Những khuynh hướng của Đạo Cao Đài Tây Ninh

Một phần của tài liệu Đạo cao đài hiện nay và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người việt vùng đông nam bộ (Trang 102 - 109)

Nhìn lại lịch sử phát triển của Đạo Cao Đài có thể nói rằng, quá trình phát triển của Đạo Cao Đài là quá trình phân rẽ thành nhiều chi phái. Sự phân phái ấy có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do mâu thuẫn về tư tưởng chính trị của những người đứng đầu tôn giáo này. Song, giới trí thức của Đạo Cao Đài thì cho rằng nguyên nhân của sự chia rẽ một phần là do Thánh ý. Trong quyển “Tìm hiểu Đạo Cao Đài”, tác giả Đồng Tân có viết: “Điều cần thiết trước tiên là sự chia chi phái trong Đạo Cao Đài không phải hoàn toàn do sự mâu thuẫn nhơn dục mà ra… Từ những năm đầu khai đạo, khi chưa có hiện tượng này, Đức Cao Đài cũng đã dạy trước:

Bửu toà thơ thới trổ thêm hoa Mấy nhánh rồi sau cũng một nhà Chung hiệp rán vun nền đạo đức

Bền lòng son sắc đến cùng ta” (Cơ bút ngày 20/02/1926).

Tác giả giải thích: “Các chi phái trong đạo Cao Đài nảy sinh ra do sự tiền định”, “… về phương diện tôn giáo đó là sự bành trướng về đủ sắc thái, đủ trình độ tu học cho mọi người, về phương diện chính trị đó là sự phân tán để bảo tồn cơ đạo” [115, 67].

Kinh Đại thừa Chơn giáo có viết:

“Thầy thấy phần nhiều các con lấy làm ngạc nhiên về lẽ đó. Sao lại chia cắt nhiều phái, nhiều chi, chỗ lại thích vô vi, nơi thì dùng hình thức? Đó là cái cơ tấn hoá của nhơn sanh, để Thầy chọn Thánh phân phàm” [15, 109].

Theo Đạo Cao Đài, sự phân rẽ thành nhiều chi phái không phải chỉ do con người mà còn do sự sắp đặt của Thượng đế. Nhưng trong quá trình phân hoá thành nhiều hệ phái thì giữa Cao Đài Tây Ninh – hệ phái có tín đồ đông nhất, nơi mà người ta thường gọi là có Tòa Thánh Trung ương của Đạo Cao Đài, trong quá khứ và hiện tại có quan hệ như thế nào với các hệ phái Cao Đài khác. Vấn đề này từ trước đến nay được một số học giả trong và ngoài nước quan tâm. Trong đó có ông Thomas E. Dutton thuộc Viện Đại học California đến Việt Nam năm 1969, và ông Jeremy Davidson – Giáo sư Tiến sĩ Viện Đại học Luân Đôn đến Việt Nam năm 1970 để tìm hiểu về Đạo Cao Đài. Các ông đã từng đề cặp đến vấn đề quan hệ giữa các chi phái trong Đạo Cao Đài, nhất là quan hệ giữa Cao Đài Tây Ninh với các hệ phái Cao Đài khác. Tìm hiểu mối quan hệ này cũng như khuynh hướng phát triển Đạo Cao Đài Tây Ninh cần xem xét trên nhiều phương diện, ở đây chúng tôi trình bày trên phương diện lịch sử.

Căn cứ vào tài liệu “Tìm hiểu về Đạo Cao Đài” của tác giả Đồng Tân, có thể nói, Thánh thất Cầu Kho là cái nôi hình thành Đạo Cao Đài, chứ không phải là Tòa Thánh Tây Ninh. Nhưng đến năm 1930, phái Cầu Kho dưới sự lãnh đạo của ông Vương Quan Kỳ đã có những bất đồng với Tòa Thánh Tây Ninh, đặc biệt là với hai ông Lê Văn Trung và Phạm Công Tắc, nên phái này tách rời hẳn không quan hệ với Tòa Thánh Tây Ninh [115, 112]. Tiếp theo đó, một số chi phái của Đạo Cao Đài lần lượt ra đời, khi các chi phái đã hình thành, mỗi nơi điều hành đạo với khối tín đồ riêng quy tụ quanh mình, họ độc lập sử dụng đàn cơ, trực tiếp lĩnh hội sự phán dạy của Đức Chí Tôn chứ không theo sự chỉ đạo của Tòa Thánh Tây Ninh. Thậm chí, giữa Cao Đài Tây Ninh với một số chi phái Cao Đài khác có sự chia rẽ khó hàn gắn được.

