GS. Phan Ngọc đã từng nhận xét: “Một tác giả chỉ thực hiện được phong cách riêng khi tác giả ấy phải thực hiện được một sự đổi mới. Nếu như tác giả chỉ kế thừa đơn thuần thì tác giả chỉ có được phong cách thời đại, phong cách thể loại chứ không có phong cách của riêng mình”. [21;34,35]
Nam Cao là người sáng tạo cho thể loại truyện ngắn của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam những dạng truyện cách tân như truyện tiểu thuyết (dồn chất tiểu thuyết vào truyện ngắn), truyện đời thường…Trong truyện ngắn Nam Cao, kịch tính bộc lộ khá rõ qua việc miêu tả những hoàn cảnh sống nghiệt ngã và con người luôn có nguy cơ bị tha hoá. Nhưng ở ông, khuynh hướng phân tích triết lí thường lấn át sự mô tả đơn thuần nên kịch tính chủ yếu tồn tại ở bề sâu tâm lý nhân vật. Lão Hạc day dứt, dằn vặt trước việc bảo toàn danh dự, nhân phẩm hay đánh mất mình vì miếng ăn vật chất (Lão Hạc). “Hắn” háo hức, hả hê trước miếng thịt chó thơm ngon để tuột dốc hoàn toàn nhân cách người cha (Trẻ con không được ăn thịt chó). Yếu tố “kịch hoá” thực sự bị ẩn đi ở tầng sâu ý nghĩa. Nam Cao tuy không chuyên về trào phúng, nhưng những tác phẩm của ông cũng thường tạo ra những cấu trúc trí tuệ nhằm làm bộc lộ một nét xấu nào đó của nhân vật mang tính hài (Một bữa no, Trẻ con không được ăn thịt chó). Lối gây cười của Nam Cao là một lối gây cười gián tiếp. Tiếng cười Nam Cao chủ yếu mang sắc thái bi hài kịch, tiếng cười ra nước mắt được đặt trên nên tảng nhân đạo chủ nghiã sâu sắc.
Nét độc đáo đặc sắc của phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan lại được thể hiện ở chỗ dồn chất kịch vào trong truyện ngắn. Truyện ngắn của ông trở thành điển hình cho khuynh hướng “truyện ngắn kịch” - một loại truyện rất mới mẻ, nổi bật trong văn học Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945.
Văn phong Nguyễn Công Hoan gọn gàng, sáng sủa, linh hoạt thiết thực. Tuy hình thức tuy nhỏ, nội dung đơn giản nhưng cách tổ chức khéo léo. Toàn bộ thế giới bên trong tác phẩm có thể coi là một sân khấu kịch. Hành động của các nhân vật được đẩy lên hàng đầu, không gian thay đổi, thời gian rút ngắn (một ngày, cuối ngày hôm trước đến cuối ngày hôm sau). Đặc biệt là nhà văn đã xây dựng “cấu trúc trí tuệ cuả tiếng cười - hài kịch và bi hài kịch” [16;36] độc đáo và đặc sắc. Đó là tiếng cười chua chát trong nỗi đau thương tê tái, cười phẫn nộ trong nỗi căm giận sâu lắng…mang ý nghĩa xã hội sâu sắc; tiếng cười như mũi tên nhằm vào một loại đối tượng của xã hội.
Những truyện ngắn giàu tính hài hước của ông có thể xem là “loại văn tiễn đưa tất cả những gì lỗi thời đi vào vương quốc của bóng tối” (Sêđrin). Tất cả những điều này đã tạo nên phong cách‘‘trào phúng mang đậm yếu tố dân gian, không thiên về lối thâm trầm kín đáo[20] của Nguyễn Công Hoan – “một hiện tượng chưa có tớ hai lần trong văn học Việt Nam” [18].
Như vậy, cả hai nhà văn tài năng Nam Cao và Nguyễn Công Hoan đều tập trung thể hiện hình tượng người nghèo đói trong mối quan hệ với cuộc đời, xã hội. Song mỗi tác giả lại có cách khai thác, chiếm lĩnh, cách thể hiện riêng. Nếu phong cách truyện ngắn Nam Cao đi sâu vào tâm lý bên trong nhân vật, thì phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan lại nhằm nâng cao năng lực nhận thức và khám phá các hiện tượng phức tạp của xã hội. Sự độc đáo, sáng tạo của họ đã đem lại dấu ấn không thể trộn lẫn giữa hai phong cách nghệ thuật trong dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Giữa họ có điểm gần gũi nhau bởi họ có sự giống nhau về phương pháp chọn lọc đánh giá cũng như biểu hiện những vấn đề của cuộc sống, nhưng cơ sở của đặc tính nghệ thuật và dạng tư tưởng cụ thể vốn có trong sáng tác của mỗi người lại không giống nhau. Điều đó tạo nên phong cách riêng, độc đáo mới mẻ cho mỗi nhà văn.