Ngay từ thuở xa xưa của lịch sử dân tộc, người Việt đã từng bước thể hiện lòng biết ơn những người có công với cộng đồng và gia đình qua tập quán, thói quen thờ cúng Thần linh, anh hùng liệt sĩ, Tổ tiên ông bà… Người Việt tin rằng những thế hệ cha mẹ, ông bà, cố sơ sau khi chết vẫn còn lại ở một dạng nào đó được gọi là linh hồn. Do vậy, con cháu, những thế hệ đang sống thiết lập nơi cư ngụ cho linh hồn, cho thế hệ đã khuất gọi là bàn thờ và có cúng bái hàng năm. Tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á, nhưng rất lâu đời và phổ biến nơi người Việt, nó như là một thứ tôn giáo cổ truyền (Đạo Thờ ông bà). Tín ngưỡng Tổ tiên là một biểu hiện của bản sắc văn hoá dân tộc; đặc
điểm nầy được Đạo Cao Đài khai thác, biến việc thờ cúng Tổ tiên thành nội dung sinh hoạt chủ yếu của Đạo Cao Đài.
Ngoài tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên, người Việt còn tin và thờ các đối tượng khác gọi chung là Thần. Tín ngưỡng Thờ Thần là một hành vi của lòng biết ơn đối với những thế hệ đã qua, là lòng tôn kính những đối tượng đã mang lại sự an sinh thịnh vượng cho cộng đồng làng xã, cho dân tộc. Tín ngưỡng Thờ Thần là một biểu hiện của bản sắc văn hoá dân tộc đã có lâu đời ở Việt Nam.
Trong quá trình giao lưu văn hoá với Ấn Độ và Trung Hoa, ngoài tín ngưỡng truyền thống, người Việt tin và thờ Đạo Phật, Đạo Nho, Đạo Lão. Học thuyết của Đạo Phật xoay quanh triết lý Hư vô: “Vô thường”, tức là bất cứ hiện tượng nào trong vũ trụ hễ có sinh là có tử, cái có là cái tạm thời, cái không là cái vĩnh cửu. “Vô ngã”, tức là cái Ta, cái Ngã (atman) hiện hữu cũng là không. “Sắc tức thị không, không tức thị sắc, hữu tức thị vô, vô tức thị hữu”. Sự hiện diện, hiện hữu vốn vô thường và vô ngã cho nên đối với chúng sinh lấy “Từ bi”, tức là tình thương làm mục đích, lấy “bình đẳng” để đối xử với nhau. Từ bi, bình đẳng là những quan niệm đạo đức, luân lý của Đạo Phật trên đường đời cũng như trên con đường tu hành để vươn đến cõi “Niết bàn”. Phát xuất từ tín ngưỡng Đa Thần và quan điểm nhân đạo của bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam, người Việt thâu hoá Đạo Phật một cách thuận lợi, trong đó Từ bi là hạt nhân. Đạo Nho, thực chất là đạo làm người, vì Nho giáo chỉ ra con đường (đạo) cho mọi đẳng cấp (Vua tôi, quân tử, tiểu nhân) trong xã hội hành xử. Nhưng nhiều người tin vào học thuyết Nho giáo và tôn thờ Khổng Tử với tư cách là Thánh nhân, cho nên xét về một mặt nào đó, Đạo Nho có tính chất tín ngưỡng. Người Việt đã tiếp thu văn hoá Nho giáo vào các lĩnh vực Nhà nước, gia đình và xã hội. Nhưng dù ở lĩnh vực nào, Đạo Nho cũng được khúc xạ bởi lăng kính văn hoá bản địa. Người Việt tiếp thu học thuyết “Thiên mệnh” của Nho giáo nhưng không tuyệt đối hoá,
tin “Thiên mệnh”, nhưng lại không phủ định sức người. “Có Trời mà cũng có Ta”; hoặc “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Những tư tưởng chính trị như “đức trị”, “dân bản” phù hợp với bản sắc văn hoá của người Việt (tính nhân đạo, tính dân chủ) cho nên đã trở thành tiêu chuẩn trị nước của Vua quan Việt Nam. Về phương diện gia đình và xã hội, chủ nghĩa nhân đạo là tư tưởng đạo đức nội hàm trong bản sắc văn hoá Việt Nam. Cho nên, các quan điểm đạo đức trong đạo làm người của đạo Nho như nhân, nghĩa, hiếu, lễ … góp phần làm phong phú tư tưởng đạo đức Việt Nam: nhân nghĩa, nhân đức, nhân ái, nhân đạo, nhân hậu… Nhân là thuộc tính tự nhiên của con người, cho nên chữ nhân đứng đầu trong quan hệ vợ chồng và quan hệ xã hội. Trong sự nghiệp bình thiên hạ, nhân nghĩa là điều tiên quyết. Chữ hiếu của Nho giáo như tô đậm đạo làm con của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh nhân, nghĩa, hiếu, chữ lễ của Nho giáo cũng giao lưu vào gia đình và xã hội Việt Nam, mà rõ nét nhất là trong quan, hôn, tang, tế.
