Đạo Cao Đài là tôn giáo dung hợp

Một phần của tài liệu Đạo cao đài hiện nay và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người việt vùng đông nam bộ (Trang 56 - 61)

Đạo Cao Đài ra đời và tồn tại đến nay chỉ hơn 80 năm. Dù ra đời sau và muốn thay thế các tôn giáo đã có trước đó, nhưng Đạo Cao Đài không gạt bỏ các tôn giáo đó mà luôn cố gắng tập hợp và dung chứa chúng: “Trọn tuân luật pháp

chân truyền Đạo Cao Đài với tôn chỉ quy nguyên Tam giáo, hiệp nhất Ngũ chi” [107, 17].

Trong ý thức, những người sáng lập ra Đạo Cao Đài tuyên bố dung chứa hết tất cả các tôn giáo có mặt ở Việt Nam, nhưng trong thực tế, Cao Đài thâu nạp Đạo Kitô về mặt tổ chức Giáo hội, thâu hoá Đạo Phật chủ yếu ở giác độ từ bi. Đối với Đạo Nho, thực chất là đạo làm người, Cao Đài dùng đạo lý của Nho trong việc xử thế, tiếp vật “Tam cang, Ngũ thường, Tam tòng, Tứ đức, Trung dung” – là con đường, là khuôn khổ để mọi đẳng cấp trong xã hội hành xử cho hợp với đạo Trời. Đạo Lão có hai khuynh hướng: khuynh hướng Lão – Trang chủ trương tự nhiên vô vi; khuynh hướng Đạo giáo có tính chất thần bí. Trình độ nhận thức của người dân Nam Bộ không thích hợp với thuyết vô vi, cao siêu, uyên bác, nó chỉ thích hợp với Đạo giáo Thần Tiên thiên về thần bí. Đạo Cao Đài tiếp thu Đạo Lão dưới góc độ nầy ; song kết hợp hình thức đồng bóng cầu cơ của Đạo Lão với Thông linh học Phương Tây thành phong trào cầu cơ, chấp bút, gọi tắt là “Cơ bút” – phương tiện khai sinh Đạo Cao Đài.

Lúc mới ra đời Đạo Cao Đài không tránh khỏi những công kích dữ dội. Những nhà lý luận của Đạo Cao Đài đã dựa vào quyển “Tam giáo nhất nguyên thuyết” của Tiến sĩ Trịnh Chuyết Phu (thế kỷ XVIII) để biện hộ cho hiện tượng Cao Đài, xin dẫn sau đây một đoạn: “Cái lý trong thiên hạ, chỉ đến chỗ phải mà thôi. Giữ tâm nuôi tính rồi suy ra mà dựng đặt những cương lĩnh lớn, giúp đỡ cho nền hoá dục lớn, đó là cái lý của nhà Nho. Tỏ tâm rõ tính rồi đi đến chỗ phổ độ chúng sinh, thoát ly bể khổ, đó là cái lý của nhà Phật. Sửa mình luyện tính rồi đi đến chổ vượt ra ngoài sự vật, đứng ra ngoài cõi trần, đó là cái lý của nhà Đạo. Nhà Nho có Tam tài, nhà Phật có Tam thế, nhà Đạo có Tam thanh, cũng chẳng khác gì Trời có ba ngôi sao sáng, vạc vó ba chân, quan hệ mật thiết với nhau. Nói cho rõ là: lễ, nhạc, hình chính của nhà Nho dùng để ngăn ngừa lòng người,

khiến cho con người ta có xu hướng về điều thiện và cấm chỉ các điều ác, xa rời cái xấu và tăng thêm cái đẹp, hiển nhiên vậy. Thanh tĩnh, từ bi của nhà Phật, trừ bỏ nghiệp chướng, cứu người độ vật, cùng đi đến chổ giác ngộ, thì đó là uyên vi trong uyên vi. Nhà Nho chủ trương chỉnh đốn luân thường, duy trì giáo hoá, làm cho người ta đổi thói bạc, làm thói hậu, bỏ điều bạo, chăm điều nhân, đó là công việc rõ ràng. Nhà Đạo chủ trương rửa sạch bụi trần, trừ bỏ tham dục, vượt cõi phàm vào đến cõi thanh, cùng chung duyên lành, thì đó là huyền diệu trong huyền diệu. Sách Đại học nói: “Sáng tỏ đức mình, làm mới đức dân, dừng ở chổ chí thiện”. Kinh Phật nói: “Ma ha tát”. Về ý nghĩa hai đàng có trái ngược nhau đâu... Cho nên, ba giáo vẫn là một môn, ba dòng vẫn là một lý, vốn không phải nước – lửa, đen – trắng, ngọt – đắng, có tính chất chống lại nhau..” [48, 211- 212].

