Đạo Cao Đài ra đời cho đến nay, trên danh nghĩa đã ngoài 80 năm. Các điều tra xã hội học cho thấy, không phải bất cứ một tín đồ Cao Đài nào cũng
hiểu thông suốt giáo lý. Trong số họ chỉ có một số biết mình tin Đạo như thế nào, tại sao mình tin, và đức tin này sẽ đem mình đến đâu. Tuy nhiên, cũng có một số tín đồ đến với Đạo Cao Đài vì họ chỉ thấy cái gì hấp dẫn trong Đạo, hoặc lối kiến trúc của một ngôi Thánh thất, hoặc những nghi lễ của một Đại đàn, hay hội chứng tâm linh tập thể.
Theo Giáo sư Tiến sĩ Jeremy Davidson, thuộc Viện Đại học Luân Đôn, sau một thời gian nghiên cứu, tìm hiểu ở các chi phái trong Đạo Cao Đài, trước khi về nước, ông đã đưa ra nhận định như sau:
“ Đạo Cao Đài rất khó hiểu bởi chỗ phức tạp và phong phú của nó. Những Thánh ngôn lại không được hệ thống hoá, tối nghĩa và bí ẩn. Ngoại trừ một vài cá nhân trong đạo nói đến vấn đề triết học còn các Hội thánh thì không bao giờ nói tới ngoài những nghi lễ có tính cách rườm rà và những giáo điều có tính cách chủ quan …” [195, 18].
Hoặc theo Mục sư Victor L.Oliver, nhà Nhân chủng học thuộc Viện Đại học NewYork cho rằng: “Đạo Cao Đài là một trào lưu mới được khải thị bằng Cơ bút có tác dụng tích cực trong đời sống xã hội Việt Nam gần đây, nhưng khi tìm bề sâu thì hình như Đạo Cao Đài không có căn bản giáo lý rõ rệt.” [115, 18]. Dù thiện chí đến đâu, người bàng quan cũng rất khó hiểu cho thấu đáo về Đạo Cao Đài khi mà những bài Thánh ngôn tự nó không rõ nghĩa, hoặc một giáo điều tự nó không có gì mới mẻ … và các Hội thánh đã làm ngơ đi trước những sự kiện ấy, hoặc vì cho rằng căn trí của chúng sanh còn hạn hẹp, hoặc cho rằng sự hiểu biết thế gian không bao giờ bắt gặp đạo giáo v.v…
Thực tế lịch sử chỉ ra rằng, những tôn giáo nội sinh ở một quốc gia thường phải bám trụ vào ý thức hệ tôn giáo truyền thống, tôn giáo có trước nó và bổ sung thêm những yếu tố mới để làm thành giáo lý riêng của mình, Đạo Cao Đài cũng không tránh khỏi quy luật này. Nếu đi sâu vào nghiên cứu, khảo sát thì
thấy rõ: giáo lý Đạo Cao Đài không có hệ thống các tín điều dựa trên cơ sở triết học, thần học riêng như những tôn giáo khác, mà chỉ là sự dung hợp, sự hoà trộn giáo lý các tôn giáo, tín ngưỡng Cổ, Kim, Đông, Tây. Trong ý thức, những người sáng lập ra Đạo Cao Đài muốn dung chứa hết thảy các tôn giáo có mặt ở Việt Nam, nhưng trong thực tế, ở đó chủ yếu là sự dung hợp với Đạo giáo và Đạo Phật về mặt tư tưởng, kế thừa Đạo Nho về mặt đạo đức và thâu nạp Đạo Kitô về mặt tổ chức. Những điều Đạo Cao Đài coi là giáo lý bao gồm những khái niệm về Tam bảo, Ngũ chi, Cao Đài, Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.
