B. Theo Quyết định số 833 TM/TCCB ngày 17/10/1999 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về chuyển giao một số nhiệm vụ từ Vụ xuất nhập khẩu sang:
2.3.1. Những tồn tại, hạn chế của hoạt động gia công quốc tế tại Việt Nam.
+ Do thiếu hệ thống văn bản pháp lý thống nhất điều hành hoạt động gia công hàng hoá cho nước ngoài nên nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ tìm kiếm khách hàng đặt gia công và nhận gia công với điều kiện và giá gia công không thuận lợi, miễn là có việc làm. Vậy là chỉ vì lợi ích trước mắt, cục bộ của doanh nghiệp để giải quyết khó khăn về vốn, thị trường tiêu thụ dẫn đến tình trạng cạnh tranh khá gay gắt về đối tác đặt gia công, kết quả là giá gia công tụt xuống thấp, gây thiệt hại trực tiếp đến thu nhập của người công nhân cũng như lợi ích của toàn doanh nghiệp và lợi ích chung của nền kinh tế quốc dân.
Cũng do không có sự quản lý thống nhất mà mỗi ngành chức năng ra văn bản hướng dẫn quản lý riêng của ngành mình, không tránh khỏi tình trạng văn bản chồng chéo, trái ngược nhau, khiến cho các doanh nghiệp nhận gia công gặp nhiều khó khăn, thiệt hại không đáng có. Trường hợp công ty du lịch Bình Dương ký hợp đồng gia công sử lý 500 tấn mạng điện tử cũ quá hạn với công ty Jonwa enterprise Co.Ltd - Đài Loan đã được Bộ Thương mại đồng ý bằng văn bản số 957 ngày 1/3/1998, đến khi nhận hàng về tiến hành gia công, phân loại thì Cục bảo vệ môi trường yêu cầu đình chỉ và tiêu huỷ ngay số nguyên liệu trên. Điều trên xảy ra là do trong điều 29 Luật Bảo vệ môi trường đã quy định: các mạng điện tử đã qua sử dụng là các chất thải bị cấm nhập khẩu vì có chứa chất độc hại. Vậy mà các ngành chức năng quản lý như Bộ Thương mại, Hải quan vẫn để cho số chất thải này lọt vào trong nước một cách hợp pháp và hậu quả là công ty phải chi phí thêm tiền để tiêu huỷ và nạn ô nhiễm môi trường trong nước vì thế mà tăng lên.
+ Một hạn chế khác của phương thức gia công là hiệu quả kinh doanh thấp, gây cản trở cho sự phát triển của các ngành kinh tế với các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn như ngành may mặc, giày dép, cơ khí lắp ráp,...
Đây là hạn chế do bản thân phương thức gia công đem lại. Do thiếu vốn đầu tư mà các doanh nghiệp của ta lựa chọn phương thức gia công mà thực chất là bán sức lao động với giá rẻ, nên hiệu quả thu về thấp. Ví dụ như công ty xuất nhập khẩu may Nhà Bè trong doanh thu 30 triệu USD, tiền nguyên phụ liệu của nước ngoài đã là 28 triệu USD, tiền gia công chỉ còn 2 triệu USD. Một số doanh nghiệp may bị các thương nhân nước ngoài lợi dụng tính thời vụ trong ngành may để ép giá gia công với mức giá rẻ hơn 20% so với giá thông thường hoặc còn thấp hơn nữa: một chiếc áo Jacket thông thường có tiền công khoảng 3 USD/1 áo, có nơi cần việc đã phải ký với giá 1,3 đến 1,7 USD/1 áo. Giá gia công giầy thể thao với Đài Loan tính đồng loạt 0,7 USD/1 đôi không kể đến mẫu mã đơn giản hay phức tạp. Vì vậy nếu chỉ trông vào kim ngạch xuất khẩu hàng gia công mà đánh giá một ngành hàng đem lại hiệu quả kinh tế cao thì đó là sai lầm. Thực chất đời sống của người lao động làm hàng gia công hiện nay rất thấp, sức lao động bị bóc lột nặng nề, nhất là trong các xí nghiệp liên doanh với nước ngoài, thu nhập của công nhân ngành may ở xí nghiệp làm ăn khá giả chỉ đạt khoảng 480 USD/người/năm. Tương đương tiền lương 1 tháng của công nhân may ở Hàn Quốc hoặc Đài Loan, trong khi tay nghề của người lao động Việt Nam không hề thua kém.
