Nguồn gốc tâm lý của Đạo Cao Đà

Một phần của tài liệu Đạo cao đài hiện nay và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người việt vùng đông nam bộ (Trang 37 - 42)

Nam Bộ là châu thổ lớn nhất vùng Đông Nam Á và là đồng bằng lớn nhất của Việt Nam; là địa bàn thuận tiện nhất trong việc nối liền và giao lưu mọi mặt với các nước láng giềng trong khu vực. Nằm trong lịch sử văn minh văn hoá Đông Nam Á – nền văn minh lúa nước khá thuần thục – Nam Bộ là vị trí hội tụ các luồng văn hoá Đông – Tây. Đinh Văn Hạnh cho rằng, đặc trưng độc đáo của Nam Bộ là một “ưu thế nổi trội” để tiếp cận xung quanh.

Đồng Bằng Sông Cửu Long hai mặt giáp biển, trên cùng một châu thổ có những con sông chảy ngược chiều nhau, thuận tiện cho việc giao thông bằng đường thuỷ. Sông lớn, rạch nhỏ đầy tôm cá; những ưu đãi ấy của thiên nhiên như vẫy gọi dân cư từ mọi nơi vào Nam. Nam Bộ được chinh phục không phải bằng thanh gươm vó ngựa mỗi ngày đi được hàng chục dặm mà bằng lưỡi cày đôi trâu đi từng bước một. Nhưng khi còn là đất hoang, chưa được khai phá, thiên nhiên Nam Bộ cực kỳ khắc nghiệt, Huỳnh Lứa viết: “Nam Bộ là vùng đất có môi trường thiên nhiên rất phong phú và đa dạng, vừa có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn đối với cuộc sống con người”. [73, 40]. Nhiều thế hệ lưu dân đã nối tiếp nhau tìm đến vùng đất Nam Bộ khẩn hoang sinh sống, họ phải liên tục chống chọi với các loài thú dữ, cá sấu, muỗi mòng, rắn rết và sơn lam chướng khí, bệnh tật.

Quá trình khai hoang vùng đất Nam Bộ diễn ra lâu dài, đa dạng. Trải qua các thế kỷ XI đến XIV, tức từ triều Lý đến triều Trần, người Việt đã vượt đèo Ngang vào đất Bình Trị Thiên, rồi đến thế kỷ XV, dưới triều Lê, người Việt lại vượt khỏi đèo Hải Vân, sống chung với người Chiêm Thành (Chàm, Chăm) ở vùng Nam Ngãi Bình Phú và cực Nam Trung Bộ. Cuối cùng dưới thời các Chúa

Nguyễn, từ thế kỷ XVI, XVII trở về sau, bằng nhiều cách: tự phát có, chính quy có, lưu dân người Việt lần lượt vào khai phá vùng đất hoang vu tận cùng của tổ quốc, nơi mà sử gia Trung Quốc thường gọi là Thuỷ Chân Lạp. Đến những năm 1679, đất Nam Bộ đón tiếp đợt di dân đầu tiên của người Hoa. Đa số họ là di thần nhà Minh, hoặc những người không thuần phục nhà Thanh, nét chung họ là những người bất khuất can đảm. Đến Nam Bộ, lúc đầu họ khai phá ở vùng Biên Hoà, Mỹ Tho (nhóm Dương Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên), ở vùng Hà Tiên (nhóm Mạc Cửu). Về sau họ cư ngụ khắp Nam Bộ, có đời sống văn hoá tín ngưỡng rất phong phú, đa dạng, đến dâu họ đều lập Hội quán hoặc Bang hội theo từng tộc người. Người Khmer và người Chăm vốn định cư rất lâu đời nhưng rất thưa thớt. Tuy vậy vì là người bản địa, cho nên di sản văn hoá của họ vẫn còn đậm nét trong đời sống Nam Bộ, từ địa danh đến thần linh, từ kiến trúc đến nghệ thuật.

