3.1.1. Về thủ pháp lựa chọn “tình huống giàu kịch tính”.
Tìm hiểu nhóm tác phẩm viết về những người nghèo đói của Nguyễn Công Hoan, ta thấy xuất hiện những tình huống đầy kịch tính. Thủ pháp này đã tạo nên tiếng cười, thể hiện được số phận trớ trêu, oái oăm của kiếp người nghèo.
Khi viết về bọn người giàu có, ông cũng lựa chọn những tình huống thật nghịch lý đến khó tin được. Một mạng người được đánh đổi bằng hai chiếc răng của con chó nhà tư sản (Răng con chó của nhà tư sản). Ông chủ hãng ô tô “Con cọp” là một nhà tư sản giàu có. Ngày giỗ cha, hắn mời rất đông quan khách đến dự tiệc, nhưng lại nhẫn tâm đuổi bà mẹ ra ngoài trời mưa giá rét sau khi bố thí cho hai đồng hào ván (Báo hiếu: trả nghĩa cha). Đó còn là màn giả đạo đức đầy trắng trợn của thằng cháu để đuổi ông cậu về quê vì “tốn kém lắm” (Mất cái ví). Trong truyện “Cụ Chánh Bá mất giày” là tình huống dựng đứng lên chuyện mất cắp để thực sự ăn cắp một đôi giày mới của cụ Chánh Bá.
Như vậy, Nguyễn Công Hoan tạo nên những tình huống trào phúng đầy kịch tính để lật tẩy những mặt trái xấu xa trong cuộc đời, để nhân vật chủ động diễn trò và tự bộc lộ bản chất xấu xa của mình.
Trong khi đó, ở những tác phẩm viết về người nghèo đói, Nam Cao lại không đẩy nhân vật của mình vào những tình huống gay cấn, éo le mà chỉ thử thách các nhân vật trong cuộc sống cơm áo hàng ngày. Do đó, ông thường đặt nhân vật vào những tình huống nhận thức – lựa chọn. Nhân vật của ông bị đặt trước những thử thách khắc nghiệt của cái đói, cái nghèo. Anh đĩ Chuột chọn cái chết đau đớn để vợ con đỡ khổ (Nghèo). Lão Hạc chọn cái chết khủng khiếp để bảo toàn niềm hi vọng cuộc sống cho con trai. Sự khốn cùng, không nơi nương tựa hẳn sẽ đưa bà cái Đĩ đến cảnh chết đói như bao nhiêu cuộc đời khác, nhưng rồi bà đã chọn “một bữa no” để bội thực rồi chết một cách nhục nhã (Một bữa no). Còn ông bố đói nghèo trong “Trẻ con không được ăn thịt chó” thì đã đánh mất hết nhân tính khi ăn miếng ăn của chính con mình. Đây là sự lựa chọn dẫn nhân vật hoàn toàn đi vào con đường tha hoá.
Có thể nói, việc sử dụng linh hoạt các kiểu tình huống khác nhau đã giúp hai nhà văn có thể bộc lộ những nét bản chất của hiện thực cuộc sống và qua đó thể hiện rõ nét tính cách nhân vật và chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
3.1.2. Về thủ pháp phóng đại “những xung đột trào phúng”.
Như đã trình bày, trong nhóm tác phẩm viết về người nghèo đói, nhà văn đã thành công trong việc phóng đại những xung đột trào phúng nhằm bộc lộ một tật xấu, một thói hư nào đó của một loại người nhất định.
Viết về hạng người giàu có, nhà văn cũng phóng đại xung đột trào phúng để tăng cấp xung đột, làm nổi bật tính hài hước của đối tượng trào phúng. Từ đó tạo ra tiếng cười châm biếm đả kích chế giễu, mỉa mai bọn quan lại, cường hào, hàn, nghị, chánh phó lí. “Báo hiếu: trả nghĩa cha” và “Mất cái ví”, bề ngoài là xung đột đạo đức, nhưng thực chất là xung đột giàu – nghèo. Bản chất xung đột này đã đầy gay gắt và kịch tính. Bọn chúng giàu có, sang trọng mà bất hiếu, bất nghĩa, giả đạo đức tới kinh tởm với chính những người thân của mình. Trong “Răng con chó của nhà tư sản”, sự đụng độ giàu – nghèo thể hiện thật rõ rệt. Ông chủ hãng ô tô đã phóng xe đuổi theo người ăn mày vì người này đã dám đánh gãy răng con chó tây của ông ta.
“A mày tát gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng!” - câu nói của nhà tư sản bộc lộ đầy đủ bản chất giai cấp lang sói của ông ta và cho thấy cái giá trị thảm hại của người nghèo trong xã hội đồng tiền lạnh lùng đó. Còn trong “Cụ Chánh Bá mất giày” là sự mâu thuẫn giữa bản chất giả nhân nghĩa, keo kiệt, ti tiện với sự biểu hiện hết sức đạo đức của cụ Chánh Bá.
