3.5.1. Về ngôn ngữ tác giả.
Như đã trình bày, giọng kể chuyện và cách viết câu của Nguyễn Công Hoan rất linh hoạt, thoải mái. Sự độc đáo của ngôn ngữ kể chuyện Nguyễn Công Hoan được thể hiện ở những từ ngữ giàu hình tượng, những câu văn ngắn, những lời bình phẩm, bình luận ở đầu hay cuối tác phẩm. Kể về nỗi khốn khổ của người mẹ bị đẩy ra ngoài đường giữa trời mưa rét, lời kể của tác giả như đanh lại: “Mưa phùn.Gió bấc. Rét buốt đến tận xương”, “Mưa để khóc. Gió để rên. Rét để cắt đứt ruột mẹ người con, mà họ đương khen là hiếu tử” (Báo hiếu: trả nghĩa cha). Ngôn ngữ kể chuyện của Nguyễn Công Hoan gắn liền với bút pháp hướng ngoại là đặc trưng chủ đạo của nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Công Hoan. Nhà văn không thâm nhập sâu vào nội tâm nhân vật. Mỗi truyện của ông chỉ nhằm thể hiện một nét tâm lý nào đấy thường rất rõ ràng và đơn giản của nhân vật chính. Nét tâm lý ấy thường được nhà văn cho bộc lộ bằng những chi tiết ngoại hiện, nghĩa là bằng bộ dạng bên ngoài, bằng hành vi, cử chỉ hoặc bằng ngôn ngữ đối thoại. Chẳng hạn, nhà văn tả một tên tư sản tự mãn về một con chó: “ông chủ đắc ý cười ha hả, vuốt ve, vỗ mãi má nó, rồi bế nó vào lòng, hôn lấy hôn để, vui thú như được cậu con hay chữ” (Răng con chó của nhà tư sản).
Nét độc đáo của ngôn ngữ người kể chuyện trong sáng tác của Nam Cao lại được thể hiện nhẩn nha, có vẻ khách quan lạnh lùng thể hiện ở cách gọi tên: “hắn, anh đĩ Chuột, chị đĩ Chuột, cái đĩ, y, thị”; cách dùng câu văn ngắn, cộc có khi tàn nhẫn khắc nghiệt: “làm gì có nhiều mật mà ngọt…réo mãi lên, thằng bố mày nó nghe thấy thì nó chết” (Nghèo), “Vẽ cái con chuột chết, chơi với bời, úi chào, mặc nó! Nó không ăn nữa” (Một bữa no).
Nam Cao luôn kể gắn liền với diễn tả tâm trạng và suy ngẫm, qua đó bộc lộ thế giới nội tâm đầy phức tạp của nhân vật: “Nam Cao không bao giờ chịu kể qua quýt sơ sài. Ông phân tích mổ xẻ, lần đến tận nguồn sự việc, cảnh ngộ”.
Vậy là, ở phương diện này, Nguyễn Công Hoan và Nam Cao có sự khác biệt. Nhân vật người kể chuyện của Nam Cao thường là người đại diện cho tư tưởng của nhà văn với tư cách là một nhân vật xuất hiện trong tác phẩm. Nhân vật người kể chuyện của Nguyễn Công Hoan thường xuất hiện một cách gián tiếp để phá vỡ khoảng cách trần thuật giữa chủ thể trần thuật và các sự kiện được trần thuật. Do đó, nếu văn Nam Cao hấp dẫn với những dòng độc thoại nội tâm, dòng suy nghĩ phức tạp của nhân vật, thì văn Nguyễn Công Hoan hấp dẫn bởi lời đối thoại hóm hỉnh,dồn dập và kịch tính cùng với hình tượng người kể chuyện hài hước dí dỏm. Điều đó tạo nên thế mạnh và sự hấp dẫn riêng ở tác phẩm của mỗi nhà văn.
