Về yếu tố biểu hiện thứ hai của phong cách 1 Về tính hoàn chỉnh ở cấp độ chi tiết – hành động.

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 51 - 56)

Trong nhóm tác phẩm viết về người nghèo đói của Nguyễn Công Hoan, xu hướng hành động của các nhân vật hoàn toàn đi vào con đường ngõ cụt, bi đát, chấp nhận và bất lực… nhưng tất cả đều được lý giải hợp lí.

Ngược lại, hành động của nhân vật trong nhóm tác phẩm viết về người giàu đều có xu hướng tha hoá thảm hại về nhân cách, tâm hồn. Nó được thể hiện bằng những lời biện minh thật hài hước, dí dỏm. Hành động đuổi bà mẹ của ông con giàu có giữa trời mưa giá rét trong ngày giỗ cha được giải thích bằng câu nói: “Bà không biết để sĩ diện cho tôi”. Điều này chỉ có thể được cắt nghĩa bằng cái bản tâm vô đạo của ông “quý tử”. Đây cũng là lí do giải thích cho hành động “ngờ cho ông làm vậy” của ông cháu khi cậu ở quê ra chơi. Tương tự, hành động của cụ Chánh Bá dựng

đứng lên chuyện mất cắp để thực sự ăn cắp một đôi giày mới – là tâm địa ti tiện của một tên ăn cắp… chính tông. Còn hành động “ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng” của nhà đại tư sản đã bộc lộ đầy đủ bản chất giai cấp lang sói của ông ta. Mạng người và giá trị của người nghèo đói trong xã hội đồng tiền này mới thảm hại làm sao.

Đọc truyện của Nguyễn Công Hoan như là một phương tiện để nói rằng: có một thời khác, với những con người khác (người giàu có), với những quan hệ xã hội đạo đức khác, sẽ không giả dối lừa bịp ngược đời như thời nay.

Ngược lại, hành động của các nhân vật đói nghèo trong nhóm tác phẩm của Nam Cao lại có xu hướng chấp nhận sự thua thiệt về bản thân. Chỉ có thể giải thích hành động đi đến cái chết khủng khiếp của lão Hạc là để bảo vệ mảnh vườn, cái vốn duy nhất còn để lại trên đời cho con cái. Tương tự, anh đĩ Chuột phải tự tử vì biết mình là gánh nặng … và cũng không muốn chứng kiến tình cảnh cơ cực của người thân (Nghèo). Sự lựa chọn của họ thật nghiệt ngã bi thảm, nhưng là sự lựa chọn cao đẹp. Bà cái Tý trong “Một bữa no”, trước cái đói ghê gớm đã chọn miếng ăn đầy nhục nhã để rồi bội thực, chết ai oán vì một bữa no. Người cha đói còn đánh mất hết nhân tính khi ăn miếng ăn của chính con mình (Trẻ con không được ăn thịt chó). Đây lại là xu hướng hành động của nhân vật hoàn toàn đi vào con đường tha hoá.

Vậy là, cả Nguyễn Công Hoan và Nam Cao đều đạt đến độ chín trong việc tạo nên tính hoàn chỉnh bên trong của những hành động nhân vật.

3.2.2. Về tính hoàn chỉnh ở cấp độ nhân vật.

Trong nhóm tác phẩm đã dẫn của Nguyễn Công Hoan, nhân vật được xây dựng với sự thống nhất giữa hành động và nguyên nhân dẫn đến hành động. Qua đó mặt nhận thức, cá tính, tính cách của nhân vật cũng được hiện lên rõ nét.

Nguyễn Công Hoan rất nhạy về mặt khắc họa tính cách của nhân vật phản diện. Do đó, nhân vật phản diện – người giàu trong nhóm tác phẩm của ông được hiện lên như là sự thống nhất hành động và bản chất. Nguyễn Công Hoan thường không mô tả những tính cách phức tạp và quá trình tâm lý phức tạp, kéo dài. Tính cách nhân vật của nhà văn thường không được mô tả trong sự vận động và phát triển. Ông rất có ý thức dùng cử chỉ thái độ, hành động bên ngoài để khắc hoạ tính cách nhân vật.

