XX
Như chúng tôi đã có dịp nói đến bối cảnh lịch sử kinh tế, chính trị ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, phong trào dân tộc diễn ra sôi nổi, trong đó có những phong trào diễn ra dưới màu áo và sắc cờ tôn giáo, nó như là một sự bổ sung và điều chỉnh cần thiết, sự ra đời của Đạo Cao Đài nằm trong xu hướng này. Song, cần phải thấy rằng trong lúc các phong trào giải phóng dân tộc bị Thực dân Pháp đàn áp khốc liệt thì sự ra đời của Đạo Cao Đài gặp khá nhiều thuận lợi.
Sau một quá trình chuẩn bị, ông cựu Thượng Nghị Viện Lê Văn Trung lập tờ khai đạo với 28 chữ ký của các vị chức sắc đại diện cho 247 tín đồ Cao Đài, trình lên Thống đốc Nam kỳ là Le Fol, báo cáo về việc thành lập Đạo Cao Đài. Danh sách tờ khai đạo gồm có 28 người, trong đó thành phần chính chiếm đa số là công chức Pháp (18 người), kế đến là nghiệp chủ (5 người), nhà sư (3 người), hương chức (2 người).
Tờ khai đạo thực chất là bản Tuyên ngôn chính thức về sự thành lập Đạo Cao Đài. Những người đứng đầu Đạo Cao Đài gởi tờ khai đạo với mục đích công khai hoá hoạt động của Đạo với Thực dân Pháp, họ không hề có ý định xin phép. Vì thế, ông Le Fol không thể cấp phép cho Đạo Cao Đài hoạt động [30, 179].
Tuy không có văn bản công nhận Đạo Cao Đài, nhưng trên thực tế Pháp chấp nhận, chứ không hề ngăn cấm hay đàn áp như đàn áp các phong trào yêu nước. Bởi, Thực dân Pháp là một Đế quốc có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng tôn giáo vào mục đích chính trị, nên lúc đầu Pháp đã tạo điều kiện cho Đạo Cao Đài ra đời, sau đó chúng muốn biến phong trào Cao Đài thành phong trào mê muội nhằm phục vụ mưu đồ chính trị của chúng. Chính tên Toàn quyền Pháp ở Đông Dương Alexandre Varenne đã chỉ thị cho tên Thống đốc Nam Kỳ Le Fol và tên trùm mật thám La Tople rằng: “Bọn Trung, Sang, Đức, Tắc, Cư có lợi cho ta nhưng phải nắm vững ý đồ, muốn ngăn chặn một phong trào quần chúng nổi dậy, phải gây một phong trào quần chúng mê muội” [116, 2]. Thống đốc Nam Kỳ Le Fol chỉ thị cho các chủ tỉnh phải theo dõi chặt chẽ và nắm chắc tình hình hoạt động của nhóm người lập đạo (Mật điện số 146 – C ngày 14/11/1926).
Đạo Cao Đài ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn bị nô lệ, nhân dân từ Bắc chí Nam đều sôi sục ý chí chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do cho dân tộc. Nhưng lúc bấy giờ, chưa có một lực lượng nào có khả năng lãnh đạo xã hội vươn tới tương lai tiến bộ. Có những cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhưng rồi lại thất bại đau đớn. Cái khát vọng thiết tha về một sự giải phóng đã nhường chỗ cho tâm lý nhẫn nhục chịu đựng. Những gì mà con người chẳng giành được bằng bàn tay của chính mình ở thế giới hiện hữu lại được bù đắp bởi lòng bao dung của Trời, Phật ở thế giới mai sau. Những người sáng lập Đạo Cao Đài đã sớm
nắm bắt được nguyện vọng của người dân Nam Bộ, nên họ nhanh chóng hướng giáo lý của Đạo Cao Đài vào chủ đề quốc gia dân tộc, đề cao tinh thần yêu nước thương dân, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, đòi tự do hạnh phúc. Trong Thánh ngôn Hiệp tuyển của Đạo Cao Đài, những nội dung về quốc gia, dân tộc, tinh thần yêu nước chống ngoại xâm, về ước mơ đòi quyền tự do dân chủ, bác ái công bằng được thể hiện rất rõ ràng và có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Chẳng hạn “Một nước nhỏ nhen trong vạn quốc, ngày sau làm chủ mới lạ kỳ”. Hoặc “Thầy tận trên Đài các, đứng trên các vị sáng lập các tôn giáo Đông Tây vào trao cho đất nước nhỏ bé nầy truyền đạo cho toàn cầu”. Hoặc “Cao thượng Chí tôn Đại đạo Hoà bình Dân chủ mục, Đài tiền Sùng bái Tam kỳ Cộng hưởng Tự do quyền”. Những vấn đề này có sức thuyết phục rất lớn đối với người dân, nhất là đối với những người nông dân Nam Bộ đang bị nô lệ, khổ cực trăm bề đang mong muốn vùng lên đánh đổ ách thống trị của Thực dân Phong kiến giành lại độc lập tự do và ấm no hạnh phúc cho dân tộc.
Như vậy, sự ra đời của Đạo Cao Đài là một hệ quả tất yếu trong sự vận động của lịch sử Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX. Là kết quả tổng hợp các điều kiện con người, kinh tế, chính trị, xã hội ở Nam Bộ lúc bấy giờ. Và cũng là sự đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của quần chúng nhân dân Nam Bộ, nhất là tầng lớp nông dân, những người buôn bán nhỏ, họ đang khát khao được hạnh phúc, được giải phóng khỏi áp bức bóc lột. Xét từ góc độ ý thức dân tộc, sự ra đời của Đạo Cao Đài cũng có thể được coi là một sự bổ sung cho một xu hướng yêu nước, tinh thần dân tộc lúc bấy giờ.