Đối với phái Cao Đài Tiên Thiên, sau khi ông Nguyễn Hữu Chính rời Cao Đài Tây Ninh về Cai Lậy hợp với nhóm Thiên Thai Tịnh, hình thành phái Cao Đài Tiên Thiên. Trước kia ông Nguyễn Hữu Chính từng là chức sắc của Cao Đài Tây Ninh. Từ buổi sơ khai, ông đã theo phong trào luyện đạo và cầu cơ riêng để học đạo, việc này bị Tòa Thánh Tây Ninh cấm và ông bị trục xuất. Qua “Tư liệu lịch sử của Cao Đài Tiên Thiên”, phái này chứng minh Cao Đài Tiên Thiên có quá trình ra đời (do Đấng Chí Tôn dẫn dắt thông qua Cơ bút), có người sáng lập, không từ hệ phái nào tách ra và không có liên hệ với Cao Đài Tây Ninh [137, 2]. Đối với phái Cao Đài Bến Tre, sau khi ông Lê Bá Trang và ông Nguyễn Ngọc Tương về Bến Tre lập Ban Chỉnh Đạo, với mục đích chấn chỉnh lại nền Đạo thì từ đó giữa Cao Đài Tây Ninh và Cao Đài Bến Tre đã đào sâu cái hố chia rẽ không sao lấp bằng được [115, 148]. Từ đây, phái Cao Đài Bến Tre hành đạo với lực lượng tín đồ riêng dưới sự lãnh đạo của Giáo tông Nguyễn Ngọc Tương. Khi ông Phạm Công Tắc trở thành lãnh tụ tối cao của Tòa Thánh Tây Ninh, các chức sắc Hiệp Thiên Đài tiếp tục rời bỏ ông về các tỉnh miền Tây lập ra các chi

phái riêng. Kể từ đây (1938), Cao Đài Tây Ninh trở thành một chi phái dưới quyền lãnh đạo độc tôn của ông Phạm Công Tắc, chứ không được thừa nhận là Hội thánh chung của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ [115, 148].

Trước sự chia rẽ phân phái của Đạo Cao Đài, một số trí thức Cao Đài đã từng đặt vấn đề “quy hiệp”, “thống nhất” các tổ chức Cao Đài. Năm 1936, tại Sài Gòn tổ chức Cao Đài Đại Đạo Liên Đoàn ra đời, đặt trụ sở tại Thánh thất Cầu Kho, nhưng tổ chức này thất bại ngay từ buổi đầu do sự bất đồng quan điểm của các đại biểu. Tiếp theo đó là tổ chức “Liên hoà Tổng hội” ra đời, với chủ trương: “Liên hiệp các chi phái trong tình huynh đệ, nếu không đi đến cơ thống nhất được các Hội thánh” [115, 151]. Hội này quy tụ được khá đông các tín hữu trí thức trong các chi phái và tổ chức được 12 kỳ đại hội ở khắp Nam Bộ, nhưng đến năm 1940, Liên hoà Tổng hội không hoạt động nữa. Sau đó, một số tổ chức khác tiếp tục hình thành như “Cơ quan Cao Đài hiệp nhất”, “Cơ quan Cao Đài quy nhất” (1952), “Cơ quan Cao Đài thống nhất” (1953). Những tổ chức này ra đời không bao lâu thì tan rã, bởi các chi phái ở mỗi nơi đều hoạt động theo một phương thức riêng rẽ, dị biệt và điều quan trọng hơn hết là những người có chủ trương thống nhất họ lại không “thống nhất” về tư tưởng, nên việc quy hiệp các chi phái không thành, đồng thời còn hình thành nên một số chi phái khác.

Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, một số chức sắc các hệ phái Cao Đài có tư tưởng yêu nước đã đứng ra thành lập “Cao Đài liên giao I” và “Cao Đài liên giao II” thu hút 18 hệ phái Cao Đài tham gia, hoạt động đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Riêng phái Cao Đài Tây Ninh từ trước đến nay đều hoạt động riêng biệt, không tham gia vào các tổ chức kể trên.