Nam Bộ là nơi cộng cư nhiều dân tộc, họ hội tụ lại trong thời loạn lạc. Nhưng cái nền văn hoá bản địa lâu đời của đất Nam Bộ là văn hoá Khmer cổ, cũng như ở Trung Bộ là văn hoá Chăm. Song liều lượng của chất Khmer trong văn hoá Việt Nam Bộ, nhất là văn hoá tâm linh lại không đậm bằng văn hoá Hoa, một dạng văn hoá ngoại nhập chỉ mới mấy trăm năm trở lại đây. Điều này có thể hiểu là do hành trang văn hoá mà lưu dân người Việt mang vào Nam Bộ là thói quen sinh hoạt, là phong tục tập quán lâu đời của người Việt trong đó đã hàm chứa khá đậm văn hoá Hoa. Nên ngay từ buổi đầu trên vùng đất mới này họ dễ dàng gần gũi, hoà hợp với nhóm người Hoa cũng mới nhập cư hơn là với người Khmer tại chỗ. Đối với văn hoá bản địa, lưu dân người Việt chỉ tiếp thu những gì gần gũi, những gì có nét tương đồng dễ tiếp nhận.

Trong quá trình tụ cư trên vùng đất này, cư dân đã mang đến đây nhiều lớp văn hoá đa màu, đa sắc và đã tạo nên dấu ấn nhiều sắc thái dân tộc hết sức

đa dạng từ cội nguồn nhưng lại kết cấu trên cơ sở tinh thần bao dung, hoà hợp, đồng nguyên. Sự giao lưu văn hoá tất yếu dẫn đến hiện tượng giao thoa của các tín điều về con người trong trời đất bao la trên vùng đất mới. Do đó, trong đời sống tâm linh của lưu dân từng bước hình thành bên cạnh niềm tin, thần linh chính thống được họ mang theo từ quê cũ, những tín điều mới có pha trộn ít nhiều tín ngưỡng dân tộc bản địa. Sự giao tiếp tín ngưỡng, hay quá trình sàng lọc qua tâm thức, qua nếp sinh hoạt của lưu dân dưới sự tác động của hoàn cảnh kinh tế – xã hội của Nam Bộ lúc bấy giờ đã từng bước hình thành hệ thống tín điều mang nét riêng của vùng Nam Bộ – Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên, Ngũ chi hợp nhất.

Trên vùng đất mới, đồng rộng mênh mông, ít khi bị rừng núi che chắn tầm nhìn, sông to quanh năm nước chảy lửng lờ đầy tôm cá, không ồ ạt rồi khô kiệt như ở quê cũ… từng bước trong lưu dân đã hình thành tâm thức, cảm quan mới.

Khi Thực dân Pháp chiếm Nam Bộ, với chính sách mộ phu tàn bạo, biết bao dân phu đã bỏ mạng vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, vì bệnh hoạn, vì khí hậu, vì thú dữ… vùng An Giang vẫn là nơi hoang vắng. Giữa đồng không mông quạnh dãy Thất Sơn đột ngột nổi lên giữa chân trời phía Tây như một cảnh quan kỳ bí, con người thuở ấy làm sao tránh được cảm giác nhỏ bé, bơ vơ lạc lõng, bất lực giữa áp bức của cuộc đời ở vùng đất đầy bất trắc nầy, mà sức người không sao vượt nổi. Một chổ dựa tinh thần, một nguồn an ủi tâm linh với ước mong cuộc sống bình yên là nhu cầu cấp thiết đối với họ.

