Quyết định, xét duyệt vừa là thực hiện quyền quản lý đối với đất đai của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, đồng thời làm cho nội dung quy hoạch sử dụng đất của cấp dưới hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của cấp trên. Việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đảm bảo hiệu lực pháp lý cho việc thực hiện
nội dung quy hoạch sử dụng đất. Hay nói cách khác quy hoạch sử dụng đất muốn đưa vào thực hiện thì phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định, xét duyệt. Điều 26 Luật đất đai 2003 và Điều 9 Nghị định 69/NĐ-CP ngày 13/08/2009 của Chính phủ về việc quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã quy định rõ thẩm quyền quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất, theo đó:
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia trình Chính phủ, sau đó Chính phủ trình lên Quốc hội để Quốc hội quyết định chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của đơn vị hành chính cấp dưới trực tiếp. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của phường, thị trấn và xã thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị.
Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của xã không thuộc khu vực quy hoạch phát triển đô thị trong kỳ quy hoạch sử dụng đất. Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các xã không thuộc khu vực phát triển đô thị. Hồ sơ, trình tự xét duyệt quy hoạch sử dụng đất các cấp được quy định cụ thể tại Điều 19, 20, 21, 22, 23 và 25 Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành luật đất đai.
Với cơ chế như trên quá trình xây dựng, lập, thẩm định và quyết định, xét duyệt quy hoạch vừa tập trung thống nhất từ trung ương đến địa phương, vừa phân công, phân nhiệm rõ ràng giữa cơ quan quyền lực nhà nước vừa, cơ quan hành
chính Nhà nước và thẩm quyền chuyên môn của cơ quan tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, hiện nay việc quyết định, xét duyệt quy hoạch sử dụng đất được giao cho Quốc hội và Ủy ban nhân dân các cấp theo phương thức giao trách nhiệm cho tập thể mà chưa nhấn mạnh vai trò của cá nhân đứng đầu các cơ quan đó, dẫn tới một số trường hợp xảy ra hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm.