“Phong cách của tác phẩm văn học, phong cách cá nhân nhà văn có liên quan mật thiết với sự hoạt động của những cấu tạo thể loại, với sự phát triển của những khuynh hướng văn học” [8]. Nhà văn có phong cách thật sự phải đem lại một cái gì mới mẻ, độc đáo, riêng biệt cho thể văn. Soi vào lí thuyết trên và đối chiếu vào nhóm tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, chúng tôi nhận thấy ông thực sự là một nhà văn có những sáng tạo mới mẻ, độc đáo cho thể văn.
Ông là nhà văn có công lớn trong việc phát triển và hoàn thiện thể loại truyện ngắn hiện đại Việt Nam, đặc biệt là thể loại truỵện ngắn trào phúng. Nghệ thuật trào phúng của ông đã đạt tới mức đỉnh cao. Mỗi truyện của ông như là “một sân khấu hài kịch” (Th.s. Nguyễn Văn Đấu) – mang đầy đủ chất kịch của cuộc sống hiện đại. Truyện ngắn của ông rất đặc sắc cho khuynh hướng “kịch hoá” (Nguyễn Văn Đấu), sáng tạo những xung đột, tình huống trào phúng đậm chất kịch tính; nhân vật hành động là chủ yếu và luôn bắt thế giới phải tự bộc lộ bản chất xã hội của nó. Nếu như tiểu thuyết của VũTrọng Phụng đậm hiện thực và kịch bao nhiêu thì truỵên ngắn của ông lại “nhạt” bấy nhiêu. Còn với Nguyễn Công Hoan, ông chỉ thành công xuất sắc ở lĩnh vực truyện ngắn - đó chính là “đất dụng võ” (Nguyễn Văn Đấu) của nhà văn trào phúng này. Với sáng tác của ông, gần như thành quy luật: những truyện hay thường phải giàu chất kịch. Điều này làm nên phong cách truyện ngắn độc đáo cho riêng nhà văn. Các sáng tác văn học đích thực xưa và nay đều là những tác phẩm độc đáo, không lặp lại. Truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan là một trường hợp như thế. Tô Hoài gọi ông là “một tay đô vật không có địch thủ”. GS. Nguyễn Hoành Khung coi truyện ngắn Nguyễn Công Hoan là “hiện tượng chưa có tới hai lần trong văn học Việt Nam”. Còn Nguyễn Minh Châu thì cho rằng: “Với con mắt ấy, vừa cực
đoan vừa trào lộng, Nguyễn Công Hoan đã tạo nên phong cách truyện ngắn vô cùng độc đáo, đứng riêng một mình một miếng đất và không hề giống ai… Là nhà văn “nhìn cái nhìn không bình thường bằng cặp mắt không bình thường”, người tạo nên “cốt cách hoạt kê trào phúng mà sau ông chúng ta không còn tìm thấy xuất hiện một con người nào như thế nữa trong làng văn xuôi. Hình như cái mạch trào lộng của những truỵên kể dân gian chảy đến Nguyễn Công Hoan thì ngừng” [11;186. 187].
Truyện ngắn trào phúng của Nguyễn Công Hoan độc đáo, đặc sắc còn ở sự xuất hiện của yếu tố mới mẻ và hấp dẫn mang tính cách tân nghệ thuật trần thuật hiện đại. Đó là lời trữ tình ngoại đề hết sức độc đáo của nhà văn. “Những trữ tình ngoại đề hóm hỉnh tinh quái với những lời suồng sã, đùa vui thoải mái và mang lại hiệu quả nghệ thuật cao thì Nguyễn Công Hoan là một trong không nhiều nhà văn tỏ ra thành công xuất sắc” [16]. Cái riêng là, lời trữ tình của Nguyễn Công Hoan thường không dài, được đưa vào một cách điểm xuyết, thích hợp với từng trường hợp cụ thể, sắc sảo, mang lại hiệu quả nghệ thuật cao. Chẳng hạn, lời trữ tình ngoại đề trong “Người ngựa ngựa người”: “ai lại tám giờ tối 30 tết rồi, còn lang thang phố nọ sang phố kia thế kia? Mà hàng phố, nhà nào nhà nấy đóng cửa cả rồi, còn mấy ai ra đường làm gì, mà còn hòng một “cuốc” tất niên? “Bất đắc dĩ con ngựa người lại phải kéo con người ngựa vậy”.
Cách đặt câu của Nguyễn Công Hoan cũng có nhiều táo tạo.Ông muốn nhịp điệu câu văn phải diễn tả đúng nhịp điệu cuộc sống. Ví như, tả một đám đông thi nhau đấm đá túi bụi một thằng ăn cắp giữa chợ thì phải có một cú pháp đặc biệt với những câu văn ngắn như: “Họ lại uỵch. Họ lại thụi. Họ lại tát. Họ lại đá. Không tiếc tay!”. Và đây là cách đặt câu, ngắt theo nhịp thở hổn hển của bà hàng: “Bà ấy mệt quá.Không lê được một bước. Không kêu được một tiếng. Cơ chừng tiếc của. Cơ chừng hết sức. Cơ chừng hết hơi.”
Nguyễn Công Hoan biết chinh phục độc giả bằng cốt truyện chặt chẽ, bắt đầu, kết thúc như thế nào và từ đâu? Nên truyện ngắn của ông thường rất ngắn,gọn. Khi mà nền văn xuôi nước ta trong buổi đầu xây dựng trước sau năm 1930, lúc đó trên báo chí đầy rẫy thứ văn biền ngẫu, ước lệ sáo rỗng, dài dòng luộm thuộm, thì chính lúc ấy, Nguyễn Công Hoan xuất hiện đã tìm được cho mình hướng đi đúng đắn, hướng đi của chủ nghĩa hiện thực, của tiếng nói giàu có và đầy sức sống của
nhân dân. Vì thế mà, Nguyễn Công Hoan là một trong số ít nhà văn không những có được phong cách thời đại, phong cách thể loại mà còn có cả phong cách của riêng mình, là người “cần từ bỏ cái truyền thống mà anh ta tiếp thu hết sức đầy đủ để trên cơ sở đó xây dựng một truyền thống mới”.
Lẽ dĩ nhiên, tất cả những điều trên đều chứng minh cho sự độc đáo, mới mẻ, sáng tạo của phong cách truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan.
Chương 3. Đặc sắc phong cách truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan qua sự đối sánh giữa ba nhóm tác phẩm
ở chương 2, chúng tôi đã phân tích cụ thể những yếu tố biểu hiện phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là người nghèo đói. Tới đây, chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá những nét đặc sắc phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan theo đúng lý thuyết của phương pháp so sánh hệ thống (dựa trên các yếu tố biểu hiện phong cách theo quan niệm của M.B. Khrapchenko):
1. So sánh nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói với nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người giàu có.
2. So sánh nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói với nhóm tác phẩm tương ứng của Nam Cao.
Những thao tác này nhằm mục đích: làm nổi rõ nét đặc sắc, độc đáo, hệ thống phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.