3.4.1. Về không gian nghệ thuật
ở chương 2, chúng tôi dã có dịp trình bày kiểu không gian đặc trưng trong nhóm truyện ngắn Nguyễn Công Hoan khi viết về người nghèo đói. Sự kết hợp bốn kiểu không gian (không gian đầu đường xó chợ, đường phố, nhà ở, rạp hát – sân khấu) là sự phản ảnh rõ nét các xung đột giữa nhân vật này với nhân vật kia. Nhìn chung, đó là kiểu không gian hướng ngoại.
Trong nhóm tác phẩm viết về người giàu có, Nguyễn Công Hoan xây dựng hai tuyến nhân vật đối lập nhau với những mâu thuẫn, xung đột rất quyết liệt sâu sắc. Đó là xung đột giữa kẻ giàu và người nghèo. Do đó, ông đặt nhân vật của mình vào không gian nhà ở (nhà giàu), để thấy được sự đối lập tương phản giữa “kẻ ăn không hết - người lần chẳng ra”(Răng con chó của nhà tư sản). Không gian đường phố lúc chiều tối, tối, mưa gió rét đến buốt xương (Báo hiếu: trả nghĩa cha, Răng con chó nhà tư sản) còn cho ta thấy kiếp người nghèo cũng tăm tối và tuyệt vọng với cái bóng đen luôn bao trùm phủ kín lên cuộc đời (người ăn mày trong nhà tư sản và trên đường bỏ chạy thoát thân; người mẹ nghèo bị chính đứa con của mình đuổi ra ngoài đường trong ngày giỗ cha).
Trong nhóm tác phẩm tương ứng với Nguyễn Công Hoan, chúng tôi thấy Nam Cao không thiên về việc dựng lên những bức tranh xã hội rộng lớn với những mâu thuẫn, xung đột giai cấp gay gắt quyết liệt mà chỉ tập trung chủ yếu vào những con người, những sự việc xảy ra trong đời sống hàng ngày. Dó đó, ông thường đặt nhân vật của mình vào không gian sinh tồn cuả mỗi làng quê, trong đó nhân vật của ông bị cầm tù đến nỗi chết vì đói (Nghèo, Một bữa no); chết khốn chết khổ vì bả chó (Lão Hạc); hay chết vì bội thực, vì một bữa no quá hiếm hoi (Một bữa no). Đó còn là không gian nhà ở - nơi chứng kiến những bi kịch thương tâm của gia đình nghèo (Nghèo, Trẻ con không được ăn thịt chó). Nhà ở cũng là nơi nhân vật đi đến cái chết vô cùng bi thảm, bi đát (bà cái Đĩ, anh đĩ Chuột, Lão Hạc). Kiểu không gian này cũng là không gian suy tưởng. ở đó các nhân vật của Nam Cao trăn trở, dằn vặt
khôn nguôi về lẽ sống cuộc đời, về cái đói miếng ăn (Lão Hạc, Một bữa no). ở không gian ấy, con người tấm tức nghẹn ngào vì tủi thân và bất lực trước thân phận như là kẻ tôi đòi (Trẻ con không được ăn thịt chó), con người kêu gào thảm thiết vì bị người ta nhẫn tâm bắt nợ (Nghèo)… Không có một âm thanh vui vẻ nào, hoặc có thì chỉ tăng thêm nỗi chua chát cho lòng người mà thôi. Không gian ấy tù đọng nặng nề hơn bao giờ hết như nhắc nhở cho con người biết tình trạng bi thảm của những thân phận, số kiếp nghèo đói, đói khát đến tột cùng. Không gian nghệ thuật của Nam Cao nói chung đều là những không gian nhỏ hẹp được khúc xạ qua thế giới nội tâm của nhân vật, có khi nó xuất hiện với sự cô đơn của nhân vật, như một sự suy tưởng: bà cái đĩ “nằm ẹp bụng xuống chiếu, nghĩ ngợi” (Một bữa no); Lão Hạc “à!thì ra Lão Hạc đang nghĩ đến thằng con lão” và không theo một trật tự nào cả từ hiện tại nghĩ về quá khứ lại trở về hiện tại (Lão Hạc, Bà cái Tý).
Có thể nói, những kiểu không gian đặc trưng này của Nam Cao là một kiểu sáng tạo độc đáo của ông để tăng độ đặc quánh của bầu không khí nặng nề, để khắc sâu những tấn bi kịch gia đình, cá nhân bị tàn nhẫn, bị vùi dập, bị lãng quên, bị đoạ đầy… vào những con đường khác nhau nhưng đều dẫn tới một kết cục bất hạnh tràn trề.
Chúng tôi nhận thấy rằng: không gian trong truyện Nam Cao không rõ đường viền nên bản chất xã hội thu nhỏ thường được mở ra ở đó, còn truyện Nguyễn Công Hoan, đường viền không gian lại quá rõ, mở ra bản chất xung đột,mâu thuẫn xã hội rộng lớn.