Ông chủ hãng ô tô “Con cọp”có bộ dạng của con người chí hiếu. Ngày giỗ cha, hắn mời rất đông quan khách đến dự tiệc, nhưng lại nhẫn tâm đuổi bà mẹ ra ngoài trời mưa giá rét sau khi bố thí cho hai đồng hào… không những thế, “ông chủ” còn ra lệnh cấm “không đứa nào được kéo bà ấy cả ! Cho mà đi bộ để bận sau mà chừa”. Bọn chúng giàu có, sang trọng mà bất hiếu bất nghĩa, giả đạo đức tới kinh tởm (Báo hiếu: trả nghĩa cha).

Ông Tham (Mất cái ví) dựng lên màn tra khảo đầy tớ, người ở để “đánh rắn động cỏ”: “Thế thì chúng bay bảo tao ngờ cho cụ à? à, quân này láo thật!”.Độc giả cứ bị cuốn hút về một vụ tra hỏi ráo riết để tìm ra thủ phạm ăn cắp, nhưng đến cuối truyện mới vỡ lẽ ra là chính “ông cháu quý hoá” đã bịa chuyện, nói cạnh, nói khoé để đuổi khéo người cậu lần sau đừng đến nhà hắn nữa. “Mất cái ví” đã nói lên một khía cạnh khác trong tư cách đểu cáng của hạng người phong lưu: khinh rẻ bà con họ hàng đến nhờ vả mình.

Cụ Chánh Bá (Cụ Chánh Bá mất giày) nổi tiếng là một nhân vật quyền uy, hống hách, “hét ra lửa” nhưng lại bảo nhỏ đầy tớ cách xoáy khéo (nhà chủ mời cụ ăn cỗ) đôi giày mới tinh. Lúc đó, ta mới thấy hết thực chất con người “cụ” - ăn cắp một cách ti tiện.

Vậy là, nhân vật giàu có của Nguyễn Công Hoan được xây dựng với tính hoàn chỉnh cả về mặt cử chỉ, hành vi bên ngoài, hành động và tính cách, bản chất bên trong.

Trong nhóm tác phẩm của Nam Cao, sự hoàn chỉnh ở cấp độ nhân vật lại được thể hiện ở sự thống nhất chặt chẽ giữa tính cách và hành động, cử chỉ. Với Nam Cao, mọi hành động, mọi suy nghĩ, mọi hướng giải quyết của nhân vật đều có lí do đầy đủ, tức là cả cái bề ngoài và cái bên trong của nó đều nhằm giải thích một vấn đề, một điều gì đó sẽ xảy ra.

Người cha trong “Trẻ em không được ăn thịt chó”, đầu óc chỉ nghĩ được đến miếng ăn cho mình nên tranh cả phần con. Trong mắt con chó bị giết oan, hắn hiện nguyên hình là một “thằng người”. Hắn là một “thằng người” thật nhưng nhân cách thì đã sa đoạ, méo mó, ác độc. Cũng vì miếng ăn, cái đói dày vò mà bà cái Đĩ (Một bữa no) bất chấp cả sĩ diện, thể diện của mình, cháu mình vì một bữa no.

Nhiều nhân vật của Nam Cao, thường là sau khi đã nhận thức được hoàn cảnh, hiểu đúng nó và cảnh ngộ của mình đã có một quyết định khá chính xác, phù hợp với cả lôgic đời sống lẫn đạo lý. Lão Hạc và người cha khốn khổ (Lão Hạc, Nghèo) biết sự tồn tại của mình sẽ đe doạ sự sống và tương lai của vợ, con nên đã tìm đến cái chết như một sự chạy trốn tuyệt vọng. Sự lựa chọn nghiệt ngã này chỉ có thể xuất phát từ tình phụ tử nguyên sơ và vĩnh cửu trong tâm hồn và tính cách những người nông dân nghèo lương thiện này.

Như vậy, qua phân tích, ta thấy sự khác biệt giữa phong cách truyện ngắn của hai nhà văn là rất rõ nét. Nam Cao thường chú ý nhiều đến việc xây dựng loại nhân vật tư tưởng nên nhân vật của ông thường là điển hình tư tưởng đại diện cho một tâm lý, một khuynh hướng nào đó của con người hơn là điển hình xã hội đại diện cho một số phận của một tầng lớp xã hội cụ thể. Chiều hướng con đường đời nhân vật vì thế cũng tuân theo “tư tưởng” của nó. Ngược lại, Nguyễn Công Hoan lại chủ yếu khắc hoạ loại nhân vật trào phúng theo nguyên tắc phân cực - đối lập nên người ta thấy ở truyện ngắn của ông nổi lên những tính cách đại diện cho một tầng lớp xã hội cụ thể: kẻ giầu thì sung sướng, người nghèo thì khốn khổ, quan lại thì ăn cắp ti tiện bẩn thỉu. Chiều hướng con đường đời nhân vật do đó cũng tuân theo “nguyên tắc phân cực”. Chính điều này đã tạo nên nét riêng cho truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.

3.2.3. Về tính hoàn chỉnh ở cấp độ tác phẩm.

Xây dựng nhân vật theo kiểu phân cực nên Nguyễn Công Hoan thường hướng ngòi bút của mình vào việc tạo nên những mối quan hệ đối lập tương phản nhằm bộc lộ bản chất xã hội và bản chất thẩm mỹ của nó. Nhà văn thường xuyên đưa nhân vật vào chuỗi các tình huống, biến cố, sự kiện với một sự lí giải thấu đáo các hành động và các cách giải quyết những mâu thuẫn, xung đột. Chúng ta có thể nhận thấy: trong mối quan hệ này, bản chất các nhân vật hiện lên chân thực, cụ thể. Bọn chúng giàu có, sang trọng mà bất nhân, bất nghĩa, giả đạo đức (Báo hiếu: trả nghĩa cha, Mất cái ví); độc ác không còn tính người (Răng con chó của nhà tư sản); ti tiện đến bẩn thỉu (Cụ Chánh Bá mất giầy). Trong khi đó, những người nghèo, giá trị lại thảm hại vô cùng.

Tương đồng với Nguyễn Công Hoan, trong nhóm truyện tương ứng, Nam Cao lại đặt nhân vật của mình trong nhiều mối quan hệ tương phản, tương hỗ khác nhau., Từ đó, chiều hướng con đường đời của nhân vật hiện lên rõ nét. Nhà văn hướng vào mối quan hệ tương hỗ nhiều hơn (mẹ – con) để làm đòn bẩy cho mối quan hệ tương liên (cha – con) (Nghèo). Ông còn đặt nhân vật của mình trong mối quan hệ tương phản đối lập (cha, chồng – mẹ, vợ), quan hệ tương hỗ (mẹ – con) nhằm làm sáng tỏ bi kịch nghèo đói thê thảm của những đứa con và bản chất tàn nhẫn của người cha. Với “Lão Hạc”, nhà văn ưu ái đặt nhân vật tâm huyết cả đời của mình vào một chùm tương quan, mỗi tương quan là một luồng sáng làm rạng ngời lên chân dung lão nông lương thiện. Lão được miêu tả song song với ông giáo để đối sánh, làm bật lên tâm lý nông dân bên cạnh tâm lý trí thức. Với đứa con trai duy nhất, Nam Cao nhìn ra ở người cha còm cõi xác xơ này một tình phụ tử nguyên sơ và vĩnh cửu. Với con chó Vàng, lão Hạc là biểu tượng nguyên vẹn tính người tự nhiên sâu thẳm trong tâm hồn. Đó là những mối tương quan so sánh, bổ sung; còn trong mối tương quan đối lập (với Binh Tư), lão Hạc lại là một người lương thiện đến mức thánh thiện, trong khi Binh Tư đã dấn thân trở thành một kẻ bất lương đến mức thành lưu manh.