Nói đến tôn giáo nói chung, Cao Đài nói riêng, tất nhiên trước tiên phải nói đến ngôi Giáo Chủ. Xét về danh xưng cũng như bản thể, Giáo Chủ Cao Đài xuất hiện một cách mới mẻ, không có trong kinh điển cũng như quan niệm của các tôn giáo trước. Chẳng hạn, Đạo Phật có Thích Ca, Đạo Thiên Chúa có Jésus, Đạo Lão có Lão Đam, Đạo Nho có Khổng Tử, Đạo Hồi có Mohamet… Đó là những là những vị Giáo Chủ của các tôn giáo trước kia, họ vốn là những người bằng xương, bằng thịt, là những con người đã tìm ra được cách thức tu học để giải cứu cho mình và cho những người xung quanh. Khác với các tôn giáo trước, Giáo Chủ Cao Đài là một thực thể vô hình, có tính chất như một linh hồn hay còn gọi là Chơn thần, có quyền năng vô thượng, vô biên, biến hoá khôn cùng, hiện diện ở khắp càn khôn thế giới. Giáo chủ Cao Đài tự xưng là Thầy, là Cha của nhân loại từ xưa đến nay. Thánh ngôn Đạo Cao Đài có viết: “Khai Thiên, Điạ vốn Thầy, sanh Tiên, Phật cũng Thầy. Thầy đã nói một chơn thần Thầy mà biến thành càn khôn thế giới và cả nhân loại… Có Thầy mới có các con, rồi mới có chư Thần, Thánh, Tiên, Phật…” [215, 52]
Từ quan niệm trên, Cao Đài thờ biểu tượng Thiên Nhãn, vì cho rằng: Thiên Nhãn biểu hiện cho một khối thuần nhất, tối linh, luôn giám sát và điều
động vũ trụ, là phần ánh sáng mầu nhiệm, khai thông cuộc sống con người và vũ trụ, nếu thiếu nó con người sẽ bị tối tăm mù mịt và bị lạc lỏng [104, 29]
Hoặc Thiên Nhãn là mắt Trời soi sáng muôn phương trên đời này bao chuyện xảy ra đều được ghi nhận, nên trước một hành động tội lỗi, nhìn thấy Thiên Nhãn, con người có thể dừng chân lại. Giáo lý có viết: “Nay như hỏi tại sao thờ Thiên Nhãn lại gọi là thờ Trời thì Thánh ngôn nói rằng: “Nhãn thị chủ tâm; lưỡng quan chủ tể; Quan thị Thần; Thần thị Thiên; Thiên giã ngã dã. Nghĩa là: Mắt là chủ tâm, hai yếng sáng trong mắt là chủ tể, yếng sáng là Thần, Thần là Trời, Trời là ta vậy.” [151, 18].
Đồng thời, việc thờ Thiên Nhãn còn mang một ý nghĩa là để soi rọi lương tâm, dù trước hoàn cảnh khó khăn vẫn lạc quan, tận tình gánh khổ cho nhân loại. Thờ Thiên Nhãn cũng có nghĩa là thờ lương tâm, trong đó có đủ Phật, Pháp, Tăng, nên khi niệm Phật tức là tập tính từ bi, niệm Pháp để giữ tâm công bằng, niệm Tăng là làm thân tế độ. Khi giải thích ý nghĩa của việc thờ Thiên Nhãn, tác giả Huệ Phong có viết: “Tôn giáo Cao Đài dạy thờ Thiên Nhãn, tức là thờ Trời mà cũng là thờ chúng ta đó. Về lý âm dương giữa Trời và người cũng như pháp thập tự giá với hình Tứ Tượng, có ác, có thiện, thể hiện Đạo chúa đủ lý âm dương mới trường tồn, còn ta thờ Đức Chí Tôn bằng Thiên Nhãn, với căn bản tinh tuý ở nguyên lý âm dương. Thờ Thiên Nhãn tức thờ Thần Thiên lương của nhơn loại” [99, 14].