Chính vì hiệu quả kinh doanh thấp nên phần đầu tư trở lại để tái sản xuất mở rộng rất hạn chế.
+ Việc chuyển đổi phương thức gia công thông thường sang phương thức “mua đứt, bán đoạn” chưa được chú trọng. Thực tế các doanh nghiệp làm gia công cũng muốn tìm cách để thoát khỏi tình trạng làm thuê, bán sức lao động với giá rẻ mạt. Phương thức “mua nguyên liệu bán sản phẩm” rõ ràng là mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, phát huy được tính chủ động sáng tạo của công nhân viên và tận dụng được công suất máy móc. Nhưng khi chuyển sang phương thức này thì cần phải có vốn lưu động lớn và chịu nhiều rủi ro hơn. Theo quy định hiện nay cứ nhập 1 triệu USD nguyên phụ liệu thì xí nghiệp phải tạm ứng 30% tiền thuế, sau một vòng sản xuất (thường là 3 tháng) số giá trị tăng thêm đem trả lãi ngân hàng cũng gần hết, so đi tính lại không hơn làm gia công bao nhiêu. Vì vậy mà nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang phương thức này một thời gian rồi lại quay về phương thức gia công thông thường. Cho nên khả năng tập dượt để xâm nhập thị trường mới thông qua phương thức gia công ở nước ta hiện nay thực tế là không đem lại hiệu quả được bao nhiêu. Khách hàng tiêu thụ chính các mặt hàng may mặc, giầy da, túi xách của ta trên thế giới hầu hết lại không phải là người đặt hàng trực tiếp mà thông qua trung gian. Một đôi giầy thể thao Đài Loan thuê ta gia công, cả chi phí nguyên vật liệu + tiền công chưa đến 20 USD mà giá bán sang các nước Tây Âu tới 35 đến 40 USD, lấy ví dụ một sản phẩm xuất khẩu là áo sơ mi nếu hàng năm ta xuất khẩu khoảng 840 triệu sản phẩm với giá bán 3,4 USD/chiếc (theo phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm) thì có thể thu được gần 3 tỷ USD/năm, còn nếu làm gia công như hiện nay thì chỉ thu được gần 600 triệu USD/năm. Vì vậy yêu cầu chuyển đổi phương thức gia công cho có hiệu quả cao hơn tiến tới chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ chủ yếu bằng cách xuất khẩu trực tiếp luôn được đặt ra một cách bức xúc đối với tất cả các doanh nghiệp kinh doanh gia công xuất khẩu hiện nay.
+ Một hạn chế khác nữa là do bị phụ thuộc quá nhiều vào đối tác nước ngoài về việc cung cấp nguyên vật liệu nên chúng ta chưa chú trọng đến công nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu tại chỗ, chất lượng và số lượng nguyên vật liệu sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm gia công. Nguyên nhân sâu xa là do ta thiếu vốn đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến vào các ngành sản xuất nguyên liệu như ngành dệt, thuộc da, cơ khí chế tạo,... cũng do thiếu vốn và thiếu thông tin nên đầu tư một cách chắp
vá, không đồng bộ hoặc đầu tư ồ ạt vào một loại thiết bị gây nên sự lãng phí. Hiện nay các ngành may mặc và đồ da bị phụ thuộc hơn 80% nguyên liệu chính vào nước ngoài. Đối với phương thức gia công thì tỷ lệ hàng ngoại nhập quá cao trong sản phẩm. Điều này gây ra hai hậu quả không tốt đó là: hiệu quả kinh tế thấp; tỷ lệ hàng nhập quá cao trong sản phẩm sẽ không được hưởng quy chế tối huệ quốc khi xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường Mỹ, EU. Ví dụ với hàng may mặc quy chế tối huệ quốc của Mỹ quy định trong từng sản phẩm xuất khẩu vào Mỹ thì phần đóng góp của nước xuất khẩu không được dưới 35% trị giá. Vậy mà hàng gia công của chúng ta vẫn chủ yếu là nhập ngoại nguyên phụ liệu. Vì vậy việc giảm dần tỷ lệ nguyên phụ liệu nhập ngoại, thay bằng sản xuất trong nước đang là yêu cầu cấp bách trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế hướng về xuất khẩu.