Nội dung của quy hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai năm 1987 chỉ là việc phân hạng, đo đạc các loại đất khác nhau, qua đó lập bản đồ địa chính. Nội dung của quy hoạch sử dụng đất chưa được quy định rõ nên gây nhiều khó khăn cho hoạt động quy hoạch sử dụng đất đai. Điều 10, Luật đất đai 1987 quy định: “Dưới sự chỉ đạo thống nhất của Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương tổ chức, chỉ
đạo Uỷ ban nhân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh điều tra, khảo sát, đo đạc, phân hạng đất đai, lập bản đồ địa chính xã và đơn vị hành chính tương đương”.
Tới Luật đất đai năm 1993, tại Điều 17, nội dung của quy hoạch sử dụng đất được xác định là việc khoanh định các loại đất khác nhau như đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng của từng địa phương và cả nước cùng với đó là điều chỉnh việc khoanh định nói trên để phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Luật đất đai 1993 đã có bước tiến trong việc xác định nội dung quy hoạch sử dụng đất, tuy nhiên việc nhìn nhận nội dung quy hoạch sử dụng đất mới chỉ dừng lại ở việc khoanh định và điều chỉnh khoanh định sử dụng đất, chưa đề cập tới các biện pháp sử dụng, bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Hoạt động quy hoạch sử dụng đất vì thế mà chưa phát huy được hiệu quả, tính khả thi vì thế mà ít nhiều ảnh hưởng. Nghị định số 68/2001/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tại Điều 8 đã xác định nội dung của quy hoạch sử dụng đất gồm: khoanh định các loại đất như điều tra, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và hiện trạng sử dụng đất, đánh giá tiềm năng đất đai, xác định phương hướng mục tiêu sử dụng đất trong thời hạn quy hoạch, phân bổ hợp lý quỹ đất đai cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đề xuất các biện pháp sử dụng, bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường sinh thái đảm bảo để phát triển bền vững; Trong từng thời kỳ nếu có sự thay đổi về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thì điều chỉnh việc khoanh định các loại đất cho phù hợp; Các giải pháp để tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất đai.
Luật đất đai năm 2003 đã tiến một bước lớn trong việc xác lập nội dung của quy hoạch sử dụng đất. Nội dung quy hoạch sử dụng đất được xác định tại Điều 23 Luật đất đai năm 2003 và Điều 12 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về
thi hành luật đất đai bao gồm các nội dung cơ bản sau: Điều tra, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và hiện trạng sử dụng đất; Đánh giá tiềm năng đất đai; Xác định phương hướng, mục tiêu sử dụng đất trong kỳ quy hoạch; Xác định diện tích các loại đất phân bổ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; Xác định diện tích đất phải thu hồi để thực hiện các công trình, dự án; Xác định các biện pháp sử dụng, bảo vệ, cải tạo đất và bảo vệ môi trường; Giải pháp tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở quy định của Luật đất đai 2003 về nội dung của quy hoạch sử dụng đất, Điều 3,4,5,6 Nghị định 69/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ về việc quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã quy định cụ thể nội dung của quy hoạch sử dụng đất các cấp từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Nội dung của quy hoạch sử dụng đất theo Luật đất đai 2003 được cụ thể hóa tại Nghị định 181/NĐ-CP/2004 và Nghị định 69/NĐ-CP/2009 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp lập quy hoạch sử dụng đất đảm bao tính khả thi, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất