Thị trường nhập khẩu

Một phần của tài liệu Chính sách quản lí nhập khẩu ô tô của Việt Nam và định hướng hoàn thiện (Trang 35 - 40)

2.1.2.1. Ô tô nguyên chiếc

Thị trường nhập khẩu ô tô đã được mở rộng rất nhiều trong giai đoạn 2001 – 2011. Nhìn chung ô tô được nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau, nhưng số lượng lớn nhất được nhập khẩu từ Hàn Quốc chiếm khoảng 60 – 70 % tổng số ô tô nhập khẩu vào Việt Nam trong những năm qua. Các tổ chức cá nhân nhập khẩu mua nhiều xe từ thị trường ô tô bãi của Hàn Quốc vì rất nhiều lí do. Công nghiệp ô tô của Hàn Quốc rất phát triển, ô tô được bán rộng rãi trên khắp thế giới đặc biệt là các nước đang phát triển hoặc kém phát triển. Đây là đất nước có vị trí địa lý rất gần với Việt Nam, phong tục tập quán có rất nhiều điểm tương đồng. Mặt hàng xe ô tô công cộng, phục vụ giao thông vận tải công cộng như xe buýt các loại chủ yếu vẫn được nhập khẩu tại thị trường này. Cụ thể về cơ cấu thị trường như sau:

Năm 2002. các nguồn nhập khẩu ô tô nguyên chiếc lớn nhất của Việt Nam là Hàn Quốc, chiếm 71% tổng lượng, cùng với Nga, Đức chiếm tỷ trọng 86% về lượng và 67% về trị giá. Sang năm 2003, nguồn nhập chủ yếu vẫn là Hàn Quốc chiếm 71% về số lượng và 50% về giá trị, tiếp sau là Nga và Mỹ. Thời điểm này, hầu hết các thị trường lớn nhập xe đều giảm, riêng Mỹ tăng từ 867 xe năm trước lên gần 1500 xe. Trong năm 2004, thị trường Hàn Quốc cung cấp 70% lượng xe nhập khẩu, tiếp theo là Mỹ ( 10%), Nhật Bản ( 5% ) chủ yếu là xe dưới 12 chỗ ngồi.

Các năm sau đó, Hàn Quốc tiếp tục vẫn là thị trường lớn nhất cung cấp ô tô nguyên chiếc cho Việt Nam, tiếp theo vẫn là các thị trường Nhật Bản, Nga, Mỹ, Trung Quốc. Có thể thấy sự thay đổi về cơ cấu thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc của Việt Nam từ năm 2002 đến năm 2008 qua biểu đồ sau:

Biểu đồ 2.1: Cơ cấu thị trường nhập khẩu ô tô nguyên chiếc

Nguồn: Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan – Tổng cục Hải quan ( 2009 )

Tháng đầu năm 2010, Việt Nam nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ 10 thị trường trên thế giới, trong đó Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam về mặt hàng này với 1.714 chiếc, trị giá 18,3 triệu USD, tăng 120,8% về lượng và 166,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2009.

Nhật Bản – tuy đứng thứ hai sau thị trường Hàn Quốc về xuất khẩu ô tô nguyên chiếc sang thị trường Việt Nam, nhưng lại là thị trường có mức xuất khẩu tăng mạnh mặt hàng này sang Việt Nam. So với cùng kì năm 2009, tháng 1/2010, Việt Nam nhập khẩu 485 chiếc, trị giá 92 triệu USD (tăng gấp hơn 9 lần về lượng và gấp hơn 3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2009); so với tháng 12/2009, lượng ô tô nhập về từ thị trường này giảm 54,33%.

Đứng thứ ba là thị trường Hoa Kỳ với lượng nhập 457 chiếc, trị giá 9,3 triệu USD tăng 102,2% về lượng nhưng giảm 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2009. So với tháng cuối năm 2009, lượng ô tô nhập từ Hoa Kỳ giảm 77,4% về lượng và 82,11% về trị giá.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2011 về nguồn gốc xuất xứ áp đảo thị trường ô tô nhập ngoại vào Việt Nam là xe từ Hàn Quốc, với 15.199 chiếc, chiếm 44,5% thị

phần, tương đương giá trị 152 triệu USD. Đứng thứ 2 là xe từ Nhật Bản (3.734 chiếc), rồi tới Đài Loan (3.650 chiếc), Trung Quốc đại lục (3.328 chiếc), và Thái Lan (2.829 chiếc).

Đáng lưu ý là xe nhập từ Trung Quốc đại lục tuy đứng thứ 4 về số lượng nhưng lại đứng thứ 2 về giá trị trong tổng nhập khẩu vào Việt Nam nửa đầu năm 2011 với 117,2 triệu USD. Trong kỳ, nếu so sánh tương quan với xe nhập từ Hàn Quốc, ô tô nhập từ Trung Quốc chỉ bằng gần 1/5 về lượng nhưng bằng 2/3 về giá trị.