3.5.2. Về ngôn ngữ nhân vật
Như đã phân tích ở trên, ngôn ngữ nhân vật trong truyện ngắn Nguyễn Công Hoan đều mang sắc thái riêng, bộc lộ tâm lý và địa vị xã hội của nhân vật, không trộn lẫn, đặc biệt là những “ông chủ”, “bà chủ”, nhà tư sản. Ngôn ngữ nhân vật thể hiện rõ nét bản chất, tính cách, cá tính của nó. Qua ngôn ngữ của nhà tư sản (Răng con chó của nhà tư sản), ta biết được: đây là gã tư sản sang giàu nhưng bản chất độc ác. Hoặc thằng con “hiếu tử” nhưng thực chất đại bất hiếu: “Tôi đã cấm bà không được ra đến đây kia mà. Đã phải một lần trước rồi mà không chừa!...Bà về đi! Mặc kệ bà” (Báo hiếu: trả nghĩa cha). Hay là ngôn ngữ của hạng phong lưu nhưng bản tâm đểu giả đến không ngờ: “Thế thì chúng bay bảo tao ngờ cho cụ à...? Tôi vờ thế, chứ ví đây này, có mất đếch đâu!” (Mất cái ví).
Đối với người nông dân nghèo, Nam Cao lại sử dụng một thứ ngôn ngữ ngắn gọn, chân chất, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của họ. Ông để cho nhân vật suy nghĩ, nói năng bộc bạch bằng chính ngôn ngữ của mình, chứ không nói thay hay diễn đạt hộ cho nhân vật. Ví như, đoạn Lão Hạc tâm sự với ông Giáo thể hiện tâm trạng tuyệt vọng của một ông lão nghèo bị dồn đẩy đến đường cùng: “ấy thế mà hết nhẵn rồi ông Giáo ạ! Tôi chỉ ốm có một trận đấy thôi… Hai tháng mười tám ngày đã không làm ra một xu, lại còn thuốc, lại còn ăn…” (Lão Hạc). Đoạn bà cái Tý nói chuyện với cái Tý lại thể hiện tình cảnh cùng quẫn vì đói của bà lão nghèo: “Bà đến xin bà phó một bữa cơm đây! Bà đói lắm” (Một bữa no). Hay là giọng đói khát thê thảm tuyệt vọng cuả những đứa con trong “Nghèo” và “Trẻ con không được ăn thịt chó”: “Đói! Bu ơi!Đói…”
Qua ngôn ngữ nhân vật biến hoá linh hoạt, sắc sảo, đa dạng phong phú, chúng ta thấy thế giới nhân vật của hai nhà văn hiện lên thật cụ thể chân thực, sinh động không ai giống ai. Và đặc biệt là nó thể hiện những tấn bi kịch, bi hài kịch của con người trong xã hội xưa. Hệ thống ngôn ngữ này cũng là một trong những yêu tố tạo nên phong cách văn chương độc đáo của hai nhà văn.
3.5.3. Về sự kết hợp ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ nhân vật.
Đọc truyện ngắn Nam Cao, ta nhận thấy: sự kết hợp của hai kiểu ngôn ngữ trên chuyển hoá hết sức tinh vi do giọng điệu mang tính chất phức điệp, tính chất song thanh như đoạn văn kể về sự thèm ăn, háu ăn và những ý nghĩ nảy ra trong đầu của người bố trong “Trẻ con không được ăn thịt chó”; nó được thể hiện sâu sắc biến hoá hơn trong “Lão Hạc”, “Một bữa no”. Còn ngôn ngữ Nguyễn Công Hoan, ông thực sự xuất sắc khi tạo nên sự đan xen giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ của người kể chuyện. Người kể chuyện hoà giọng mình vào giọng nhân vật, mượn giọng nhân vật để đay đá , chỉ trích tạo nên lời văn song điệu. Lời văn này góp phần làm nổi bật mục đích nghệ thuật của tác giả là dùng để gây cười với nhiều cung bậc: hài hước, châm biếm, mỉa mai. Bởi vậy, nếu văn Nam Cao đậm đà chất triết lý- trữ tình thì văn Nguyễn Công Hoan sâu sắc bởi tính chễ giễu đả kích, hài hước.