Về danh hiệu, thông qua Cơ bút Giáo chủ Cao Đài tự xưng là Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát. Danh xưng này vừa nói lên sự tổng hợp các tôn giáo, Cao Đài thuộc Nho, Tiên Ông thuộc Lão, Đại Bồ Tát thuộc Phật; đồng thời vừa muốn ám chỉ Đạo Cao Đài đã xuất hiện từ ngàn xưa qua các hình thức như Phật giáo, Lão giáo và Nho giáo… Và đến thời kỳ này thì Đạo Cao Đài xuất hiện dưới hình thức là tổng hợp 3 tôn giáo lại thành Đại Đạo, gọi tắt là Cao Đài.
Về tên gọi, những người sáng lập Đạo Cao Đài giải thích việc lấy tên gọi cho Đạo nầy xuất phát từ hai câu thơ trong Đạo Minh Sư của người Hoa: “Cao như Bắc khuyết nhân chiêm ngưỡng, Đài tại Nam phương Đạo thống truyền”.
Nghĩa là: Đạo Cao như Bắc Khuyết, người ta ngước mặt lên mà kính mến. Nơi phát sanh ra Đạo là Phương Nam (ám chỉ nước Việt Nam) và liên tục truyền bá không ngừng” [151, 10]. Ghép 2 chữ đầu của hai câu thơ trên thành “Cao Đài”.
Có một số người thường lẫn lộn Đạo Minh Sư với Đạo Cao đài vì vậy chúng tôi thấy cần phải phân biệt, làm rõ hơn quan hệ giữa hai Đạo này. Đạo Minh Sư là một chi phái của Đạo Minh Giáo – một hình thức Đạo giáo Trung Quốc. Đặc trưng phổ biến của Đạo Minh Sư là dùng hình thức cầu cơ để xem số đoán mệnh và chữa bệnh, ăn chay, tịnh luyện tứ thời. Thập nhị tổ của phái này là ông Trần Thọ Khánh, người Việt gốc Hoa. Đạo Minh Sư là tín ngưỡng phổ biến của người Hoa trên vùng đất Nam Bộ. Do có những điểm tương đồng, nên nó nhanh chóng hoà nhập với tục đồng cốt của người Việt và phong trào Thông linh học Phương Tây cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, tạo nên phong trào cầu cơ chấp bút phát triển khắp Sài Gòn và khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tại một đàn cơ ở Châu tế Phật đường – ngôi chùa của Đạo Minh Sư (Tân An), ông Ngô Minh Chiêu và một nhóm tín đồ của Đạo Minh Sư đã nhận được thánh ý của Đạo Cao Đài. Có thể nói, xuất phát điểm cũng như tên gọi, thậm chí cả một số bài kinh của Đạo Cao Đài (Khai kinh, Niệm hương, Đại la Thiên đế) được bắt nguồn từ Đạo Minh Sư.
Để đề cao mình, Đạo Cao Đài đưa ra thuyết Tam Kỳ Phổ Độ, lý giải tính tất yếu của sự ra đời. Những người lập Đạo Cao Đài cho rằng: kể từ khi có loài người cho đến khi Đạo Cao Đài ra đời, trên thế giới Thượng đế đã có hai kỳ phổ độ để cứu chuộc loài người.
Thời kỳ thứ nhất gọi là Nhất kỳ Phổ độ, đó là thời Thượng ngươn, nhằm vào thời Thượng cổ, cách đây 5000 năm, con người đầu tiên cảm thấy nhỏ bé và sợ sệt trước những hiện tượng của trời đất nên mới sinh ra những tín ngưỡng ban đầu là vật linh, sau đó tuỳ theo trình độ văn minh của mỗi nơi mà có sự hình thành một hình thức tôn giáo ở đó như Ấn Độ thì có Đạo Vệ Đà hay Bà La Môn giáo với các Thần Thi, sau đó không lâu thì có Đạo Trời với Phục Hy Văn Vương …..