Hoặc: “Nho tức là Thích, mà Thích tức là Nho. Đạo cũng là Nho, mà Nho cũng là Đạo. Những người mặc áo cà sa mà còn chê nhà Nho là kẻ tục... là quên cả tinh thần một gốc sinh ra. Những người đội mũ nhà Nho mà còn khinh miệt Phật, Lão là dị đoan, tức là nói trên quên dưới, kiến thức lệch lạc. Tất cả phải là người biết dung hoà mọi mặt, hợp những nét khác nhau thành một nét chung, không kể sự riêng biệt, chỉ tìm đến cái lý nhất trí mà thôi, như thế mới gọi là người quân tử đạt lý được”. [48, 211-212]

Trong sách “Cãi án Cao Đài”, ông Băng Thanh muốn chứng minh rằng, các tôn giáo về cơ bản đều giống nhau: “Nói tóm lại, Đạo Phật dạy minh tâm kiến tính, Đạo Tiên dạy tu tâm luyện tính, Đạo Nho dạy tồn tâm dưỡng tính; về giáo điều thì Phật có Tam quy Ngũ giới, Tiên có Tam bửu Ngũ hành, Nho có Tam cang Ngũ thường. Về Đạo thì Phật có Mưu ni Bửu châu, Tiên có Thử mễ Huyền châu, Nho có Cửu khúc Minh châu; còn cõi vô vi thì Phật có Niết bàn, Tiên có Bồng lai, Nho có Chí thiện. Tam giáo tuy có cái danh khác nhau, song

tôn chỉ bao giờ cũng là một cả”[48,207-208]. Cơ bút ngày 24.4.1926 cắt nghĩa sự hợp nhất của Đạo Cao Đài như sau: “Vốn từ trước Thầy lập ra Ngũ chi Đại Đạo là: Nhơn đạo – Thần đạo – Thánh đạo – Tiên đạo – Phật đạo. Tuỳ theo phong hoá mỗi thân nhơn loại mà gầy chánh giáo, là vì khi trước càn vô đắc khán, khôn vô đắc duyệt, thì nhơn loại tuy có hành đạo nội tư phương mình mà thôi. Còn nay thì nhơn loại đã hiệp đồng, càn khôn dĩ tận thức, thì lại bị phần nhiều đạo ấy mà nhơn loại nghịch lẫn nhau, nên Thầy mới nhứt định quy nguyên phục nhứt”.

Thực chất giữa Tiên Đạo và Phật Đạo; giữa hư vô và Thiên đàng, có thể hợp nhất được không?

Tiên Đạo là một học thuyết tôn giáo có rất sớm trong tín ngưỡng của con người. Tiên Đạo có trước Phật Đạo, nó là một thứ tư duy hoang tưởng trong điều kiện lịch sử nhất định khi nhận thức của con người chưa được phân đôi ở cấp độ của tư duy huyền thoại. Phật Đạo vừa là yếu tố của lịch sử, vừa là yếu tố của hình ảnh, Phật là một hình hài có thật, hình ảnh Phật là chổ dựa tâm lý của con người. Ta không thể hợp nhất một tư duy hoang tưởng, nặng yếu tố mê tín dị đoan với một tư tưởng hiện thực luôn hướng con người đến tầm cao vũ trụ.

Giữa hư vô và Thiên đàng có thể hợp nhất được không?

Đối với những người không theo tôn giáo thì hư vô hay Thiên đàng đều là một khoảng không gian trống rỗng. Nhưng đối với tín đồ thì hư vô là trống không, còn Thiên đàng là mục đích để con người vươn tới.

Vậy, giữa Tiên Đạo và Phật Đạo, giữa hư vô và thiên đàng chỉ hợp nhất được khi nó được hiểu theo nghĩa tư duy thông thường của người Nam Bộ. Còn xét ở góc độ bản thể luận thì hình ảnh thiên đàng vừa thể hiện sự tưởng tượng, sự kế thừa nhận thức của con người nguyên thuỷ, nó vừa là hình ảnh mà người ta

nêu ra để giải quyết cuộc sống. Thế nên không thể hợp nhất giữa hư vô và Thiên đàng, vì nó phản ánh hai thời kỳ lịch sử khác nhau.

