3.3.1 Về giọng điệu
Trong nhóm tác phẩm đã phân tích ở chương 2, chúng tôi nhận thấy: Nguyễn Công Hoan rất tài năng trong việc kết hợp giọng bi hài và giọng bông lơn hài hước, hóm hỉnh, tạo nên giọng cảm thông, thương xót mang dáng vẻ bi hài.
Nguyễn Công Hoan thường nhìn nhận con người, sự vật từ góc độ trào phúng đặc biệt khi viết về hạng người giàu có. Do đó, giọng điệu trào phúng, mỉa mai, chế giễu, đả kích bông lơn là giọng điệu chủ yếu trong nhóm tác phẩm này của ông. Giọng điệu của nhà văn có vẻ như tàn nhẫn qua giọng điệu độc ác, tàn nhẫn của gã tư sản khi con chó của hắn bị đánh gãy răng “à, mày tát gãy răng chó ông, ông chỉ kẹp cho mày chết tươi, rồi ông đền mạng. Bất quá ba chục bạc là cùng” (Răng con chó của nhà tư sản). Giọng văn của ông làm ra vẻ kính trọng đối với nhân vật phản diện đáng kính và làm như khinh ghét, chế giễu nhân vật mà ông thương xót bênh vực (Cụ Chánh Bá mất giày). Vậy cơ sở của giọng điệu này là ở đâu? Ta thấy, Nguyễn Công Hoan vẽ rất nhạy nhân vật phản diện: “Tôi vẽ người xấu nhạy hơn người tốt. Bởi vì tôi vốn bi quan nên nhìn mọi vật bằng con mắt hoài nghi, chỉ thấy phía xấu”[17]. Đây là cơ sở chủ quan để xuất hiện giọng chế giễu đả kích. Bên cạnh đó, cơ sở khách quan của giọng điệu này chính nằm ở phẩm chất thẩm mỹ của đối tượng. Hầu hết nhân vật người giàu có hiện lên với bản chất và tính cách “khốn nạn”. Bọn chúng khinh rẻ bà con họ hàng đến nhờ vả mình (Mất cái ví); sang trọng mà đại bất hiếu đến ghê sợ (Báo hiếu: trả nghĩa cha); bản chất độc ác, lang sói (Răng con chó của nhà tư sản); tâm địa ti tiện như một tên ăn cắp (Cụ Chánh Bá mất giày).
Bản chất đểu cáng của hạng người này là nguồn gốc tạo nên kiểu giọng điệu mỉa mai, đả kích trong nhóm tác phẩm của nhà văn.
Với Nam Cao, ông không tạo ra một giọng điệu chủ đạo thống lĩnh. Tác phẩm của nhà văn là sự phối xen các giọng điệu, đa thanh hoá giọng điệu tự sự . Đó là chất giọng nghiêm nghị, trầm tư, suy ngẫm nghiêng về các loại nhân vật mang phẩm chất tốt đẹp (Lão Hạc). Từ giọng điệu này, có khi nhà văn đẩy lên mức độ cao thành sự khách quan, lạnh lùng, nghiêm ngặt (Một bữa no). Có khi là giọng điệu tâm lý - giọng điệu nói bộc trực thẳng thắn, đầy chất liên tưởng (Trẻ con không được ăn thịt chó). Trong giọng điệu, điều đáng chú ý là ý nghĩa sắc thái tình cảm của nhà văn gửi vào trong đó. Nhìn chung, giọng điệu của nhà văn Nam Cao là cảm thương, đau xót, đầy vị tha, độ lượng với các nhân vật người nghèo đói và bao giờ nó cũng mang âm hưởng của tình thương.
Vậy là, mỗi nhà văn đều tạo được trong nhóm tác phẩm của mình một giọng điệu riêng, không ai giống ai, điều giúp ích rất nhiều cho việc nhận ra nét đặc sắc, độc đáo trong phong cách truyện ngắn của hai ông.
3.3.2. Về sắc điệu
Trong nhóm tác phẩm của cả hai nhà văn, giọng điệu đều được phân hoá thành một hệ thống sắc điệu vô cùng đa dạng. Khi thể hiện một đối tượng mang đặc tính thẩm mĩ: cái xấu thì sắc điệu của truyện Nguyễn Công Hoan bao quanh giọng hài hước nghiêng về phê phán đả kích trực tiếp. Ví như, cùng một giọng điệu châm biếm dành cho ông chủ hãng ô tô “Con cọp” và thằng con “quý tử” (Báo hiếu: trả nghĩa cha, Răng con chó của nhà tư sản) nhưng xen vào một sự đả kích có cái gì như ghê sợ, kinh tởm. Còn viết về hạng người phong lưu (Mất cái ví) hay kẻ có quyền bịp bợm (Cụ Chánh Bá mất giày) thì sắc điệu đả kích thực sự khinh bỉ. Đó là những kẻ truỵ lạc về tâm hồn, nhân tính. Qua đó, bộc lộ cái nhìn phê phán mãnh liệt của nhà văn.
Trong nhóm tác phẩm tương ứng với truyện của Nguyễn Công Hoan, sắc điệu của Nam Cao chủ yếu lại dựa vào giọng trìu mến, âu yếm với lối tâm tình được ẩn sâu trong cách nhập vai nhân vật,cách miêu tả nhân vật như nhân vật ông Giáo (Lão Hạc). Sắc điệu hài hước hóm hỉnh cũng được tác giả vận dụng để làm giảm đi sự căng thẳng của tính hiện thực trong truyện qua lời đối thoại của lũ trẻ trong “Trẻ con không được ăn thịt chó”; qua niềm vui hoan hỉ của cái Gái (Nghèo); qua niềm phấn khởi khi gặp lại người bà của mình (Một bữa no); qua cách ỡm ờ của Lão Hạc đối với Binh Tư (lão Hạc). Những sắc điệu này không đơn thuần tạo tiếng cười hồn nhiên khi thêm vài nét tươi vui hóm hỉnh mà còn góp phần làm tăng tấn bi kịch đói nghèo cuả những con người khốn khổ. Trong hệ thống giọng điệu của truyện ngắn Nam Cao, còn thể hiện tính phức điệu đặc trưng, tiêu biểu: “Tính phức điệu trong văn xuôi Việt Nam trước 1945 chỉ xuất hiện trong sáng tác của Nam Cao mà thôi” . [19]. Đó là tính tự lập rất cao trong tiếng nói nhân vật bên cạnh tiếng nói tác giả trong văn ông.
Qua đối sánh ở trên, chúng tôi nhận thấy: chất giọng của Nam Cao có phần day dứt, xót xa hơn, còn giọng điệu của Nguyễn Công Hoan lại quyết liệt, hóm hỉnh hơn. Điều này có lẽ do Nam Cao đi sâu vào phân tích nội tâm phức tạp của nhân
vật, còn Nguyễn Công Hoan đã giễu nhại phong cách ngôn ngữ các loại nhân vật. Vậy là, Nguyễn Công Hoan đã tạo ra trong tác phẩm của mình một hệ thống giọng điệu mang dấu ấn riêng, hấp dẫn và không thể trộn lẫn.