Những tôn giáo Nhất kỳ Phổ độ chỉ phù hợp với truyền thống của một dân tộc mà không thể ứng dụng cho các dân tộc khác nên Thượng đế đã tuỳ theo sự đòi hỏi của nhân loại mà phổ độ lần hai vào thời Trung ngươn (thời Trung cổ) cách đây khoảng 2000 năm, lập nên những tôn giáo mới có tính khoan dung để cứu độ nhân loại. Nếu ở Nhứt kỳ Phổ độ Đạo Bà La Môn chỉ thích nghi với dân tộc Ấn, Do Thái giáo chỉ thích nghi với dân tộc Do Thái … Thì đến Nhị kỳ Phổ độ, Đạo Phật từ đất Ấn mà ra đã có thể lan tràn sang các miền lân cận, Đạo Thiên Chúa, Đạo Hồi cũng từ gốc Do Thái giáo mà ra nhưng đã tạo nên được một nước lớn riêng với triều nghi của một vương quốc La-mã hay với một đất Thánh La Mecque. Cũng như Lão giáo, Khổng giáo không chỉ được dân tộc Trung Hoa tôn sùng, mà cả các dân tộc Á – Đông, trong đó có cả dân tộc Việt Nam v.v…
Các tôn giáo ở hai thời kỳ này đều có những đặc tính: Dùng biểu tượng để giáo hoá nhân loại; giáo điều có tính biệt lập; Tôn chỉ có tính cách độc tôn, đẳng cấp nghĩa là giáo chủ của một tôn giáo phải được xem như một độc tôn, trong hàng giáo phẩm và tín đồ có sự phân chia đẳng cấp. Một tín đồ Phật Giáo, Thiên Chúa giáo hay Bà La Môn giáo, Do Thái giáo… đều chỉ biết có tôn giáo mình mà không hề biết đến các tín hữu của tôn giáo khác. Đã nói là tôn giáo phải mang một tính chất chung của nhân loại như Đức Phật gọi là cứu vớt chúng
sanh, Thiên Chúa gọi là cứu chuộc mọi người … có tôn giáo nào nói cứu vớt một số con chiên đệ tử của mình đâu, nhưng người tín đồ chỉ biết rằng giáo chủ của mình đã và đang cứu mình, còn người ngoại đạo thì hình như giáo chủ của họ không hề biết đến. Chính vì thế mà Thượng đế Chí tôn phải phổ độ lần thứ ba, gọi là Tam Kỳ Phổ Độ, dùng huyền diệu để mở một tôn giáo mới có tên là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, gọi tắt là Cao Đài. Thánh ngôn có viết:
“Thầy thấy cuộc đời biến đổi, thời khí bất hoà, nhơn tâm xu hướng về đường vật chất, bỏ mất tinh thần nên phạm vào đường tội lỗi, thiệt là lầm lũi mãi mà không định hồn tự hối, xúm lấn chen lặn lội tranh giành mùi tục luỵ mà thay đổi chí cao minh”.
“Ba nền chánh giáo Nho, Thích, Đạo đã nghiêng chinh, nhơn loại thảy chuộng hữu hình không cần vô vi thâm viễn”.
“Nay đã đến thời kỳ cuộc tuần hoàn giáp mối, nên Đạo Trời vận chuyển mà phổ hoá sanh linh…” [15, 60-61].
Hình thức lập giáo ở thời kỳ này khác hẳn với nền cổ đạo, lần này Giáo chủ Cao Đài giáng trần truyền đạo khắp dân gian bằng hình thức Cơ bút, chứ không xuất thế mượn xác phàm như trước kia. Vì cho rằng, Tam giáo thất truyền bởi Thánh giáo ở trong tay phàm nên tôn chỉ bị sai lạc. Cao Đài cho rằng Tam Kỳ Phổ Độ vạch ra một hình thức mới khác hẳn với các tôn giáo xưa nhưng không làm sai lạc với chánh pháp mà nhằm phục hồi những chánh pháp ấy cho phù hợp với trình độ tiến hoá của con người.