Có thể nói, ở Nguyễn Công Hoan, xung đột trào phúng thường được phóng đại nhiều lần và nó được đặt trong những tình huống hài kịch hay bi hài kịch để tự phơi trần mặt trái đầy xấu xa thuộc bản chất tính cách nhân vật.
Nam Cao là một trường hợp khác. Ông hầu như không dùng phóng đại để tăng cấp xung đột. Ông ít dùng phóng đại và có thì cũng không rõ rệt. Ông thường tạo mâu thuẫn, xung đột và đưa nó vào một tình huống trào phúng để xung đột trào phúng tự bộc lộ. Nhà văn đặt nhân vật vào tình huống kích thích những ham muốn, những thèm khát phàm tục, tầm thường (Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó). Ông còn đặt nhân vật của mình vào tình huống bi hài kịch nội tâm để xung đột trào phúng tự bộc lộ. Anh đĩ Chuột phải tự tử vì nợ nần và đói nghèo (Nghèo). Lạc Hạc cũng day dứt và chịu chết một cách thê thảm vì cảnh ngộ, vì thương con muốn bảo vệ mảnh vườn, cái vốn duy nhất còn để lại trên đời cho con cái (Lão Hạc).
Đặc điểm này có lẽ xuất phát từ chỗ: nếu như Nguyễn Công Hoan phóng đại những xung đột trào phúng chủ yếu để cười hạng người giàu có, quyền thế thì Nam Cao lại chủ yếu hướng tiếng cười vào những nạn nhân đáng thương với những mảnh đời khốn khổ. Trong sáng tác có tính trào phúng của Nam Cao, sân khấu nội tâm là nơi làm phát lộ mọi xung đột và làm nẩy sinh mọi tiếng cười. Nguyễn Công Hoan lại chọn hướng khác. Nhân vật trào phúng của ông thường diễn những trò hề bỉ ổi trên sân khấu cuộc đời. Xung đột trào phúng chủ yếu bộc lộ qua cử chỉ, hành động và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Vì thế, tiếng cười cuả Nguyễn Công Hoan thường rất to, hả hê và hướng ngoại, còn tiếng cười của Nam Cao lại nhẹ nhàng, không thành tiếng và hướng nội.
Vậy là hiệu quả “thuyết phục” của thủ pháp trên là rất lớn và cả hai nhà văn đều triệt để sử dụng thủ pháp này theo những hướng riêng, độc đáo.
3.1.3. Về thủ pháp đòn bẩy.
Như đã phân tích, thủ pháp đòn bẩy được Nguyễn Công Hoan sử dụng rất thành công, nhằm tập trung thể hiện tính cách nhân vật trung tâm.
Trong nhóm tác phẩm viết về người giàu, điểm nhấn của đòn bẩy được đặt vào các nhân vật đối lập trong quan hệ kẻ giàu - người ăn mày (Răng con chó của nhà tư sản); quan hệ giữa ông con “quý tử” giàu có, bất hiếu bất nghĩa với người mẹ nghèo đói, rách rưới (Báo hiếu: trả nghĩa cha); trong quan hệ giữa ông cháu phong lưu đểu cáng với bà con họ hàng nghèo (Mất cái ví); và quan hệ giữa cụ Chánh Bá tâm địa ti tiện với nhà chủ không quyền thế, địa vị. Qua đó, tác giả phanh phui bản chất “khốn nạn’’của bọn có tiền,có quyền; phơi bày sự suy đồi phong hoá diễn ra ở khắp mọi nơi, trong mọi gia đình.
Khi viết về những người nghèo đói, Nam Cao lại tập trung thể hiện những nhân vật có quan hệ trực tiếp với nhân vật trung tâm, làm nổi bật nhân vật, từ đó in đậm hơn tính cách nhân vật trung tâm. ở truyện “Nghèo” và “Trẻ con không được ăn thịt chó”, đầu kia của đòn bẩy được đặt vào nhân vật người mẹ, gợi nỗi buồn đau se thắt, tức tưởi. Người mẹ trở thành người chia sẻ bi kịch oái oăm, éo le cùng những đứa con đói khát. Từ đó, nhân vật hiện lên thật cụ thể, chân thật tự nhiên. Nó còn được đặt vào nhân vật người cháu (Một bữa no), ông Giáo (Lão Hạc) để thể hiện một sự thương xót cho cảnh ngộ bi thảm của người bà nghèo đói phải bán cả lòng tự trọng để đổi lấy “một bữa no”, một ông lão nhất định chọn cái chết để bảo toàn danh dự và nhân phẩm.
