Hệ thống giọng điệu.

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 28 - 30)

Phong cách là một hệ thống phức tạp. “Trong hệ thống đó, trước hết cần phải chú ý đến sự tổng hợp của những phương tiện giọng điệu. Đề tài, tư tưởng, hình

tượng trong tác phẩm chỉ được thể hiện trong một môi trường giọng điệu nhất định. Hiệu suất cảm xúc của lối kể chuyện, của hành động kịch, của lời lẽ trữ tình… trước hết cũng được thể hiện ở giọng điệu chủ yếu vốn là đặc trưng tư tưởng của tác phẩm văn học với tư cách là một thể thống nhất”[8].

2.3.1. Giọng điệu.

Giọng điệu là thái độ tình cảm, lập trường, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm [3;134]. Giọng điệu chính là sự rung động thẩm mĩ của tác giả bắt nguồn từ cách nhìn nhận đánh giá về một phẩm chất thẩm mĩ nào đó của đối tượng.

Mỗi một nhà văn có một “vùng đối tượng thẩm mĩ riêng” [20]. Nhân vật của Nguyễn Công Hoan chủ yếu hiện lên qua nét thẩm mỹ bi – hài, do đó giọng điệu chính trong tác phẩm của ông là giọng bi hài và giọng bông lơn hài hước hóm hỉnh.

Chẳng hạn trong “Kép Tư Bền”, “Người ngựa ngựa người”, “Thằng ăn cắp”, “Thế cho nó chừa” đều có tiếng cười mang dư vị chua xót được cất lên qua những tình huống oái oăm, cười ra nước mắt. Đằng sau sự hài hước bông đùa là một trái tim đau xót với số phận người nghèo của nhà văn. Đó chính là giọng điệu mà chỉ Nguyễn Công Hoan mới xây dựng được: giọng cảm thông thương xót mang dáng vẻ bi- hài…

Giọng điệu đa thanh với sự đan xen giữa ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ trần thuật của người kể chuyện cũng được Nguyễn Công Hoan sử dụng một cách tối đa. Có khi đó là lời bình của tác giả tạo nên những trang viết sinh động, hấp dẫn. Nhờ đặc trưng riêng của giọng điệu này mà Nguyễn Công Hoan đã tạo được một phong cách độc đáo: trào phúng đa thanh mang đậm yếu tố dân gian (gây cười).

2.3.2. Sắc điệu

“Giọng điệu chủ yếu không những không loại trừ mà còn cho phép tồn tại trong những tác phẩm văn học những sắc điệu khác nhau. Những sắc điệu này diễn đạt sự phong phú của những phối cảnh cảm xúc trong việc lý giải những hiện tượng, những khía cạnh khác nhau và giống nhau của đối tượng sáng tác. [8;169].

Truyện ngắn Nguyễn Công Hoan có một sắc điệu riêng: Vừa châm biếm đả kích, vừa hài hước, phê phán; vừa cảm thông thương xót; mà khía cạnh thứ hai

thường ẩn đi, chỉ có đi sâu tìm tòi khám phá suy nghĩ độc giả mới thấy được. Đó cũng là đặc điểm độc đáo riêng biệt của phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.

Chúng ta có thể nhận thấy trong “Kép Tư Bền” và “ Người ngựa ngựa người”, đằng sau cái cười bông lơn, hài hước chế giễu của nhà văn là sự thương xót cho cảnh ngộ trớ trêu bi đát.

Còn trong “Thằng ăn cắp”, “Thế cho nó chừa” là sự cảm thương cho những kiếp người nghèo đói bị cô lập, chơ vơ trong xã hội. Đồng thời là sự phê phán những kẻ vô tình, vội vàng đấm đá con người khi chưa hề hiểu rõ nguyên nhân.

Tóm lại, có thể thấy: Nguyễn Công Hoan khá nhất quán và sâu sắc trong việc xây dựng một hệ thống giọng điệu bao quanh giọng cảm thông thương xót mang dáng vẻ bi – hài là chủ âm. Đó có thể xem như là một dấu hiệu quan trọng giúp ta nhận ra phong cách truyện ngắn Nguyễn Công Hoan.

Một phần của tài liệu Đặc sắc phong cách nghệ thuật truyện ngắn nguyễn công hoan qua nhóm tác phẩm có nhân vật trung tâm là những người nghèo đói (Trang 28 - 30)