Vài nét về điều kiện tự nhiên kinh tế xã hội của huyện Đăk Song.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quy hoạch sử dụng đất và thực tiễn thực hiện trên địa bàn huyện đăk song, tỉnh đăk nông (Trang 41 - 43)

Điều kiện tự nhiên

Huyện Đăk Song nằm phía tây của tỉnh Đăk Nông, trên Quốc lộ 14 đi Đăk Lăk và các tỉnh Tây Nguyên. Phía Đông giáp huyện Đăk Glong, phía Tây giáp huyện Đăk R’Lấp và Vương quốc Campuchia, phía Nam giáp thị xã Gia Nghĩa, phía Bắc giáp huyện Đăk Mil. Tổng diện tích của huyện là 80.803,77 ha gồm 9 đơn vị hành chính cấp xã:Thuận Hà, Thuận Hạnh, Nam Bình, Đăk Mol, Đăk Hòa, Đăk N’Rung, Nâm N’Jang, Trường Xuân và thị trấn Đức An.

Đăk Song có địa hình cao nguyên với mức độ chia cắt mạnh tạo thành những dãy đồi dạng bát úp có độ dốc trung bình 100 – 200, có nơi trên 200,có độ cao trung bình 700m – 800m so với mặt nước biển.

Huyện Đăk Song nằm trong vùng ảnh hưởng gió mùa Tây Nam, khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm, mỗi năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 11, tập trung trên 90% lượng mưa cả năm; mùa khô từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau, lượng mưa không đáng kể. Nhiệt độ trung bình năm là 220C, nhiệt độ thấp nhất trung bình năm 140C và cao nhất là 350C. Lượng mưa trung bình năm từ 1700 – 2300mm, độ ẩm tương đối trung bình năm 82%.

Hệ thống sông ngòi Đăk Song có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất. Các nhánh suối phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn, mùa mưa nước lớn dâng nhanh, dòng chảy mạnh. Mùa khô lưu lượng nước mau rút, có những dòng suối bị cạn kiệt.

Theo kết quả điều tra thổ nhưỡng đã thực hiện trên địa bàn trước đây tài nguyên đất của huyện gồm 9 phân loại: đất vàng nhạt trên đá cát ; đất đỏ vàng trên đá phiến thạch sét, đất nâu đỏ trên đá Bazan, đất nâu vàng trên đá Bazan, đất đen trên sản phẩm bồi tụ Bazan, đất xám trên đá bột kết và đất dốc tụ thung lũng. Trong các đơn vị đất trên thì đất nâu đỏ, nâu vàng trên đá Bazan và đất đen là các loại đất tốt nhất của huyện và đang được khai thác sử dụng cho mục tiêu nông nghiệp, chủ yếu là cây trồng lâu năm.

Ở Đăk Song, lượng nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân chủ yếu được lấy từ hai nguồn. Nước mặt: phụ thuộc vào lượng nước mưa lưu trữ trên đất rừng, trong núi và các sông, suối, ao, hồ... lượng nước trong sinh hoạt và sản xuất chủ yếu được lấy từ nguồn nước mặt này. Với lưu lượng nước tập trung bình quân hàng năm trên dưới 2000 mm cùng với mạng lưới sông suối dày đặc, độ che phủ rừng cao đã tạo cho huyện nguồn nước mặt dồi dào. Tuy nhiên mưa theo mùa và phân bố không đồng đều đã dẫn đến tình trạng ngập úng cục bộ vào mùa mưa và nhiều vùng thiếu nước vào mùa khô. Một nguồn cung cấp thứ hai đó là nguồn nước mặt ở một số suối chính chảy qua. Tuy nhiên, lượng nước trong sông, suối phân bố không đều trong năm do có sự phân hóa của khí hậu theo mùa, nên nhiều khu vực vào mùa khô thiếu nước trầm trọng.

Huyện Đăk Song có trên 26 ha đất rừng, chiểm 32,38% tổng diện tích đất tự nhiên, đây là nguồn lực phát triển quan trọng, đồng thời có tác dụng to lớn trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và nguồn nước. Dưới áp lực gia tăng dân số, đặc biệt là dân di cư tự do cùng với nạn phá rừng làm nương rẫy của đồng bào dân tộc đã làm cho diện tích rừng liên tục giảm, trong khi đó diện tích trồng mới là không đáng kể.

Huyện có trữ lượng Boxit lớn cho phép phát triển ngành công nghiệp quy mô lớn. Ngoài ra còn có đá, cát sỏi đặc biệt là đá có trữ lượng khá lớn và phân bố rải rác trong toàn huyện.

Thực trạng phát triển kinh tế - xã hội

Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2010 và phương hướng nhiệm vụ năm 2011 của huyện Đăk Song, tốc đọ tăng trưởng GDP của huyện đạt 14%, tăng 2,91% so với kế hoạch năm 2009. Thu nhập bình quân đầu người/ năm là 15,2 triệu đồng, đạt 89% kế hoạch, tăng 7% so với năm 2009. Lương thực bình quân/người/năm đạt 544 kg, đạt 92% kế hoạch, bằng 96% so với năm 2009.

Huyện Đăk Song có cơ cấu kinh tế gồm: Nông, lâm nghiệp – Công nghiệp, xây dựng – dịch vụ. Năm 2009, huyện có 17.075 ha diện tích cây trồng hàng năm, sản lượng lương thực quy thóc là 29.500 tấn; cây công nghiệp lâu năm huyện có 18.378 ha diện tích trong đó cà phê có 14.394 ha, cao su có 1.685 ha, hồ tiêu có 1.644 ha, cây điều có 655 ha và 268 ha cây ăn trái các loại. Trên địa bàn huyện có 58 công ty, 1.400 cơ sở sản xuất công nghiệp và hộ gia đình đang sản xuất kinh doanh. Hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn huyện diễn ra khá sôi động. Tổng doanh thu bán lẻ trên địa bàn huyện ước đạt 580 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2009.

Dân số huyện năm 2005 là 42.606 người, năm 2010 là 60.340 người, trong đó năm 2010 huyện có 29.420 người là lao động nông nghiệp, có 1.988 người là lao động công nghiệp, có 8.537 người là lao động dịch vụ.

Một phần của tài liệu Pháp luật về quy hoạch sử dụng đất và thực tiễn thực hiện trên địa bàn huyện đăk song, tỉnh đăk nông (Trang 41 - 43)