Về yếu tố thể hiện thứ sáu của phong cách

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 64 - 66)

PGS. TS. Phùng Minh Hiến trong công trình nghiên cứu của mình đã khẳng định: “Cái nhìn nghệ thuật chính là sự tổng hợp những đặc điểm xã hội, tâm lý của người nghệ sĩ trong kiểu đặc trưng của cái nhìn hình tượng của ông ta đối với thế giới. Nó như là phong thái tinh thần bên trong của người nghệ sĩ, kinh nghiệm của ông ta trong toàn bộ tính cụ thể và tính không lặp lại của mình.” [7;107,108].

ở chương 2, chúng tôi đã có dịp trình bày về kiểu con người mà Nguyễn Công Hoan xây dựng khi viết về những người nghèo đói đó là: con người hầu như bị vật hóa, đồ vật hóa, dị dạng về ngoại hình… nhưng sau cái nhìn có vẻ nhẫn tâm này là sự cảm thông thương xót của nhà văn. Cái nhìn đa diện, đa chiều này sẽ chi phối lớn đến việc xây dựng chiều hướng con đường đời nhân vật, tạo nên một quan niệm mới về sự thắng - thua, được - mất trong cuộc đời.

Khi viết về hạng người giàu có, Nguyễn Công Hoan lại có một sự lĩnh hội mới về con người và cuộc đời. Nhân vật mà ông xây dựng là kiểu nhân vật diễn trò thông qua cử chỉ, hành vi và ngôn ngữ. Nhân vật diễn trò của ông thường chủ động làm trò trên sân khấu cuộc đời: màn diễn trò “hiếu tử” của thằng con quý tử (Báo hiếu: trả nghĩa cha), màn tra hỏi ráo riết để đuổi khéo người cậu lần sau đừng ra nữa (Mất cái ví).

Nguyễn Công Hoan là nhà văn có sở trường đặc biệt về xây dựng nhân vật phản diện – thường là bọn có quyền, có tiền, ông chủ, bà chủ giả đạo đức. Ông luôn đẩy những loại người này tới cực điểm của một tình trạng nào đó. Đã nhẫn tâm phải cực nhẫn tâm, đã thủ đoạn phải cực thủ đoạn, tinh vi và khéo léo. Đặc biệt là kẻ giàu lại thường sa vào tình trạng bi thảm về tinh thần, không còn cơ hội kéo họ trở về với sự lương thiện. Tiếng cười hài hước, hóm hỉnh, chế giễu được cất lên, nhưng sau đó người ta nghĩ đến tiếng khóc sau tiếng cười, tiếng khóc để đòi một trạng thái có nhân tính. Đây chính là yếu tố giá trị nhân bản sâu sắc trong truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan - hạt nhân làm nên sức sống lâu bền cho các tác phẩm của ông mà thiếu nó mọi tiếng cười kia đều trở nên trống rỗng và vô nghĩa.

Nam Cao lại là một trường hợp khác. Con người trong văn ông thường bị đặt trước những thử thách nghiệt ngã: danh dự, nhân phẩm, cái đói, miếng ăn. Nhân vật của Nam Cao có khi bề ngoài xấu xí, nhưng tâm hồn lại đẹp đẽ vô ngần (Lão Hạc, Nghèo). Con người có tha hóa, nhưng chỉ tha hoá một nửa mà thôi (Một bữa no) và có cả con người hoàn toàn tha hoá ở tình trạng sa đoạ thê thảm về tâm hồn (Trẻ con không được ăn thịt chó).

Ông đặc biệt trăn trở hơn với những nẻo đường đi tìm nhân cách của con người. Cái ông ca ngợi, trân trọng hơn cả là con đường danh dự và tình thương (Lão Hạc, Nghèo). Vấn đề tha hóa, biến chất của con người cũng được Nam Cao đặt ra ở một tầm cao mới. Qua đó, nhà văn đã lên tiếng báo động về tấn bi kịch, về sự tha hoá do bị bần cùng hoá của người nông dân đặc biệt là với người nghèo đói. Do đó, ở văn Nam Cao, người ta lại có thể thấy tiếng khóc ngay trong tiếng cười, tiếng khóc cho những số phận, mảnh đời, nhỏ nhoi, bất hạnh trong cơn đói khát.

Qua đối sánh, chúng tôi nhận thấy: mỗi nhà văn đều đưa ra được những quan niệm nghệ thuật mới mẻ, phản ánh rõ nét sự thụ cảm độc đáo của nhà văn về thế

giới. Nếu cái nhìn của Nam Cao bao giờ cũng mang âm hưởng của tình thương thì cái nhìn của Nguyễn Công Hoan lại có vẻ như khách quan, lạnh lùng, trào lộng. Nhưng cái nhìn ấy không làm cho hình tượng nghệ thuật mất đi ý nghĩa mà bao giờ cũng đậu được ở cái bến đỗ của chất nhân bản. Đó là cái nhìn độc đáo, sâu sắc, tiến bộ để phá một cái gì và cũng để xây ngay trên đó một cái gì cho hạnh phúc loài người. Nó đã góp phần quan trọng vào việc tạo nên nét riêng biệt trong phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)