Nhân vật của Nam Cao luôn gay gắt, căng thẳng trong cuộc đấu tranh giữa hai con người trong một chủ thể: con người bản năng, ham muốn tầm thường và con người ý thức, con người nhân văn; trong khi đó, nhân vật của Nguyễn Công Hoan luôn đấu tranh ở các cực đối lập thiện - ác, địch - ta. Có thể xem đây là những nét sáng tạo riêng, độc đáo trong quan niệm nghệ thuật của hai nhà văn.

3.2.4. Về tính hoàn chỉnh ở cấp độ nhóm tác phẩm.

Như đã trình bày, Nguyễn Công Hoan thường triển khai những câu chuyện trên chủ yếu dựa trên những sự kiện, biến cố. Qua đó, nhân vật chủ yếu được thể hiện qua hành động. Đặc biệt nhà văn rất thành công trong việc dựng lên hình ảnh hạng người ăn cắp vì đói khát: “ăn cắp dấm dúi để nuôi thân”.

Viết về một loại người nhất định trong xã hội - người giàu có, Nguyễn Công Hoan đã xây dựng hình ảnh những con người đã xấu xa, tồi tệ phải cực xấu xa, tồi tệ. Đối với họ, thế giới tâm hồn là một thế giới đã mất và rất xa xôi (Báo hiếu: trả nghĩa cha, Răng con chó của nhà tư sản), đã ti tiện, đểu giả thì cực ti tiện, đểu giả (Cụ Chánh Bá mất giày, Mất cái ví). Các tác phẩm trong nhóm này đều xoay quanh

yếu tố thẩm mỹ hài kịch, bi hài kịch, nhân vật trào phúng thường diễn những trò hề bỉ ổi trên sân khấu cuộc đời: trò chí hiếu (Báo hiếu: trả nghĩa cha), trò đạo đức (Cụ Chánh Ba mất giày, Mất cái ví)… ở đây, tiếng cười Nguyễn Công Hoan bật lên và sức mạnh phê phán của tiếng cười đó là rất lớn, nhằm vào những kẻ có quyền, có tiền, những ông chủ, bà chủ, những kẻ bịp bợm xấu xa đang diễn những trò hề trên sân khấu xã hội.

Nam Cao là một trường hợp khác. Trong nhóm truyện tương ứng với Nguyễn Công Hoan, nhà văn xây dựng hình ảnh về những con người nghèo đói để khái quát về thận phận, số kiếp người nghèo trong cơn đói khát. Bi kịch đói nghèo của họ đã lên tới đỉnh điểm của sự bi đát, thê thảm. Yếu tố thẩm mĩ bi, bi - hài cũng được Nam Cao sử dụng đắc địa nhằm thể hiện những vấn đề chung của cuộc sống con người, cho nhiều hạng người. Nam Cao còn chỉ ra được nguyên nhân khiến con người ta trở thành nghèo đói: vì người ta quá dốt, cam chịu, an phận, ngại thay đổi: “Trong gia đình này, năm mẹ con thường giống như một bọn hèn yếu cùng chung phận con sâu, cái kiến dưới ách của một ông bạo chúa”. Đó thực sự là một sự phân biệt vô lý, bất công không thể chấp nhận được. Chỉ ra sự vô lý đó, Nam Cao đã mang đến cho người đọc một tư tưởng hết sức tiến bộ về một sự công bằng.

Tóm lại, qua đối sánh ta thấy: dù trên cùng một đề tài song so với Nam Cao, Nguyễn Công Hoan đã thực sự có một cấu trúc riêng cho các tác phẩm của mình. Ông tập trung xây dựng kiểu nhân vật - phân cực, đối lập, trái với kiểu nhân vật tư tưởng là chủ đạo của Nam Cao. Đặc biệt, nhà văn chua chát so sánh hai hạng ăn cắp: một hạng vì đói khát “ăn cắp dấm dúi để nuôi thân”, một hạng giàu có sang trọng lại ăn cắp đường hoàng; một loại đói nghèo quá đến nỗi “dị dạng về ngoại hình”, một loại phong lưu lại “dị dạng về tâm hồn, nhân cách”. Đây thực sự là sự biểu hiện cụ thể và độc đáo cho quá trình tìm tòi của một phong cách nghệ thuật trào phúng tài năng.

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 51 - 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)