Các loại xe tải, chuyên dụng, ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng ta còn nhập chủ yếu từ các nước Châu Âu, các nước này có ngành công nghiệp ô tô đã rất phát triển có thể sản xuất những loại xe đòi hỏi kỹ thuật sản xuất phức tạp.

2.1.2.2. Linh kiện phụ tùng ô tô

Năm 2002, linh kiện ô tô dạng CKD, SKD các loại số nhập từ 2 thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 74% về lượng và 69% về trị giá. Sang năm 2003, thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc với số lượng mỗi nước là 17.500 bộ, chiếm 27% tỷ trọng về lượng nhập.

Trước năm 2006, nước xuất khẩu sản phẩm này nhiều nhất sang Việt Nam là Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc. Trung bình mỗi năm tổng kim ngạch nhập khẩu phụ tùng từ Nhật Bản của nước ta là 6.627.000 USD. Cơ cấu thị trường nhập khẩu phụ tùng của nước ta cũng thay đổi liên tục theo từng năm nhưng chủ yếu vẫn là nhập khẩu từ hai nước này. Ngoài ra, chúng ta còn nhập khẩu từ một số nước như Thái Lan, Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc, … nhưng với kim ngạch rất thấp.

Các năm tiếp theo, Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan vươn lên cùng với Nhật Bản và Hàn Quốc trở thành những thị trường chủ yếu cung cấp linh kiện phụ tùng ô tô cho Việt Nam. Đặc biệt là thị trường Thái Lan đã dần trở thành nhà cung cấp linh kiện lớn nhất cho Việt Nam.

Kim ngạch nhập khẩu linh kiện ô tô năm 2009 từ các thị trường hầu hết đều tăng so với năm 2008. Nhập khẩu từ Thái Lan dẫn đầu về kim ngạch với 405,95 triệu USD và cũng dẫn đầu về mức tăng trưởng so với năm 2008 tới 68,61%. Nhập khẩu từ Hàn Quốc xếp thứ 2 về mức độ tăng trưởng với 52,78%, đạt 287,46 triệu USD; kim ngạch nhập từ Đức tăng 52,07%; từ Đài Loan tăng 50,06%; Nhật Bản tăng 16,95%; Philipines tăng 15,6%; Trung Quốc tăng 6,69%. Kim ngạch nhập

khẩu từ Nga năm 2009 chỉ đạt 5,85 triệu USD, giảm mạnh nhất tới 77,02%; tiếp theo là nhập từ Indonesia giảm 38,95%; Achentina giảm 21,58%. So với năm 2008, năm 2009 Việt Nam có thêm 7 thị trường mới đó là: Hà Lan, Ấn Độ, Malaysia, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Braxin và Thụy Điển.

Bảng 2.3: Kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô từ các thị trường năm 2008, 2009, 2010, 2011

Đơn vị tính: Triệu USD

Thị trường 2008 2009 2010 2011

Thái Lan 240,76 405,95 425,20 491,74 Hàn Quốc 188,15 287,46 341,54 483,21 Nhật Bản 337,54 394,75 344,53 413,13 Trung Quốc 294,64 314,35 284,32 218,93

Nguồn: Tổng cục Hải quan (2011)

Năm 2011 nhập khẩu phụ tùng ô tô từ thị trường Thái Lan trị giá 491,74 triệu USD, chiếm 23,7% tổng kim ngạch, tăng 15,65% so với năm 2010; nhập từ Hàn Quốc 483,21 triệu USD, chiếm 23,29%, tăng 41,48%; nhập từ Nhật Bản 413,13 triệu USD, chiếm 19,91%, tăng nhẹ 3,33%; nhập khẩu từ Trung Quốc 218,93 triệu USD, chiếm 10,55%, giảm 23,2%; nhập từ Hà Lan 141,21 triệu USD, chiếm 6,81%, tăng 44,53% so với năm 2010.

Trái ngược với 3 thị trường chính là Thái Lan, Hàn Quốc và Nhật Bản, năm 2011 nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô từ các thị trường khác đa số bị sụt giảm kim ngạch so với năm 2010; trong đó các thị trường có độ sụt giảm mạnh từ 40% đến trên 60% như: Thụy Điển (giảm 64,87%, đạt 2,65 triệu USD); Achentina (giảm 59,57%, đạt 9,66 triệu USD); Nga (giảm 46,63%, đạt 4,4 triệu USD); Braxin (giảm 43,12%, đạt 4,16 triệu USD). Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Tây Ban Nha tăng mạnh nhất 71,15%, đạt 8,53 triệu USD; tiếp đến Hà Lan tăng 44,53%, đạt 141,21 triệu USD; Hàn Quốc tăng 41,48%, đạt 483,21 triệu USD… thị trường Nhật Bản tăng ít nhất 3,33% về kim ngạch so với năm 2010.

Một phần của tài liệu Chính sách quản lí nhập khẩu ô tô của Việt Nam và định hướng hoàn thiện (Trang 35 - 40)