Hiện nay, trong từng hệ phái Cao Đài vẫn còn tiếp tục phân hoá nội bộ. Bởi lẽ, một số chức sắc, tín đồ Cao Đài mặc cảm với quá khứ, bảo thủ, ham mê Cơ bút và cho rằng không hoạt động Cơ bút là “mất linh hồn”, không phải là

Cao Đài; một số khác bất đồng quan điểm với Hội thánh, vì vậy vẫn còn nhiều Thánh thất, Họ đạo chưa tùng Hội thánh. Theo thống kê của Ban Tôn Giáo Chính phủ hiện còn 94 Thánh thất, Họ đạo chưa tùng Hội thánh, trong đó, phái Cao Đài Tây Ninh là: 36, Cao Đài Ban Chỉnh Đạo: 46, Cao Đài Tiên Thiên: 5, Cao Đài Truyền giáo: 6, phái Cầu Kho: 1. Ngoài ra, còn 18/29 tổ chức Cao Đài nhỏ lẻ, độc lập, chưa được công nhận tư cách pháp nhân [9, 7–11]. Được biết hiện nay Ban Tôn Giáo Chính phủ đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố công nhận tổ chức đối với cơ sở nhỏ lẻ chấp nhận cho hoạt động đối với quy mô như một Thánh thất, Họ đạo cơ sở, không phụ thuộc vào Giáo hội Cao Đài [9, 12]. Từ thực trạng trên có thể khẳng định, Cao Đài có khuynh hướng phát triển thêm nhiều chi phái và các chi phái hoạt động độc lập, riêng lẻ khó có thể phụ thuộc hay hợp nhất với nhau.

Đạo Cao Đài – một hiện tượng xã hội có năng lực thích ứng rất mạnh trước các điều kiện hiện thực đang biến đổi, phát triển. Đúng như Mác nói: “Một lần xã hội có biến đổi to lớn thì quan niệm của con người lại biến đổi theo. Có nghĩa là quan niệm tôn giáo cũng sẽ biến đổi” [79, 240]. Thật vậy, Đạo Cao Đài hiện nay đang dần dần biến đổi cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội. Lý luận của Đạo Cao Đài tuyệt nhiên không chỉ bàn đến kiếp sau và thế giới bên kia, mà bàn nhiều đến hiện thực, bao gồm nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Hiến chương của Đạo Cao Đài ngày càng nhấn mạnh đến việc xây dựng một cuộc sống công bằng, bình đẳng và tốt đẹp trên trần thế, gắn chặt giữa tín ngưỡng với việc cải thiện tình trạng xã hội hiện thực, cải thiện đời sống quần chúng. Đồng thời với việc phát huy giáo lý, Cao Đài đề cao quy phạm đạo đức, đẩy mạnh hoạt động từ thiện, lập bệnh viện, khám bệnh vì nghĩa, cứu giúp người nghèo, người hoạn nạn, nâng đỡ người ốm đau, khuyến khích tín đồ tích cực thực hiện đạo đức thế tục, thực hiện nghĩa vụ của người công dân và tu tâm dưỡng

tính. Điều 32 Hiến chương của Đạo Cao Đài Tây Ninh có quy định: “Chức sắc, chức việc và tín đồ có công đức với Đạo pháp, có thành tích tham gia vào việc ích nước, lợi dân, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, góp phần củng cố mối quan hệ Đạo – Đời tương đắc thì sẽ được Hội thánh tuyên dương theo luật đạo” [124, 22]. Khuynh hướng thế tục hoá của Đạo Cao Đài ngày càng rõ rệt, Cao Đài ngày càng tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội với chủ trương “Sáng đời, đẹp đạo” và đồng hành với Chủ nghĩa Xã hội. Có thể khẳng định, Đạo Cao Đài sẽ còn tồn tại và tồn tại lâu dài, nhưng không trở lại như xưa, không chi phối hoàn toàn mọi hoạt động của từng con người.