Nói về vũ trụ quan, chúng ta không thể không đề cập đến những quan niệm của các tôn giáo trước kia. Bởi vì đây là một đề tài mà xưa nay không tôn giáo nào không nói tới, hoặc bằng những biểu tượng ly kỳ, hoặc chỉ thoáng qua trong kinh điển. Chỉ có sự hình thành vũ trụ mà ở Phương Tây đã nói có bảy ngày, ở Phương Đông thì cho là chín ngày (Ngày thứ bảy trong tuần dương lịch
gọi là Chúa Nhựt và ngày mồng 9 tháng giêng âm lịch là ngày Vía Trời). Thiên Chúa thì bảo có một Đấng Chúa Trời tạo dựng địa cầu với bàn tay của Người rõ rệt như một con người có thật không khác một nhà điêu khắc hay một người thợ v.v… Phật giáo thì nói không có ai tạo dựng nên vũ trụ này cả, tất cả chỉ do một cái gọi là “nhân duyên” khởi nghiệp, và sự đi tìm để giải thích vũ trụ thì thật vô ích trong khi cái khổ của con người trước mắt đáng để bàn cãi hơn…. Trong khi đó thì Nho giáo lại bảo: “Vị năng sự nhân yên năng sự quỷ” (chưa biết lo phụng dưỡng người sống mà nói đến người chết làm gì?) cũng hàm ý một nhận định về cái hiển nhiên của cuộc sống hơn là những gì vô hình phía sau cuộc sống đó. Hồn nhiên và vô tư nhất là sự giải thích vũ trụ của Phục Hy qua hiện tượng Bát Quái phát khởi từ ý thức Long Mã Hà Đồ … Đạo Cao Đài giải thích về vũ trụ dựa theo quan niệm cổ của người Trung Quốc (nói trong Kinh dịch): Thái Cực (linh hồn của vũ trụ tượng trưng cho Đấng tạo hoá) sinh Lưỡng Nghi (âm dương), Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng (Âm thuần Âm, Dương thuần Dương, Âm trong Dương, Dương trong Âm), Tứ Tượng sanh Bát Quái (Càn, Khãm, Chấn, Cấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài), Bát Quái sinh sinh hoá hoá thành thế giới muôn vật, muôn loài. Và chính từ ngôi Thái Cực (tức Thượng đế) mới phân ra làm hai phần vũ trụ: Một bên là thế giới vật chất tức là khối thiên cầu (thế giới hiện tại); Một bên là thế giới tâm linh (thế giới mai sau), gồm có những Chơn thần đã xuất hiện từ cổ chí kim được qui tụ lại dưới quyền năng của Thượng đế. Tất cả những Chơn thần này đều tuỳ thuộc vào sự tiến hoá chung của một chuỗi dài định mệnh, bao gồm mọi đẳng cấp Phật, Tiên, Thánh, Thần, hay ma quỷ, hoặc hồn người. Tuỳ theo sự thưởng phạt mà vị trí của mỗi Chơn thần sẽ được xác định, chẳng hạn như hồn người thì ở cõi Trung giới, hoặc vượt lên một cõi thanh thản hơn ở những cõi sống đó là Thượng giới gồm có 36 cõi trời gọi là Tam thập lục thiên. Trong những cõi này có cõi được xem như Thiên đàng (Theo Thiên Chúa)
hoặc Niết bàn (Theo Phật giáo) mà cõi cao nhất là Bạch Ngọc Kinh; ở đấy không có sự đau khổ, chỉ có sự sung sướng. Đây chính là thế giới lý tưởng để con người vươn tới. Nếu bị phạt thì hồn người phải đoạ đày xuống cõi Hạ giới tối tăm sầu não hơn gọi là Diêm phù (mà các tôn giáo gọi là Địa ngục).
Cũng giống như các tôn giáo hiện đại, Cao Đài chủ trương con người sống qua hai thế giới, thế giới hiện tại và thế giới mai sau. Nhưng Cao Đài không hề cho rằng đời là cảnh khổ như kinh Phật đã nói mà Cao Đài xem đời là một trường thi mà người tu hành là thí sinh đang nhận chịu sự khảo hạch của Đấng vô