3.4.2. Về thời gian nghệ thuật
Với việc thể hiện xung đột trào phúng quyết liệt, gấp gáp giữa nhân vật này với nhân vật khác, Nguyễn Công Hoan xây dựng kiểu thời gian mang tính khoảnh khắc, sự kiện, tuyến tính một chiều. Đó cũng là kiểu thời gian mang đậm chất kịch vì trong khoảng thời gian hiện tại rất ngắn ấy, hành động của nhân vật nối tiếp nhau và ngày càng phát triển đầy kịch tính: hành động phóng xe đuổi theo người ăn mày (Răng con chó nhà tư sản), lịch sự với người ngoài trong khi đuổi chính mẹ đẻ của mình ra giữa trời mưa rét trong ngày giỗ cha của thằng con “đại hiếu” (Báo hiếu: trả nghiã cha), hành động ăn cắp bẩn thỉu của kẻ có quyền, có tiền (Cụ Chánh bá mất giày). Thời gian diễn ra những hành động này là thời gian hiện tại và thường rất
ngắn. Đôi khi thời gian bị xáo trộn: thoạt đầu bạn đọc thấy một vụ mất cắp rồi sau đó là hai đoạn tả cảnh mất cắp tưởng tượng và mất cắp thật, bóc trần bộ mặt tên chuyên nghề lừa gạt (Cụ Chánh Bá mất giày). Đây là một điểm rất độc đáo mới mẻ của kiểu thời gian trong sáng tác của Nguyễn Công Hoan. Thời gian đó cũng góp phần là điểm nhấn đánh dấu sự thay đổi trong nhận thức của nhân vật: nhận ra tâm địa xấu xa của thằng cháu giàu có (Mất cái ví), bản chất đại bất hiếu của đứa con “quý tử” (Báo hiếu: trả nghĩa cha). Kiểu thời gian trên cũng thể hiện sự tài hoa của Nguyễn Công Hoan trong việc “thắt nút” để câu chuyện diễn ra và sau một khoảng thời gian rất ngắn sự “cởi nút” bất ngờ của tác giả đã đưa đến tiếng cười hóm hỉnh cho độc giả.
Các nhà nghiên cứu gọi phong cách Nam Cao là phong cách đi sâu vào tâm lý. Bản chất xung đột mà Nam Cao tạo ra thường phong phú, phức tạp. Do đó quá trình giải quyết xung đột thường kéo dài, thời gian vì thế là quãng đời dăm bẩy năm. Tiêu biểu cho kiểu thời gian này là trong “Lão Hạc” và “Một bữa no”. Con đường đời của lão Hạc, bà cái Tý trong kiểu thời gian này mới thật bi đát thảm thương. Có khi để cố tình rút ngắn thời gian hành động của nhân vật, để thể hiện chiều hướng con đường đời bế tắc, bất hạnh thì Nam Cao lại miêu tả thời gian chậm chạp được rút ngắn từ sáng đến trưa (Trẻ con không được ăn thịt chó), (Nghèo). Bữa chén thịt chó cuả người cha (chẳng khác chi loài cầm thú) càng dềnh dàng bao nhiêu thì sự chờ đợi, cơn thèm khát đói cồn cào của lũ trẻ tội nghiệp lại càng bị kéo căng ra bấy nhiêu. Thời gian trong tác phẩm của Nam Cao cũng góp phần làm biến đổi con người, đặt con người trước sự lựa chọn đầy khắc nghiệt, quyết liệt. Người cha khốn khổ trong “Nghèo” và “Lão Hạc” lựa chọn sự thua thiệt về bản thân (tìm đến cái chết khủng khiếp) để bảo đảm cuộc sống cho người thân .Còn nhân vật chính trong “Một bữa no” và “Trẻ con không được ăn thịt chó”, sau khi đã nhận thức đầy đủ, chính xác hoàn cảnh đã tìm cách biện minh cho sự tha hoá, cho việc đánh mất nhân cách với những lý lẽ khá thuyết phục.
3.4.3. Về sự kết hợp không gian - thời gian mang màu sắc riêng.
Kết hợp lại, chúng tôi nhận thấy: Nếu người ta nói rằng sự tài hoa của ngòi bút Nam Cao là ở sự kết hợp kiểu không gian tâm tưởng và kiểu thời gian phi tuyến tính thì sự tài hoa của cây bút Nguyễn Công Hoan lại ở kiểu không – thời gian tuyến
tính mang tính sự kiện, hướng ngoại, thích hợp với việc mô tả ngoại hình và hành động để khắc hoạ tính cách. Đây là nét riêng, độc đáo góp phần tạo dựng phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.