Khi đặt chân đến vùng đất Nam Bộ dù thiên nhiên ở đây trù phú, ít khắc nghiệt hơn quê cũ, nhưng trong buổi đầu khai mở vẫn là vùng rừng bụi hoang vắng, đầy ma thiêng nước độc, lam sơn, chướng khí luôn doạ dẫm kẻ phương xa đặt bước đến đây…. Thỉnh thoảng, đó đây, lưu dân phát hiện những Đền miếu, Tháp cổ hoang tàn đổ nát… lẫn khuất trong rừng rậm càng làm cho họ luôn cảm

thấy có áp lực vô hình, niềm tin về mỗi vuông rừng, mỗi cuộc đất, mỗi khúc sông… đều có tiền chủ được củng cố thêm lên. Để được bình yên trong cuộc sống mới nơi xứ lạ, để được an toàn khi vào rừng săn bắn hoặc ra sông chài lưới bắt tôm cá… lưu dân tin có một vị Thần nào đó phù hộ và phải cầu cúng để gởi gấm niềm tin. Hoặc giả lúc ốm đau, bệnh tật, việc cầu cơ hỏi Tiên toa thuốc chữa bệnh là việc làm khá phổ biến đối với cư dân ở đây. Họ tin rằng, qua cầu cơ, sẽ được Tiên, Thánh, Trời, Phật mách bảo.

Hoàn cảnh tự nhiên, xã hội và hoạt động thực tiễn, lịch sử của các cộng đồng người đã làm nên nội dung và bản sắc văn hoá vùng đất mới, vùng đất thiêng nầy, dù có cái chung của nền văn hoá dân tộc, nhưng nó khác vùng văn hoá Bắc Bộ, Trung Bộ. Bản sắc đó, thể hiện trong đời sống, trong giao tiếp, trong tư tưởng tình cảm. Tất cả những giá trị văn hoá tạo thành các phẩm chất nhân văn, tính cách của người Nam Bộ. Nói như Huỳnh Lứa: “Môi trường thiên nhiên Nam Bộ với những đặc điểm riêng biệt của nó, cũng đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trong đời sống văn hoá, vật chất và tinh thần cũng như trong việc hình thành tính cách con người sống ở đây”. [101, 44]

Nét nổi trội trong tính cách của cư dân Nam Bộ là sự giản dị, cởi mở, hoà hiệp, phóng khoáng tự do, nghĩa khí, chuộng công bằng và một tinh thần tương thân tương ái. Đồng thời trong tính cách ấy cũng bộc lộ những mặt yếu kém, đó là sự nhẹ dạ cả tin, thích phiêu lưu mạo hiểm, bốc đồng manh động, tư duy lý luận kém nhưng tâm thức tôn giáo rất mạnh mẽ. Tính cách ấy không phải bỗng nhiên một lúc có được, mà phải qua bao nhiêu thế kỷ hun đúc, hình thành từng bước trong suốt quá trình lập nghiệp trên vùng đất mới. Tính cách cư dân Nam Bộ là cơ sở hình thành những lễ nghi của Đạo Cao Đài.

Không giống bất kỳ nơi nào, Nam Bộ có quá nhiều rừng rú, bưng biền, đường bộ ít, sông ngòi chằng chịt. Làng ấp của dân cư không tập trung như ở

Miền Trung, Miền Bắc, mà rải rác theo sông rạch, mỗi nhà là một vuông tre, sự ràng buộc giữa dân với quan, giữa dân với dân, đều không chặt chẽ. Họ nguyên là con em hoặc chính họ là lưu dân từ những tỉnh, phủ, xã, hoặc địa phương khác nhau, chủ yếu từ những vùng đã nổi tiếng hay cãi, hay co, vũ dũng có thừa, mạnh ai nấy vượt biển băng ngàn đến tập hợp trên vùng đồng bằng cực kỳ trù phú nầy, đem theo mình nhiều chất phiêu lưu mạo hiểm tự do mà ít chất thuần phục quyền uy Phong kiến, càng ít sự ràng buộc lễ giáo đạo đức Khổng Mạnh nên trong họ có chút ngang tàng, bốc đồng, manh động chứ không thâm trầm như người Miền Bắc và người Miền Trung; nhưng giữa họ với nhau, tình huynh đệ giang hồ nghĩa hiệp là một thực tế lắm khi cao cả, chớ có khinh thường. Tình cảm ấy được xây dựng thành một thế ứng xử trong sinh hoạt lễ nghi của Đạo Cao Đài (Trong tôn giáo này, mọi người đối với nhau như là anh em, thậm chí Tiên, Thánh cũng gọi tín đồ là “hiền đệ”, “hiền muội”).