3.1.4. Về thủ pháp dùng đại từ thay thế.
Như đã phân tích, thủ pháp sử dụng đại từ thay thế được Nguyễn Công Hoan sử dụng khá đắc hiệu nhằm thể hiện một sự trìu mến đầy ân tình, một sự xót xa với những số phận bị rẻ rúng vì đói nghèo.
Nguyễn Công Hoan gọi đám người giàu bằng những từ rất lịch sự: “ông, ngài, cụ” (Báo hiếu: trả nghĩa cha, Cụ Chánh Bá mất giày, Mất cái ví, Răng con chó của nhà tư sản) không phải để kính trọng ca ngợi mà là để đả kích mạnh mẽ quyết liệt loại người giàu độc ác, tham lam, đểu cáng, giả đạo đức và những tính cách “khốn nạn” của bọn chúng.
Với Nam Cao, ông dùng những đại từ thay thế để gọi tên nhân vật, để thể hiện thái độ và sự đánh giá khác nhau của mình. “Hắn, thằng, nó” (Trẻ con không được ăn thịt chó), không cướp của giết người nhưng lại là biểu tượng về một loại người nhất định: sa đoạ, méo mó thảm hại về nhân cách, tâm hồn; mất hết nhân tính chỉ vì miếng ăn. Nhà văn gọi bà lão nghèo, em bé nghèo bằng những từ “cái đĩ, nó, con mẹ” là để thể hiện nỗi cơ cực, khốn cùng, nhục nhã, ê chề của số kiếp nghèo phải đi ở, xin ăn bố thí của người giàu (Một bữa no). Với những con người chấp nhận cái chết thể xác chứ không chấp nhận cái chết về tâm hồn thì Nam Cao trân trọng thương yêu gọi họ bằng những cái tên thật trìu mến: “lão, lão Hạc ơi!” (Lão Hạc). “Anh đĩ Chuột, chị đĩ Chuột” lại là những cách gọi khác của Nam Cao về thân phận nghèo đói đến mức cùng cực nhưng là để cảm thông thương xót họ chứ không phải là để khinh thị.
Như vậy, mỗi nhà văn đều gọi tên nhân vật theo cách của riêng mình. Nguyễn Công Hoan dùng những từ rất lịch sự để gọi bọn nhà giàu là để đối lập với bản chất thực đáng khinh, đáng ghét của chúng. Với kẻ nghèo, cả hai nhà văn đều gọi họ bằng: “nó, thằng, con, con mẹ, y, thị…” là hình ảnh sinh động của một số nông dân, phu xe, kép hát, gái giang hồ… ngoi ngóp trong cảnh nghèo đói. Mỗi nhà văn luôn đẩy nhân vật của mình tới cực điểm của một tình trạng nào đó… nhưng đó chính là cách để họ đòi một trạng thái có nhân tính cho những kiếp nghèo.
Có lẽ đây chính là sự gặp gỡ của hai bút lực thiên tài.
3.1.5. Về thủ pháp sử dụng những “chi tiết đánh lạc hướng độc giả”.
Như đã trình bày, trong nhóm có nhân vật trung tâm là người nghèo đói, Nguyễn Công Hoan sử dụng thủ pháp này rất thành công, nhằm gây bất ngờ cho người đọc, làm bật lên tiếng cười giòn giã.
Trong nhóm tác phẩm viết về những người giàu, tác giả cũng triệt để khai thác thủ pháp này, nhằm bộc lộ bản chất xấu xa, thối nát của lũ người giàu có.
Chẳng hạn, trong truyện “Mất cái ví”, người đọc bị cuốn hút về một cuộc tra hỏi hết sức ráo riết để truy tìm thủ phạm đánh cắp cái ví. Nhưng đến kết truyện, té ra cái ví không hề mất mà là ông cháu cố tình bịa ra chuyện mất ví cốt để lần sau ông cậu ruột của mình “đừng ra chơi nữa. Tốn kém lắm!”.
ở truyện “Báo hiếu: trả nghĩa cha”, người đọc cứ đinh ninh rằng ông chủ hãng ô tô “Con cọp” kia tổ chức đám giỗ thật linh đình cho cha là để thể hiện lòng hiếu thảo nhưng hoá ra lại không phải:
“- Bà về đi! - Mặc kệ bà!
- Bà phải về ngay bây giờ!”
Với truyện “Cụ Chánh Bá mất giày” thì đến cuối truyện, khi có được đôi giày mới tinh, chúng ta mới thấy hết thực chất con người “cụ”: ti tiện, keo kiệt.
Với Nam Cao, khi viết về những người nghèo đói, ông cũng sử dụng thủ pháp trên để tạo sự bất ngờ cho độc giả.