Nhìn bề ngoài, các tôn giáo có thể giống nhau, nhưng bên trong bao giờ chúng cũng có chổ không thích hợp nhau. Thuở mới ra đời, “quy nguyên”, “phục nhất”, rồi đem các vị thần thờ chung một chỗ là cách để Đạo Cao Đài dễ dàng lôi kéo tín đồ các tôn giáo về phía mình.

Ngày nay, bình tĩnh mà suy từ lịch sử tư tưởng Việt Nam trong vòng nhiều thế kỷ, chúng ta có thể thấy rằng, lý thuyết của Đạo Cao Đài phần nào xuất phát từ tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” thời Lý, Trần. Nhưng đến thế kỷ XX, sự dung hợp “Tam giáo” của Đạo Cao Đài có sự chuyển biến. Sự chuyển biến ấy không phải là sự vận động tự thân, nội tại, mà do những điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội ở Nam Bộ tác động. Nếu như ở thời Trần “đồng nguyên” trên cơ sở Phật giáo, ở cuối thời Lê “đồng nguyên” trên cơ sở Nho giáo, thì đến những năm 30 của thế kỷ XX, tư tưởng “đồng nguyên” của Đạo Cao Đài trên cơ sở Đạo giáo và truyền thống tín ngưỡng vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Điều nầy dễ hiểu, bởi Nam Bộ là vùng đất mới, xứ mà người ta gọi là Đàng Trong, chưa biết Khổng Tử là ai, truyền thống Nho học thì nông cạn, nhưng tín ngưỡng ma thuật, Đạo giáo phù thuỷ khá phổ biến. Nên tư tưởng “đồng nguyên” trên cơ sở Đạo giáo của Đạo Cao Đài phù hợp với truyền thống, cốt cách, bản sắc văn hoá tinh thần của cư dân Nam Bộ.

Về phía những người sáng lập Đạo Cao Đài, phần đông họ là công chức, quan lại làm việc cho Pháp, được Pháp đào tạo, họ chịu ảnh hưởng tư tưởng phương Tây rất mạnh, song họ lại không có chiều sâu về triết lý phương Đông. Bởi thế, những người sáng lập Đạo Cao Đài không thể đưa ra một hệ thống luân lý riêng, mà họ chỉ có thể hoà lẫn giữa các tín điều, nghi lễ, giáo lý của Phật, Lão, Nho, sau đó kết hợp nó với Thông linh học Phương Tây để hình thành nên

giáo lý của Đạo Cao Đài: “Tam giáo đồng nguyên”, “Ngũ chi hợp nhất”, “Cơ bút”.

Có thể nói, Đạo Cao Đài ra đời là sự tiếp biến, hỗn dung, tái cấu trúc các dòng tư tưởng vốn có, phù hợp với nhu cầu đời sống tâm linh của một bộ phận cư dân Nam Bộ trong những điều kiện lịch sử nhất định. Nói “tiếp biến”, “hỗn dung” vì giáo lý của nó là sự tổng hợp giáo lý của các tôn giáo có mặt ở Việt Nam lúc bấy giờ, trong đó lấy tư tưởng của Phật, Lão, Nho làm nền tảng. Nói “tái cấu trúc” vì trong phương thức tổ chức, hình thức lễ nghi, trong giáo lý Đạo Cao Đài đã cấu trúc lại, dựa vào điều kiện thực tế của địa phương. Do đó, tái cấu trúc gắn liền với bản địa hoá các dòng tư tưởng.

Ngoài ra, cũng cần thấy rằng, tổng hợp theo nghĩa đưa các yếu tố đối lập nhau về nguyên tắc, trong đó có sự đối lập nhau ở khía cạnh thế giới quan và nhân sinh quan vào trong một hệ thống, là một sự Chiết trung tư tưởng. Điều này giải thích vì sao Đạo Cao Đài không phổ biến rộng rãi, không phát triển thành một tôn giáo lớn, mà chỉ giới hạn trong một khu vực, cho dù nó cố gắng dung hợp các tôn giáo và đạo lý đương thời.

Một phần của tài liệu Đạo cao đài hiện nay và ảnh hưởng của nó đến đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người việt vùng đông nam bộ (Trang 56 - 61)