Tính chất nhiều chức năng của ngôn ngữ nghệ thuật.

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 33 - 35)

“Với tư cách là một hiện tượng của phong cách, ngôn ngữ nghệ thuật thể hiện một chức năng phức tạp, nó tạo ra hệ thống giọng điệu của tác phẩm văn học, không một thành tố nào của phong cách tồn tại ở bên ngoài hệ thống đó”. [8;191].

Ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất tạo nên tác phẩm văn học, không có ngôn ngữ không thể có tác phẩm. Ngôn ngữ còn là một hiện tượng phong cách. Ngôn ngữ là phương tiện khắc hoạ hình tượng, thể hiện đời sống tư tưởng “chỉ cái toàn vẹn của những hệ thống nghệ thuật ngôn từ đã được hoàn thiện, đem lại cho nhà văn khả năng giới thiệu toàn bộ trật tự của đời sống và miêu tả nó trong toàn bộ tính phức tạp và đầy đủ” [7].

Viết về những con người nghèo đói, Nguyễn Công Hoan tỏ ra rất sắc sảo, độc đáo và mới mẻ khi tạo ra một hệ thống ngôn ngữ phong phú, đa dạng, được thể hiện ở:

2.5.1. Ngôn ngữ của người kể chuyện.

Ngôn ngữ kể chuyện của tác giả thường xuất hiện ở lời dẫn truyện, lời giải thích, lời bình luận các sự kiện, hành động của nhân vật trong tác phẩm. Giọng kể chuyện và cách viết câu của nhà văn rất linh hoạt, thoải mái, có khi câu rất ngắn. Đây là đoạn tả “Thằng ăn cắp” ngồi ăn bún riêu: “Bà ấy múc cho nó một bát đầy. Nó ăn. Phù Phù! Nóng! Xuỵt xoạt! Cay! Ngon quá! Ai cũng yên bụng, không ai để ý đến nó nữa. Họ ghênh xe đạp. Họ nhìn ô tô. Họ pha trò. Họ cười ha hả. Nó vẫn ăn. Ngon quá. Năm phút… Mười phút…” (Thằng ăn cắp). Có thể xem đây là một sự tìm tòi độc đáo của nhà văn.

2.5.2. Ngôn ngữ nhân vật.

Ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan thật đặc sắc, phong phú, đa dạng đó là: ngôn ngữ lưu manh chợ búa trong “Thế cho nó chừa”, “Thằng ăn cắp”; ngôn ngữ tỉnh thành trong “Kép Tư Bền”, “Người ngựa ngựa người”.

Trong nhóm tác phẩm trên của Nguyễn Công Hoan, ngôn ngữ nhân vật rất đa dạng, nhiều màu sắc, nhiều sắc thái thẩm mỹ. Nó bộc lộ được tâm lí và địa vị xã hội

của nhân vật, không thể trộn lẫn: ngôn ngữ kép hát nghèo, phu xe nghèo, gái giang hồ nghèo, trẻ em nghèo … Giọng một anh phu xe nói với người khách lúc còn lưỡng lự chưa muốn đi là: “Thưa bà, xe ngày tết vẫn thế, vả lại bây giờ còn ai kéo nữa mà bà giả rẻ thế!”. Nhưng khi khách hàng không có tiền trả thì: “Không có tiền, cũng leo lên xe mà ngồi, chỉ sĩ diện hão thôi, lại còn tí tách hạt dưa với phì phèo thuốc lá mà không biết ngượng”. Giọng của anh kép hát làm thuê: “Thưa ngài, xin ngài hãy thư cho ít bữa”, “Vâng, tôi vẫn định thế …”, “Đa tạ ông”, “Thôi, xin lỗi ông”. Giọng của thằng bé ăn cắp thì van lơn tha thiết: “Cắn cỏ lạy bà, con đói khát, bà làm phúc bố thí cho con đồng cơm bắt cháo” (Thằng ăn cắp).

Chính ngôn ngữ nhân vật đã làm bản chất tính cách nhân vật tự bộc lộ một cách sinh động.

2.5.3. Sự kết hợp ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật.

Ngôn ngữ người kể chuyện là tiền đề, cơ sở cho ngôn ngữ nhân vật xuất hiện. Ngôn ngữ nhân vật lại soi sáng bổ sung cho lời tác giả. Qua đó, nhân vật người nghèo đói hiện lên độc đáo, sinh động, không ai giống ai.

Có thể nói, ngôn ngữ trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan chính là một yếu tố làm nên phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Đó là một hệ thống ngôn ngữ gắn liền với bút pháp hướng ngoại, góp phần thể hiện sống động bộ dạng bên ngoài, hành vi cử chỉ của nhân vật. Ngôn ngữ đối thoại cũng được ông sử dụng rất thành công, góp phần tăng kịch tính của xung đột, tình huống. Và đặc biệt đó là thứ ngôn ngữ mang đậm phong vị trào phúng: câu văn ngắn, lối diễn đạt nhanh, gấp gáp, gọn nhẹ… Ông đặc biệt chú ý tới những từ ngữ vừa có khả năng tạo hình, vừa có khả năng mang lại sắc thái trào phúng hóm hỉnh, hả hê: “sĩ diện hão”, “ăn sương”, “mật ít ruồi nhiều”, “con ngựa người lại phải kéo con người ngựa” (Người ngựa ngựa người)… “Hỏng từ ban nãy rồi! Khốn nạn thân anh quá” (Kép Tư Bền)… “Thế cho nó chừa” (Thế cho nó chừa)

Nguyễn Công Hoan đã mạnh dạn đưa lời ăn tiếng nói hàng ngày của quần chúng vào văn chương một cách rộng rãi, khiến văn chương mất hết vẻ “đài các”, “văn chương” mà trở thành ngôn ngữ của đời sống hàng ngày đậm đà, phong phú sống động, khác hẳn với ngôn ngữ sạch sẽ kiểu cách của Tự lực văn đoàn khi đó. Đó là thứ ngôn ngữ quần chúng gắn liền với lối nói dân gian. Nhìn chung, văn truyện

ngắn Nguyễn Công Hoan là thứ văn xuôi trong sáng, sống động, đặc biệt là rất vui. Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Những truyện ngắn của ông tiêu biểu cho một thứ văn rất vui, thứ văn mà có lẽ từ ngày nhà văn Việt Nam có tiểu thuyết viết theo lối mới người ta mới chỉ thấy ở ngòi bút ông thôi” (Nhà văn hiện đại)

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 33 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)