Trong truyện “Trẻ con không được ăn thịt chó”, câu nói của người mẹ: “Cố mà nhịn lúc nữa, các con ạ. Đợi trên nhà ăn xong, còn thừa thì ta ăn” làm tăng niềm hi vọng của các con bao nhiêu thì khi cái Gái dọn mâm xuống “chỉ còn bát không”, thể hiện nỗi uất ức của người mẹ và những đứa con bấy nhiêu. Anh đĩ Chuột trong truyện “Nghèo” bất lực trước tình cảnh bi đát cuả gia đình đã thắt cổ tự tử, sau khi đánh lừa được mọi người đi làm những việc khác. Còn đọc “Lão Hạc”, những chi tiết đánh lạc hướng độc giả càng được sử dụng nhiều hơn: lão Hạc không định bán con chó Vàng, nhưng cuối cùng vẫn phải bán; lão Hạc xin bả chó nói là để bẫy chó, nhưng thực ra là để “bẫy người” - chính là mình.
Như vậy, cả hai nhà văn đều sử dụng những chi tiết đánh lạc hướng độc giả để tạo kịch tính cho truyện, gây bất ngờ đối với độc giả. Nếu mục đích sử dụng thủ pháp này của Nguyễn Công Hoan là nhằm bộc lộ bản chất của những kiếp người, loại người, hạng người khác nhau trong xã hội, thì mục đích sử dụng của Nam Cao lại nhằm thể hiện những tình cảnh bi đát, oái oăm của lớp người dưới đáy xã hội. 3.1.6. Về sự tổng hợp các biện pháp nghệ thuật thể hiện như là thủ pháp thuyết phục và thu hút độc giả.
3.1.6.1. Biện pháp tả.
Với Nguyễn Công Hoan, việc miêu tả thường được hỗ trợ bằng việc mô tả lại khung cảnh xung quanh. Nhân vật hiện lên với dáng điệu đầy kịch tính. “Báo hiếu: trả nghĩa cha” là khung cảnh giữa trời mưa giá rét đến buốt xương để thể hiện sự tàn nhẫn tột cùng của đứa con giàu có và số phận thê thảm cùng cực của bà mẹ nghèo
trót đẻ đứa con “quý tử”. Với truyện “Mất cái ví” là khung cảnh trong nhà ông Tham để bộc lộ bản chất đầy thủ đoạn của hạng người phong lưu: khinh rẻ bà con họ hàng đến nhờ vả mình. Việc tả khung cảnh chiều tối và nơi ở lại góp phần thể hiện sự đối lập giữa cái bề ngoài giàu sang và cái tâm địa tàn nhẫn của một thằng tư sản bên cạnh một bản chất khác tức là người ăn mày đói khát, rách rưới đến quá mức (Răng con chó của nhà tư sản). Trên cái nền những khung cảnh này, nhà văn lại đặc tả ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói… để nhân vật tự bộc lộ bản chất của mình.
Với Nam Cao, ông lại sử dụng biện pháp tả nhân vật để khắc hoạ một nét tính cách (lão Hạc khóc), tả ngoại cảnh để lí giải hành động của nhân vật (Trẻ con không được ăn thịt chó), tả cử chỉ, hành động, lời nói của nhân vật (Nghèo, Một bữa no). Văn Nam Cao rất ít miêu tả ngoại cảnh.
Rõ ràng, ở biện pháp tả, mỗi nhà văn đều sử dụng nó như một thủ pháp và đều tạo ra hiệu quả nghệ thuật sâu sắc.
3.1.6.2. Biện pháp kể.
Đọc truyện của Nguyễn Công Hoan, người đọc luôn bị lôi cuốn hấp dẫn bởi lối kể dồn dập xuôi chiều mang nhiều tính kịch của ông. Với lối kể ấy thì sự vận động của hành động, số phận nhân vật thường giống như những màn kịch, lớp kịch liên tiếp, dồn dập các sự kiện. Nhà văn bao giờ cũng kết thúc câu chuyện chóng vánh đến bất ngờ. “Răng con chó của nhà tư sản” được kể bắt đầu từ lúc chiều tối (khoảng 6h) cho đến khi kết thúc câu chuyện là nhà tư sản phóng xe ô tô đuổi người ăn mày, chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn. Trong đó, các hành động đầy kịch tính được nhà văn thuật lại rất ngắn gọn trong một câu chuyện cũng rất ngắn gọn. Truyện “Báo hiếu: trả nghĩa cha”, các sự kiện, biến cố, hành động cũng được kể dồn dập, liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn. Ông chủ hãng ô tô “Con cọp” mời rất đông khách đến dự ngày giỗ của cha mình, trong khi lại đuổi chính người mẹ đẻ của mình giữa trời mưa rét. Cách kể này của Nguyễn Công Hoan