Trong công trình nghiên cứu của mình, viện sĩ M.B.Khrapchenko cho rằng: “Phong cách biểu thị sự lĩnh hội cách tân đối với thế giới… được hình thành trong sự tương tác sinh động với những vấn đề sáng tác mà nhà văn giải quyết trong mối quan hệ mật thiết với sự phát triển của cuộc sống và của bản thân nhà văn”. [8;206]
Nghệ thuật là một sự chiếm lĩnh liên tục và hạt nhân của mọi quan niệm nghệ thuật đều là vì con người. Nhà văn có phong cách là nhà văn chiếm lĩnh được đời sống theo một cách riêng gắn liền với quan điểm, điểm nhìn của nhà văn về hiện thực, về con người, về vị trí của nó trong tự nhiên và xã hội, về số phận và chiều hướng con đường đời của nhân vật.
Viết về những người nghèo đói, Nguyễn Công Hoan đã chứng tỏ mình là một nhà văn có phong cách độc đáo. Có một đề tài cứ trở đi trở lại trong truỵện ngắn của Nguyễn Công Hoan: chuyện ăn cắp, lừa gạt, lợi dụng… Có lẽ xoay quanh những vụ trộm cắp, nhà văn dễ tìm ra những tình tiết ly kỳ hấp dẫn chăng? Chắc chắn là, viết về đề tài này, Nguyễn Công Hoan có dịp thuận tiện để đem công lý của người nghèo chọi lại một cách thú vị “công lí” của nhà giàu. Ông đã đóng vai trạng sư cãi trắng án cho những kẻ ăn cắp do nghèo đói mà phải ăn quỵt hai xu bún riêu, bốc trộm củ khoai, một tấm bánh (Thằng ăn cắp, Thế cho nó chừa…). Ngược lại, ông chỉ đích danh thủ phạm chính là bọn nhà giàu.
Nguyễn Công Hoan là nhà văn thường nhìn nhận con người, sự vật từ góc độ trào phúng. Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cái nhìn của nhà văn có phần mỉa mai châm chọc con người, ông chỉ nhìn thấy ở họ những mặt nhếch nhác, rách rưới. Nhân vật của Nguyễn Công Hoan hầu như bị vật hoá, đồ vật hoá, trong tình trạng phi nhân tính, dị dạng về ngoại hình, rách rưới gầy gò, đã gầy phải cực gầy (Thằng ăn cắp, Thế cho nó chừa). Vậy bản chất thực của ngòi bút Nguyễn Công Hoan có phải như vậy không? Chắc chắn là không. Đó chỉ là ý đồ nghệ thuật của ông. Hay nói một cách khác là , nhà văn đã triệt để vận dụng thủ pháp “hạ thấp” để “kéo thế
giới lại gần ta và làm cho trở nên thân mật đến suồng sã với ta để ta nghiên cứu nó một cách tự do và không biết sợ” [4;54]
Vì thế mà, Hải Triều đã từng viết bài khen ngợi Nguyễn Công Hoan đã miêu tả được những cảnh ngang trái, bất công trong xã hội và quan tâm đến cuộc sống của những người dân nghèo khổ đói rách. Đọc văn ông, chúng ta thấy người nghèo đói ngày trước thật cực khổ vô cùng vì nghèo đói.
Nguyễn Công Hoan thiên về quan sát ngoại hình và hành vi bên ngoài của nhân vật. Nhân vật của ông là những con người trên quá trình nhận thức về xã hội, họ luôn là nạn nhân của một hoàn cảnh, một tình trạng nào đó.
“Người ngựa ngựa người” là cuộc gặp gỡ trớ trêu của anh phu xe và cô gái điếm. Ngày cuối năm, cả hai cùng đi kiếm khách. Sự bần cùng của kiếp nghèo hay sự trớ trêu của số phận đã đẩy họ đến với nhau. Thế là “bất đắc dĩ, con ngựa người lại phải kéo con người ngựa”. “Thế cho nó chừa” là sự biến đổi trong nhận thức của một thằng bé mồ côi. Đó là sự thay đổi mang tính tất yếu, khi con người ta bị dồn đẩy vào bước đường cùng.
Có thể thấy, Nguyễn Công Hoan đã chọn cho mình vào một bước đi không giống ai, “dám bước qua truyền thống, bước qua chính sự lười biếng của mình vươn ra cuộc sống, khám phá những điều mới lạ và đem đến cho độc giả sự thụ cảm mới lạ” [21; 135].
Khi viết về những người nghèo đói, chúng tôi nhận thấy số phận và chiều hướng con đường đời của họ thật bi đát, thê thảm và bất hạnh. Chiều hướng con đường đời “không chỉ là chiều hướng tăng giảm của chức quyền lợi lộc, của nghề nghiệp,…, mà còn là chuyện mất còn của phẩm chất uy tín, tình yêu và hạnh phúc, của trí tuệ và tâm hồn [6;76]. Nhân vật người nghèo đói của ông hoàn toàn lâm vào con đường bất hạnh (phu xe, gái điếm, kép hát…) và con đường tha hoá (Thằng ăn cắp). Nhưng cái nhìn của ông đối với họ mang giá trị nhân đạo sâu sắc: cảm thông, thương xót, đau đớn ẩn dưới cái lớp trào lộng, trào phúng khách quan. Phải có một cái nhìn mới, khác, chúng ta mới nhận thấy được. Xét cho đến cùng, mỗi quan niệm nghệ thuật đều mang một chiều sâu phổ quát: “Nghệ thuật tự đặt cho mình nhiệm vụ phóng đại cái tốt khiến cho cái tốt ngày càng tốt hơn, phóng đại cái xấu, cái thù địch
với con người, cái huỷ hoại con người khiến cho cái xấu ấy gây ra sự ghê tởm, gây ý chí thủ tiêu mọi cái xấu xa trong cuộc sống” [20;118].
Nguyễn Công Hoan là nhà văn đã làm được điều đó. Ông tố cáo trạng thái phi nhân tính để đòi một trạng thái có nhân tính cho con người. Đây chính là chất nhân bản trong truỵên ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan,là một trong những yếu tố làm nên phong cách truyện ngắn trào phúng độc đáo, đặc sắc của Nguyễn Công Hoan.