Đạo giáo là học thuyết và tư tưởng do Lão Tử sáng lập ở Trung Hoa, được truyền bá vào Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ II, thời Bắc thuộc, với hai khuynh hướng: tự nhiên, vô vi (Lão – Trang) và khuynh hướng Đạo giáo có tính chất thần bí. Đồng thời, Đạo giáo hoà nguyện vào các hoạt động phù thuỷ và các phương thuật vốn có của người Việt tạo nên hai dòng Đạo giáo Thần Tiên và Đạo giáo Phù thuỷ, và nó trở thành tín ngưỡng cổ truyền của người Việt. Khác với tư tưởng vô vi, Đạo giáo Thần Tiên tin vào phép tu luyện, tin vào tiên giới. Tương truyền, dưới đời Trần, Đạo sĩ Huyền Vân tìm ra thuốc trường sinh, Từ Thức kết hôn với Tiên nữ Giáng Hương, Tú Uyên kết hôn với Tiên nữ Giáng Kiều. Dưới góc độ nầy, người Việt thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, Thái thượng Lão quân, Thánh mẫu Thiên Y A Na, bà chúa Liễu Hạnh, Quan Vân Trường và các vị Thần khác.
Theo dòng lịch sử, các tập quán trên ngày càng hoàn chỉnh, trở thành khuôn mẫu và tồn tại qua thời gian. Trên đường vào Nam khai hoang mở cõi, lưu dân người Việt mang theo mình các giá trị văn hoá, truyền thống, tín ngưỡng. Nam Bộ - vùng đất mới của tổ quốc, với cảnh quan sông nước Đồng Nai, Cửu Long, của Đồng Tháp Mười, rừng U Minh, Bảy Núi… có tác dụng không nhỏ trong quá trình làm thay đổi nhân sinh quan của người Việt trên vùng đất mới.
Phân tích bối cảnh lịch sử ở Nam Bộ thời khai hoang mở đất cần phải thấy rõ rằng, tư tưởng Tam giáo không còn giữ vị trí chủ đạo chi phối trọn vẹn đời sống tinh thần của lưu dân Việt ở Nam Bộ. Trên vùng đất mới, Nho giáo đã mất địa vị độc tôn; tuy Nho giáo có ảnh hưởng trong nếp sống, nếp nghĩ của người Nam Bộ, nhưng lại thoáng hơn ở miền Bắc và miền Trung, do lối sống tự do phóng khoáng của lưu dân xa xứ, muốn phá bỏ lề thói ràng buộc cũ. Giáo lý nhà Phật vốn cao siêu, thâm thuý, không phù hợp với những người cặm cụi làm ăn, ít học, mù chữ. Cũng như Đạo Nho và Đạo Phật, triết lý vô vi thanh tĩnh của Đạo Lão quá cao siêu không thể thích nghi với tâm hồn lưu dân Nam Bộ.
Trên vùng đất hoang hoá, với cọp, cá sấu, rắn rít, lam sơn chướng khí, nơi rừng sâu nước độc… Cùng những ám ảnh vô hình khác trên vùng đất mới xa lạ luôn là áp lực triền miên đối với lưu dân trên đường khai hoang mở cõi. Với họ, mỗi một khúc sông, một góc rừng, một vạt đất… đều có một sức mạnh vô hình, một vị Thần trấn giữ. Nam Bộ là vùng đất màu mỡ cho Đạo giáo Thần Tiên với muôn vẻ biến thái. Với lối tư duy đơn giản, thiết thực, người dân Nam Bộ một khi phải chống chọi với điều kiện khắt nghiệt của giới tự nhiên, cũng như xã hội, thì bùa chú của Pháp sư, Phù thuỷ đương nhiên dễ chiếm ưu thế, là chổ dựa tinh cậy, dễ gần gũi. Điều này cũng phù hợp với tín ngưỡng của người Hoa, người Khmer, người Chăm và các dân tộc bản địa khác đã có mặt sẵn ở Nam Bộ. Người dân Nam Bộ tin rằng, các thầy Phù thuỷ, thầy cúng có khả năng trừ khử
tà ma, chữa bệnh bằng phù phép, bùa chú. Hoặc thông qua việc thờ cúng, đồng cốt, cầu cơ, người dân Nam Bộ cầu xin tài lộc, danh vọng, chữa bệnh, hỏi chuyện quốc sự hoặc xướng hoạ thi phú với Thần Tiên và họ tin rằng Thần, Thánh sẽ mách bảo, cung cấp những tín hiệu thần bí.