Cao Đài là một trong những hình thái ý thức xã hội, phản ánh tồn tại xã hội; là cái phản ánh, song Cao Đài cũng chịu sự tác động của các điều kiện sản sinh ra nó. Với sự biến đổi của lịch sử, xã hội, con người, Cao Đài có khả năng thay đổi theo hướng văn hoá hoá tôn giáo. Bởi vì, sự phát triển ngày càng cao của trí tuệ con người dẫn đến tính chất huyền bí, hư ảo sẽ bị phai nhạt dần, nhưng nếp sống, cách nghĩ và thói quen giao tiếp của Đạo Cao Đài vẫn được lưu giữ và hoà nhập vào phạm trù văn hoá của địa phương. Sinh hoạt lễ hội của Đạo Cao Đài sẽ chỉ còn là sinh hoạt văn hoá đời thường, biểu trưng cho bản sắc văn hoá của cộng đồng cư dân Nam Bộ.

Về phía tín đồ, trước sự phát triển kinh tế, sự cải thiện đời sống, tín đồ Cao Đài ngày càng hướng về xã hội hiện thực, hướng về đời sống kiếp này, thế giới bên này. Quan niệm về Trời, Phật yếu đi, tính thần bí của Cao Đài tương đối mờ nhạt nhưng đạo đức tôn giáo Cao Đài có ảnh hưởng sâu rộng trong từng con người, điều chỉnh hành vi và quan hệ giữa người với người. Đạo đức tôn giáo Cao Đài sở dĩ được người ta tự giác tuân theo vì nó thấm đượm tình cảm con người. Vì thế, ngày nay trong môi trường mà quan hệ giữa con người ngày càng lạnh nhạt, Cao Đài vẫn có khuynh hướng phát triển, vẫn thu hút được đông đảo

tín đồ tin theo. Họ theo đạo nhưng chủ yếu không phải là tin tưởng tuyệt đối vào sự tồn tại của Thượng đế hoặc theo đuổi một cõi thiên đàng xa xôi, hay hạnh phúc ở kiếp sau hư ảo mà họ chú trọng hơn tới việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp ở xã hội hiện thực nhưng đồng thời vẫn gởi gắm, kỳ vọng vào những điều tốt đẹp khi họ chết đi.

Kết luận : Cao Đài với tính cách là một bộ phận cấu thành của kiến trúc

thượng tầng, sự phản ánh của nó đối với sự tồn tại xã hội là một quá trình biện chứng, là cái phản ánh xã hội hiện thực, Cao Đài cũng chịu sự tác động bởi các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá, tâm lý truyền thống của cái xã hội hiện thực ấy. Trước sự thay đổi của đất nước, với chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của quần chúng được thoả mãn, Đạo Cao Đài đã từng bước chuyển hoá đi vào tu hành thật sự, giáo lý, nghi lễ, bộ máy tổ chức của Đạo Cao Đài có nhiều thay đổi để thích nghi với những điều kiện xã hội. Trong khoảng thời gian non một thế kỷ, văn hoá Cao Đài cũng đã ăn sâu vào tư tưởng của con người, nó trở thành hành vi, tập quán, thói quen của người dân Tây Ninh. Những ngày lễ của Đạo Cao Đài trở thành những ngày lễ lớn của người dân địa phương. Tất cả những điều đó vừa có thể thoả mãn nhu cầu tinh thần về tín ngưỡng tôn giáo, vừa có thể thoả mãn sự hưởng thụ tinh thần về đời sống văn hoá của người dân ở đây. Chính vì thế, Đạo Cao Đài vẫn còn sức hấp dẫn đối với đông đảo tín đồ và tín ngưỡng tôn giáo Cao Đài sẽ còn tồn tại lâu dài. Song, lịch sử phát triển của Đạo Cao Đài là lịch sử của sự phân rẽ thành nhiều chi phái. Hiện nay, trong quá trình tự điều chỉnh mình cho phù hợp với xu thế phát triển của xã hội, bản thân nội bộ của từng chi phái Cao Đài lại có sự phân hoá sâu sắc. Bởi thế, Cao Đài có khả năng tiếp tục phân chia thành nhiều chi phái nhỏ lẻ, hoạt động riêng biệt khó có thểå thống nhất với nhau.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Đạo cao đài hiện nay và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người việt vùng đông nam bộ (Trang 102 - 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(184 trang)