Thừa nhận quan niệm về phong cách nghệ thuật cá nhân nhà văn của Viện sỹ M.B.Khrapchenko, tác giả khoá luận tập trung tìm hiểu phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan qua nhóm tác phẩm kể trên. Đồng thời, chúng tôi đã tiến hành một sự so sánh kép giữa hai nhóm tác phẩm của chính nhà văn và với nhóm tác phẩm tương ứng của Nam Cao; nhằm chỉ ra những đóng góp, những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Công Hoan. Qua đối sánh, chúng tôi đã rút ra những kết luận sau:

2.1. Về các thủ pháp nghệ thuật nhằm “thu hút” và “thuyết phục” độc giả, Nguyễn Công Hoan đã sáng tạo ra những thủ pháp nghệ thuật độc đáo quan trọng (thủ pháp sử dụng những chi tiết đánh lạc hướng độc giả, thủ pháp lựa chọn tình huống giàu kịch tính, thủ pháp phóng đại những xung đột trào phúng, thủ pháp dùng đại từ thay thế, thủ pháp đòn bẩy) Qua đó, nhà văn đã thể hiện một cách sâu sắc toàn diện về một loại người phổ biến trong xã hội: người nghèo đói, đặc biệt là mặt hành động và nguyên nhân dẫn đến hành động của họ. Trong khi đó, phong cách Nam Cao lại bộc lộ ở khả năng khai thác chiều sâu tâm lý con người.

2.2. Về mặt cấu trúc, nhóm tác phẩm của hai nhà văn đều có cấu trúc hợp lý, có tính chỉnh thể của đối tượng biểu hiện qua tính hoàn chỉnh bên trong ở bốn cấp độ (chi tiết- hành động, nhân vật, tác phẩm, nhóm tác phẩm). Nhưng nếu nhân vật của Nam Cao là kiểu nhân vật tư tưởng, thì nhân vật của Nguyễn Công Hoan lại là kiểu nhân vật theo nguyên tắc phân cực - đối lập. Mỗi tác phẩm của ông tuy khai thác ở những khía cạnh khác nhau, song lại kết hợp chặt chẽ làm nổi bật chiều hướng con đường đời của nhân vật.

2.3. Trong khi giọng điệu chính của Nam Cao là cảm thương, đau xót, thì hệ thống giọng điệu trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan khá phong phú đa dạng nhưng nhất quán với giọng hài hước, châm biếm, đả kích. Điều này khẳng định nỗ lực khám phá - đánh giá - miêu tả những tình trạng nhân tình thế thái của con người trong xã hội đồng tiền lạnh lùng của nhà văn.

2.4. Nếu Nam Cao chủ yếu xây dựng kiểu không – thời gian tâm tưởng, phi tuyến tính, thì Nguyễn Công Hoan lại sáng tạo nên kiểu không- thời gian tuyến tính mang tính sự kiện. Kiểu không thời gian này thích hợp với việc mô tả ngoại hình và hành động để khắc hoạ tính cách khiến nhân vật hiện lên sống động, chân thực.

2.5. Văn Nam Cao luôn thu hút bởi hình tượng người kể chuyện có vẻ nhẩn nha, khách quan lạnh lùng để thể hiện dòng suy ngẫm phức tập của nhân vật. Tài hoa văn Nguyễn Công Hoan lại hấp dẫn bởi lời đối thoại hóm hỉnh, dồn dập, kịch tính cùng với hình tượng người kể chuyện hài hước. Điều đó tạo nên thế mạnh và sự hấp dẫn riêng ở tác phẩm của mỗi nhà văn.

2.6. Trong nhóm truyện đã dẫn của Nguyễn Công Hoan, cái nhìn cách tân của nhà văn thể hiện tập trung ở quan niệm mới, khác của nhà văn về cuộc đời và con người, ông luôn đẩy nhân vật của mình tới cực điểm của một tình trạng nào đó… nhưng là để đòi một trạng thái có nhân hình, nhân tính cho con người. Còn cái nhìn của Nam Cao bao giờ cũng mang âm hưởng của tình thương, nhìn thấy cả cái tốt đẹp xấu xa trong con người.

2.7. Nguyễn Công Hoan có sự sáng tạo riêng đóng góp cho sự phát triển, hoàn thiện của thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam. Đó là kiểu truyện ngắn trào phúng, hài hước, bên cạnh kiểu truyện ngắn tâm lý vốn là thế mạnh của Nam Cao. Chất mỉa mai hài hước hoà quyện với chất nhân bản của ngòi bút Nguyễn Công Hoan đã tạo cho tác phẩm của ông những giá trị mới mẻ sâu sắc.

Từ việc so sánh trên, chúng tôi nhận thấy: Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đều khai thác và thể hiện hình tượng người nghèo đói và những vấn đề phong hoá, thế thái nhân tình sâu sắc đặt ra qua đó. Song cách thức tiếp cận, khai thác chiếm lĩnh của mỗi tác giả lại theo một hướng riêng. Thêm một lần nữa chúng tôi muốn khẳng định: có một dòng phong cách truyện ngắn đặc sắc của Nguyễn Công Hoan

trong nền văn học hiện đại Việt Nam: Truyện ngắn trào phúng - đặc sắc của sáng tác Nguyễn Công Hoan mà “không ai bắt chước nổi”.

Có thể nói, nghiên cứu phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan qua nhóm tác phẩm thể hiện hình tượng người nghèo đói là một đề tài hấp dẫn nhưng cũng đầy khó khăn. “Ông thuộc lớp nhà văn những năm 20 đầu thế kỷ, lớp người đang mò mẫm, tìm đường, khai phá. Công lao của ông là giữa những con đường đan nhau ở các ngã ba, ngã tư, nơi mà những người cầm bút còn đang phân vân, thậm chí có thể lạc lối giữa những nguồn ảnh hưởng phức tạp, cũ mới tốt xấu lẫn lộn, ông đã chọn con đường đi về phía truyền thống dân tộc, về phía quần chúng bị áp bức, con đường của chủ nghĩa hiện thực phê phán Việt Nam” (Phan Cự Đệ).

Với khoá luận này, chúng tôi hy vọng sẽ góp thêm một cách nhìn, một sự khẳng định về sự nghiệp văn học của Nguyễn Công Hoan, về vị trí văn học trang trọng của ông và cũng là một bước đi nhỏ bé, chập chững, học hỏi trên hành trình nghĩ tiếp về nhà văn lớn, tài năng Nguyễn Công Hoan.

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 68 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)