Nguyễn Văn Xuân viết: “Cái lợi lớn nhất của Miền Nam là được thu nhận một nền giáo dục Khổng Mạnh như miền Trung, song ít khắt khe hơn mà đồng thời, nhờ sinh hoạt xa triều đình, lại ở vào khu vực cây ngọt, trái lành, vườn rộng, đồng xanh thênh thang nên tình cảm cũng nảy nở, phong phú hơn nhiều lắm.” [166, 51].

“… nhân tâm còn chất phác, hình như càng về miền cực Nam chừng nào lại càng chất phác chừng ấy…”

“… Miền Nam không đứng yên một chỗ mà luôn luôn di động. Dân chúng cứ phải phiêu lưu, phiêu lưu mãi, nhưng phiêu lưu để đạt được đời sống càng ngày càng phong phú hơn. Một đặc điểm đáng chú ý là các chúa cũng như quan lại, được sinh ra và lớn lên ở một miền đất mới, chỉ thấy có hoạt động và hoạt động nên ít có thành kiến” [166, 51-53].

Nơi đất rộng rãi không cần sự bon chen như ở nơi đất hẹp người đông, sự gò bó cứng nhắc, hẹp hòi được họ cởi bỏ đằng sau (trên đường Nam tiến). Người dân ở đây sống rộng rãi, cởi mở, chân thật, trung tín, bộc trực, tình cảm (lắm khi có tính chất nguyên thuỷ), xử sự với kẻ ngay không suy tính thiệt hơn, họ cũng đòi hỏi kẻ khác phải như vậy đối với họ. Sự cởi mở, hoà hiệp là cơ sở hình thành tư tưởng tôn giáo Đại đồng hoà hiệp trên tinh thần đồng quy Tam giáo, hiệp nhất Ngũ chi. Điều này dễ hiểu, bởi khi đặt chân đến vùng đất nầy, cư dân Nam Bộ đã xây dựng một nếp sống tinh thần khá ấm áp, bình đẳng, lấy huynh đệ làm trọng, sống chết có nhau, giữ trung kiên nghĩa khí lúc khó khăn. Đúng là nếp sống tinh thần kết tinh Đạo Phật, Lão, Nho.

Sống trên vùng đất đặc biệt trù phú, khí hậu dịu hoà làm ăn dễ, tiền của lương thực như ở đầu bàn tay, dân lại tràn đầy nghị lực của kẻ khai phá đất mới muôn trùng thì con người “hào hiệp”, “phóng khoáng”, “trọng nghĩa, khinh tài” là điều dễ hiểu. Chính sự đãi ngộ của thiên nhiên cũng đã hình thành trong cư dân Nam Bộ lối tư duy thiết thực, họ ưa thực tế, xem thường lý luận, đây là hạn chế của cư dân Nam Bộ. Đó cũng là nguyên nhân làm cho tín điều của Đạo Cao Đài không mang tính triết lý sâu sắc, không thâm thuý, cao siêu như Phật giáo hay Thiên Chúa giáo.

Hoàn cảnh địa lý, khí hậu, môi trường tâm linh huyền bí của vùng Nam Bộ, cùng với tính cách của cư dân trên vùng đất nầy là cơ sở hình thành giáo lý, nghi lễ của Đạo Cao Đài: “Tam giáo quy nguyên”, “Ngũ chi hiệp nhất”, “Cơ bút”. Điều này giải thích vì sao Đạo Cao Đài không ra đời ở nơi khác, mà nó chỉ ra đời ở Nam Bộ.

Một phần của tài liệu Đạo cao đài hiện nay và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người việt vùng đông nam bộ (Trang 37 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)