Dưới thời Pháp thuộc, phong trào cầu cơ diễn ra sôi nổi khắp Nam kỳ lục tỉnh, Sài Gòn, Chợ Lớn. Năm 1920, ông Ngô Minh Chiêu ở đảo Phú Quốc đã cầu cơ và nhận được điềm linh ứng của Đạo Cao Đài. Giáo lý, nghi lễ của tôn giáo này dần dần được hình thành và phát triển khắp Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Trên vùng đất mới, các tôn giáo truyền thống của người Việt không còn đủ sức thu hút đối với tín đồ. Trong khi đó, cư dân Nam Bộ đang cần có một tôn giáo phù hợp, dễ theo, dễ thực hiện giới luật, song nó phải mang tính dung hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Đạo Cao Đài với chủ trương tổng hợp các nền đạo lý theo phương châm kết tinh kim cổ, dung hoà Đông – Tây, với tư tưởng “Tam giáo quy nguyên”, “Ngũ chi hiệp nhứt”, “Cơ bút” – đáp ứng được nhu cầu tâm linh của một bộ phận cư dân Nam Bộ. Đồng thời, Đạo Cao Đài xây dựng hệ thống luân lý trên cơ sở kế thừa văn hoá truyền thống của người Việt, Việt hoá các dòng văn hoá khác cho phù hợp với đặc điểm tâm lý của cư dân Nam Bộ. Có thể thấy, Đạo giáo thấm nặng vào tâm thức Đạo Cao Đài qua các hành vi: Cơ bút, lên đồng, yểm bùa, trừ tà, bói toán, xóc quẻ, cúng sao…, liên quan đến mọi lĩnh vực đời sống thường ngày, có quan hệ chặt chẽ với tục Phong thuỷ, Âm dương, Bát Quái…
Đạo Cao Đài đã đưa các yếu tố tín ngưỡng truyền thống, đặc biệt là Đạo giáo Thần Tiên vào trong nghi lễ, thờ cúng, chẳng hạn Cao Đài thờ Ngọc hoàng Thượng đế, Thích ca Mâu ni, Quan Thế Âm bồ tát, Quan Vân Trường… Hoặc một trong những nghi lễ mang tính chất bắt buộc đối với tín đồ Cao Đài đó là ăn chay, một số phái của Cao Đài có chủ trương ăn chay trường cho cơ thể nhẹ
nhỏm có thể bay lên được, có thể đứng trước ánh sáng mà không thấy bóng. Đó chính là một kiểu tu luyện của Đạo giáo Thần Tiên ngày trước.
Đặc biệt nhất là Cơ bút – một hình thức tín ngưỡng dị đoan, được người dân Nam Bộ tin tưởng tuyệt đối lại được Đạo Cao Đài triệt để sử dụng làm phương tiện để truyền đạt những lời phán dạy của Trời, Phật, Tiên, Thánh, điều này phù hợp với tâm lý của người dân Nam Bộ nên họ dễ dàng chấp nhận và đi theo Đạo Cao Đài.
Đứng trên góc độ tâm lý xem xét, Đạo Cao Đài được xây dựng trên cơ sở niềm tin, sự sùng bái của một bộ phận cư dân Nam Bộ, có nội dung giáo lý, nghi lễ phù hợp với tính cách, phong tục tập quán của cư dân trên vùng đất này, nên có thể nói Đạo Cao Đài là tôn giáo địa phương.
Kết luận : Đạo Cao Đài là một hiện tượng xã hội đặc biệt có nguồn gốc
sâu xa từ các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam vào những năm đầu thế kỷ XX. Đó là sự bần cùng về kinh tế, nạn áp bức về chính trị, sự hiện diện của những bất công trong xã hội cùng với những thất vọng, bất hạnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nội dung giáo lý của Đạo Cao Đài mang nặng tinh thần quốc gia dân tộc, ý thức tự tôn, tự cường, tự hào của người Việt và in đậm tín ngưỡng truyền thống. Giáo lý Cao Đài phù hợp với nguyện vọng và đặc điểm tâm lý của người dân Nam Bộ, nên khi mới ra đời, Đạo Cao Đài đã nhanh chóng thu hút được được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Về phía những người sáng lập Đạo Cao Đài, họ xuất thân từ nhiều tầng lớp, tham gia Đạo Cao Đài với nhiều mục đích khác nhau. Nên, khi Đạo Cao Đài vừa được thành lập cũng là lúc trong nội bộ những người lãnh đạo Cao Đài đã hình thành nhiều mâu thuẫn với nhiều nhóm đấu đá lẫn nhau. Vì thế, lịch sử phát triển của Đạo Cao Đài là lịch sử của sự phân chia thành nhiều chi phái.
CHƯƠNG 2